Phát triển bền vững ngành CNTT: Cần các giải pháp cân đối "cung - cầu"
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:00, 13/07/2021
Do đó, nhóm ngành CNTT nói chung, các kỹ sư, chuyên gia CNTT nói riêng đang trở thành nguồn lực lao động được đánh giá là nhóm ngành "hot" hiện nay, nhất là trong bối cảnh "cầu" tuyển dụng đang cần, đồng thời có thế mạnh về thu nhập với mức lương cao.
Nói như vậy bởi lao động đặc thù trên môi trường "bàn phím" đòi hỏi chuyên môn thuộc các lĩnh vực phần mềm, quản lý dữ liệu, sửa chữa khắc phục các lỗi, sự cố máy tính…trình độ cao. Chính thế mạnh đặc thù này đã giúp ngành CNTT khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc khai sáng, thúc đẩy, tạo thành quả cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thế mạnh, cơ hội, tiềm năng phát triển bền vững trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) tại nhiều quốc gia hiện nay.
Ngành "hot" có xu hướng mức lương cao
Mới đây, theo báo cáo từ Chuyên trang tuyển dụng IT (TopDev), thị trường lao động CNTT Việt Nam năm nay ước tính hiện có trên 117.180 việc làm, tăng 36,5% so với năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng này cho thấy đây là tín hiệu tích cực khi năm ngoái quy mô lao động chỉ tăng 1,9% so với 2019.
"Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng CNTT đang dần tăng cao. Mặc dù, có những thay đổi trong bối cảnh tuyển dụng và tình hình kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng, bao trùm bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng mức lương trung bình của thị trường CNTT ổn định, có dấu hiệu dịch chuyển, tăng cao", Báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, hiện có 03 ngành có thu nhập hàng đầu cho các kỹ sư CNTT là an ninh mạng, công nghệ cao và fintech. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới kết nối vạn vật qua Internet (IoT), điện toán đám mây được xem như chìa khóa mang lại lợi thế cạnh tranh, là xu hướng bắt buộc trong năm 2021.
Tính đến quý II năm 2021 cho thấy, kỹ sư AI và học máy (machine learning) có mức lương trung bình tháng cao nhất, khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mức này cao gấp đôi lương kỹ sư dữ liệu lớn (big data) và kỹ sư backend hay lập trình viên (trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng). Đặc biệt, ở vị trí có lương trung bình tháng cao nhất hiện nay là CTO, CIO khoảng 132 triệu đồng…
Giải thích về sự tăng trưởng mức lương hấp dẫn đó, TopDev cho rằng, vì hiện nay trong bối cảnh CĐS số lên ngôi, tác động, thay đổi mọi khía cạnh của đời sống - xã hội. Cùng với đó, sự phát triển của mua sắm trực tuyến, quản lý trực tuyến và tầm quan trọng của an ninh mạng, quản trị mạng, các nền tảng phần mềm… Do đó, đã khiến những ngành này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Cũng nói về thế mạnh thu nhập với mức lương cao, công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam nhận định, 03 vị trí tuyển dụng trong ngành CNTT đang "hot" nhất hiện nay dành cho các vị trí: Giám đốc công nghệ (CTO), kỹ sư dữ liệu (Data Engineer) và kỹ sư cơ sở hạ tầng (Infrastructure Manager).
Mức thu nhập ở các vị trí giám đốc công nghệ (CTO), giám đốc CNTT (CIO) có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương: 250 - 400 triệu đồng/tháng (TP HCM); 120 - 250 triệu đồng/tháng (Hà Nội); kiến trúc sư phần mềm/giải pháp, kỹ sư phần mềm, kỹ sư dữ liệu từ 80 - 160 triệu đồng/tháng. "Tuy nhiên để có mức lương cao này, nhân sự ở các vị trí đó phải đảm bảo tốt các kỹ năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ, thích ứng tốt với xu hướng công nghệ toàn cầu mới", Adecco đánh giá.
Thêm một nhận định quan trọng nữa mà Adecco đưa ra, là việc hiện nay Việt Nam, với sự phát triển của các ứng dụng AI, dữ liệu lớn (big data), bảo mật… sẽ là cánh cửa mở ra các cơ hội về tương lai tốt đẹp cho các kỹ sư CNTT - đây chính là sự dịch chuyển lao động đáng kể trên thị trường tài chính năm 2021 và các năm tiếp theo.
