Tập bút ký giúp người đọc mở ra “căn phòng Tây Nguyên” còn chưa biết hết

Truyền thông - Ngày đăng : 17:54, 12/07/2021

"Các bạn tôi ở trên ấy" của nhà văn Nguyên Ngọc là những bút ký khắc họa rõ nét, chạm đến tầng sâu nhất về thiên nhiên, con người, văn hóa và rừng Tây Nguyên.

"Căn phòng Tây Nguyên" với nhiều ô chứa thú vị đặc sắc

Với nhà văn Nguyên Ngọc - người đã gắn bó nửa đời với Tây Nguyên, người đã từng ăn ngủ, sống chết với dân làng - thì những gì hiện ra trên từng trang sách, chính là tái hiện lại đời sống của những tộc người Tây Nguyên, tái hiện lại đời sống của đất rừng Tây Nguyên đại ngàn mà "thâm trầm và huyền diệu".

Qua mỗi trang sách, hiển hiện trước mắt người đọc là con người và vùng đất kết dính nhau bằng men say âm thanh cồng chiêng, bằng âm hưởng đàn đá ngàn năm. Người con của núi rừng bên cạnh bếp lửa, cùng điệu múa bên ghè rượu cần… họ có nếp đối đãi chân chất, nhân văn không lẫn vào đâu được: "Không bán, nhưng mà cho". Nhà văn Nguyên Ngọc vô cùng khéo léo "tinh chế" để giữ nguyên "linh hồn" của đời sống Tây Nguyên trong văn mình.

Người Tây Nguyên sống thuận theo tự nhiên, họ chọn lối canh tác "luân khoảnh" độc đáo đầy tin tưởng vào Mẹ đất. Ngược lại, thiên nhiên che chở, phục hồi và nuôi dưỡng thể xác, tâm hồn những người con của núi rừng. 

"Con người không bao giờ có thể thoát ra được khỏi rừng, cũng như không bao giờ có thể bứt ra khỏi vòng tuần hoàn bí ẩn muôn thuở, bứt ra khỏi cái hoang dã; luôn bị cái hoang dã ấy vây kín, cuốn hút…

Nhưng đồng thời, mặt khác, con người là người cũng chính bởi vì nó luôn có nhu cầu bứt ra khỏi cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa. Đấy là một cuộc giằng co, sự níu kéo hai đầu vĩnh cửu, nó làm nên nội dung của cuộc sống con người". (Trích Rừng, đàn bà, điên loạn - đi qua miền mơ tưởng Gia Rai).

Đáng chú ý, trong lần tái bản này, những bài viết mới của tác giả như "Rừng", "Đàn bà", "Điên loạn - Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai", "Canh rau tập tàng ở Kon Braih Yu", "Cồng chiêng từ đá đến đồng", "Hạnh phúc", "Trở lại Mèo Vạc" đưa người đọc khám phá thêm lần nữa khoảnh rừng kín lá mà tác giả còn để riêng ở một vạt ký ức chưa xa. Ngoài ra, sách còn được bổ sung thêm những hình ảnh do chính nhà văn chụp và lưu giữ bao lâu nay.

"Các bạn tôi ở trên ấy" không chỉ toàn những đại tự sự, nhà văn Nguyên Ngọc đã đi vào "từ trong máu, trong li ti huyết quản" để kết luận không võ đoán rằng "mỗi đứa bé Cao Nguyên" chỉ năm tuổi, bốn tuổi, ba tuổi… đã có thể chào hỏi khách đến nhà, trông coi em nhỏ, rành rẽ rừng đến mức chúng có thể tìm thấy và "phối trộn" nên nồi canh rau tập tàng từ muôn vàn cây lá núi rừng: "rừng cộng lại và nhân lên".

Tập bút ký đậm chất sử thi Tây Nguyên

Có thể nói bên cạnh vẻ đẹp của người đàn bà Tây Nguyên - giữ cho thế thăng bằng giữa rừng và làng truyền đời - thì trẻ em Tây Nguyên là những mầm xanh tiếp nối đầy bản lĩnh.

Bản lĩnh Tây Nguyên có lẽ một phần hun đúc từ những đêm nghe kể sử thi, và, một lần nữa Nguyên Ngọc cho thấy "con mắt/đôi tai khác" của ông để lý giải cho bạn đọc. Trong đêm ngồi tham dự buổi nghe kể sử thi, Nguyên Ngọc nhận ra bất kì người Tây Nguyên nào, không ngoại trừ chính già làng đang truyền lời sử thi, dừng lại giữa hai chương câu chuyện, khoảng lặng cần thiết ấy là lúc "dàn hòa nhạc tự nhiên" chỉ có ở đất đai Tây Nguyên lên tiếng:

"Người Tây Nguyên là những người rất sành giao hưởng, họ không nhầm như ta. Họ im phắc trong khoảng lặng giữa hai chương, trân trọng lặng chờ hồi mới. Chính lúc ấy ta mới biết hóa ra có cả một dàn nhạc đệm mênh mông vẫn chảy theo cuộc phiêu lưu của anh chàng Đăm Noi trên từng bước số phận gian nan và anh hùng của anh:

Tiếng nước lanh tanh kiên nhẫn và thân yêu ở máng nước đầu làng, trong đêm khuya càng trong veo, càng vô cùng thanh tịnh; tiếng vỗ cánh của con chim đêm bí ẩn vừa bay vút qua trên ngọn nhà rông, mất hút trong rừng xa, để lại niềm xao xuyến trong lòng mọi người; tiếng một con mang quen thuộc tác gọi con đêm nào cũng thống thiết, khiến ta chợt lo lắng đến quặn lòng; tiếng nước quấn quýt quanh cái gành đá ngoài sông, chần chừ nửa ở nửa đi...

