Không chuyển đổi số thì đứng ra khỏi hàng

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:00, 16/07/2021

Là người đã đảm nhiệm vị trí trí giám khảo của chương trình Shark Tank và là Shark nữ chính trong 2 mùa gần nhất, Shark Liên cảm thấy ấn tượng khi mỗi năm các startup đều có nhiều khởi sắc khác nhau, đặc biệt trong việc hướng đến công nghệ. Đây là một tín hiệu lạc quan, bởi chỉ có thay đổi mới có thể bắt kịp được với xu hướng của thế giới nói chung.

Startup Việt nắm bắt xu thế theo thời đại số

Tại Talk show "Không chuyển đổi số (CĐS) thì đứng ra khỏi hàng" vừa được VnExpress và S-WorldShark phối hợp thực hiện, Shark Đỗ Liên đã chia sẻ: "Thủ tướng Chính phủ đang rất cương quyết và quyết liệt trong câu chuyện CĐS. Khi đã có Chính phủ số thì đi kèm đó sẽ là công dân số, và các doanh nghiệp (DN) phải là DN số. Cho nên các bạn khởi nghiệp, các bạn trẻ đã nắm bắt được xu thế này, bắt được nhịp này là rất tốt. Tôi nghĩ, trong mùa 3 Shark Tank đã có nhiều các bạn trẻ nói về câu chuyện số hóa, nhưng đến cái mùa 4 này thì gần như trong các Chương trình, đa phần họ đã nói về vấn đề công nghệ. Đáng mừng cho đất nước khi có các thế hệ nối tiếp, các bạn đã bắt kịp được với xu thế của thế giới".

Không chuyển đổi số thì đứng ra khỏi hàng - Ảnh 1.

Shark Đỗ Liên đã chia sẻ câu chuyện nắm bắt xu thế thời đại số, tầm quan trọng trong việc CĐS, đặc biệt với ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, Shark Liên cũng cho biết, chìa khoá cho CĐS ngành bảo hiểm chính là sự minh bạch.

Ngành bảo hiểm và câu chuyện CĐS - lấy minh bạch làm cốt lõi

Ngành bảo hiểm đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, đồng thời cũng là người đã chọn bảo hiểm là một nghề cho mình trong suốt 30 năm qua, Shark Liên nhận định, việc chuyển đổi, thay đổi một lối tư duy được truyền qua nhiều thế kỷ là không đơn giản. Nhất là khi sự tiếp cận với bảo hiểm của người dân Việt Nam vẫn chưa nhiều và còn mới mẻ.

Shark Liên cho hay: "Đây là lỗi của các nhà bảo hiểm, trong đó có chúng tôi. Chúng ta chưa cùng nhau tuyên truyền, nhằm đem đến sự hiểu biết, thấu hiểu của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm. Trong ngành bảo hiểm, điều quan trọng nhất vẫn là công bằng giữa người bán sản phẩm bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Nhiều sản phẩm cần thiết tới mức có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu, hàng triệu người. Rõ ràng bảo hiểm đã đem đến lợi ích về an sinh xã hội, về sự an tâm của cộng đồng".

Shark cho biết, trong thời gian qua, ngành bảo hiểm đã CĐS một phần nào đó trong các lĩnh vực như quản lý, và quản trị DN. Nhưng hơn ai hết, muốn tiếp tục tồn tại, bắt buộc ngành bảo hiểm tại Việt Nam phải có CĐS mạnh hơn. Dù có khó khăn, dù có thách thức đến đâu thì DN cũng phải thay đổi. Do đặc thù của lĩnh vực dịch vụ tài chính bảo hiểm nên việc CĐS là khó khăn, nhưng nếu thật sự đồng lòng, quyết tâm, thì sẽ làm được.

"Thay máu" hay thay đổi tư duy?

Theo nữ doanh nhân, CĐS để giúp DN có thêm nhiều trải nghiệm trong quản trị, đặc biệt là minh bạch tất cả mọi vấn đề. Nhưng cuối cùng, quay trở lại vẫn là con người. Shark cho hay: "DN nào cũng vậy, tôi cũng vậy đang phải đối mặt vấn đề ai sẽ là người vận hành các ứng dụng công nghệ này? để sử dụng được công nghệ đó, để áp dụng vào cuộc sống thực tế, và kinh doanh không phải là điều dễ dàng". 

