Triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh, rộng, an toàn, hiệu quả với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 08:26, 16/07/2021

Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Ứng dụng công nghệ để quản lý tiêm chủng Covid-19

Nền tảng CNTT trong quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia do Tập đoàn Viettel phát triển theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức vận hành từ ngày 10/7.

Nền tảng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng sổ sức khỏe điện tử (SKĐT), Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn), hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu (CSDL) của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Trong đó, sổ SKĐT là ứng dụng di động giúp người dân theo dõi sức khỏe khi tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm. Sổ SKĐT được phát triển nhằm mang lại trải nghiệm đơn giản, dễ tiếp cận, dễ sử dụng dành cho mọi người dân. Ứng dụng hỗ trợ tất cả các nền tảng Android, iOS và website.

Đối với người dân không có điện thoại thông minh, có thể thực hiện đăng ký tiêm chủng tại "Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19".

Theo Viettel, nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng sổ SKĐT hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Với ngành Y tế, nền tảng này đảm bảo "mục tiêu kép", vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - logistic,… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, tính đến hết ngày 15/7 tức là sau 5 ngày triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng, số lượng đăng ký tiêm đạt hơn 2,4 triệu lượt, số người đã tiêm trên cả nước đạt trên 3,8 triệu.

Chiến dịch thần tốc của các kỹ sư Viettel

Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Ngoài Bộ Y tế, chiến dịch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ TT&TT cùng với các địa phương. Tập đoàn Viettel được giao nhiệm vụ xây dựng nền tảng công nghệ để thực hiện chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

ÔngNgô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), đơn vị phát triển nền tảng, cho biết nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được ứng dụng nhiều công nghệ mới, bao gồm: phân tích dữ liệu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong xử lý các bài toán nhận dạng hình ảnh, chữ viết; callbot, chatbot để cùng lúc hỗ trợ hàng triệu người dân như thông báo lịch tiêm, nhắc lịch tiêm, hỏi người dân sức khỏe sau tiêm.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19: triển khai tiêm chủng nhanh, rộng, an toàn, hiệu quả và minh bạch - Ảnh 2.

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions (Ảnh: Trọng Đạt)

"Nền tảng cơ bản ban đầu đã hoàn thiện và tiếp tục được nâng cấp, tối ưu hơn để chạy xuyên suốt chiến dịch từ tháng 7 tới quý 1/2022", ông Quý cho biết thêm.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 có vai trò rất quan trọng, giúp quản lý tổng thể, đồng bộ, toàn quốc dữ liệu đối tượng tiêm, lịch sử tiêm. Dữ liệu liên thông các cấp từ địa phương đến trung ương. Giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thống kê, phân tích, cảnh báo, lập kế hoạch, giám sát thực hiện các cấp về tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Cụ thể, mỗi người dân sẽ có 1 ứng dụng để tương tác trong toàn bộ chiến dịch, rất tiện lợi. Cán bộ y tế phục vụ công tác tiêm chủng sẽ triển khai áp dụng phần mềm để quản lý thông tin tiêm chủng, giúp giảm tải công việc lưu trữ hồ sơ, tổng hợp báo cáo. Trong khi các cán bộ y tế cấp huyện, tỉnh, trung ương, bộ ban ngành và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có thể sử dụng nền tảng để giám sát, quản lý thông tin của toàn bộ chiến lịch.

Trung tâm đáp ứng ngoài việc hỗ trợ người dân trong quá trình tiêm chủng còn cung cấp 1 bộ chỉ số để Ban Chỉ đạo có được cái nhìn toàn diện về chiến dịch tiêm chủng như tiến độ tiêm, việc phân bổ vắc-xin, phản ứng sau tiêm, từ đó đưa ra chỉ đạo, điều hành kịp thời.

Trao đổi thêm về vấn đề nhiều người dân đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng ứng dụng sổ SKĐT hiển thị chưa tiêm, đại diện Viettel Solutions khẳng định: Chiến dịch tiêm chủng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu có vắc-xin nhưng nền tảng đang hoàn thiện, vì vậy dữ liệu của những đợt tiêm trước đây chưa được cập nhật lên hệ thống. Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế nhập dữ liệu lên hệ thống, đảm bảo người dân có chứng nhận tiêm chủng nhanh nhất. Trong giai đoạn hai, các đợt tiêm tiếp theo sẽ sử dụng nền tảng công nghệ, khi đó toàn bộ thông tin của người dân và kết quả tiêm sẽ được cập nhật ngay sau tiêm.

Triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh, rộng, an toàn, hiệu quả với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 - Ảnh 3.

Ứng dụng sổ SKĐT

Điểm đặc biệt của chiến dịch tiêm chủng lần này là phạm vi, quy mô rất lớn. Bên cạnh kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai các hệ thống lớn ở quy mô quốc gia trong nhiều năm, Viettel sở hữu thế mạnh về hạ tầng viễn thông có chất lượng và độ phủ lớn nhất Việt Nam; đội ngũ chuyên gia công nghệ hàng đầu, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, an toàn, an ninh thông tin và có khả năng triển khai rộng trên toàn quốc trong thời gian ngắn. Đây là những lợi thế mà không phải Tập đoàn nào cũng có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, theo ôngNgô Vĩnh Quý, trong quá trình triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, Viettel cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên đây là chiến dịch lịch sử lớn nhất từ trước đến nay, được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc và đòi hỏi ứng dụng công nghệ. Mà khi ứng dụng công nghệ thì điều kiện cần là người dân phải có smartphone, phải có kỹ năng sử dụng, khu vực vùng sâu vùng xa phải có kết nối, trong khi thời gian triển khai gấp, tiêm chiến dịch không giống như các chương trình tiêm chủng bình thường, đồng thời phải đáp ứng được mục tiêu của Bộ Y tế đặt ra là "tiêm nhanh, tiêm đúng, tiêm đủ" và hỗ trợ tốt nhất người dân.

Thứ hai là bài toán nghiệp vụ khi tình hình thực tế rất khác nhau, không đồng nhất giữa khu vực thành phố, nông thôn, khu công nghiệp, đòi hỏi nền tảng công nghệ phải thích ứng với điều kiện và thực tế như vậy, việc phát triển, xử lý hay thay đổi đòi hỏi gần như ngay lập tức để có thể triển khai xuống các cơ sở y tế.

Thứ ba, đây là một hệ thống lớn, dữ liệu phải đảm bảo an toàn bảo mật, kiến trúc hệ thống được thiết kế để đáp ứng lượng truy cập đồng thời trên toàn quốc từ người dùng và gần 20.000 điểm tiêm, chính vì thế hệ thống cần phải được phân tải, chia tải, đồng thời dữ liệu lưu trữ phải được sao lưu, backup để trong trường hợp có sự cố sẽ được khôi phục nhanh chóng.

Cuối cùng, nền tảng được xây dựng trong thời gian rất ngắn, gồm rất nhiều phần mềm được kết nối với nhau để phục vụ quy trình tiêm chủng. Chính vì thế đội ngũ Viettel đã phải nỗ lực, làm việc ngày đêm để kịp tiến độ, đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Cơ hội chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế

Ứng dụng sổ SKĐT được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Ngoài việc đăng ký tiêm chủng, ứng dụng còn có thêm các tính năng, như khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, cập nhật phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, mã số sức khoẻ, hồ sơ sức khoẻ, đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến...

Triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh, rộng, an toàn, hiệu quả với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 - Ảnh 4.

Ngoài việc đăng ký tiêm chủng, ứng dụng còn có thêm các tính năng khác

Sổ SKĐT có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng ngành y tế điện tử, ứng dụng phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa ngành y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Đại diện Viettel Solution nhấn mạnh: Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội chuyển đổi số toàn diện ngành y tế như hiện nay. Với ý tưởng "mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe lưu toàn bộ thông tin trọn đời", nền tảng mở ra một tương lai khi mỗi người dân đều có 1 hồ sơ sức khỏe và 1 smartphone thì toàn bộ quá trình sau này khi người dân đi khám bệnh sẽ có thể thao tác trên smartphone mọi lúc, mọi nơi từ đặt khám tới chọn bệnh viện thông qua mã số cá nhân dưới dạng QR code, không phải chờ đợi. Sau khi khám bệnh xong, toàn bộ thông tin sẽ được cập nhật vào hồ sơ sức khoẻ, thậm chí có thể thanh toán tự động bằng thanh toán điện tử rất tiện lợi, nhanh chóng, sự chờ đợi của người dân sẽ không còn hoặc rất hạn chế./.

Bùi Huyền