Montenegro chuyển đổi IPv6 đáp ứng lưu lượng Internet tăng cao do Covid-19

Quốc tế - Ngày đăng : 13:51, 15/07/2021

Giống như nhiều quốc gia khác, Montenegro đã trải qua các thời điểm giãn cách xã hội trong hơn 1,5 năm qua do Covid-19, theo đó, nhiều hoạt động kinh tế và xã hội chủ yếu được chuyển lên môi trường trực tuyến.

Các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở quốc gia có khoảng 630.000 dân. Công cuộc này cũng đã áp lực lên cơ sở hạ tầng Internet.

Cùng với sự gia tăng sử dụng thiết bị số, lưu lượng truy cập băng rộng tăng kể từ năm ngoái đã khiến các mạng của quốc gia Đông Nam Âu chịu áp lực, với việc các nhà khai thác mạng làm việc suốt ngày đêm để duy trì chất lượng và dịch vụ thông suốt. Đối mặt với đại dịch, mức tiêu thụ lưu lượng truy cập Internet trên toàn quốc đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thực tế mới này đã thúc đẩy Montenegro phải củng cố cơ sở hạ tầng và giao thức web của mình.

Như chúng ta biết giao thức Internet, hoặc IP, làm nền tảng cho hoạt động của toàn bộ web trên toàn thế giới. Giao thức này tạo thành một tập hợp các quy tắc, cung cấp phương tiện để gửi các gói dữ liệu một cách tin cậy qua một mạng toàn cầu. Thông tin IP được đính kèm trong mỗi gói tin, trong khi mọi thiết bị hoặc miền được kết nối Internet trên khắp thế giới đều được gán một địa chỉ IP. Điều này cho phép bộ định tuyến gửi các gói đến đúng đích.

Giao thức hiện tại không còn đủ

Hầu hết các địa chỉ Internet ngày nay đều dựa trên một tiêu chuẩn gọi là IPv4, hay "Giao thức Internet phiên bản 4", với cấu trúc 32 bit có thể chứa khoảng 4,3 tỷ địa chỉ trên toàn cầu. Ở Montenegro, khoảng 99,9% địa chỉ IP hiện dựa trên IPv4.

Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị tăng lên đòi hỏi sử dụng IPv4 hiệu quả hơn, cũng như chuyển đổi sang IPv6 mới nhanh hơn. Giao thức IPv6 - sử dụng 128 bit - về nguyên tắc có thể cho phép số lượng địa chỉ cao hơn theo cấp số nhân - nhiều hơn khoảng 4 tỷ lần so với những địa chỉ hiện đang sử dụng IPv4. Được biết, IPv5 được phát triển vào những năm 1990, nhưng đã bị bỏ qua khi hoàn thiện và áp dụng IPv6 hứa hẹn hơn vào đầu những năm 2000.

Jaroslaw Ponder, Trưởng Văn phòng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khu vực châu Âu cho biết: "Khi các mạng không còn có thể dựa vào IPv4 nữa, nhiều quốc gặp phải áp lực. Việc tiến hành chuyển đổi toàn diện sang IPv6 là vì lợi ích tốt nhất của toàn bộ hệ sinh thái viễn thông trong mỗi quốc gia. Trong hoàn cảnh như vậy, ITU sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên của mình trong việc thực hiện quan trọng này, mặc dù thường bị đánh giá thấp".

Quá trình chuyển đổi quan trọng đòi hỏi các hành động phối hợp ở cấp quốc gia và thường phải được khởi động bởi một động lực chiến lược. Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 nhất thiết phải dựa vào đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng viễn thông, cũng như đầu tư vào chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ CNTT và truyền thông (ICT), đặc biệt là trong các tổ chức khu vực công.

Việc tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, mặc dù có thể hiểu được, nhưng có thể gây ra rủi ro cho các quốc gia đang đẩy nhanh chuyển đổi số.

Hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình dịch chuyển

Trong trường hợp của Montenegro, ITU cho biết đã hỗ trợ kỹ thuật trong 6 tháng qua để quá trình di chuyển được thực hiện.

Kể từ tháng 2, ITU đã đào tạo hơn 20 chuyên gia, hầu hết từ các tổ chức công, những người hiện có thể chia sẻ kiến thức của họ về IPv6 và đào tạo các chuyên gia khác ở cấp quốc gia. Từ tháng 3 đến tháng 5, Cơ quan Truyền thông Điện tử và Dịch vụ Bưu điện (EKIP) đã hỗ trợ ITU tổ chức Hội thảo Quốc gia cho Montenegro về các Chiến lược, chính sách và triển khai IPv6.

Các khuyến nghị chính từ hội thảo bao gồm:

- Thành lập "lực lượng đặc trách IPv6" quốc gia để xúc tác quá trình chuyển đổi có hệ thống từ IPv4 sang IPv6;

- Thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi, điều phối tất cả các hoạt động liên quan, đảm bảo vai trò và nhiệm vụ rõ ràng giữa các bên liên quan và giám sát quá trình chuyển đổi tổng thể; Phát huy lợi thế của IPv6 và thực hiện đào tạo chuyển đổi cho các đơn vị ở tất cả các cấp của cơ quan hành chính nhà nước, cũng như trong khu vực tư nhân;

- Thực hiện một khảo sát trong các nhà khai thác về kế hoạch chuyển đổi IPv6 của họ; Xây dựng và chính thức hóa các hướng dẫn thực hiện IPv6 trong các tổ chức công và các tổ chức khác;

- Thiết lập phòng thí nghiệm cho tất cả các thử nghiệm và đào tạo liên quan đến việc chuyển đổi sang IPv6;

- Đào tạo các chuyên gia, những người sẽ tiếp tục đào tạo các chuyên gia khác và nhân viên cấp dưới về các phương pháp và kỹ thuật liên quan đến việc chuyển đổi sang IPv6;

- Khởi xướng các dự án thí điểm để rút ra kinh nghiệm và kiến thức, đặc biệt tập trung vào các tổ chức công với vai trò là động lực của quá trình chuyển đổi quốc gia rộng lớn hơn.

Với giai đoạn hỗ trợ kỹ thuật thứ hai hiện đang được tiến hành, ITU đang phối hợp với Bộ Phát triển Kinh tế, cơ quan quản lý quốc gia EKIP và Đại học Montenegro để thiết lập phòng thí nghiệm IPv6 quốc gia, sẽ giúp tăng cường đào tạo nhanh chóng./.

HL