Cần tái đào tạo thường xuyên để nhân lực CNTT luôn bắt kịp với xu hướng công nghệ mới
Trên quan điểm nhận định các cơ hội mở cho các kỹ sư CNTT, mới đây, tại sự kiện trực tuyến CTO Talk do báo điện tử VnExpress tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Bảo Đại, chuyên gia phát triển của Google, lĩnh vực machine learning cho rằng, nhóm ngành công nghệ, CNTT, khoa học máy tính hiện nay đang rất cần và được nhiều bạn trẻ theo đuổi. So với mặt bằng chung, ngành CNTT có mức lương khá ổn cho sinh viên mới ra trường, đồng thời, đây sẽ là thế mạnh, cơ hội lớn cho các bạn trẻ học tập, phát triển lâu dài.
Đồng quan điểm về nhận định của ông Đại, chuyên gia công nghệ Trần Trung Hiếu, người sáng lập CEO TopCV Vietnam bổ sung thêm, vì hiện nay, với nhu cầu tuyển dụng lao động, nhân sự trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ mới hiện nay như AI, Big Data, Blockchain… luôn rất cao. Do đó, để tìm được một ứng viên có trình độ đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì việc trả lương cao cũng là điều phù hợp.
Hơn nữa, hiện nay, các DN công nghệ đều chung tình trạng thiếu hụt nhân sự CNTT, vẫn còn khoảng trống về nhân sự có đủ năng lực và trình độ phù hợp. Điều này đang làm cho lượng"cung - cầu" chênh lệch, thiếu hụt với nhau, điều này kéo theo hệ quả sẽ tác động tới mức lương thị trường sẽ ngày càng bị đẩy, tăng lên.
Chuyên gia Hiếu cũng cho rằng, để đạt được mức thu nhập mà nhiều lĩnh vực khác mơ ước luôn không phải là điều dễ dàng, bởi phía sau sự thành công là những thách thức, áp lực sáng tạo và đòi hỏi hy sinh thời gian, công sức, trí tuệ…"Một lập trình viên, mặc dù mức lương có thời điểm hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng vô cùng vất vả, phải làm việc ngày đêm cho kịp tiến độ, thường xuyên phải làm việc trong đêm và bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại", CEO TopCV Vietnam lấy ví dụ.
Dưới góc nhìn một DN hoạt động chuyên về công nghệ, Chủ tịch FPT Software, bà Chu Thị Thanh Hà, cho rằng hiện nay vẫn còn tồn tại khoảng cách về số lượng và chất lượng nhân sự CNTT. Nhu cầu tuyển ngày một tăng trong khi thị trường nhân lực không đáp ứng.
"Năm 2020, toàn ngành IT Việt Nam thiếu 400.000 người nhưng mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp chỉ có 50.000 sinh viên. Như vậy khoảng cách về số lượng nhân lực CNTT Việt Nam còn đang thiếu rất nhiều", Chủ tịch FPT Software dẫn chứng.
Do đó, theo bà Hà, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này, nhất thiết phải hoàn thiện trình độ cao ngay trong quá trình đào tạo, nhất là cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề và khả năng tự sáng tạo, tự học. Lĩnh vực CNTT thường xuyên thay đổi nên khả năng tự học của các nhân sự IT cũng cần phải được nâng cao hơn để bắt kịp với xu hướng công nghệ mới, cần thiết cũng vẫn phải tái đào tạo thường xuyên.
Trên quan điểm so sánh khác, Tổng giám đốc NashTech Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Cường người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành ICT cho rằng vì mức lương các DN đang trả cho đội ngũ nhân lực CNTT ở Việt Nam đang tiệm cận với một số thị trường như Ấn Độ, Đông Âu, Mỹ La Tinh… Ở các thị trường này cũng đang tồn tại tình trạng thiếu hụt, chưa cân đối "cung - cầu", do đó về lâu dài sẽ gây ra nhiều rủi ro cho sự phát triển bền vững của ngành CNTT.
"Nếu các DN tuyển dụng bằng cách "mua" người của nhau sẽ làm cho mức giá nhân lực CNTT ở Việt Nam ngày càng tăng cao - đây không phải là điều chúng ta cần. Chúng ta đang cần chính là chất lượng nguồn lực lao động có trí tuệ, hàm lượng chất xám cao có khả năng chủ động, làm chủ công nghệ", Tổng giám đốc NashTech Việt Nam mong muốn, nêu quan điểm.
