Đưa tiểu thương lên sàn TMĐT: Khó khăn đến từ việc tạo động lực thay đổi thói quen
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:48, 12/07/2021
Cần thí điểm trên nhiều chợ để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ
Trong bối cảnh hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa để phòng dịch, giải pháp hỗ trợ tiểu thương tiếp cận kênh online đang được tính đến. Đây là đề xuất vừa được Hội Quảng cáo TP. HCM và Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) gửi lên Sở Công Thương TP. HCM khi đến nay, ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức và hơn 100 chợ truyền thống ở TP HCM đã đóng cửa.
Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP. HCM cho biết, tại cuộc họp sáng 6/7 với Sở Công Thương, các hội cho rằng nếu áp dụng, đề án này có thể triển khai thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 giải quyết nhanh với mô hình đơn giản theo quy trình "traffic - bán hàng - vận hành - thanh toán". Trong đó, với "traffic" (lưu lượng giao dịch buôn bán -PV), theo ông Bảo, bước này, người bán đột ngột bị mất kết nối với người mua. Vì vậy, giải pháp đặt ra là dùng các kênh thông tin từ các cơ quan, tổ chức để kết nối cho người bán và người mua gặp nhau.
Cụ thể, cần tập hợp danh sách tiểu thương và hàng hoá cung cấp (danh sách này được tiểu thương xác nhận). Sau đó, Ban quản lý các chợ triển khai truyền thông tại chợ bằng cách: Dán thông tin mã QR Code để người mua lấy dữ liệu; Gửi thông tin đến các hộ dân trong khu vực bằng tờ rơi, hệ thống loa đài hoặc cho đăng tải trên các fanpage, mạng xã hội của các quận, huyện để người dân dễ tiếp cận; Thống kê thông tin các chợ và cho truyền thông trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, giúp người mua dễ dàng lấy được danh sách cung cấp từ tiểu thương các chợ; Hệ thống biển quảng bá thông tin để người mua dễ tiếp cận và truy cập, có QR code tải dữ liệu.
Còn đối với khâu bán hàng, các tiểu thương sẽ bán hàng thông qua điện thoại thông minh với các hình thức nghe gọi, ứng dụng chat. Tiểu thương sẽ được đào tạo cách sử dụng ứng dụng chat, gọi video (video call), tạo nhóm khách hàng, đăng tải tệp (file) và hình ảnh.
Việc vận hành sẽ được giải quyết tốt qua 2 khâu bằng cách đóng gói hàng an toàn và tương tác với nhà vận chuyển, sẽ đào tạo và kêu gọi chính sách hỗ trợ từ các nhà vận chuyển. Cuối cùng, việc thanh toán sẽ thông qua các hình thức: Chuyển khoản qua ngân hàng; Thanh toán qua ví; Thanh toán COD thông qua kênh các nhà vận chuyển.
"Các bước sẽ được tổ chức đồng thời với công tác đào tạo nhanh cho tiểu thương và ban quản lý các chợ", ông Bảo chia sẻ thêm.
Đối với công tác truyền thông cho giai đoạn một, theo kiến nghị của Hội Quảng cáo TP. HCM, để cả cộng đồng tiêu dùng Hồ Chí Minh nhận biết và truy cập và liên hệ, cần tổ chức truyền thông mạnh trên các phương tiện bản biển, báo điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, khi truyền thông mạnh thì trang cổng thông tin tiểu thương cần phải phong phú nhiều chợ.
Bên cạnh đó, nếu triển khai thí điểm chỉ cho một chợ thì sẽ không truyền thông mạnh được. Khi đó sẽ không nhiều người biết và không nhiều người truy cập và khó đo được độ hiệu quả. Vì thế, Hội Quảng cáo nên đề xuất triển khai đồng loạt ở tương đối nhiều chợ để truyền thông hiệu quả nhất. Còn trong trường hợp thí điểm một chợ thì chỉ chia sẻ trên các kênh nội bộ và hoàn thiện quy trình là chủ yếu.
Chuyển đổi số ngành bán lẻ bền vững trên môi trường số
Sau khi thực hiện xong giai đoạn một, Hội Quảng cáo TP.HCM và VECOM đề xuất thực hiện giai đoạn 2, chuyển đổi số (CĐS) ngành bán lẻ với sự hỗ trợ của Hệ sinh thái TMĐT. Để thực hiện giai đoạn này, theo ông Bảo, cần thực hiện các bước sau, đầu tiên là xây dựng dữ liệu số bằng cách: Tập hợp dữ liệu BQL các chợ lên hệ thống, sau đó hệ thống sẽ kết nối API với các sàn muốn khai thác dữ liệu tiểu thương này. Đồng thời, dự kiến sẽ có sàn riêng của VECOM cho các tiểu thương tham gia. Bước tiếp theo sẽ kêu gọi: Các tổ chức đào tạo hỗ trợ DN bằng đào tạo và call center; Các gói traffic bán hàng hỗ trợ từ các công ty truyền thông lớn: Yeah1 Digital, Mcv, Accesstrade,…; Các gói tài chính hỗ trợ DN, tiểu thương gặp khó khăn.
Giai đoạn cuối cùng là giúp các chợ, tiểu thương phát triển bền vững trên môi trường số. Cụ thể, VECOM phối hợp các sàn xây dựng môi trường số cho tiểu thương; Xây dựng Trung tâm dữ liệu cho tiểu thương và hỗ trợ quảng bá họ; Hỗ trợ triển khai thực hiện nội dung thông tin dữ liệu; Đào tạo quản trị các tài khoản quản lý trên sàn.
Cũng trong cuộc họp với Sở Công thương, Hội Quảng cáo TP.HCM và VECOM đã đề xuất, kiến nghị triển khai giai đoạn một thí điểm tại các chợ truyền thống và mỗi quận chọn một chợ thí điểm.
Trong đó, Sở Công thương TP. HCM hỗ trợ việc lựa chọn chợ thí điểm và kết nối các bên cùng làm việc với Phòng kinh tế các quận, huyện, Ban quản lý (BQL) các chợ để triển khai hoạt động. Đồng thời, thành lập các nhóm đi chợ dùm là đội ngũ xe ôm, xe công nghệ và ngay chính cả tiểu thương tại chợ. Đối tượng giai đoạn này tập trung vào nhóm tiểu thương cung ứng nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô,…
Hình thức triển khai sẽ cung cấp thông tin theo 2 lựa chọn để tùy điều kiện mà người dân hoặc tiểu thương sẽ thực hiện các giải pháp phù hợp, bao gồm: dịch vụ mua lẻ và theo combo. Bên cạnh đó, sẽ triển khai dịch vụ "đi chợ dùm", bằng cách cung cấp thông tin cho dịch vụ "đi chợ dùm" để người mua có thể liên hệ thông qua số điện thoại để thống nhất phương thức và thời gian giao hàng.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện song song với quá trình triển khai để người dân từng khu vực dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt quan tâm đến các kênh truyền thông thông qua mạng xã hội như: Tôi là dân Gò Vấp, Hóc Môn trực tuyến, Phú Nhuận trực tuyến, Chợ Lớn,…để đăng tải thông tin nhanh chóng.
Đại diện Sở Công Thương TP. HCM cho rằng đây là một đề xuất rất đáng quan tâm trong bối cảnh tiểu thương các chợ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Sở cho biết sẽ có kết luận chính thức sau khi làm việc với các bên liên quan.
Nhiều tiểu thương cũng đánh giá đề xuất này khá thiết thực trong tình thế hiện nay, nhưng băn khoăn câu chuyện chi phí và giao hàng. Chị Hạnh, tiểu thương bán cá tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho rằng, mỗi kg cá lời 5.000 - 10.000 đồng, nếu bán online, ngoài chiết khấu và đóng phí duy trì, hoạt động giao hàng cũng khá phiền phức. Bởi đây là mặt hàng khó bảo quản nên sẽ khá tốn kém khi đóng gói gửi khách.
