Báo chí hiện đại trong kỷ nguyên 4.0

Truyền thông - Ngày đăng : 16:36, 01/07/2021

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí - truyền thông, đặc biệt là sự thay đổi quy trình làm báo trong kỷ nguyên số như: nguyên tắc lọc bình luận và quản lý fanpage; sử dụng mạng xã hội để phát triển nội dung; tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin; quản trị rủi ro trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội... Vậy trong kỷ nguyên 4.0, báo chí cần phải thay đổi gì? Bài viết đi tìm một phần lời giải của “bài toán” khó.

Báo chí hiện đại trong kỷ nguyên 4.0  - Ảnh 1.

Luận giải về báo chí hiện đại

Năm 1983, trong cuốn Tự do công nghệ (Technologies of Freedom), giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) Ithiel de Sola Pool đã mô tả một loại mạng mang hình thái vật lý sẽ phục vụ tốt cho tất cả loại hình báo chí trong tương lai. Từ đó, khái niệm truyền thông hội tụ (media covergence) chính thức ra đời. Nói một cách đơn giản, một xu hướng mới không có ngăn cách giữa các loại hình báo chí, chính là một trong những hình thức biểu hiện của truyền thông hội tụ ngày nay (Nguyễn Thành Lợi, Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, NXB. Thông tin và Truyền thông, 2014).

Trong thực tế, khi một phương tiện truyền thông mới ra đời, người ta thường quan tâm và nhắc nhiều đến sự tồn tại của các phương tiện truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, với xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ như hiện nay, các phương tiện truyền thông truyền thống và mới lại có xu hướng cùng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng và phức tạp hơn trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hội tụ truyền thông không có nghĩa là sự cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan, mà thực chất trước xu thế hội tụ, một tòa soạn sẽ phải cấu trúc, sắp xếp lại để trở thành một guồng máy sản xuất tin tức, đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Do đó, truyền thông hội tụ là xu thế phát triển của báo chí hiện đại, là điểm đến của các cơ quan báo chí, tiến trình này sớm hay muộn phụ thuộc vào từng quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, thời gian qua, chúng ta đề cập khá nhiều sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới báo chí. Nói một cách đơn giản, cách mạng công nghiêp 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, các hệ thống này bao gồm: hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system) hay các hệ thống tự động hóa, các hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks), các hệ thống thời gian thực và các công nghệ in 3 chiều hay 4 chiều... mà trung tâm của cuộc cách mạng này là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống thông minh di động, các hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh. Ngoài ra, việc báo chí liên kết, xử lý thông tin thông qua mạng xã hội hay nền tảng web cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số. Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng các dịch vụ, dữ liệu và con người. Do đó, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ với 3 yếu tố căn bản đến lĩnh vực báo chí, đó là: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông; sản phẩm báo chí truyền thông; sự thay đổi vai trò và vị thế của các nhóm công chúng truyền thông.

Từ câu chuyện đa nền tảng...

Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, những thuật ngữ như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội hay truyền thông hội tụ... đã được đề cập ở hầu hết các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế và ngay cả giới truyền thông. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, một loạt xu hướng mới: đa nền tảng (multi-platform ), báo chí di động (mobile journalism), báo chí xã hội (social journalism) cũng như tin tức xã hội (social news)... dần dần lộ diện và len lỏi sâu hơn vào cuộc chơi mới của báo chí truyền thông hiện đại. Có thể khẳng định, giờ đây, báo chí hiện đại đã và đang tiệm tiến đến xu thế đa nền tảng.

Thực tế cho thấy, nếu một tòa soạn chỉ có báo in, truyền hình hay website vẫn chưa đủ, mà cần phải có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Một số ứng dụng của mobile ra đời trong vòng quay biến thiên, nhằm để tập trung khai thác các thị trường ngách, tạo ra lợi nhuận mới cho các tòa soạn, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của công chúng trong môi trường truyền thông cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.

Mặt khác, quan niệm “web first” (ưu tiên website trước) vẫn còn chưa thật sự định hình và phổ biến đối với các cơ quan báo chí truyền thông hiện nay ở Việt Nam. Xu hướng “mobile first” (ưu tiên báo chí di động trước) đã từng bước khẳng định được chỗ đứng trong làng truyền thông toàn cầu. Có thể khẳng định, báo chí hiện đại đang chuyển đổi từ “đa nền tảng” sang sự “sáng tạo”. Một tin, bài giờ đây không chỉ đơn giản là vài trăm đến vài nghìn từ, kèm theo bức ảnh minh họa, hoặc một đoạn âm thanh hay clip sinh động, mà còn kết hợp tất cả những gì có thể được trình bày hiện đại phù hợp thói quen tiếp nhận thông tin mới của công chúng.

... Đến những thay đổi mang tính bước ngoặt

Trước kia, một cơ quan báo chí về cơ bản chỉ hoạt động trong một loại hình nhất định, ngày nay dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường truyền thông số đã tạo ra một lớp công chúng mới. Hiện nay, công chúng thay bằng cách tiếp nhận thông tin qua báo, tạp chí in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, sự phát triển của công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) đã hình thành “báo nhúng”. Do đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.mạnh mẽ của công nghệ, các cơ quan báo chí đang dần phải thay đổi mô hình tổ chức, chuyển từ đơn loại hình sang đa loại hình, từ đơn ấn phẩm sang đa ấn phẩm.

Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 4G, 5G phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Sự phát triển thị trường truyền thông số đồng thời dẫn tới sự bất bình đẳng trong quyền tiếp cận thông tin với một số nhóm công chúng yếm thế (chẳng hạn như đồng bào dân tộc thiểu số), từ đó có thể lâm vào tình trạng thiếu sản phẩm báo chí thích hợp với họ, vì mảng này khó ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất, truyền tải thông tin nhanh nhạy đến công chúng được.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi