Số hóa thanh toán chính phủ: Kinh nghiệm của một số quốc gia
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:40, 13/07/2021
Số hóa công cụ thanh toán thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính quốc gia
Việc số hóa các khoản thanh toán của chính phủ đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể bao gồm lập kế hoạch chi tiết và phối hợp sâu rộng ở nhiều cấp khác nhau. Các chiến lược khả thi thường yêu cầu xác định một cách chính xác các rào cản đối với quá trình số hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng, sửa đổi quy định và các khuôn khổ chính sách một cách đồng bộ.
Mới đây, Nhóm Ngân hàng thế giới đã ban hành Ghi chú "Công cụ để số hóa các khoản thanh toán của chính phủ: Các bài học từ FISF" đưa ra một số giải pháp nhằm số hóa các khoản thanh toán của chính phủ và chia sẻ những kinh nghiệm của một số quốc gia đã tận dụng hiệu quả các chiến lược này trong chương trình Khuôn khổ Hỗ trợ hòa nhập tài chính (FISF).
FISF là một sáng kiến của Nhóm Ngân hàng thế giới nhằm đẩy nhanh và tăng hiệu quả của các cải cách và hành động do quốc gia lãnh đạo để đạt được các mục tiêu hòa nhập tài chính quốc gia. FISF đã hỗ trợ, ở mức độ khác nhau, việc số hóa các khoản thanh toán của chính phủ ở các nước Côte d’Ivoire, Indonesia, Mozambique, Việt Nam, Pakistan và Zambia.
Theo đó, FISF đã đưa ra một số khuyến nghị chung về khung khổ số hóa các khoản thanh toán của Chính phủ bao gồm:
Cam kết cấp cao và sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan đa dạng là chìa khóa để đưa ra hướng dẫn chiến lược tổng thể. Điều này có thể được thực hiện theo một số cách, chẳng hạn như cung cấp một nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc số hóa các khoản thanh toán giữa chính phủ với cá nhân hoặc kết hợp nó trong một chiến lược cấp quốc gia.
Triển khai theo từng giai đoạn: Việc triển khai dần dần hoặc theo từng giai đoạn của sáng kiến số hóa rộng rãi có thể giúp giảm thiểu một số vấn đề liên quan đến quy mô cũng như hạn chế mức độ tiềm ẩn của các nhược điểm nếu có trong quá trình thực hiện. Việc triển khai theo từng giai đoạn cũng có thể là cơ hội để đánh giá khả năng của chương trình trong việc đạt được các kết quả mong muốn và học hỏi từ những hạn chế khi triển khai ban đầu.
Người thụ hưởng nên được phép lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp nhất với họ để thúc đẩy sự thuận tiện và sự bao trùm tài chính thông qua việc cung cấp nhiều lựa chọn thanh toán hơn và nhiều nhà cung cấp dịch vụ hơn.
Lồng ghép các chương trình hiểu biết về tài chính trong quá trình thanh toán: Những người thụ hưởng thường có mức độ hiểu biết về tài chính thấp và có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc kết hợp đào tạo kiến thức về tài chính vào một số thời điểm phù hợp trong các quy trình thanh toán của chính phủ có thể cải thiện hiệu quả, giảm gian lận và khuyến khích sử dụng tài chính.
Những thách thức về cơ sở hạ tầng hiện tại cần được giải quyết: Mặc dù việc thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ không thể ngăn cản quá trình số hóa, nhưng các thách thức về cơ sở hạ tầng cần phải được giải quyết song song để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi.
Thanh toán số nên được sử dụng như một cổng dẫn đến các dịch vụ tài chính khác: Hầu hết người thụ hưởng có xu hướng chỉ sử dụng tài khoản để nhận chuyển khoản thanh toán của chính phủ. Các nỗ lực bổ sung, chẳng hạn như đào tạo hiểu biết về tài chính và đổi mới trong các dịch vụ tài chính, cần được áp dụng trong quá trình thực hiện nhằm khuyến khích người thụ hưởng sử dụng tài khoản của họ đáp ứng các nhu cầu tài chính khác.
Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách cũng nên khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ phục vụ các nhóm bị loại trừ và thực hiện các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Cuối cùng, việc lựa chọn chiến lược số hóa các khoản thanh toán của chính phủ phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia. Nếu thực hiện đúng, việc số hóa các khoản thanh toán của chính phủ có thể thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính, đồng thời mang lại các dịch vụ cần thiết đến gần hơn với người nghèo và những người yếu thế trong xã hội không có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính thông thường.
Kinh nghiệm triển khai của một số quốc gia
Do sự phức tạp của các luồng thanh toán trong chính phủ nên khả năng hiển thị các luồng thanh toán là đặc biệt quan trọng đối với quá trình số hóa các khoản thanh toán của chính phủ, vì nó cung cấp đánh giá chi tiết về bối cảnh hiện có, cho phép xác định cả những khoảng trống và cơ hội.
