Remote có thay thế phương thức làm việc truyền thống?
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:46, 01/07/2021
Vậy đây có phải là một xu hướng đang gia tăng? Sự lựa chọn trong tương lai? Nó có khả năng lấn át, thay thế phương thức làm việc truyền thống? Và liệu mô hình, phương thức này đang được áp dụng, triển khai như thế nào tại Việt Nam? Các giá trị, lợi ích từ mô hình công nghệ này được tạo ra thế nào?… Trả lời cho các câu hỏi trên, chúng ta cùng đến với những ý kiến, quan điểm chia sẻ tâm đắc của các chuyên gia, nhà quản lý đối với câu chuyện này.
Cần thiết lập "văn hóa" trong môi trường làm việc online
Theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT công ty FPT Telecom, cho rằng làm việc từ xa là một lựa chọn trong mùa dịch, phù hợp với thời điểm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả FPT Telecom đã thực hiện việc họp, giao việc, báo cáo thường kỳ về tiến độ công việc của các nhân viên.
Nếu trước đây, chúng ta có suy nghĩ khi họp là phải ngồi trực tiếp với nhau, để thảo luận, trao đổi, giải quyết vấn đề thì đó là cách truyền thống. Mặc dù giá trị cốt lõi của văn phòng truyền thống luôn khó thay thế, nhưng nghĩ thoáng, nhìn rộng theo hướng "phi truyền thống" - làm việc từ xa chính là một con đường mới để thử nghiệm, khám phá các điểm tích cực, sự kỳ vọng mới… Hơn một năm nay FPT Telecom đã lựa chọn làm việc từ xa và mọi nhân viên đã thích nghi, quen dần với phương thức, lựa chọn mới này.
"Tại mỗi cuộc họp trực tuyến, mọi người trong công ty luôn chủ động, chuẩn bị đầy đủ, chi tiết các tài liệu liên quan vấn đề họp, đến khi họp, mọi người chỉ nói thêm những vấn đề bên lề, đẩy nhanh việc ký kết, hợp tác", ông Tiến nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm với ông Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty MISA, ông Lữ Thành Long cho rằng, muốn tăng hiệu quả, hiệu suất công việc của phương thức, mô hình làm việc này, nhân tố quan trọng cần tạo "văn hóa làm việc online" chuyên nghiệp. Nghĩa là người làm việc trực tuyến khi ở nhà có cảm giác là vẫn đang làm việc tại văn phòng hay công ty.
"Đối với MISA, nhiều biện pháp được đưa ra, như điểm danh trực tuyến, yêu cầu mọi nhân viên trong thời gian làm việc phải ăn mặc chỉnh chu, ngồi trước bàn làm việc, bật camera, chào hỏi nhau như cảm giác làm việc tại cơ quan", ông Long dẫn chứng.
Cũng theo ông Long khi các công ty cho nhân viên làm việc từ xa cần chú trọng đến vấn đề như: Chất lượng hạ tầng, công nghệ, thiết bị, đường truyền, bảo mật thông tin đầu, cuối… đồng thời, công ty phải đảm bảo luôn duy trì, phát triển mô hình làm việc nhóm vì lợi ích khi làm việc nhóm luôn tăng giá trị hiệu suất, giúp các nhân viên dễ trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp đỡ, tương tác với nhau mỗi khi có khó khăn hay các phát sinh trong quá trình xử lý công việc.
Trên quan điểm khác, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông của Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách tại Việt Nam cho rằng, Remote là việc ứng dụng CNTT phương thức làm việc mà người làm không phải đến công ty hay văn phòng, nhưng điều đảm bảo phải đặt lên hàng đầu đó là trong quá trình làm việc, chúng ta cần phải có sự liên kết, tương tác, trao đổi công việc trên cơ sở "mặt đối mặt" qua hình ảnh trực tuyến. Điều này sẽ giúp mở rộng các giới hạn về không gian, thời gian, không bị máy móc tạo rào cản đến tâm lý và những sự cố có thể xảy ra.
Điều Google quan tâm, lo lắng khi làm việc Remote không phải là vấn đề hiệu suất công việc, mà là làm sao để nhân viên khi kết thúc công việc một ngày luôn được cân bằng với cuộc sống. Nhân viên Google được cho nghỉ phép 12 tuần để sắp xếp cuộc sống cá nhân. Tiếp đó, đội ngũ quản lý ngồi lại cùng nhân viên của mình để lắng nghe xem họ có khó khăn, lo lắng gì để hỗ trợ.
"Những kế hoạch trước đại dịch có thể phải gạt hết qua một bên. Mọi người sẽ lựa chọn ít công việc hơn nhưng đó là những dự án quan trọng với cộng đồng, khách hàng. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng các dịch vụ của Google trong đại dịch đều tăng, nhưng đội ngũ làm việc vẫn đáp ứng vượt kỳ vọng của người dùng, hoạt động tốt hơn dự kiến", Giám đốc Quỳnh chia sẻ.
Như bổ sung thêm cho quan điểm khi làm việc trực tuyến phải hài hòa, cân bằng với cuộc sống, bà Trần Thị Hồng Vân, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực AL, Tổng giám đốc công ty AvePoint Global Việt Nam nhận định, các công ty cần thiết xây dựng các bộ quy tắc dành cho nhân viên làm việc từ xa nhằm giữ mọi thứ gần giống nhất với hoạt động văn phòng truyền thống.
Cũng theo Tổng giám đốc Global Việt Nam, bên cạnh đó, cần tăng cường sự quan tâm đến vấn đề tâm lý của nhân viên, cần sắp xếp, luân phiên tăng ngày nghỉ phép cho nhân viên để họ không bị khủng hoảng tâm lý, áp lực công việc. Văn hóa công ty trong giai đoạn mới không phải ban lãnh đạo đẩy việc xuống, nhân viên phải làm theo. Mỗi tháng, giữa quản lý và nhân viên đều ngồi lại với nhau để đánh giá lại công việc, nguyện vọng điều chỉnh mục tiêu cá nhân.
