Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vật lộn trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:30, 14/07/2021
Bước lên nấc thang CĐS vẫn đang là thách thức đối với các SME tại khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ chấp nhận công nghệ số đã tăng lên đối với các SME. Theo nghiên cứu chuyển đổi kỹ thuật số SME năm 2020 của Microsoft và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (ASME), có khoảng 99% các công ty SME đã áp dụng ít nhất mức cơ bản của công nghệ số như ứng dụng văn phòng và email. Kết quả của nghiên cứu này dựa trên một cuộc khảo sát tại 400 chủ DN và những người ra quyết định chính về CNTT trong các SME ở khu vực Đông Nam Á.
Các SME đang chiếm 99% tổng số DN tại Đông Nam Á. Theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới (WB), DN siêu nhỏ là DN có số lượng lao động dưới 10 người, DN nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ đồng trở xuống, còn DN vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ đồng.
Mặc dù mức độ nhận thức về việc áp dụng CĐS đã tăng lên kể từ năm 2018, các SME Đông Nam Á vẫn tiếp tục cho thấy mức độ thành công vừa phải của họ trong hành trình số hóa. Chỉ 39% cho biết việc triển khai kỹ thuật số thành công - cải thiện hơn so với con số 28% cách đây 2 năm.
Peter Yuan, trưởng nhóm công nghệ khu vực Đông Nam Á tại Accenture cho biết lý do: "Hầu hết các SME vẫn đang trong giai đoạn tương đối sớm đón nhận CĐS, và cũng chưa tối đa hóa được giá trị mà họ có thể thu được từ đám mây. Trong năm qua, trọng tâm của các khoản đầu tư vào đám mây sẽ là mong muốn đạt được những kịch bản như cung cấp tài nguyên cho các mô hình làm việc từ xa. CĐS yêu cầu đám mây ở quy mô lớn - và giờ đây, khi các công ty này đã có sẵn cơ sở hạ tầng đám mây cơ bản, bước tiếp theo sẽ là bắt đầu hướng tới việc khám phá những lợi thế khác mà đám mây cho phép".
Một nghiên cứu của Cisco Systems tại châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, mặc dù Singapore được xếp hạng đầu về chỉ số CĐS, nhưng Singapore vẫn ở vị trí thứ 2 trong 4 giai đoạn - giai đoạn "nhà quan sát kỹ thuật số" - của quá trình CĐS. Điều đó có nghĩa là nhiều quy trình tại đây vẫn chưa được tự động hóa, và các công ty đang tập trung giải quyết các vấn đề kém hiệu quả bằng việc sử dụng rất hạn chế các phân tích dữ liệu, họ chỉ tập trung vào việc sử dụng các công cụ báo cáo, và chỉ mới bắt đầu tạo ra kế hoạch kỹ thuật số.
Nhiều SME giống như Sunlight, một DN 40 năm tuổi chuyên cung cấp các sản phẩm khăn giấy cho khách hàng DN tại Singapore, gần đây mới bắt đầu hành trình CĐS bằng cách chuyển hệ thống hậu cần thủ công sang hệ thống dựa trên đám mây để lập kế hoạch và quản lý đội vận chuyển.
Điều chỉnh nỗ lực CĐS với mục tiêu kinh doanh
Khi cố gắng mở rộng quy mô CĐS, các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều SME tại Đông Nam Á đã không đạt được kết quả kinh doanh mà họ muốn, hoặc không tìm được mối liên hệ giữa công nghệ, con người và quy trình để đạt được mục tiêu kinh doanh. Yuan nói: "Các tổ chức này cần nhìn lại để xem xét các nhu cầu kinh doanh của mình và đưa ra các chiến lược số hóa để đáp ứng các mục tiêu này".
Đại dịch Covid-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, và các SME tại Đông Nam Á có thể không có đủ nguồn lực về thời gian, và năng lực tài chính để tiến hành "đánh giá kỹ lưỡng các quy trình và khả năng hiện có của công ty nhằm đưa ra các bước cần thiết trong CĐS. Điều này bao gồm mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng CNTT, tài chính và nguồn nhân lực". Lawrence Loh, người đứng đầu Nhóm ngân hàng DN tại United Overseas Bank, một ngân hàng cung cấp dịch vụ tư vấn số hóa cho các SME cho biết.
