Nền tảng thương mại điện tử kiếm lời từ giãn cách

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:36, 16/07/2021

So với các nhà bán lẻ truyền thống, các nền tảng thương mại điện tử đang tỏ rõ hiệu quả trong việc nắm bắt những cơ hội từ đại dịch.

Tăng trưởng kỷ lục

Kể từ khi Covid-19 bùng phát trở lại, hơn tháng qua, Ngô Thu Hà, 29 tuổi, biên tập viên Tạp chí Thời trang ở TP.HCM cho biết, cô hầu như không đi đến các siêu thị gần nhà để mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả, bởi cũng như các mặt hàng khác, thực phẩm tươi sống có thể dễ dàng mua trực tuyến.

“Tôi hạn chế đi ra ngoài để duy trì giãn cách xã hội trong thời gian này. Vì vậy, khi cần mua rau, trái cây, sữa, thịt, tôi chọn các nền tảng thương mại điện tử bán thực phẩm tươi trực tuyến như Tiki, Lazada, Shopee... Đồng thời, tôi cũng sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh của họ”, Hà cho biết.

Chớp cơ hội từ giãn cách, đồng loạt các nền tảng thương mại điện tử đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Tiki, Lazada, Shopee đã đưa những gian hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả vào hoạt động.

Trong những tháng gần đây, nhu cầu giao hàng thực phẩm tươi tại Việt Nam tăng mạnh. Vào thời điểm này của năm ngoái, đồng loạt các nền tảng thương mại điện tử đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Tiki, Lazada, Shopee đã đưa những gian hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả vào hoạt động.

Sau 6 tuần giãn cách ở TP.HCM, ngành hàng thực phẩm tươi sống TikiNGON của Tiki đã có mức tăng trưởng kỷ lục gấp hơn 10 lần so với trước lúc bùng dịch.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm đa dạng và tăng cao, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, Tiki đã lên kế hoạch và chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cả về lượng và chất cũng như giá cả hợp lý.

Cụ thể, ở ngành hàng tiêu dùng, Tiki đã tăng lượng cung hàng hóa tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm (hợp tác với các nhà bán thực phẩm tươi sống), đồ dùng chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay) và thực phẩm khô (bánh kẹo, mỳ tôm…).

Số lượng nhà bán thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống trên cả nước chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục đến 3,1 lần so với trước khi giãn cách. Con số này được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt, đối với các nhà bán hàng thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống TikiNGON, Tiki triển khai gói hỗ trợ chi phí logistics trong 2 tuần kể từ ngày 9/7.

Trong khi đó, đối thủ của Tiki là Lazada cũng đón nhận con số tăng trưởng vượt bậc. Trong Lễ hội mua sắm lớn giữa năm của Lazada vừa qua, ngành hàng tươi sống tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dù chưa có lệnh ngừng chợ tự phát.

Đại diện gian hàng Foodmap Flagship Store trên LazMall của Lazada cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về số lượng đơn hàng thực phẩm tươi sống và nông sản. Riêng trong tuần qua, sức mua tăng gấp 4,5 lần so với bình thường.

Tương tự mặt hàng trái cây, rau củ, thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt heo cũng ghi nhận khối lượng đơn hàng nhiều gấp 3 - 4 lần chỉ sau một tuần. Hiện gian hàng TopMeal phải xử lý khoảng 600-700 đơn hàng thịt heo đông lạnh mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu người dùng.

Với mặt hàng thịt gà mát (bảo quản nhiệt độ dưới 5 độ C), Gà Ngon 3F trên sàn thương mại điện tử Lazada ngoài số lượng và giá trị đơn hàng tăng gấp 2-3 lần so với thường ngày, tỷ lệ quay lại mua hàng cũng nhiều hơn, từ một lần/tuần thành 2-3 lần/tuần.

Nhờ các sàn thương mại điện tử mà nông dân cũng thu được lợi ích lớn. Ông Trần Văn Nghệ, 57 tuổi, chủ vựa sầu riêng ở ấp 4, xã Phú An, huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho hay, ông đã rất lo sợ về tình hình kinh doanh kể từ khi đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, doanh số đang có dấu hiệu tốt hơn khi trước. Thậm chí sầu riêng hạt lép Ri 6 và Monthong mà ông bán cho thương lái và các vựa từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Số thương lái đến thu mua tăng cao do nhiều tỉnh, thành phố dù có dịch, nhưng nhu cầu ăn vẫn rất cao. Đặc biệt, các tiểu thương có gian hàng tại các sàn thương mại điện tử đã mua hàng với số lượng lớn.

Thậm chí, các nông dân cũng có thể livestream bán sầu riêng. Đại diện Tiki cho hay, đã cử một đội hỗ trợ livestream, xuống tận vùng trồng sầu riêng để hướng dẫn nông dân livestream bán hàng. Kết quả, họ bán được gấp rưỡi số lượng sầu riêng kỳ vọng, phải xin lỗi người xem vì không có đủ hàng để bán.

Đi vào ngõ ngách sâu nhất

Mở bán ngành hàng thực phẩm tươi sống là nỗ lực của các sàn thương mại điện tử trong chuỗi hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng chống đại dịch Covid-19. Không chỉ vậy, với bước đi này, họ đi vào ngõ ngách sâu nhất trong thói quen mua hàng tươi sống của người tiêu dùng Việt.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để họ có thể kinh doanh thành công trên nền tảng số.

Cần phải nhắc lại là, các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang “thèm khát” trái cây ở khu vực Đông Nam Á. Thị trường nông sản trong khu vực đang trở thành “đấu trường” cạnh tranh giữa các hãng công nghệ Trung Quốc như Pinduoduo, Alibaba và JD.com. Họ đang tăng cường đầu tư và trợ cấp cho nông dân.

Pinduoduo đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là nâng tổng giá trị hàng hóa của Công ty từ các sản phẩm nông nghiệp lên gấp 7 lần, đạt 145 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, sầu riêng, thanh long và dừa là những mặt hàng bán chạy nhất, với hàng trăm triệu người dùng đã mua trên nền tảng của họ.

Vào tháng 7/2020, Pinduoduo tung tin sẽ khởi động dự án National Pavilion, bao gồm việc cung cấp 1 tỷ nhân dân tệ vào việc đầu tư và trợ cấp để khuyến khích các thương gia bên ngoài Trung Quốc thiết lập các cửa hàng nhỏ (micro-shop) trên nền tảng của mình. Công ty cũng cho phép các nhà sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài live stream và tương tác với người tiêu dùng Trung Quốc.

Các tên tuổi này hiện là cổ đông chi phối tại Tiki, Lazada, Shopee, đang nhắm tới Đông Nam Á để cải thiện toàn bộ chuỗi cung ứng của mình./.

Vũ Anh