"Nhiều người nói là tôi sẽ thay máu. Ok, thay máu đi! Khi thay máu, chúng ta bỏ máu đi đâu? Chúng ta lấy máu ở đâu để chúng ta thay? Trong khi lĩnh vực bảo hiểm của chúng tôi thì nó chưa có trường lớp đào tạo. Các trường đại học cũng chỉ có khoa về bảo hiểm dạy căn bản về bảo hiểm là gì, định nghĩa về bảo hiểm thôi… nhưng chưa đào tạo chuyên sâu, hoặc là một cái gì đó rõ nét". 

Chúng ta lúc nào cũng nói thay đổi nhưng vấn đề là có nhiều người đã cống hiến trong ngành bảo hiểm vài chục năm, bây giờ chúng ta không thể dễ dàng thay đổi để đẩy cuộc sống của họ vào bế tắc, và phía sau họ còn có cả một gia đình. Cho nên sự thay đổi, những câu chuyện về CĐS, chúng ta nói thì dễ, nhưng thật sự là làm không dễ".

Tuy phải đối diện với nhiều khó khăn xoay quanh câu chuyện chuyển đổi số, Shark vẫn thể hiện sự cương quyết, quyết tâm thay đổi. "Chúng ta không CĐS thì chúng ta sẽ bị tụt hậu, và chúng ta thậm chí là tự loại bỏ mình", bà nói.

Các lĩnh vực trong ngành bảo hiểm được ưu tiên CĐS

Theo nghiên cứu của Mckinsey, 25% ngành bảo hiểm sẽ được tự động hóa vào năm 2025 nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), và các kỹ thuật máy học, vì ngành này có nhiều nút thắt và các quy trình thủ công như xử lý yêu cầu bồi thường, bảo lãnh phát hành, quản lý chính sách, và dịch vụ khách hàng...

Xử lý xác nhận quyền sở hữu: Xử lý xác nhận quyền sở hữu thường có nhiều lớp như xem xét, điều tra, điều chỉnh, chuyển tiền hoặc từ chối xác nhận quyền sở hữu v.v... Đối với mỗi lớp, các công ty bảo hiểm cần xử lý một khối lượng lớn tài liệu. Trong khi đó các tài liệu này có thể được tự động hóa bằng các công cụ. Với khả năng tự động hóa tài liệu, công ty bảo hiểm có thể tự động trích xuất dữ liệu từ các tài liệu, xác định các khiếu nại gian lận và xác thực các khiếu nại đúng.

Ví dụ: chúng ta có thể dùng AI để phân tích hình ảnh tai nạn ô tô, ước tính chi phí sửa chữa theo thời gian thực. Vì vậy, các yêu cầu bồi thường có thể được giải quyết nhanh chóng hơn, và các công ty bảo hiểm có thể xử lý các vụ tai nạn nhanh hơn gấp 10 lần hiện nay.

Phát hiện gian lận: Các công ty bảo hiểm cung cấp công cụ phân tích dự đoán những dữ liệu được thu thập từ người yêu cầu bồi thường, sử dụng công cụ phân tích văn bản để phát hiện ra các chứng cứ gian lận, nếu có.

Dự đoán rủi ro. Các công ty bảo hiểm có thể thu thập dữ liệu về hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân để đánh giá điểm rủi ro cho từng cá nhân dựa trên các xét nghiệm, dữ liệu sinh trắc học, dữ liệu yêu cầu bồi thường, dữ liệu sức khỏe do bệnh nhân khai báo... sau đó có thể đưa ra các gói bảo hiểm với giá trị được tính theo điểm rủi ro.

Omnichannel (mô hình tiếp cận đa kênh): Thiết kế một cổng tự phục vụ, nơi khách hàng và công ty bảo hiểm có thể truy cập để tìm câu trả lời cho các câu hỏi, tiến hành kinh doanh (giao dịch, đặt hàng, yêu cầu bồi thường, thanh toán hóa đơn v.v...), kiểm tra trạng thái, gửi phiếu hỗ trợ và tải xuống tài liệu là cách tiếp cận hiệu quả để gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Hợp đồng thông minh: Các công ty InsurTech (công nghệ bảo hiểm) dựa trên chuỗi khối tạo ra các mô hình chia sẻ rủi ro tốt hơn, đồng thời cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn bảo hiểm tùy chỉnh, có giá cả phải chăng hơn. Ví dụ: Nexus Mutual có mục tiêu thay thế các mô hình bảo hiểm hiện có bằng các thị trường tương hỗ theo hợp đồng thông minh. Bằng cách cho phép mọi người chia sẻ rủi ro trong nhóm dân số đông hơn với mục đích là giảm chi phí bảo hiểm./.

Gia Bách