Và trùm lên tất cả, tiếng rì rầm vĩnh cửu của mẹ rừng, cái ngôn ngữ nền của cuộc sống mà người Tây Nguyên nào cũng nghe hiểu được, từ thuở nảo thuở nào đến giờ, từ thời Đăm Noi xa lắc cho đến cậu bé đang gật gà ngủ đêm nay trên lưng mẹ trong góc tối kia của nhà rông..." (tiếng của núi rừng Tây Nguyên giữa hai chương kể sử thi, một đặc điểm chỉ có trong không gian văn hóa Tây Nguyên - Những chiều kích của rừng, trang 15).

Và trùm lên tất cả, tiếng rì rầm vĩnh cửu của mẹ rừng, cái ngôn ngữ nền của cuộc sống mà người Tây Nguyên nào cũng nghe hiểu được, từ thuở nào đến giờ, từ thời Đăm Noi xa lắc cho đến cậu bé đang gật gà ngủ đêm nay trên lưng mẹ trong góc tối kia của nhà rông..."

Ngày nay con người dành nhiều thời gian thực hiện những chuyến đi khám phá, trở về với tự nhiên, chúng ta đến một nơi, gõ cửa vào hoang sơ để được hòa mình vào nơi đó trong chuyến du lịch ngắn ngày; người Tây Nguyên ở giữa chiếc nôi tự nhiên vẫn có những chuyến đi như vậy, lúc sống họ đi vào rừng sau mùa vụ (dịp tháng Ninh Nông) - mẹ lúa đã được rước vào trong kho, trút bỏ trang phục và phiền muộn để trở về nguồn, hòa nhịp.

Sau hết, họ lại "trở về" trong chuyến đi cuối cùng, qua một thế giới khác: "Một ngày nào đó, từ rừng xanh bất tận cả trong không gian lẫn thời gian kia, một mảnh nhỏ li ti của rừng bất tận đã được tách ra thành người, cái mảnh ấy, cái phần bé tẹo của rừng được tạm thời thể hiện thành người ấy, đi qua một đoạn ngắn trên thế gian bụi bặm. Một đoạn ngắn phù du. Rồi lại trở về rừng. Cuộc đời của con người là hữu hạn, rừng thì vô hạn. Đi ra, rồi trở về. Chết là cuộc trở về. Với mẹ Tự nhiên. Với rừng vĩnh cửu."

"Các bạn tôi ở trên ấy" có lẽ được Nguyên Ngọc dụng ý như một "chùm chìa khóa xanh" mà ông thả vào tay bạn đọc: chìa khóa mở cửa những tiếng hát, chìa khóa mở "cánh cửa" nhà rông có chiếc phản thiêng kì bí, chìa khóa hé lộ bí quyết rượu cần của người đàn bà Tây Nguyên, chìa khóa thổi hồn cho chiếc chiêng đồng, tượng nhà mồ… Tác giả chủ động gắn cùng nhau những chiếc chìa khóa lý giải cặn kẽ về tình bạn, tình yêu, lễ tục… nhưng cũng ẩn ý nhiều chiếc chìa khóa mở về "căn phòng Tây Nguyên" còn chưa biết hết.

Cho đến nay, ở tuổi 89, nhà văn Nguyên Ngọc vẫn rất tâm đắc và mong muốn được gửi đến bạn đọc nói chung, bạn đọc Tây Nguyên nói riêng những tâm tình sâu sắc, rung động nhất của cuộc đời mình. Như chính ông đã bộc bạch khi nói về Các bạn tôi ở trên ấy: "Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm ngặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu xa..." (Nguyên Ngọc - Phát biểu tại lễ nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 - hạng mục văn xuôi cho tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy).

Trước khi bạn đọc mở quyển Các bạn tôi ở trên ấy và làm cuộc khám phá thứ nhất trên trang sách, xin mạn phép nhắc rằng nhà văn Nguyên Ngọc bên cạnh những bức ảnh do chính tay ông chụp bằng chiếc máy ảnh nhỏ luôn mang theo, thì không ít lần, "chiếc máy ảnh ngôn từ" của ông cho ra đời những "bức ảnh" Tây Nguyên sắc nét, mời gọi giữ gìn:

"Đã xế chiều nhưng trời đột ngột dứt mưa và như thường vẫn vậy trên núi cao, chợt có nắng, nắng xế làm ửng lên vàng óng vạt rẫy hình tam giác, lúa đã chín ở sườn núi bên kia; còn ở trong nhà này thì nắng cũng vàng như sơn mài đan qua các liếp tre giúp chúng tôi nhận ra được một bếp lửa đang âm ỉ khói và trong góc nhà bốn đứa bé xúm xít vào nhau, ngơ ngác nhưng không hề sợ sệt, mở to mắt nhìn chúng tôi."

Nguyên Ngọc là bút danh của Nguyễn Văn Báu (ngoài ra ông còn có bút danh Nguyễn Trung Thành), sinh năm 1932 tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa có bề dày và chiều sâu sáng tác cũng như thái độ làm việc nghiêm túc trong nghệ thuật.

Các sách đã xuất bản: Đất nước đứng lên; Mạch nước ngầm; Rẻo cao; Rừng xà nu; Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; Đất Quảng; Tháng Ninh Nông; Tản mạn nhớ và quên; Nghĩ dọc đường; Lắng nghe cuộc sống; Bằng đôi chân trần; Đường chúng ta đi; Có một con đường mòn trên Biển Đông; Cát cháy; v.v.

Các sách đã dịch: Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera); Rừng, Đàn bà, Điên loạn - Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai (Jacques Dournes); Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (Svetlana Alexievich); v.v./.

Thuý Hạnh