FPT hỗ trợ Ninh Thuận chuyển đổi số toàn diện

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:30, 15/07/2021

Ngày 14/7, FPT và UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thỏa thuận được ký kết với mong muốn góp phần đưa Ninh Thuận sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS) với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số.

FPT hỗ trợ Ninh Thuận chủ động tham cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thông qua thỏa thuận này, hai bên mong muốn đẩy mạnh CĐS toàn diện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ cơ quan nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp (DN) góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số. Đồng thời, FPT hỗ trợ Ninh Thuận chủ động tham cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền tảng số phục vụ kết nối liên thông đa chiều, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận, cho biết, bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, CĐS là giải pháp mang tính đột phá cho sự phá triển của tỉnh. Tôi tin tưởng với quyết tâm cao của tỉnh và sự đồng hành của FPT sắp tới chúng ta sẽ có những cách làm mới phù hợp với chiến lược phát triển chung của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, với quyết tâm cao, CĐS sẽ là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tình. Để đạt được mục tiêu Ninh Thuận nằm trong nhóm các tỉnh CĐS thành công là hành trình lâu dài, việc lựa chọn đúng DN đồng hành sẽ đảm bảo cho sự thành công của mục tiêu này.

FPT ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện với tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 1.

Chủ tịch FPT thực hiện ký số thoả thuận.

Đến năm 2025, phát triển chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ, với kinh nghiệm, năng lực công nghệ của mình FPT mong muốn đặt người dân của Ninh Thuận vào trung tâm của các chương trình CĐS. Đồng thời, FPT cũng sẽ là cầu nối để đưa các tập đoàn lớn của Việt Nam và trên thế giới, đưa các đổi mới, sáng tạo mới nhất để góp phần giúp người dân Ninh Thuận có được cuộc sống sung túc hơn; được học hành, chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tiết kiệm thời gian, chi phí khi sử dụng các dịch vụ công. Ninh Thuận là cái "tổ" cho các tập đoàn lớn, các start up, các ý tưởng sáng tạo sinh trưởng và cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để thúc đẩy CĐS của địa phương, đại diện nhóm ThinkTank đề xuất, Ninh Thuận nên tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, các cơ sở đào tạo trên toàn quốc và tăng cường kết nối với các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài.

Cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình CĐS quốc gia giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh bền vững. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng điểm là đến năm 2025, phát triển chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Với mong muốn góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam và hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình CĐS Quốc gia, FPT đã và đang đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong các chương trình CĐS đô thị và xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) và đang là đối tác phát triển, vận hành khu đô thị thông minh (ĐTTM) giáo dục, công nghệ cao của nhiều khu ĐTTM mới. Các giải pháp công nghệ số của FPT tập trung vào Hệ thống giao thông thông minh, Quản lý năng lượng thông minh, Chính phủ số, Giáo dục thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, và các nền tảng tích hợp dữ liệu. Nhiều dự án lớn đã được FPT triển khai, mang lại cuộc sống tiện ích hơn cho hàng chục triệu người dân.

Tiêu biểu như dự án triển khai Hệ thống Chính quyền điện tử (CQĐT) cho tỉnh Quảng Ninh, góp phần mang lại môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp trên toàn tỉnh khi chữ ký số, văn bản điện tử được triển khai tới tất cả các đơn vị, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được máy tính hóa 100%.

Hay Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Tp. HCM (HCM LGSP) do FPT triển khai được UBND TP.HCM đánh giá là một trong những cấu phần nền tảng của Kiến trúc CQĐT Thành phố, được xây dựng với tầm nhìn sẵn sàng 100% các nhu cầu nền tảng phục vụ TPTM. Tính đến tháng 06/2021, đã có 42 đơn vị kết nối vào hệ thống với hơn 840.000 hồ sơ liên thông, tích hợp được hơn 8.000 GB dữ liệu của thành phố, hơn 12 triệu người dùng được xác thực và định danh. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn một giờ để xuất báo cáo thay vì hai người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý mỗi GB dữ liệu./.

PV