"Global Việt Nam đang phát huy hiệu quả hệ thống AI trong quản lý, điều này giúp hỗ trợ, gợi ý cho đội nhóm làm việc lên kế hoạch phù hợp theo từng giai đoạn, nhu cầu thực tế của nhân viên và công ty…", bà Vân nhấn mạnh.
Cần sự phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Đại dịch Covid-19 và thời đại CMCN 4.0 phát triển đã thúc đẩy mọi thứ thay đổi, đó là sự thay đổi trên nền tảng ứng dụng số hóa, do đó, con người có nhiều cơ hội để lựa chọn và mở rộng không gian, phạm vi môi trường làm việc của mình – đây chính là cách mà thế giới phẳng đang vận động không ngừng tạo sự phát triển.
Mới đây, khi khảo sát về nhu cầu thực tế của phương thức Remote, hãng công nghệ máy tính Dell sử dụng phương pháp phiếu điều tra xã hội học với sự tham gia của hơn 7.000 người là nhân viên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, cho ra kết quả hơn 81% số nhân viên khẳng định sẵn sàng làm việc từ xa trong thời gian dài.
"Để nâng cao hơn nữa hiệu suất công việc, số đông mong muốn các công ty, đơn vị sử dụng lao động tăng cường hỗ trợ, cung cấp các giải pháp làm việc, thiết lập những hệ thống trao đổi công việc, cách thức quản lý và kiểm soát tiến độ công việc phù hợp…", báo cáo Dell nhấn mạnh.
Còn nhớ, trong một báo cáo khác năm 2020 của hai công ty ACheckin và Owl Labs cho biết, có khoảng 74% nhân viên tham gia khảo sát hiệu quả làm việc từ xa phản ánh, họ không có cảm nhận tiêu cực khi làm việc tại nhà. Đồng thời có 55% nhân viên nói rằng họ có khả năng sẽ tìm kiếm một công việc khác nếu không còn được phép làm việc Remote.
Cũng đưa ra những con số, tổ chức Làm việc Từ xa MENA cho biết, có tới 89% người được hỏi tin rằng các công ty sẽ bắt đầu ưu tiên những nhân viên có thể thực hiện công việc của họ một cách độc lập và từ xa. Trên thực tế, việc tạo điều kiện truy cập từ xa có thể giảm chi phí thiết bị, giảm chi phí văn phòng và tăng năng suất của nhân viên.
Tại Việt Nam, trước làn sóng của đại dịch bệnh Covid-19, nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp giãn cách xã hội; Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển vững mạnh kinh tế, xã hội. Bộ TT&TT là đơn vị quản lý; đầu mối thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, hướng dẫn, bảo trợ, phát triển các nền tảng, ứng dụng CNTT, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản, giải pháp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, DN sử dụng các phần mền công nghệ số tại địa chỉ https://ict.mic.gov.vn và https://remote.vn.
Sự nhanh chóng, tích cực, kịp thời này giờ trở thành thường trực - "ngọn đuốc" soi sáng mọi phong trào sáng tạo để tạo ra các sản phẩm số; thể hiện sự chủ động, hội nhập của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0; tạo, hình thành nên các sản phẩm Make in Vietnam thiết thực, chất lượng cao.
Cũng nhờ làm tốt nhiệm vụ này, chúng ta đã hỗ trợ, đóng góp cho cộng đồng DN Việt Nam, các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ số, nhất là việc đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu làm việc trên phương thức online.
Trong hoạt động mang tên "Làm việc từ xa, đẩy lùi Corona" do Cục Tin học hóa , Bộ TT&TT tổ chức cách đây không lâu, nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này, đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa cho rằng, làm việc Remote đã mang lại nhiều lợi ích, song để đạt hiệu quả, các cơ quan nhà nước phải hình thành nhanh kỹ năng, thói quen giao tiếp trực tuyến; thay đổi cách thức làm việc để công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, kết nối, trao đổi thông tin được thực hiện trên môi trường mạng; áp dụng công nghệ số hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của đơn vị, triển khai nhanh nhưng phải phục vụ lâu dài, liên tục, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
"Nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi sang mô hình làm việc mới của các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp CNTT có nhiều kinh nghiệm trong triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam để cung cấp các nhóm sản phẩm cần thiết để làm việc từ xa như họp, hội nghị trực tuyến; tương tác, làm việc nhóm; soạn thảo và quản lý văn bản; chia sẻ dữ liệu; quản lý và điều hành công việc; an toàn bảo mật và một số công cụ thông minh khác…", đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.
Nhân đây, khi nói đến giải pháp nhằm tạo lợi ích cho mô hình này, chia sẻ quan điểm trong chuyên mục Góc nhìn (Báo Vnexpress), ông Nguyễn Như Văn, chuyên gia AI, Đại học La Rochelle cho rằng, đây là sản phẩm công nghệ, thế giới đang coi đó là mô hình lựa chọn, phổ biến, nhất là trong đại dịch Covid-19. Trong thập kỷ tới, hình thức Remote được dự đoán sẽ đánh bại mô hình chia sẻ không gian làm việc chung (coworking space).
"Yếu tố quyết định tới sự thành công của mô hình này là ở việc chúng ta cần phải đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân viên sử dụng các công cụ, nền tảng số và cần thiết phải có một đội ngũ CNTT luôn sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo vận hành thông suốt mô hình, nền tảng này", ông Văn nhấn mạnh./.