Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 15:27, 04/07/2021
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh, an toàn và bền vững trong ngành Ngân hàng là một trong những mục tiêu tiên quyết hướng tới nền kinh tế số trong tương lai.
Ngân hàng số là gì?
Ngân hàng số (Digital Banking) là ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet. Giao dịch của ngân hàng số không phải đến chi nhánh ngân hàng và giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan. Đồng thời, tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ vào thời gian không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động.
Với ngân hàng số, chỉ bằng ứng dụng tài chính hoặc website, bạn có thể sử dụng tất cả các tính năng như: Chuyển tiền, thanh toán, vay nợ, tham gia các sản phẩm tài chính, quản lý DN…
Ngân hàng số khác với ngân hàng điện tử (E-Banking) gồm Internet Banking, Mobile Banking ở chỗ tuy hình thức hoạt động đều dựa trên Internet nhưng E-Banking suy cho cùng chỉ là một dịch vụ phát triển thêm của ngân hàng tập trung vào những tính năng chính như chuyển tiền, thanh toán và tra cứu số dư tài khoản.
Có rất nhiều đánh giá về lợi ích của ngân hàng số, nhưng theo tôi có 3 vấn đề lớn. Đầu tiên là tiết kiệm thời gian, chi phí. Ngân hàng số thường sẽ miễn phí mở thẻ và quy trình mở thẻ đơn giản thông qua ứng dụng trên điện thoại sẽ giúp khách hàng tiết kiệm và tối ưu chi phí cũng như thời gian so với ngân hàng truyền thống.
Đơn giản việc chuyển khoản, nạp tiền: Ngân hàng số cung cấp cho bạn nhiều sự lựa chọn để nạp tiền và chuyển khoản như nạp tiền từ ngân hàng, nạp tiền từ máy ATM, chuyển khoản cùng hệ thống ngân hàng số, chuyển khoản khác ngân hàng, chuyển khoản qua số điện thoại,
Độ bảo mật cao: Với nhiều lớp bảo mật như mật khẩu, vân tay, Face ID, mã OTP,… giúp cho mọi giao dịch trực tuyến của ngân hàng số được bảo vệ tối ưu, khách hàng có thể yên tâm sử dụng mà không lo bị mất tiền, hay lộ thông tin cá nhân,…
Xu thế và cơ hội
Hiện tại, có 59% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 67% sử dụng internet và 70% sử dụng điện thoại thông minh, nhưng có chưa đến 20% các giao dịch ngân hàng thông qua trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. Mặc dù từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt một xã hội không tiền mặt vào năm 2020, tập trung vào phát triển thanh toán kỹ thuật số.
So với thị trường nước ngoài ở những nước tiên tiến số lượng ngân hàng số phát triển ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa và đang có một cơ hội lớn cho các ngân hàng ứng dụng công nghệ số để mang đến những sản phẩm và dịch vụ mới tạo tiện lợi cho khách hàng.
Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2030 là 106 triệu người, tỷ lệ chi tiêu của khách hàng sẽ tăng lên, cùng với đó là sự tăng trưởng trong tầng lớp trung lưu. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, số lượng người dùng điện thoại thông minh gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng được phân phối qua các kênh di động.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking đạt là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Đồng thời, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có một thế hệ “khách hàng số” chi phối thị trường, tệp khách hàng này có những mong muốn và kỳ vọng cao hơn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Đồng thời, với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, họ hoàn toàn có thể dễ dàng so sánh độ tiện lợi của dịch vụ giữa các ngân hàng, chi phí hợp lý hơn. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ phải chuyển đổi từ việc lấy sản phẩm làm trung tâm, sang lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Vì vậy, cơ hội để việc chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng vì:
Về công nghệ: Việt Nam là nước đi sau bởi ngân hàng số đã phát triển ở các nước khác và ở một tầm cao nên các ngân hàng Việt Nam chỉ cần xây dựng cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ từ nước ngoài là thành công. Đi sau nên rút được nhiều kinh nghiệm cũng như khắc phục các vấn đề.
Về thị trường: Hiện nay các ngân hàng tập trung ở thành phố, và xây dựng theo cụm nên bỏ qua đối tượng khách hàng ở tỉnh lẻ và nhỏ. Vậy nên khi xây dựng ngân hàng số sẽ thu hút và tiếp cận được nguồn khách hàng đó.
Chuyển đổi như thế nào?
Nói về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngân hàng số không chỉ đơn thuần là ứng dụng CNTT vào lĩnh vực ngân hàng mà còn là việc xây dựng nên một công ty công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng để giải quyết những "nỗi đau" trong xã hội. Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng.
Việc số hóa ngân hàng giúp cho các ngân hàng đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao cũng như xu hướng giao dịch trên các thiết bị điện tử của khách hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xử lý, câng cao tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số để trở thành ngân hàng số toàn diện không hề đơn giản bởi ngoài vấn đề kinh phí, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các thách thức như: Khó thu hút nhân tài; lãnh đạo thiếu hiệu quả; sự khó khăn trong việc phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh; kết cấu dữ liệu phức tạp; thiếu nhân tài quyết định trong DN; thay đổi văn hóa DN; hạn chế của công nghệ thông tin...
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) nhận định, ngân hàng số là cái đích, một chuyển đổi số là một quá trình. Ngân hàng số có nhiều mức độ khác ngay tùy thuộc kinh phí và chiến lược của mình.
Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như internet banking, mobile banking. 100% các ngân hàng Việt Nam đã trải qua bước này.
Ngân hàng 2.0 là thời kỳ hợp kênh, đưa mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng. Đây là giai đoạn sẽ có mức phân hóa giữa các ngân hàng.
Đến giai đoạn 3.0, người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng. Nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam đã tiếp cận đến giai đoạn này.
Giai đoạn 4.0, các ngân hàng tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng. Mỗi ngân hàng sẽ chọn hướng phát triển ngân hàng số phù hợp với nhu cầu và đối tượng khách hàng hướng tới.
Với tư cách khách hàng, chúng ta đã chứng kiến Vietcombank ra mắt ứng dụng ngân hàng số Digibank; VietinBank có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) “đa nhiệm” hơn. VietinBank trang bị camera nhận diện, thu thập thông tin, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp rút ngắn thời gian giao dịch, tăng trải nghiệm cho khách hàng. TPBank có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank).
Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.
Số liệu thống kê cho thấy 94% ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư vào chuyển đổi số, 40% ngân hàng đã đưa chuyển đổi số thành tầm nhìn chiến lược trong 5 - 10 năm tới. Cơ hội chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại đang mở rộng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: “Trong khi các ngân hàng lớn trên thế giới đang nghiên cứu những phần mềm nhìn vào mắt khách hàng để đọc được suy nghĩ của đối tác thì chúng ta vẫn mới đang loay hoay ở đích xuất phát cuộc đua chuyển đổi số”.
Khi ngân hàng số là xu thế bắt buộc, ngân hàng nào cũng có chiến lược phát triển thì mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng lớn. Số hóa nên việc đào thải nhân viên ngân hàng sẽ là chuyện không thể tránh khỏi. Đào tạo về nguồn nhân lực cho ngân hàng số trong việc quản lý và điều hành ngân hàng số sẽ mất nhiều thời gian.