Seoul triển khai mạng IoT công cộng toàn thành phố vào năm 2023
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:24, 17/07/2021
Mới đây, Chính quyền thủ đô Seoul đã thông báo mạng IoT công cộng trên toàn thành phố sẽ hoàn thành vào năm 2023. Nền tảng vận hành dự kiến sẽ được thiết lập tại Tòa thị chính vào cuối năm 2021.
Mạng IoT công cộng nhằm hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ công cộng như bãi đậu xe chung, đèn đường thông minh và ngăn chặn "sự biến mất" thông qua việc sử dụng các cảm biến IoT.
Chính phủ sẽ thu thập dữ liệu liên quan tới các lĩnh vực khác nhau bao gồm giao thông, an toàn và môi trường thông qua các cảm biến IoT, đồng thời cho phép truyền nhận dữ liệu qua lại lẫn nhau đến và từ 25 văn phòng quận trong thành phố.
Với mạng lưới IoT ở "mọi ngóc ngách của thành phố", Chính quyền thủ đô Seoul cho biết họ sẽ phát triển cơ sở hạ tầng lõi để quản lý hiệu quả ngày càng nhiều các dịch vụ IoT cũng như cung cấp các "dịch vụ phức hợp" của thành phố thông minh (TPTM). Việc thay thế các mạng di động hiện có bằng mạng riêng của thành phố, mạng thông minh Seoul (S-Net- Smart Seoul Network) dự kiến sẽ giảm đáng kể phí dịch vụ IoT vốn đang tăng liên tục.
Lee Weon-Mok, Tổng giám đốc Dự án TPTM của Seoul, cho biết: "Chúng tôi mong đợi sự gia tăng đáng kể trong giao tiếp đối tượng cũng như giao tiếp giữa người với người trong tương lai. Về mặt này, S-Net sẽ đóng vai trò là cơ sở hạ tầng lõi kết nối toàn bộ mạng IoT ở Seoul".
Trong tương lai, chính quyền thành phố sẽ giới thiệu thêm nhiều dịch vụ khác nữa nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Seoul bằng cách cung cấp dữ liệu cho các công ty khởi nghiệp và viện nghiên cứu.
Các dịch vụ được triển khai cho người dân dự kiến bao gồm: đọc đồng hồ nước từ xa thông qua cảm biến IoT; phát hiện cháy thông qua giám sát điện tại các chợ truyền thống; và "IoT ngăn ngừa chết một mình" thông qua các cảm biến phát hiện chuyển động trong các hộ gia đình có người độc thân lớn tuổi.
Hạ tầng lõi
Mạng trung kế dựa trên LoRa có chiều dài 421 km sẽ được triển khai trên khắp Seoul vào cuối năm 2021. LoRa cung cấp các giải pháp IoT thông minh cho các thiết bị tiêu thụ điện năng thấp và được sử dụng trong quản lý năng lượng, giảm thiểu tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, v.v.
Có tới 1.000 trạm gốc LoRa dành riêng cho IoT sẽ được lắp đặt trong các tòa nhà công cộng chẳng hạn như các trung tâm cộng đồng. Trong số này, 195 trạm đã được lắp đặt tại các quận Eunpyeong, Guro và Seocho. Các quận này hiện đang triển khai các dịch vụ IoT thử nghiệm, bao gồm quản lý an toàn cho các cơ sở nguy hiểm, chiếu sáng thông minh và giám sát bụi mịn. Trong khi các trạm LoRa khác sẽ được triển khai tại 19 văn phòng quận vào năm 2022 và 3 văn phòng quận vào năm 2023.
Trước đó, Seoul cũng đã công bố kế hoạch sử dụng dữ liệu IoT và blockchain để giám sát các tòa nhà cũ nhằm phát hiện các vấn đề an toàn tiềm ẩn một cách tự động.
