Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá góp phần "Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam"

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:28, 28/06/2021

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa sẽ hỗ trợ duy trì và phát triển văn hóa truyền thống trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khai thác sức mạnh, giá trị kinh tế của văn hóa và hình thành hợp lực phát triển kinh tế xanh.

Chuyển đổi số hỗ trợ duy trì và phát triển văn hóa truyền thống

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đang diễn ra liên tục xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Quá trình này diễn ra liên tục không ngừng nghỉ theo từng mức độ phát triển công nghệ và sự tiếp nhận công nghệ mới hàng ngày của con người khi tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội. Các ưu việt của công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang được khai thác tối đa trong các hoạt động của đời sống xã hội nói chung và của ngành văn hóa nói riêng.

Đối với ngành văn hóa, chuyển đổi số đang làm thay đổi phương pháp sản xuất nhiều sản phẩm văn hóa, hỗ trợ lưu giữ và bảo tồn các sản phẩm văn hóa, nâng cao giá trị kinh tế của văn hóa thông qua việc gia tăng cơ hội tiếp cận tới các sản phẩm văn hóa truyền thống của nhân loại, là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ việc đào tạo kiến thức, học tập kỹ năng duy trì sản phẩm văn hóa truyền thống cũng như sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa mới.

Chuyển đổi số làm thay đổi phương pháp sản xuất, sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa: Công cụ công nghệ thông tin đang tham gia nhiều vào công việc tạo ra sản phẩm văn hóa. Việc phục dựng các di tích lịch sử hiện nay đều có sự hỗ trợ rất lớn của các công cụ số. Nhờ các máy ảnh kỹ thuật số, việc chụp lại đầy đủ các chi tiết của một di tích vật thể hiện nay được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng. Từ các hình ảnh kỹ thuật số, các nghệ nhân sẽ thực hiện khôi phục các cấu thành của di tích một cách dễ dàng và chính xác.

Các tác phẩm nghệ thuật hội hoạ, kiến trúc mặc dù chủ yếu vẫn được các nghệ nhân, nghệ sỹ tạo ra từ bàn tay và sức sáng tạo của trí tuệ chính bản thân mình, tuy nhiên vẫn xuất hiện sự hỗ trợ của công cụ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo ra các sản phẩm này. Các công đoạn mô phỏng sơ bộ sản phẩm nghệ thuật được các thiết bị máy tính, phần mềm đồ họa hỗ trợ để các nghệ nhân, nghệ sỹ dễ dàng bổ sung các ý tưởng và chuẩn bị các tính toán, hành động phù hợp để tạo các sản phẩm nghệ thuật này.

Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề lâu đời trước đây thường được thực hiện trực tiếp bằng bàn tay và sức sáng tạo của cá nhân, khi sử dụng công cụ công nghệ số, việc tạo mới các sản phẩm mới được nhanh hơn, đồng đều hơn và đẹp hơn.

Các sản phẩm hình ảnh trước đây được tạo bởi các thiết bị tương tự thì giờ đây chủ yếu được tạo bởi các thiết bị kỹ thuật số. Các thiết bị ghi âm, ghi hình kỹ thuật số hiện nay cũng đang được sử dụng rất phổ biến tại các trung tâm thu âm, ghi hình, hàng ngày tạo ra các sản phẩm âm nhạc, bộ phim. Đặc biệt, với công nghệ kỹ thuật số hiện nay, các sản phẩm phim ảnh có thể hoàn toàn được tạo lập từ thiết bị kỹ thuật số mà không cần các diễn viên đời thực. Ví dụ như bộ phim nổi tiếng thế giới của vài năm trước đây mang tên “Avata” được sáng tạo hoàn toàn từ thiết bị máy tính và phần mềm để thể hiện ý tưởng sáng tác của đạo diễn.

Từ các phân tích trên, có thể cho ta thấy rằng, việc sử dụng công cụ kỹ thuật số hiện nay trong quá trình sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa là rất phổ biến. Hay nói cách khác, chuyển đổi số đang diễn ra liên tục, xuyên suốt, bao phủ gần trọn vẹn trong quá trình sản xuất và sáng tạo văn hóa hiện nay.