Toàn cảnh thanh toán điện tử ở Pakistan
Trong năm 2017, việc sử dụng thanh toán điện tử ở quốc gia này, mặc dù đang tăng lên, nhưng vẫn ở mức thấp với khoảng 18% người trưởng thành và chỉ có khoảng 7% có tài khoản thanh toán di động. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 có tác động quan trọng đến việc áp dụng các phương thức thanh toán số: trong quý 3/2020, thanh toán qua ngân hàng điện tử tăng 13% về số lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy chi phí các phương tiện thanh toán khác nhau được sử dụng trong thanh toán bán lẻ cũng có sự chênh lệch nhất định. Tổng chi phí trung bình để thực hiện một thanh toán bằng tiền mặt ở Pakistan là 36,9 rupee Pakistan (PKR). Những giao dịch khác được thực hiện thông qua các quy trình trung gian như đại lý và giao dịch viên sẽ tốn kém hơn so với các phương pháp sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả thanh toán. Ngược lại, thanh toán trực tiếp qua di động là phương thức rẻ nhất. Trên thực tế, giao dịch tiền mặt đắt hơn khoảng 70% so với giao dịch qua ví tiền di động (PKR 25,3).
Điều này đã cho thấy bằng cách số hóa các khoản thanh toán của chính phủ có thể tiết kiệm chi phí một cách đáng kể, đặc biệt là các khoản trợ cấp xã hội, vì 86% trong số này được thực hiện bằng tiền mặt. Nếu tất cả các khoản thanh toán được thực hiện bằng công cụ rẻ nhất, ví điện tử, thì chi phí giao dịch trung bình có khả năng giảm đáng kể cho người tiêu dùng.
Pakistan đã xây dựng một mô hình thanh toán mạnh mẽ để số hóa các giao dịch của chính phủ bằng cách nhấn mạnh việc tiết kiệm chi phí cũng như xác định rằng các nhóm dễ bị tổn thương sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Các ưu điểm từ việc số hóa đã được Ngân hàng Nhà nước Pakistan tận dụng và cụ thể hóa trong Chiến lược Hệ thống thanh toán quốc gia mới ra mắt. Chiến lược đã công nhận vai trò quan trọng của việc tận dụng các luồng thanh toán định kỳ lớn, chẳng hạn như thanh toán của chính phủ, trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thanh toán ở Pakistan. Điều này thúc đẩy trọng tâm của Chiến lược Hệ thống thanh toán quốc gia vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang thanh toán điện tử của tất cả các cơ quan, tổ chức chính phủ.
Pakistan đã cho thấy lợi ích của việc biết tận dụng chi phí các cơ chế thanh toán hiện có và khả năng tiết kiệm được từ việc số hóa để tạo ra các động lực cần thiết cho các cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi sang các công cụ thanh toán số.
Lập bản đồ toàn cảnh thanh toán ở Indonesia
Năm 2016, Chính phủ Indonesia đã quyết định cung cấp các trợ cấp xã hội thông qua các phương tiện điện tử như một phần của các sáng kiến đã cam kết trong chiến lược bao gồm tài chính của mình. Quyết định này đã đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong phương pháp thực hiện chi trả các khoản phúc lợi xã hội. Kết quả là, từ năm 2016 đến năm 2017, khoảng 1,2 triệu người thụ hưởng đã được thí điểm tham gia cơ chế thanh toán số.
Trước khi triển khai chương trình ở cấp độ toàn quốc, một kế hoạch lập bản đồ cho bối cảnh thanh toán từ chính phủ đến cá nhân (G2P) đã được thực hiện để phân tích việc thực hiện sớm chính sách này trong các chương trình trợ giúp xã hội khác nhau ở Indonesia. Mục tiêu của kế hoạch là cung cấp các đề xuất chính sách để cải thiện việc cung cấp các chương trình trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng, bao gồm cả trong quá trình chuyển đổi sang hình thức phân phối kỹ thuật số rộng rãi hơn.
Năm 2017, một quy định của Tổng thống nước này về việc số hóa trợ cấp xã hội đã được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi sang thanh toán số. Việc chuyển đổi toàn bộ chương trình chuyển tiền mặt đã hoàn thành vào năm 2018, trong khi các chương trình hiện vật đã được chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số vào cuối năm 2019.
Tại Indonesia, FISF đã hỗ trợ số hóa chương trình G2P bằng cách lập bản đồ thanh toán của chính phủ. Kế hoạch này đã cung cấp những thông tin có giá trị để tối ưu hóa việc số hóa hai chương trình trợ giúp xã hội lớn nhất của quốc gia này là Chương trình Hy vọng gia đình và Hỗ trợ thực phẩm không dùng tiền mặt.
Chương trình Hy vọng gia đình là một chương trình trợ giúp xã hội có điều kiện được phân phối cho các gia đình hoặc cá nhân nghèo và dễ bị tổn thương giúp giảm nghèo và cải thiện mức sống thông qua giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội tốt hơn. Chương trình thứ hai phát triển từ việc phân phối gạo bằng hiện vật cho các hộ nghèo nhất thành trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt để mua một số loại thực phẩm tại các cửa hàng tham gia chương trình.