Các SME thường thực hiện kế hoạch số hóa theo từng giai đoạn, để phù hợp với các nguồn lực của họ. "Mặc dù các SME có thể mong muốn thực hiện cách tiếp cận theo từng giai đoạn trong nỗ lực số hóa của họ, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, nỗ lực của họ phù hợp với các kế hoạch lớn hơn và các giải pháp mà họ áp dụng có thể được tích hợp với các giải pháp trong tương lai", Loh nói.
Để giúp các SME đối phó với thách thức về nguồn lực hạn chế, chính phủ Singapore đang có kế hoạch thiết lập sáng kiến CTO-as-a-service (giám đốc công nghệ như là dịch vụ) vào cuối năm 2021 để giúp SME xác định và tiếp cận các nguồn lực mà họ cần để CĐS. Sáng kiến này sẽ cung cấp cho các SME quyền tiếp cận các tài nguyên số hóa và một nhóm các CTO có kinh nghiệm trong việc cung cấp tư vấn kỹ thuật số chuyên sâu, chẳng hạn như xác định nhu cầu số hóa của công ty và một giải pháp kỹ thuật số phù hợp và giúp thực hiện giải pháp quản lý dự án.
Giải quyết các rắc rối
Ông Michael Tan, giám đốc điều hành tại Boston Consulting Group Singapore và lãnh đạo Tổ chức Khu vực công cho biết: "Những hạn chế lớn nhất ngăn cản hoặc làm chậm lại quá trình CĐS đối với các SME bao gồm: nguồn lực tài chính, tích hợp công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh hiện có, và sự phản kháng từ văn hóa Đông Nam Á".
Loh nói: "CĐS không chỉ đòi hỏi phần cứng mà còn phải có 'phần mềm' - sự sẵn sàng học hỏi và thay đổi của các nhân viên theo cách thức hoạt động mới. Ví dụ, nhiều SME nhận thấy việc tự động hóa các quy trình là một thách thức. Là một phần của động thái tự động hóa các quy trình, DN thường có nhu cầu thiết kế lại các luồng quy trình kinh doanh đã thiết lập trong quá khứ. Nếu nhân viên không tham gia vào quy trình, có thể sẽ dẫn đến việc họ chống lại sự thay đổi, khiến việc triển khai quy trình mới không thành công", ông nói.
Ngoài ra, "văn hóa DN tích cực, cùng với việc sử dụng công nghệ cho các quy trình hiệu quả hơn sẽ giúp các SME thu hút nhân tài," Loh nói. Đó là một vấn đề cấp bách ở Singapore: "Theo ước tính, nền kinh tế Singapore sẽ cần thêm 1,2 triệu công nhân kỹ thuật số vào năm 2025, tăng 55% so với lực lượng lao động hiện tại là 2,2 triệu người. Do đó, các SME cũng sẽ cần xem xét vai trò của CĐS".
Thách thức từ hệ thống kế thừa và phân tích dữ liệu
Các SME tại Đông Nam Á đã và đang phải vật lộn với vấn đề thiếu chiến lược phân tích dữ liệu. Mặc dù nhiều chính phủ đã cung cấp các phân tích dữ liệu miễn phí từ lâu, nơi các SME có thể tìm kiếm lời khuyên chuyên môn từ các nhà tư vấn CNTT-TT, những người chuyên về các lĩnh vực phân tích dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng và IoT, nhưng gần 70% SME đã không quan tâm đến các phân tích dữ liệu này, theo một nghiên cứu của Singapore.
Ông Michael Tan cho biết: "Điều quan trọng là phải có một chiến lược dữ liệu rõ ràng, nhưng nhiều công ty bao gồm cả các SME đều thiếu yếu tố này. "Các SME tại Đông Nam Á thường làm việc với những hệ thống cũ và không có sự ưu tiên rõ ràng về các trường hợp sử dụng và kết quả kinh doanh được liên kết, do đó không thể cấu trúc và tối ưu hóa dữ liệu hiện có theo cách có thể giúp họ phát triển".
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://www.singstat.gov.sg/modules/infographics/economy
[2]. https://newsroom.cisco.com/press-release-content?articleId=2089055
[3]. https://www.cio.com/article/3610511/singapore-s-new-programmes-to-help-enterprises-digitise-their-businesses.
[4]. https://news.microsoft.com/wp-content/uploads/prod/sites/439/2020/10/2020-SME-Digital-Transformation-Study-by-Microsoft-and-ASME-Infographic.pdf./.