Giải bài toán chuyển đổi việc làm trong kỷ nguyên 4.0
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:34, 16/07/2021
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho NLĐ nhiều cơ hội việc làm mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là những NLĐ chưa qua đào tạo. Do đó, vấn đề đào tạo, đào tạo bổ sung cho NLĐ ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giải quyết bài toán chuyển đổi việc làm cho NLĐ thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cần có sự tham gia đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của NLĐ.
Giỏi một nghề nhưng cũng cần biết… nhiều nghề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những vấn đề lớn cho NLĐ như cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao, máy móc công nghệ kỹ thuật cao, trí tuệ nhân tạo thay thế NLĐ. Lúc đó, lao động giá rẻ, trình độ thấp sẽ bị loại bỏ. TS. Phạm Ngọc Thành (Giám đốc cơ sở II, Trường ĐH Lao động - Xã hội) khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp và NLĐ. Dễ nhận thấy nhất là việc ứng dụng CNTT triệt để trong doanh nghiệp, từng ngành nghề để tăng năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động tích cực như giảm thiểu NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm; mở cửa thị trường lao động và tạo ra nhiều việc làm mới, ngành nghề mới; cải thiện chất lượng cuộc sống NLĐ...
Cơ hội nhiều song thách thức cũng không ít. TS. Khuất Thị Thu Hiền (Khoa Luật, Trường ĐH Lao động - Xã hội) nhận định những thách thức cho NLĐ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguy cơ bị mất việc làm; không được bảo vệ quyền lợi; bất bình đẳng gia tăng. Từ những thách thức trên, bà Hiền khuyến cáo NLĐ cần nghiêm túc đánh giá trình độ bản thân, phải vừa học vừa làm để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn. Theo đó, NLĐ cần giỏi một nghề nhưng cũng phải biết nhiều nghề để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc mới. “Muốn vậy, NLĐ phải lựa chọn tốt nghề nghiệp cho mình, ưu tiên chọn nghề có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Việc lựa chọn ngành nghề ngay từ đầu sẽ tránh lãng phí thời gian, tài chính. Như vậy NLĐ mới yêu nghề, hiểu nghề, an tâm học tập và trở thành người giỏi trong nghề. Bên cạnh chuyên môn, NLĐ cần trang bị kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng, thái độ”, bà Hiền gợi ý.
Lao động chỉ “vàng” về số lượng, chưa “vàng” về chất lượng
TS. Nguyễn Thị Tuyết Vân (Khoa Luật, Trường ĐH Lao động - Xã hội) phân tích, để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp trước hết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng lao động chỉ “vàng” về số lượng chứ chưa “vàng” về chất lượng. Trong khi đó, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu lao động giản đơn giảm mạnh.
Nhiều chuyên gia việc làm đặc biệt quan tâm đến các nhóm năng lực trong chương trình đào tạo, trong đó có nhóm năng lực về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải tự đào tạo đón đầu xu hướng công nghệ hoặc đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc trong đơn vị để tránh thất nghiệp, không tụt xa so với công nghệ.
Theo bà Vân, để có nguồn nhân lực chất lượng phải bắt đầu từ đổi mới đào tạo nghề theo hướng hội nhập quốc tế, đào tạo và đào tạo bổ sung để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp, có thể làm chủ và vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các cơ sở đào tạo nghiên cứu để bổ sung các ngành nghề mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách, pháp luật về đào tạo nguồn lao động gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quy định trách nhiệm cụ thể đối với người sử dụng lao động về đào tạo lại cho NLĐ đang làm việc bị mất việc.
Ngoài ra cũng cần hỗ trợ NLĐ bằng việc tăng cường hỗ trợ từ quỹ lao động việc làm để đào tạo NLĐ gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động”, bà Vân kiến nghị. Song song đó, bà Vân cho rằng sự thay đổi tích cực về tư duy từ phía NLĐ rất quan trọng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch Covid-19. Cụ thể, NLĐ phải chủ động học tập, tham gia vào các khóa đào tạo ngành nghề phù hợp với khả năng để làm việc. Các kiến thức, kỹ năng lao động mới mà NLĐ cần có, gồm: Tính sáng tạo, hợp tác trong quá trình làm việc, định hướng dịch vụ, đàm phán và linh hoạt trong nhận thức...
Để có được các kiến thức và kỹ năng này, NLĐ có thể tự học, tích lũy học hỏi trong quá trình làm việc, học các khóa học do các cơ sở đào tạo giảng dạy. Thời điểm hiện nay NLĐ có thể tham gia các lớp học trực tuyến để giảm chi phí, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội. Với những yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc nâng cao trình độ, NLĐ cần nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật, tác phong lao động công nghiệp và kỷ luật lao động. Đặc biệt, mỗi NLĐ cần phải có niềm tin đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi công việc truyền thống có thể mất đi nhưng sẽ có cơ hội đến với công việc mới đòi hỏi sự thích nghi, ổn định và thu nhập tốt hơn.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia việc làm đặc biệt quan tâm đến các nhóm năng lực trong chương trình đào tạo, trong đó có nhóm năng lực về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải tự đào tạo đón đầu xu hướng công nghệ hoặc đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc trong đơn vị để tránh thất nghiệp, không tụt xa so với công nghệ. Hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động hiệu quả, lựa chọn ngành nghề phù hợp với xu hướng để điều chỉnh, thay đổi công việc./.