Mạng IoT công cộng - Một phần trong kế hoạch TPTM của Seoul
Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo đến năm 2025 sẽ có 55,7 tỷ thiết bị được kết nối trên toàn thế giới. Hiện nay, nhiều thành phố khác cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị cho sự tăng trưởng này. Ví dụ, thành phố New York đã đưa ra chiến lược về IoT bao gồm các ưu tiên và các bước tiếp theo cho sự phát triển TPTM của thành phố. Cụ thể, cập nhật và duy trì liên tục kiểm kê nội bộ các thiết bị IoT của thành phố; Thiết lập quy trình đánh giá thiết bị được tiêu chuẩn hóa với sự phối hợp của các bên liên quan bao gồm giám sát công bằng, bảo mật và quyền riêng tư; Thiết lập phạm vi và tài nguyên cho bảng điều khiển dữ liệu IoT trên toàn thành phố; Chương trình thu thập dữ liệu IoT nhanh chóng,...
Nỗ lực nhằm thiết lập mạng IoT trên toàn thành phố của Seoul là một phần trong khoản đầu tư 102,7 tỷ won (85,8 triệu USD) để thiết lập "Mạng thông minh Seoul" (S-Net), một sáng kiến nhằm vượt qua các công ty tư nhân cung cấp mạng để trực tiếp mang lại mạng Internet không dây cho người tiêu dùng. Theo kế hoạch, Wi-Fi công cộng miễn phí sẽ có mặt ở tất cả các ngóc ngách của thành phố Seoul, Hàn Quốc kể từ năm 2022, thời điểm thành phố trở thành một TPTM siêu kết nối.
Được công bố vào năm 2019, kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài trong 3 năm, nhằm giải quyết những khó khăn thách thức của thành phố như Wi-Fi công cộng miễn phí, phổ biến rộng rãi (dựa trên tiêu chuẩn Wi-Fi 6) phủ sóng 4.237 km, ưu tiên lắp đặt ở các khu vực đông dân cư.
Đến năm 2022, chính quyền thành phố dự định tăng số điểm truy cập Wi-Fi công cộng (AP) hơn 200%. Với hơn 6 triệu cư dân, chi phí tiết kiệm được dự kiến sẽ rất lớn.
Về phía mỗi người dân, khi dự án hoàn thành, khoản chi phí thông tin liên lạc hàng năm tiết kiệm được dự kiến lên đến 630.000 won (527 USD). Tổng chi phí tiết kiệm trên toàn Seoul sẽ lên tới khoảng 3,88 nghìn tỷ won (3,25 tỷ USD)
Hàn Quốc - Quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phát triển TPTM
Vào năm 2020, Seoul đã chính thức ra mắt hệ thống ID số dựa trên blockchain đầu tiên của đất nước.
Ngoài Seoul, Hàn Quốc còn triển khai một số sáng kiến TPTM khác, với sáng kiến gần đây nhất là việc sử dụng hệ thống nhận dạng phi tập trung dựa trên blockchain để quản lý nhận dạng công dân ở thành phố Busan.
Như một phần của chiến lược TPTM của mình, chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay vào việc thiết lập các khu vực miễn trừ pháp lý (Regulatory Free Zone), nhằm theo đuổi các thử nghiệm công nghệ khác nhau.
Busan đã được thiết lập là "khu vực miễn trừ pháp lý về blockchain", về cơ bản được vận hành như một nơi thử nghiệm để chính phủ phát triển và thực hiện các giải pháp cũng như sáng kiến dựa trên blockchain. Khu vực blockchain của Busan là khu vực miễn trừ pháp lý mới nhất do chính phủ chỉ định để thử nghiệm các công nghệ và đổi mới khác nhau.
Sáu khu vực khác đã được thành lập ở nhiều vùng khác nhau của đất nước, bao gồm Gangwon-do (y tế số); Thành phố Daegu (sức khỏe thông minh); Thành phố Sejong (xe tự hành); Jeollanam-do (thiết bị di động điện tử); Chungcheongbuk-do (kiểm soát an toàn thông minh) và Gyeongsangnam-do (tái chế pin tiên tiến)./.