Đào tạo ICT cần tăng hàm lượng thực hành và kỹ năng thực tế
Trên số liệu từ các báo cáo và từ các chuyên gia, một phần bức tranh về ngành ICT nói chung, cũng như các cơ hội phát triển của nguồn nhân lực CNTT đang là một thế mạnh. Tuy nhiên để các thế mạnh này phát triển bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường lao động hiện nay thì chúng ta cần phải tìm lời để giải quyết bài toán hạn chế về số lượng nhân lực, chất lượng nhân sự CNTT… khi ấy mới chính là góp phần đưa CNTT - một nhân tố động lực phát triển khoa học - công nghệ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Thời gian qua, không chỉ với vai trò quan trọng thực hiện nhiện vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, Bộ TT&TT còn có vai trò dẫn dẵn, định hướng, hướng dẫn các đơn vị, DN thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, nhất là phát triển, tạo ra các nền tảng công nghệ số Make in Viet Nam, đặc biệt là việc đào tạo các nhân lực CNTT có trình độ cao cho đất nước.
Là đơn vị thuộc bộ có vai trò đào tạo CNTT, Học viện BCVT từ lâu đã trở địa chỉ uy tín, tin cậy trong và ngoài nước khi hàng năm cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho các tập đoàn công nghệ uy tín trên thế giới và Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực này, Bộ TT&TT chỉ đạo nhà trường cần gắn việc đào tạo phải dựa trên các nền tảng số và phải gắn việc CĐS toàn diện trong việc GD&ĐT. Đồng thời,trong quá trình đạo tạo, nhà trường cần mạnh dạn đổi mới, đi đầu trong nghiên cứu, mở thêm các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực ngành CNTT như: Al, chuỗi khối… ưu tiên chất lượng đầu vào, tập trung tuyển sinh các học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi quốc tế vào học tập các chuyên ngành trọng điểm.
Chúng ta còn nhớ, cách đây không lâu tại một hội nghị tổng kết công tác năm học của nhà trường, khi chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng tư duy quản trị DN trong đào tạo rất quan trọng vì nó đáp ứng đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT.
Đào tạo cần thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0 vào các khóa học, môn học, lớp học để làm hình mẫu cho các cơ sở giáo dục đào tạo khác. Đào tạo không thể đi sau trong ứng dụng công nghệ 4.0.
"Đặc biệt, đào tạo cường đưa hàm lượng thực hành, kỹ năng làm việc trong chương trình giảng dạy, đầu tư phòng lab thực hành, đưa sinh viên đi thực tập ở các DN, các công ty công nghệ lớn", Thứ trưởng nhấn mạnh
Cũng trên quan điểm muốn nâng cao chất lượng đạo tạo cho ngành này, GS. TSKH. Hồ Tú Bảo cho rằng, cần xác định rõ giáo dục ngành CNTT ở bậc phổ thông căn bản là để cung cấp những kiến thức và kỹ năng số thiết yếu (digital literacy) cho người lao động ở mọi ngành nghề. Nội dung đào tạo CNTT cần được điều chỉnh, hướng đến số đông, thu hút nhiều học sinh giỏi lựa chọn, học ngành ngành này.
"Cần đưa môn lập trình máy tính vào sớm, cân nhắc thay Pascal bằng Python do đây là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng phổ biến nhất hiện nay và có nhiều ứng dụng trong lập trình cho các công nghệ số", ông Bảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để cân bằng tình trạng thiếu hụt, chưa cân đối được "cung - cầu" nguồn nhân lực CNTT đối thị trường hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đào tạo khi còn ở ghế nhà trường, các trường nên phối hợp, liên kết với các DN công nghệ để mở rộng các cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này. Nếu cần thiết, các DN có thể kết hợp với các khoa trong các trường để đào tạo, giảng dạy thêm kiến thức cho nguồn nhân lực tại chỗ …
Các ý kiến khác lại cho rằng, Việt Nam cần cần tạo môi trường thông thoáng, thu hút nhân tài ICT qua chính sách như vận động kiều bào, doanh nhân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia về nhân lực, kinh nghiệm và vốn; tham gia hiệu quả vào các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong nước cả khu vực chính phủ và khu vực DN…/.