Bùi Hải Nam, đồng sáng lập Sổ bán hàng: Giúp tiểu thương chủ động bán hàng, quản lý dòng tiền
Kinh tế số - Ngày đăng : 10:34, 08/07/2021
Hỗ trợ thúc đẩy bán hàng
Có lẽ chưa khi nào, các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống tại TP.HCM lại rơi vào tình cảnh khó khăn như gần 1 tháng nay. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã có hơn 100 chợ truyền thống trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động.
Tiểu thương phải xoay xở mọi cách để cầm cự, như nhắn tin cho khách quen, rao bán hàng hóa qua hội, nhóm trên các trang mạng xã hội…
Cách bán hàng này là giải pháp ứng phó kịp thời nhằm duy trì dòng tiền cho tiểu thương và có thể trở thành xu hướng mới, giúp tiểu thương kinh doanh hiệu quả hơn, nếu được vận hành theo phương thức bài bản.
Bùi Hải Nam, đồng sáng lập Sổ bán hàng (SoBanHang) cho biết, các thành viên sáng lập của Jamalex Finan (đơn vị sở hữu SoBanHang) đều trăn trở, mong muốn xây dựng giải pháp công nghệ để hỗ trợ tiểu thương - những người đang bị bỏ lại trong làn sóng chuyển đổi số và bán lẻ hiện đại.
“Gần đây, thấy rất nhiều tiểu thương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và cạnh tranh, chúng tôi thực sự cảm thấy bị thôi thúc, quyết tâm xây dựng giải pháp công nghệ đã có ý định thực hiện từ rất lâu. Chúng tôi kỳ vọng giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển”, Hải Nam chia sẻ.
Sổ bán hàng được bắt đầu phát triển từ tháng 4/2021. Ban đầu, Hải Nam cùng đội ngũ dự định giúp tiểu thương quản lý dòng tiền, do thấy họ chưa có nhiều kiến thức tài chính cơ bản, một số người đi vay siêu nặng lãi rồi phá sản. Nhưng đến cuối tháng 5, khi dịch bùng lên, đội ngũ này phải làm việc tại nhà và lúc này, họ thấy rõ việc hỗ trợ bán hàng quan trọng hơn.
Jamalex Finan dồn toàn bộ nguồn lực và sự tập trung để hoàn thiện SoBanHang chạy đua với dịch, bên cạnh các mảng kinh doanh hiện hữu. Sau 3 tuần, họ hoàn tất phiên bản khả dụng đầu tiên với hỗ trợ của rất nhiều bạn bè ngoài Công ty. Nền tảng SoBanHang chính thức được Apple Store và Google Play Store chấp nhận từ ngày 24/6/2021.
Giúp tiểu thương chủ động quản lý dòng tiền
Một trong những lợi thế của đội ngũ sáng lập SoBanHang khi thực hiện sản phẩm này là kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực sàn thương mại điện tử.
Theo Hải Nam, ngành này bùng nổ thời gian gần đây, song mới chỉ chiếm hơn 5,5% thị trường bán lẻ. Bởi, bán hàng trên sàn không dễ. Tiểu thương phải chịu chi phí hoa hồng cao, tuân thủ nhiều quy định phức tạp; khách hàng cũng phải chịu phí giao hàng.
Trong khi đó, tiểu thương truyền thống chủ yếu bán cho khách trong khu vực, khách quen, không phải giao hàng, đóng gói phức tạp hay thanh toán điện tử. Thậm chí, họ còn cho khách mua chịu… Tuy nhiên, khi cửa hàng bị đóng bởi dịch, hoạt động ấy không thể diễn ra bình thường và Sổ bán hàng sẽ là lựa chọn tối ưu.
Hải Nam cho biết, sử dụng SoBanHang, tiểu thương có thể chủ động tiếp cận khách hàng với việc đưa cửa hàng online của mình đến với khách, qua đó có thể ổn định dòng tiền. Chỉ cần chia sẻ địa chỉ cửa hàng online lên Facebook, gửi qua Zalo, tin nhắn SMS... là tiểu thương có thể bán được hàng. Khách hàng cũng dễ lựa chọn hơn, vì thấy được sản phẩm, có thông tin đơn hàng, không lo đặt sai, đặt thiếu...
Sổ bán hàng còn giúp tiểu thương ghi nợ nếu khách chưa thanh toán ngay, hoặc chính tiểu thương cũng chưa có tài khoản để nhận tiền trước. Ứng dụng này sẽ tự động nhắc nhở khách thanh toán qua tin nhắn SMS; giúp tiểu thương ghi lại các giao dịch thu - chi trên điện thoại thay vì cuối ngày mất công ngồi kiểm kê lỗ - lãi. Như vậy, tiểu thương có thể chủ động quản lý dòng tiền của mình.
“Mục tiêu trong năm nay của chúng tôi là hoàn thiện giải pháp công nghệ để tạo giá trị thực sự cho người sử dụng, giúp ít nhất 20% người sử dụng có được có được đơn hàng/giao dịch mỗi ngày. Chúng tôi tin, chỉ khi tạo đơn hàng/giao dịch cho họ, thì sản phẩm này mới thực sự tạo ra giá trị”, Hải Nam chia sẻ./.