Chuyển đổi số hỗ trợ lưu giữ và bảo tồn các sản phẩm văn hóa, nâng cao giá trị kinh tế của văn hóa thông qua việc gia tăng cơ hội tiếp cận tới các sản phẩm văn hóa truyền thống của nhân loại: Các sản phẩm văn hóa truyền thống vật thể, kiến trúc sẽ được số hóa hình ảnh chi tiết bằng công nghệ và lưu giữ thông tin trong các cơ sở dữ liệu. Các thông tin dữ liệu này sẽ được lưu giữ vĩnh viễn và là thông tin tham chiếu quan trọng để giúp các nghệ nhân, nghệ sỹ có thể trùng tu, bảo tồn sửa chữa mà vẫn gìn giữ được tác phẩm theo thời gian. Trước đây, khi chưa có công nghệ thì các sản phẩm văn hóa vật thể sẽ bị mai một dần theo thời gian, tuổi thọ các vật chất tạo nên không thể vĩnh cửu, do đó đã có nhiều sản phẩm chỉ còn sót lại một phần, đôi khi không thể khôi phục được như ban đầu vì không còn thông tin, hình ảnh gì về nó.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá góp phần

Chuyển đổi số các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống như các điệu hát dân ca, các hoạt động lễ hội truyền thống, các bài ca, phim ảnh sẽ giúp cho việc lưu giữ các sản phẩm vĩnh viễn, đặc biệt hiện nay, công nghệ số cho phép số hóa và lưu giữ thông tin hình ảnh, âm thanh chất lượng cao và dung lượng lưu trữ gần như vô tận sẽ giúp cho việc bảo tồn, gìn giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật này được mãi mãi. Với những mục đích khác nhau, có thể có các hình thức lưu trữ dữ liệu về văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng lưu trữ truyền thống, các sản phẩm được lưu cục bộ tại các thiết bị lưu trữ đơn lẻ thì khả năng hỏng, mất hoặc giảm chất lượng vẫn xảy ra. Nếu lưu trữ theo hình thức dữ liệu số, lưu trong các kho dữ liệu số thì khả năng trao đổi, chia sẻ dữ liệu trên hệ thống mạng được dễ dàng, bảo quản mới được vĩnh viễn nhờ các giải pháp sao lưu dự phòng ở nhiều nơi khác nhau.

Từ việc lưu giữ các dữ liệu số về văn hóa, các thông tin sản phẩm văn hóa được quảng bá, chia sẻ tới nhiều người hơn trên mọi miền cũng như ra thế giới thông qua mạng toàn cầu Internet. Trước đây, các sản phẩm văn hóa thường chỉ được biết đến ở một nhóm người, một vùng nhỏ thì nay có thể lan toả tới nhiều người và phạm vi rộng lớn hơn nhiều lần. Từ khả năng chia sẻ, lan tỏa và quảng bá rộng lớn này, sẽ góp phần nâng cao giá trị vốn có của các sản phẩm văn hóa truyền thống và đây là cơ hội lớn để tăng giá trị kinh tế của văn hóa.

Các thông tin về sản phẩm văn hóa khi chia sẻ trên môi trường mạng, những người quan tâm sẽ đến tham quan, chiêm ngưỡng và từ đó kéo theo sự gia tăng giá trị kinh tế nhờ các hoạt động dịch vụ phụ trợ ngoài thu phí tham quan. Nhờ chuyển đổi số mà các sản phẩm văn hóa truyền thống sẽ là cầu nối để kích thích phát triển công nghiệp du lịch.

Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ việc đào tạo kiến thức, học tập kỹ năng duy trì sản phẩm văn hóa truyền thống cũng như sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa mới: Đào tạo kiến thức, kỹ năng về nghệ thuật giúp các thế hệ văn nghệ sỹ nối tiếp nhau duy trì, gìn giữ và phát triển sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhờ chuyển đổi số, các dữ liệu số về văn hóa, nghệ thuật được lưu giữ, chia sẻ là cơ hội tốt để các văn nghệ sỹ, những học viên nghệ thuật được tiếp cận và tham khảo, học hỏi một cách dễ dàng ở mọi nơi, mọi lúc. 