Tính đến năm 2018, mỗi chương trình đã phục vụ thanh toán điện tử cho hơn 10 triệu người thụ hưởng. Sáng kiến này đã có tác động đáng kể đến việc hòa nhập tài chính trong nước, vì khoảng 86% người thụ hưởng đã mở tài khoản ngân hàng đầu tiên của họ thông qua chương trình. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng các dịch vụ tài chính giữa những người thụ hưởng vẫn là một thách thức, vì chưa đến 17% sử dụng tài khoản của họ cho các giao dịch tài chính khác.
Sau chương trình hỗ trợ của FISF, Indonesia cũng đang nỗ lực để mở rộng hơn nữa và hiện đại hóa các khoản thanh toán số của chính phủ cho các chương trình trợ giúp xã hội. Cách tiếp cận tập trung vào 4 yếu tố chính: (1) mô hình "nhà cung cấp đa dịch vụ có sự lựa chọn" cho phép người nhận lựa chọn tài khoản mà họ nhận được lợi ích; (2) mở rộng sự lựa chọn các công cụ ngoài thẻ "Combo" hiện có (một loại thẻ ghi nợ cho thanh toán G2P); (3) sửa đổi các chương trình khuyến khích đối với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP) để khuyến khích họ gia nhập thị trường, cải thiện dịch vụ và hạ giá thành; và (4) thiết lập cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt là để cho phép tương tác, xác minh khách hàng điện tử và lập bản đồ ID của người thụ hưởng vào tài khoản giao dịch của họ.
Thiết kế triển khai số hóa các khoản thanh toán của chính phủ ở Mozambique
FISF cũng hỗ trợ chính phủ Mozambique trong việc số hóa các khoản thanh toán của chính phủ bằng cách thực hiện đánh giá toàn cảnh và phát triển một lộ trình số hóa phù hợp.
Đánh giá toàn cảnh cho thấy hầu hết các khoản thanh toán của chính phủ ở Mozambique, đặc biệt là cho các chương trình mạng lưới an toàn xã hội, đều dựa trên tiền mặt.
Việc thiết kế khung khổ thực hiện số hóa được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc gia đồng thời rút ra bài học từ kinh nghiệm của các quốc gia khác. Theo đó, Mozambique đang tìm cách số hóa các khoản thanh toán của chính phủ giữa các cấp bộ, ngành. Để đạt được điều này, cần phải có một bộ phận dịch vụ của chính phủ với năng lực cốt lõi trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT cho toàn chính phủ. Và, CEDSIF (Centro de Desenvolvimento de Sistemas de Informação de Finanças), trung tâm phát triển hệ thống thông tin tài chính của Mozambique, được xác định là nơi thích hợp nhất cho dự án số hóa.
Phương pháp tiếp cận "nhà cung cấp đa dịch vụ có sự lựa chọn (MSP)" đã được áp dụng để cho phép nhiều PSP của đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ cho chính phủ, nơi người nhận được lựa chọn PSP mà họ muốn được sử dụng.
Đây là lần đầu tiên đất nước này đưa ra lựa chọn cho người thụ hưởng. Mô hình MSP sử dụng cả các ngân hàng khu vực tư nhân được quản lý và các nhà khai thác thanh toán di động. Mô hình này được kỳ vọng là lựa chọn chủ đạo trong tương lai của người thụ hưởng.
Phí giao dịch được xác định bởi mỗi PSP và được tính cho người nhận, không phải cho chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ có thể cung cấp cho mỗi người thụ hưởng một khoản trợ cấp cho bất kỳ chi phí rút tiền nào với tỷ lệ cố định. Điều này có thể khuyến khích tính cạnh tranh giữa các PSP, vì người nhận tiết kiệm được từ việc chọn một PSP rẻ hơn. Điều này không chỉ trao quyền cho người nhận mà còn tạo ra áp lực từ phía cầu đối với các PSP nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí.
Việc thực hiện dự án số hóa được tiến hành kể từ tháng 6/2020, và một Ban Thực hiện Dự án thuộc Bộ Tài chính đã được thành lập để giám sát quá trình này.
Việc số hóa các khoản thanh toán của chính phủ có thể có tác động đáng kể đến hiệu quả của hoạt động chính phủ, phúc lợi công cộng và nền kinh tế rộng lớn hơn. Để khuyến khích việc sử dụng các dịch vụ tài chính, các nhà hoạch định chính sách có thể cần thực hiện các bước bổ sung, chẳng hạn như thực hiện đào tạo kiến thức về tài chính, khuyến khích các nhà cung cấp phục vụ các phân khúc bị loại trừ và thực hiện các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Những nỗ lực như vậy, cùng với việc số hóa các luồng thanh toán khối lượng lớn, có thể giúp tăng nhu cầu thanh toán số và đạt được khả năng thương mại mạnh mẽ hơn cho các nhà cung cấp, bao gồm cả các giải pháp thanh toán chi phí thấp. Điều này sẽ cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái cho thanh toán kỹ thuật số và cuối cùng là thúc đẩy hiệu quả, sự hòa nhập, quản trị và hoạt động kinh tế của quốc gia./.