VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió

An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:47, 03/07/2021

VNCERT hay VNCERT/CC là viết tắt từ tên tiếng Anh (Vietnam Computer Emergency Response Team hay Vietnam Cyber Security Response Team/ Coordination Center) của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam. Trong đó, “CERT” là cụm từ đã trở thành thương hiệu riêng trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), rất phổ biến, giúp nhận ra các tổ chức ứng cứu sự cố máy tính ở cấp quốc gia trên toàn cầu.

VNCERT được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2005 và đến năm 2019 được tổ chức lại với tên VNCERT/CC và trực thuộc Cục ATTT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Đơn vị có chức năng là đầu mối kỹ thuật điều phối ứng cứu sự cố an toàn không gian mạng và kiểm định ATTT trên phạm vi toàn quốc.

Trung tâm cũng quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, cơ sở dữ liệu, hệ thống kỹ thuật về điều phối ứng cứu sự cố, kiểm định và phòng, chống thư điện tử rác, tin nhắn rác phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTT; là đấu mối hợp tác quốc tế với cơ quan, tổ chức có chức năng ứng cứu sự cố và kiểm định ATTT.

Để đảm bảo hoạt động trên phạm vi toàn quốc, Trung tâm có các chi nhánh tại miền Trung và miền Nam. Riêng Chi nhánh VNCERT/CC tại miền Trung, sau một thời gian gián đoạn hoạt động vì những biến động nhân sự, hiện nay Chi nhánh đang dần chuyển mình nhằm hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Một VNCERT miền Trung quen và mới

Mới đây, Cục ATTT đã giao một số nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và dài hạn cho VNCERT/CC miền Trung là: Xây dựng đội ngũ kỹ thuật; Tăng cường hỗ trợ 19 tỉnh tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Nâng cao nhận thức an toàn, an ninh mạng trong khu vực.

VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió - Ảnh 1.

VNCERT/CC ký hợp tác với Trường Đại học CNTT-TT Việt - Hàn

Để thực hiện nhiệm vụ được giao và phát triển Chi nhánh trong giai đoạn tới, Chi nhánh đã bắt tay ngay vào công việc quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ. Chi nhánh đã kết nối với các trường đại học trên địa bàn và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo các trường, nên đến nay, cơ bản Chi nhánh đã đảm bảo được nguồn nhân sự kỹ thuật. Trong giai đoạn đầu, mỗi thành viên của Chi nhánh đều được tập trung đào tạo kỹ năng nghiệp vụ và tiếng Anh. Đối với nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị trong khu vực về đảm bảo ATTT, Chi nhánh đã xác định đây là sứ mệnh, trách nhiệm và cả niềm tự hào dù ở thời điểm hiện tại, việc này vẫn còn những gian nan.

Theo chị Bùi Thanh Hà, Phụ trách Chi nhánh: Để các đơn vị trong khu vực tin tưởng và đón nhận Chi nhánh không phải là đơn giản, cần có thời gian để các bên biết, hiểu và chứng kiến các hành động thực tế của nhau.

Với mong muốn đóng góp vào mục tiêu đưa VNCERT/CC trở thành tổ chức CERT hàng đầu trong khu vực, Chi nhánh đang rất tích cực trong các hoạt động chuyên môn, tham gia sâu rộng vào tất cả mọi hoạt động chung của đơn vị: ứng cứu sự cố, kiểm định, thư rác, nghiên cứu phát triển và hợp tác quốc tế.

Khó khăn nhiều và thuận lợi cũng rất lớn

Những năm gần đây, các chỉ đạo, định hướng quyết liệt của Bộ TT&TT trong hoạt động đảm ảo an toàn an ninh mạng đang được cụ thể hóa và triển khai đồng bộ. Điều đó giúp cho nhận thức về ATTT của toàn thể xã hội và đặc biệt các chính quyền địa phương được nâng cao rõ rệt.

Tuy nhiên, theo VNCERT/CC, công tác đảm bảo ATTT trên cả nước luôn gặp những khó khăn, đặc biệt là lực lượng nhân sự làm về an toàn, an ninh thông tin còn thiếu, trình độ cán bộ phụ trách về ATTT tại các đơn vị chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ kỹ thuật tại các địa phương còn thiếu kỹ năng chuyên sâu trong thực hiện nghiệp vụ đảm bảo ATTT mạng.

Một thách thức nữa, là nguồn lực đầu tư cho ATTT rất hạn hẹp. Chỉ thị 14/CT-TTg đã có yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước dành tối thiểu 10% ngân sách đầu tư CNTT-TT mỗi năm cho ATTT nhưng để triển khai hiệu quả cần phải có thời gian. Nhiều cơ quan, tổ chức mua sắm được máy móc, giải pháp nhưng lại không có nhân sự vận hành, khai thác hiệu quả, khi bị tấn công vẫn bị thiệt hại lớn.

