Alibaba, Warburg muốn có phần bánh e-commerce tại Việt Nam
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:33, 07/07/2021
Bloomberg phân tích nhanh một số lát cắt trong hệ sinh thái thương mại điện tử của Việt Nam với các tên tuổi sừng sỏ như Shopee, Lazada, hay nổi bật nhất gà nhà Tiki cùng với dòng vốn liên quan đang đổ vào Việt Nam để nuôi dưỡng nhóm này - đại diện bởi Alibaba (Trung Quốc - công ty do Jack Ma sáng lập cùng sự nâng đỡ của SoftBank) và Warburg (quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ do gia tộc Do Thái Warburg kiểm soát - nhóm góp phần tạo ra Fed). Trong bối cảnh đại dịch covid hoành hoành, nhiều người Việt có lẽ buộc phải trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu trong đời mình. Bài do mình lược dịch dưới đây:
Len lõi qua những cung đường chen chúc của thành phố Hồ Chí Minh trên con xe Honda của mình, Hồ Đức Quang chạy ngang qua bức tượng nhà lãnh đạo kiến quốc mà đô thị lớn nhất Việt Nam được đặt tên theo, sau đó rẽ vào khu chợ đông đúc Bến Thành để giao đồ chơi, sách và các gói hàng hóa khác của nền tảng thương mại trực tuyến Tiki.vn
Quang, 25 tuổi, cần phải thực hiện công việc của mình nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo dịch vụ giao hàng trong 2 giờ cho các khách hàng ưa chuộng dịch vụ giao nhanh ở các đô thị lớn của Việt Nam. Anh sử dụng tai nghe AirPods để thông báo cho khách hàng mình sắp đến nơi, nhưng có một điều khiến công việc bị chậm lại: Quang cần phải chờ khách hàng mở gói hàng và xác nhận mọi thứ đã ổn rồi mới có thể thực hiện đơn hàng tiếp theo. Điều này là bắt buộc, bởi sự thiếu niềm tin của nhiều người Việt vào các nhà buôn xa lạ trên các nền tảng thương mại trực tuyến.
Cuộc đua "giao hàng" của Quang xuyên qua thành phố 9 triệu dân là một phần trong chiến dịch dành lấy thị phần từ những người Việt còn lưỡng lự, liệu có nên thử mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong đời trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Đây không phải là công việc bán hàng diễn ra dễ dàng, bởi xã hội Việt Nam vẫn chủ yếu vẫn vận hành bằng tiền mặt, nơi chỉ một phần ba người lớn có tài khoản ngân hàng, ít hơn 5% dân số có thẻ tín dụng và bao phủ bởi đại đa số các cửa hàng nhỏ lẻ (mon-and-pop) và chợ trời truyền thống (wet markets).
Euromonitor International ước tính thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 3% thị trường bán lẻ toàn quốc vào năm ngoái - con số nhỏ nhất so với các nền kinh tế chính yếu khu vực Đông Nam Á - do đó tiềm năng tăng trưởng rất hấp dẫn. Nền kinh tế số của Việt Nam được tiên đoán tăng đến 52 tỷ $ vào năm 2025, tăng khoảng 29% hàng năm, theo một nghiên cứu của Google thuộc Alphabet Inc., Temasek Holdings Pte và Bain & Co.
Cạnh tranh dành khách hàng
Các công ty khởi nghiệp được nâng đỡ bởi Warburg Pincus LLC và JD.com Inc., cùng các tên tuổi trong khu vực bao gồm Sea Ltd. của Singapore (đầu tư vào Shopee) và thậm chí cả Amazon.com Inc. cũng đang nhắm đến tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở quốc gia này. Giữa 2016 và nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã rót tổng cộng 1.9 tỷ $ vào khu vực trực tuyến của Việt Nam (online sector), như nghiên cứu của Google, Temasek và Bain đã chỉ ra.
Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sơ khởi sang xã hội số hóa với dân số trẻ yêu thích công nghệ. Do đó tất cả các công ty trên phải không ngừng dấn thân để cung cấp các dịch vụ số liên quan."
Chính phủ đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến sẽ chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ của Việt Nam, 50% sẽ nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - tới năm 2025. Các quan chức Việt Nam muốn giảm việc sử dụng tiền mặt nhằm tạo một nền kinh tế hiện đại minh bạch hơn, cụ thể áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công và cải thiện bộ khung pháp lý cho thanh toán số.
Một liên doanh dẫn dắt bởi Alibaba Group Holding Ltd. và Baring Private Equity Asia đang đầu tư 400 triệu $ cho 5,5% cổ phần nhánh bán lẻ của tập đoàn đa ngành Masan Group Corp. Một phần trong thỏa thuận được công bố vào ngày 18/05, Masan sẽ đồng hành cùng với Lazada, nhánh thương mại điện tử của Alibaba ở khu vực Đông Nam Á. Kenny Ho, trưởng bộ phận đầu tư của Alibaba tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ: "Sự kết hợp giữa chuyên môn bán lẻ trực tuyến của Alibaba thông qua nền tảng thương mại trực tuyến Lazada ở Việt Nam và mạng lưới ngoại tuyến (offline) hàng đầu của Masan sẽ tạo ra lợi thế mạnh trong quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam."
M-Service JSC, một công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đang vận hàng ứng dụng thanh toán Momo, trong tháng một vừa qua đã gọi vốn được hơn 100 triệu $ từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Warburg Pincus. Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập M-Service JSC chia sẻ, số lượng người dùng đăng ký ứng dụng Momo đã tăng gấp đôi lên 23 triệu trong năm ngoái, Momo dự đoán sẽ có 50 triệu người đăng ký trong hai năm tới.