Chị Hoa, một tiểu thương bán giò chả tại chợ Tân Định chia sẻ, trước đây chị cũng bán hàng qua các kênh online nhưng chiết khấu lên tới 20 - 30% khiến chị không có lãi đành rút lui sau một tháng thử nghiệm.
"Mỗi kg chả giá 220.000 đồng, tiền lời tầm 40.000 đồng nhưng bị các sàn chiết khấu 40.000 - 60.000 đồng. Tính ra tôi sẽ bị lỗ vốn", chị Hoa nói.
Từng kết hợp bán thịt heo qua mạng xã hội hơn năm nay, chị Thành, tiểu thương chợ Phú Thọ (Quận 11) cho rằng, nếu được miễn phí hoàn toàn hoặc chỉ đóng một tháng 100.000 - 200.000 đồng tiền phí, chị và nhiều tiểu thương sẽ tham gia ngay.
Cần sự hỗ trợ của các đơn vị giao nhận trong việc đưa tiểu thương lên sàn TMĐT
Đây không phải là lần đầu tiên, việc đưa tiểu thương lên sàn TMĐT được thực hiện, mà vào tháng 9/2020, "Chợ phiên online Chợ Lớn" đã lần đầu tiên được tổ chức, nhằm giới thiệu các sản phẩm tinh hoa Chợ Lớn qua kênh bán hàng trực tuyến.
Để đưa các chợ truyền thống lên sàn TMĐT, theo ông Bảo, khó khăn nhất đến từ người bán, từ khâu vận động thuyết phục tham gia, tự chuẩn bị nội dung hình ảnh và mô tả sản phẩm, đến phần vận hành trong và sau phiên chợ. Do đã quá quen với truyền thống và đã tìm hiểu bán hàng online nhưng chưa thực sự triển khai. Vì vậy, người bán cảm thấy nó quá phức tạp và bị cạnh tranh và giá cả dẫn đến họ không tin tưởng môi trường mua bán online.
"Ngoài ra họ hoàn toàn xa lạ với cách vận hành bán hàng online do chưa triển khai bao giờ và cũng do tuổi tác của của chủ hộ tiểu thương cũng tầm trên 45 nên khả năng ứng dụng CNTT của họ không được tốt", ông Bảo lý giải.
Một khó khăn lớn nữa đến từ bài toán tạo động lực để thay đổi thói quen, khi mà càng có tuổi thì để thay đổi thói quen ngày càng trở nên khó khăn, cũng chính vì điều đó mà lớp bán hàng thành công trên TMĐT là lớp trẻ chứ không phải những tiểu thương lâu năm.
"Dịch Covid-19 chính là động lực đủ lớn để rất nhiều người thay đổi. Vì sức mạnh của dịch có thể làm một cửa hàng doanh thu cả chục triệu một ngày trở về con số 0 trong nhiều ngày liên tục. Đây là kịch bản chúng ta có thể thấy tại chỉ thị 10 khi đã tạm đóng rất nhiều chợ. Việc lên online có thể làm từng bước một", ông Bảo nhấn mạnh.
Vì vậy, trong các giải pháp Hội Quảng cáo TP.HCM, VECOM đề xuất lên sở có chia thành 2 bước. Bước một thay đổi cách bán hàng truyền thống bằng bán hàng qua điện thoại hay các ứng dụng chat. Việc này không có dịch thì nhiều gia đình đã làm và nó chính là mô hình đi chợ hộ.
Bước thứ 2 mới là tham gia vào TMĐT. Đưa nội dung hình ảnh và làm chương trình bán hàng trên môi trường online. Nếu tiểu thương nào thật sự tận dụng được tốt quá trình CĐS thì có dịch hay không dịch thì họ cũng sẽ có 3 nguồn doanh thu: bán trục tiếp, bán qua điện thoại và sàn TMĐT.