Riêng đối với công tác đảm bảo ATTT tại miền Trung, đại diện VNCERT/CC miền Trung cho biết có những đặc thù với những thách thức, khó khăn và thuận lợi riêng.

Miền Trung có vị trí địa lý trải dài và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đây là những đặc điểm gây khó khăn chung cho mọi hoạt động của địa phương, đồng thời cũng có ảnh hưởng đến việc phối hợp, hợp tác trong triển khai công việc đối với Chi nhánh. Thêm nữa, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực không đồng đều. Ví dụ, Đà Nẵng, Huế có nguồn lực mạnh cả về nhân lực lẫn vật lực, là lợi thế để đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT khi Chỉ số ICT Index năm 2020 đạt 0,9238 và 0,8147. Trong khi đó Phú Yên và Kontum có chỉ số ICT Index là 0,3203 và 0,1868.

Để thực hiện nhiệm vụ của Chi nhánh, đại diện VNCERT/CC miền Trung cho biết: "Chi nhánh đang nỗ lực liên kết với các đơn vị khác như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) (Bộ TT&TT), Lữ đoàn 3 (Bộ Tư lệnh 86), đội ngũ các chuyên gia ATTT trong khu vực và đặc biệt rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện về các cơ chế hỗ trợ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị chức năng liên quan và của lãnh đạo các cấp".

Bên cạnh đó, một lợi thế lớn, rất có giá trị theo chia sẻ của VNCERT/CC miền Trung là người dân miền Trung tốt bụng, thân thiện, chân thành. Đó là điều vô cùng thuận lợi đối với một đơn vị của Bộ TT&TT khi về các tỉnh xa xôi để triển khai các hoạt động.

Chuyên nghiệp và gia tăng giá trị mỗi ngày

Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách mới được giao, Chi nhánh VNCERT/CC miền Trung luôn theo sát phương châm "chuyên nghiệp" với slogan: "Gia tăng giá trị mỗi ngày".

Theo chia sẻ của chị Bùi Thanh Hà, cuộc sống hiện nay rất nhiều áp lực. Công việc càng nhiều càng dễ stress. Điều này không tốt chút nào cho mỗi tổ chức cũng như mỗi cá nhân. Bởi vậy, "chuyên nghiệp" chính là câu trả lời cho vấn đề này. Chuyên nghiệp đồng nghĩa với khả năng tập trung cao, hiệu quả cho thực hiện mọi nhiệm vụ trong thời gian tối ưu. Chuyên nghiệp đồng nghĩa với cái đẹp. "Một tổ chức còn mong muốn gì hơn khi vừa đẹp, vừa hiệu quả, mà vẫn có thời gian để nghỉ ngơi?".

Còn "gia tăng giá trị mỗi ngày" chính là ý nghĩa của một cuộc sống đáng sống. "Giá trị đó có thể là một công việc được hoàn thành. Giá trị đó có thể là tạo được một niềm vui cho người khác. Giá trị đó có thể là học được một kiến thức mới".

VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió - Ảnh 2.

Các cán bộ VNCERT/CC miền Trung

"Slogan này là hướng vào chính mỗi cán bộ của Chi nhánh. Mỗi cá nhân chuyên nghiệp, hiệu quả trong công việc chắc chắn sẽ tạo nên một tổ chức mạnh. Nếu mỗi ngày, mỗi thành viên của Chi nhánh đều "kiếm thêm" được điều gì đó, thì đồng nghĩa với việc tổ chức của chúng tôi đang phát triển", chị chia sẻ.

Thời gian gần đây Chi nhánh đã đón nhận một tin vui: hai trong số các cán bộ kỹ thuật của Chi nhánh vừa được tổ chức CERT của Châu Âu vinh danh trong việc giúp họ phát hiện các lỗ hổng an toàn mạng, nhằm phòng tránh được những tấn công mạng có thể xảy ra. Đó là anh Đặng Đình Lương, được coi là CTO (Giám đốc kỹ thuật) của Chi nhánh và anh Nguyễn Thanh Khánh, Trưởng nhóm Giám sát an toàn mạng tại Chi nhánh. Đây đều là các bạn trẻ, có niềm đam mê với ngành ATTT và không ngại khó, ngại khổ trong triển khai mọi nhiệm vụ được giao. Chị Hà cho biết, chị rất tự hào về đội ngũ của mình, luôn trân trọng và sẵn sàng hỗ trợ hết sức mỗi cá nhân trong Chi nhánh.

VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió - Ảnh 3.

Anh Đặng Đình Lương, CTO tại Chi nhánh VNCERT/CC khu vực miền Trung. Anh là người có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong các nghiệp vụ kỹ thuật đang được giao đảm trách. Anh hiện là nhân sự "cứng” không chỉ của Chi nhánh mà là của cả Trung tâm VNCERT/CC.

VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thanh Khánh, Trưởng nhóm Giám sát ATTT mạng tại Chi nhánh. Anh là một trong số các cán bộ kỹ thuật trẻ nhất tại đơn vị, nhiệt huyết và sáng tạo trong công việc.

VNCERT ở miền Trung đầy nắng gió - Ảnh 5.

Anh Lương và anh Khánh trong một buổi trao đổi và rà quét lỗ hổng ATTT chuẩn bị cho các bài nói chuyện với sinh viên về định hướng nghề nghiệp tại các trường Đại học trong khu vực.

"Tổ chức CERT rất hay và đặc thù"

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có tổ chức CERT hay còn có tên CSIRT (Computer Security Incident Response Team). Việc thành lập CERT/CSIRT tại mỗi quốc gia là cam kết của những người đứng đầu Chính phủ các nước tại những cuộc họp thượng đỉnh từ những năm 2000. CNTT-TT phát triển đồng nghĩa với các rủi ro thường trực từ các sự cố ATTT và các tấn công mạng. Các tấn công mạng thì không biên giới quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế rất cao. Các nước trên thế giới bắt buộc phải liên hiệp lại, hợp tác với nhau để cùng bảo vệ nhau an toàn trước sự tinh vi và phức tạp của tội phạm mạng.

VNCERT/CC lại vừa là tổ chức CERT quốc gia, vừa là tổ chức CERT chính phủ. Nhiều nước có tổ chức CERT quốc gia riêng (tức là thực hiện điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trên toàn lãnh thổ) và tổ chức CERT chính phủ riêng (tức là đơn vị CERT là một cơ quan thuộc Chính phủ và chuyên thực hiện đảm bảo ATTT mạng cho các cơ quan thuộc Chính phủ, cho khu vực công). Nên VNCERT/CC có trách nhiệm và vai trò rất lớn khi vừa thực hiện điều phối trong nước vừa đại diện quốc gia hợp tác với quốc tế trong ứng cứu sự cố ATTT mạng.

Có một điều đặc biệt, khi các nước muốn tiếp cận nhau trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, các nước thường tìm đến tổ chức CERT. Thứ nhất là vì họ luôn dám chắc là nước nào cũng có tổ chức CERT để tìm thấy, là đầu mối kết nối tới mọi tổ chức an toàn, an ninh mạng của một nước. Thứ hai là tổ chức CERT luôn có vai trò quan trọng tại mỗi quốc gia. Thứ ba, tổ chức CERT thường có tính chất hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin cao từ chính bản chất và lý do nó ra đời. Thứ tư, tổ chức CERT độc lập với các quan điểm chính trị và tôn giáo giúp loại bỏ những e ngại tế nhị trong giao tiếp đa phương.

Những điều trên, theo lãnh đạo VNCERT, là ưu điểm và lợi thế mà các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng khi tìm đến với tổ chức CERT/CSIRT đều có thể thấy. Các cá nhân, tổ chức cần tư vấn, đào tạo, giám sát và hỗ trợ mọi hoạt động đảm bảo an toàn an ninh mạng, kể cả cần tham gia các tổ chức quốc tế về an toàn, an ninh mạng hàng đầu thế giới thì đều có thể đến với VNCERT/CC để được hỗ trợ.

Là một trong những cán bộ lâu năm tại VNCERT, chị Hà cho biết thêm: "Đây chính là tính chất đặc thù của một tổ chức CERT quốc gia. Nhưng dù ở vị trí ưu việt như vậy, chúng tôi vẫn đang cần nỗ lực hết sức để nâng cao năng lực của chính mình. Nhằm đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, chúng tôi cũng rất cần sự hiệp sức của các đồng nghiệp, đồng đội".

VNCERT/CC cũng đang được giao nhiệm vụ xây dựng Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia (viết tắt là VNCSIRTs Network). Đây chính là nơi để tất cả các đội ứng cứu sự cố ATTT mạng gặp nhau, hợp tác và chia sẻ trong công việc của mình. Mạng lưới này là tâm huyết mà VNCERT/CC đang dày công xây dựng và phát triển. Mọi việc còn rất nhiều khó khăn nên cần thời gian và sự kiên trì. VNCERT/CC kỳ vọng các thành viên trong Mạng lưới sẽ nhận thức được vai trò của mình để cùng VNCERT/CC tháo gỡ khó khăn, dần dần đạt được các mục tiêu đề ra. Mạng lưới có rất nhiều hoạt động, điển hình là các hoạt động diễn tập quốc tế hàng năm trong ứng cứu sự cố máy tính, các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao về giám sát, điều tra, phân tích các sự cố . Hoạt động chia sẻ thông tin là việc đang được bắt đầu triển khai.

Và đặc biệt, đối với các đơn vị, địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chị Hà cho biết khi cần tư vấn bất cứ điều gì liên quan đến lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, hãy gọi cho Chi nhánh VNCERT/CC tại khu vực để được hỗ trợ./.

Lan Phương