Lần đầu tiên trong cuộc đời mua sắm của mình, người Việt Nam bị thu hút bởi trải nghiệm bán lẻ vốn đã phố biến ở các quốc gia phát triển bởi bị bao phủ bởi hàng chục công ty thương mại điện tử đang ra sức xây dựng lòng trung thành của tập khách hàng trung lưu tiềm năng.
Thiếu lòng tin của khách hàng
Các nhà bán lẻ số tìm cách thu hút người mua sắm (shoppers) luôn lo lắng với vấn nạn hàng giả và các cửa hàng (stores) tìm cách né tránh thực hiện chính sách đổi trả. Nhà kinh tế đang sinh sống ở Hà Nội Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: "Người Việt Nam không tin những gì mình không thấy tận mắt. Người dân bình thường cần phải nhìn thấy thứ mà họ mua, họ cần phải ngửi thấy nó, chạm thấy nó."
Do đó, các nền tảng thương mại điện tử buộc phải cung cấp các khuyến mại để thu hút người dùng - Shopee gọi chúng là "giờ đi săn" (hunting hours) - với giá giảm cho mọi thứ từ AirPods tới máy giặt Samsung. Các công ty khởi nghiệp ví số (e-waller) đẩy mạnh cung cấp voucher. Tiki có chính sách đổi trả lê n đến 30 ngày.
Nguyễn Thị Kim Chi, 31 tuổi, người mua sắm trực tuyến đến từ Hà Nội (đang làm cho một công ty truyền thông giải trí) tiết lộ: "các chương trình hướng đến khách hàng (customer focus) và chương trình bán nhanh (flash sales - giảm giá 70%) thu hút cô. Chức năng đánh giá sản phẩm và dịch vụ trực tuyến tăng thêm quyền cho khách hàng."
"Thông thường khách hàng sẽ đi đến cửa hàng để than phiền về chất lượng tồi của sản phẩm, thỉnh thoảng cũng có những tranh cãi, những vấn đề của họ vẫn không được giải quyết."
Matthes chia sẻ: "Đại dịch đã khiến ngành bán lẻ số tăng trưởng, so với năm ngoái, đã có trên 30% người Việt mua mọi thứ từ thức ăn đến đồ điện tử trực tuyến." Làn sóng virus mới càn quét Việt Nam có thể thúc đẩy thương mại trực tuyến đi xa hơn nữa khi thành phố như Hồ Chí Minh, Hà Nội, và một số khu vực khác phải đối diện viễn cảnh đóng cửa hay cách ly xã hội.
Chuyển đổi ngành bán lẻ
"Ngành bán lẻ của Việt Nam đang chuyển đổi nhanh hơn các thị trường trưởng thành khác". Jeffrey Perlman, giám đốc điều hành của Warburg Pincus ở Singapore chia sẻ, ông đang giám sát khu vực Đông Nam Á và thị trường Bất Động Sản khu vực châu Á Thái Bình Dương. Quá trình dịch chuyển sang bán lẻ hiện đại trước đó đã dần loại bỏ bán hàng qua danh mục (catalog) và các cửa hàng bách hóa độc lập (department stores) để đẩy khách hàng vào các trung tâm thương mại mọc lên phần lớn trong thập kỷ vừa qua.
Tiki là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất trưởng thành trong lòng Việt Nam trong số hàng chục nền tảng mua sắm trực tuyến, bao gồm cả các trang tự tạo và vận hành bởi các nhà bán lẻ (retailers). Kĩ sư phần mềm Trần Ngọc Thái Sơn ra mắt Tiki vào năm 2010 với chỉ $5000. Anh viết code, ban đầu bán gần 100 cuốn sách tiếng Anh từ Amazon, sau đó vận chuyển bằng xe máy của mình.
Tiki hiện tại đã có gần 3100 nhân sự cùng hệ thống quản trì nhà kho chuyên nghiệp giám sát bởi Henry Low, một nhà quản lý từng làm việc cho Amazon và Coupang Corp. Khi công ty phát triển lên, thì càng cần nhiều nỗ lực thu hút khách hàng. Sơn phát triển một hệ thống để loại bỏ hàng giả, đồng thời xử lý triệt để lời than phiền chính đáng từ khách hàng. Sơn chia sẻ: "Nếu có lỗi được phát hiện, như trường hợp điện thoại mới mà khách hàng muốn đổi trả, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ 100%. Nếu nhà bán (seller) không đồng ý với điều này, chúng tôi buộc phải từ chối nhà bán này trên nền tảng."
Từ bỉm sữa đến bia
Các nhà đầu tư, bao gồm Sumitomo Corp. và JD.com đã nâng đỡ công ty khởi nghiệp Tiki này với khoản vốn 192.5 triệu $ (theo Crunchbase). Sơn kỳ vọng sẽ có thêm nhiều vòng gọi vốn đồng thời lập kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO).
Theo chia sẻ của Low, Tiki đang xử lý dưới 2 triệu đơn đặt hàng mỗi tháng. Trong ca làm việc của mình, các công nhân phải lấp đầy kho đủ loại mặt hàng từ hộp tã đến bia Corona trong một trung tâm giao vận rộng 10000 mét vuông (fulfillment center). Tiki cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot có khả năng di chuyển 800kg hàng hóa để tăng tốc độ xử lý. Sơn nhận xét về hệ thống giao vận của mình: "Nó rất nhanh", Tiki đang ra sức tăng khả năng xử lý lên đến 500,000 sản phẩm phục vụ giao nhanh trong hai giờ từ con số 200,000 hiện tại. Khi đó, Tiki có thể có được lợi nhuận và khách hàng sẽ không có cơ hội thay đổi suy nghĩ của họ (bởi giao hàng quá nhanh)./.