"Để làm tốt các việc này thì Hội Quảng cáo TP. HCM, VECOM sẽ đồng hành thông qua các chương trình đào tạo cũng như các sự kiện để có thể cập nhật thông tin và kiến thức cho tiểu thương", ông Bảo nói.
Còn đối với người mua, theo ông Bảo, nhóm đối tượng này ở chợ khá đa dạng, trong đó có một số nhóm lớn tuổi và ít sử dụng công nghệ. Nhưng Hội Quảng cáo TP.HCM, VECOM không lo lắng lắm vì ở Việt Nam họ không sống một mình. Do đó, đây sẽ là cơ hội để con , cháu người thân trong gia đình có thể cập nhật thông tin cho họ.
Trên cơ sở đó, Hội Quảng cáo TP.HCM cũng như VECOM đã đồng hành rất sát với cơ quan quản lý nhà nước cũng như ban quản lý chợ để vận động cũng như kêu gọi tham gia các lớp đào tạo và buổi trao đổi để nâng cao kiến thức. "Thời gian chúng tôi đầu tư cho vận động và đào tạo rất quan trọng vì đây là mấu chốt của TMĐT, sản phẩm phải cạnh tranh và người bán phải vận hành được", ông Bảo nói.
Đồng thời, khi triển khai các chương trình giúp tiểu thương bán hàng trên sàn TMĐT, Hội Quảng cáo TP.HCM muốn các tiểu thương phải thực sự tham gia vào chương trình và trải nghiệm được các khâu từ đầu như làm nội dung hình ảnh đến làm đối soát tài chính và chăm sóc khách hàng sau phiên, dù để làm được chuyện đó vừa cực phần đào tạo vừa cực phần hỗ trợ xuyên suốt chương trình.
Trước những lo lắng của người bán hàng về câu chuyện chi phí và giao hàng, theo ông Bảo, với bài toán hiện tại thì tiện lợi và tối ưu chi phí là các bài toán quan trọng. Khi giải quyết được câu chuyện tiện lợi, người mua không quá mệt mỏi để gọi cho từng người bán và nhận quá nhiều đơn hàng nhỏ lẻ. Còn việc tối ưu hoá chi phí, khi chợ đóng hay chỉ có một số tiểu thương được bán thì chúng ta sẽ phát sinh ra chi phí giao nhận.
Nếu đơn hàng giá trị không đủ lớn thì chi phí giao nhận sẽ làm ảnh hưởng tên tâm lý của người mua hàng. Khi thời điểm mà thành phố hạn chế người dân ra đường thì vai trò và trách nhiệm của các công ty giao nhận rất lớn. "Vì thế, quá trình đưa tiểu thương lên sàn TMĐT rất cần sự đóng góp của tất cả các công ty giao nhận tham gia. Đặc biệt công ty giao nhận trong thời điểm này có thể tuyển dụng thêm nhân công để tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp", ông Bảo kết luận.
Chia sẻ trên phương tiện truyền thông, đại diện Sendo cho biết, kinh nghiệm từ mô hình C2C và đặc biệt là phổ cập TMĐT cho nông dân, có thể lưu ý 3 yếu tố để đảm bảo thành công cho CĐS trong kinh doanh truyền thống: Thứ nhất, có sự phổ cập từ phía chính quyền cũng như có mô hình thành công để tiểu thương tin tưởng vào TMĐT. Thứ hai, nên tập huấn cho tiểu thương các kỹ thuật bán hàng mới nhất, chứ không dừng lại ở đăng bán sản phẩm. Đơn cử như Sendo có chương trình tập huấn livestream cho nông dân thời gian qua. Thứ ba, để giải quyết bài toán về biên lợi nhuận, các mô hình mua gom đơn, mua nhiều giá kho sẽ là lời giải mà sàn này đang áp dụng thành công thời gian qua cho các DN vừa và nhỏ./.