Những hình ảnh, đoạn video ghi lại các thao tác nghệ thuật, biểu diễn lễ hội của các nghệ nhân, nghệ sỹ là một công cụ đào tạo rất hữu hiệu để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sỹ tương lai học tập và nghiên cứu. Các tệp tư liệu, điệu hát dân ca hay các bản nhạc được lưu giữ dưới dạng dữ liệu số trong các thư viện, các trung tâm lưu trữ số cũng là nguồn công cụ đào tạo rất tốt. Đây vừa là công cụ cho đào tạo, vừa là công cụ để đối chiếu, đánh giá chất lượng và vẽ lại bức tranh phát triển của chính các dòng sản phẩm nghệ thuật này.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá góp phần

Từ các phân tích trên, chúng ta thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa sẽ hỗ trợ duy trì và phát triển văn hóa truyền thống nhờ các tính năng ưu việt của nó. Văn hóa truyền thống sẽ được gìn giữ, bảo tồn và phát triển bền vững song hành với các ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa nhập khẩu khác. 

Chuyển đổi số thúc đẩy công nghiệp văn hóa nhanh hơn

Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017, thì công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Trong đó gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29. Thống kê của UNESCO cho thấy, châu Á với nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa từ lâu cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Còn theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.

Công nghiệp văn hóa được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và chú trọng phát triển từ lâu. Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam và mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh thu của các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và 7% vào năm 2030 và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Với xu hướng hiện nay, công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn có tính cạnh tranh cao và năng động, đó là: du lịch văn hóa, công nghiệp báo chí - xuất bản, công nghiệp điện ảnh - truyền hình, công nghiệp âm nhạc và giải trí công cộng. Với các lĩnh vực này, chuyển đổi số sẽ giúp quá trình thực hiện được nhanh chóng và thuận lợi hơn. 

Chuyển đổi số là công cụ kết nối phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xanh

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ. Sự sáng tạo của con người Việt Nam luôn tồn tại và phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, các sản phẩm văn hóa vẫn đang tồn tại tương đối độc lập và rời rạc, chỉ mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tại chỗ và trực tiếp của cộng đồng dân cư nhỏ. Các liên kết tương hỗ để bổ trợ nhau cùng phát triển của các ngành nghề còn thấp. Cơ chế thích hợp để thành công của công nghiệp văn hóa còn chưa hoàn chỉnh. 

Để phát triển công nghiệp văn hóa, việc thực hiện chuyển đổi số là rất cần thiết hiện nay để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ khắc phục các yếu điểm như mức độ hợp tác và đối tác còn thấp của các ngành, lĩnh vực, thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển. Khi các thông tin, dữ liệu số về văn hóa được chia sẻ, lan tỏa, các ngành khác, lĩnh vực khác như du lịch, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,... sẽ có cơ hội phân tích và định hướng kết nối, tương tác để phát triển kinh doanh, dịch vụ.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá góp phần

Ảnh: invetnta.com

Trên thế giới hiện nay đang rất quan tâm đến việc giảm phát thải khí CO2. Các nước phát triển luôn chú trọng đến việc phát triển kinh tế xanh, đó là việc phát triển công nghiệp đảm bảo môi trường bền vững và giảm phát thải CO2. Với xu hướng chung này, cùng với sự đa dạng về văn hóa truyền thống gắn liền với môi trường thiên nhiên tốt, nhiều danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa, nước ta sẽ là một nước có nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế xanh. Với định hướng phát triển công nghiệp du lịch là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế, khai thác tốt các lợi thế văn hóa và môi trường tự nhiên thì việc liên kết, tương hỗ giữa văn hóa với du lịch là không thể thiếu. Do đó, chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa sẽ là đòn bẩy, là phương tiện tối ưu và tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch. 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa có vai trò quan trọng và lợi ích to lớn đóng góp vào  việc xây dựng và  phát huy giá trị văn hoá và sức  mạnh con người  Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]. CISAC - the International Confederation of Societies of Authors and Composers, Cultural Times (2017). The first global map of cultural and creative industries.

[2].https://documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/ 817501579101801852/vietnam-development-report-2019-connecting-vietnam-for- growth-and-shared-prosperity

[3]. Quyết định số 1755/ QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6 năm 2021)