Những "cú Twist" của ngành công nghiệp âm nhạc trong thời đại chuyển đổi số

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:00, 28/06/2021

Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành công nghiệp âm nhạc đã không ngừng phát triển trong thu, phát để tạo ra các sản phẩm âm nhạc ngày càng có chất lượng cao. Đặc biệt công nghệ số và chuyển đổi số đã giúp nền âm nhạc có bước chuyển biến đột phá cho công việc sáng tác, thu thanh và làm thay đổi cơ bản cách thưởng thức và phương thức kinh doanh, phân phối sản phẩm tới khách hàng.

Công nghiệp âm nhạc: thời kỳ phát triển ban đầu

Công nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được “chế tạo, chế biến, chế tác, chế phẩm” cho nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh tiếp theo cho cuộc sống loài người trong sinh hoạt.[1]

Những

Do vậy, nói đến công nghiệp âm nhạc là nói đến một chuỗi các hoạt động sản xuất, tiêu dùng một loại hàng hóa rất đặc biệt là âm nhạc. Chuỗi hoạt động đó bao gồm việc sáng tác, biểu diễn, thu âm và phân phối các bài hát, các bản nhạc. Riêng năm 2020, trên toàn cầu, doanh thu từ các hoạt động này đã đạt 21,6 tỷ USD.[2]

Chuỗi hoạt động của ngành công nghiệp âm nhạc này lại có thể chia thành ba ngành công nghiệp âm nhạc cốt lõi: Ngành công nghiệp âm nhạc ghi âm tập trung vào việc ghi âm và phân phối âm nhạc cho người tiêu dùng. Đây là loại nhạc lớn nhất trong ba loại nhạc và là loại tạo ra nhiều doanh thu nhất. Hãng thu âm tài trợ cho một bản thu âm phòng thu chuyên nghiệp và cho phép nghệ sĩ tham gia vào hệ thống phân phối quốc tế của hãng thu âm.

Ngành công nghiệp cấp phép âm nhạc chủ yếu cấp phép các sáng tác và dàn xếp cho các doanh nghiệp. Lĩnh vực này khiêm tốn hơn rất nhiều so với lĩnh vực công nghiệp âm nhạc thu âm. Đây là một ngành kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp mà không có bất kỳ sự tương tác trực tiếp nào với khán giả. Trách nhiệm chính của họ là đảm bảo thu phí giấy phép khi một bài hát được sử dụng trong bất kỳ bối cảnh nào và các khoản phí này sau đó được phân bổ công bằng giữa các nhà soạn nhạc và người viết lời.

Lĩnh vực công nghiệp âm nhạc thứ ba là nhạc sống, tập trung vào sản xuất và quảng bá chương trình giải trí trực tiếp, chẳng hạn như buổi hòa nhạc, chuyến lưu diễn, v.v.. Lĩnh vực này tạo ra doanh thu từ việc bán vé buổi hòa nhạc. Rất nhiều buổi biểu diễn của các nghệ sỹ tên tuổi đã thu được khoản tiền bán vé khổng lồ. Tuy nhiên, xét tổng thể, trong thực tế trước đây, doanh thu bán đĩa vẫn là nguồn thu quan trọng nhất. Do vậy, nhiều chuyến lưu diễn đã thua lỗ nhưng các hãng thu âm thường coi đó như một cách để quảng bá album nên hãng thu âm thậm chí còn trả tiền hỗ trợ chuyến lưu diễn.

Ngoài ra, tham gia vào ngành công nghiệp âm nhạc còn có các thành phần khác như nhà sản xuất nhạc cụ, phần mềm, thiết bị sân khấu, hàng hóa âm nhạc. [3]

Cả ba ngành của công nghiệp âm nhạc đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi khoa học công nghệ phát triển, thì chỉ có âm nhạc ghi âm là chịu ảnh hưởng lớn nhất, còn hai ngành kia đều ít bị ảnh hưởng hơn. Điều đó có nghĩa, nói đến chuyển đổi số trong ngành công nghiệp âm nhạc chính là nói về quá trình số hóa đã tác động như thế nào đến ngành âm nhạc ghi âm.

Bắt đầu từ những năm 1920 âm nhạc đã được lưu trữ bằng băng từ, rồi đĩa than vinyl. Các băng đĩa nhạc đã được các hãng thu âm phân phối nhanh chóng ra thị trường. Đến năm 1974 một triệu đĩa nhạc đã được bán hết.

Sau đó chỉ vài năm, một dấu mốc quan trọng là vào năm 1979, đĩa CD (Compact Disc) là một trong các loại đĩa quang (thường chế tạo bằng chất dẻo, đường kính 4,75 inch, dùng phương pháp ghi quang học để lưu trữ khoảng 80 phút âm thanh hoặc 700 MB dữ liệu máy tính đã được mã hóa theo kỹ thuật số) do hai hãng Sony và Philips phát triển đã mang lại cho ngành công nghiệp này một sự bùng nổ đặc biệt. Giữa những năm 1980 trở đi, ngành công nghiệp âm nhạc tăng trưởng đáng kể về doanh số và lợi nhuận, thậm chí tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1999, một nhóm tin tặc tuổi teen do Shawn Fanning, một sinh viên của trường Đại học Northeastern ở Boston, Mỹ dẫn đầu đã “châm ngòi cho quá trình hỗn loạn mà cuối cùng sẽ làm suy yếu nền tảng của ngành”4.

Kể từ đó đến nay, trải qua hơn 20 năm, ngành công nghiệp âm nhạc đã có những bước xoay chuyển mà có thể gọi là những “cú twist” (sự thay đổi triệt để, sự xoay chuyển có tính bất ngờ). “Cú twist” về cách tiếp cận âm nhạc của người nghe, “cú twist” về cách phân phối sản phẩm, cách kiếm tiền từ âm nhạc của các hãng kinh doanh và “cú twist” trong cả phương pháp sáng tác có tính sáng tạo cao mà đã thường được biết đến là như là đặc ân và lợi thế riêng của con người.

Chuyển đổi số trong công nghiệp âm nhạc: thời kỳ tái thiết

Có thể nói ngành công nghiệp âm nhạc là lĩnh vực truyền thông đầu tiên bị ảnh hưởng nhưng đồng thời lại được hưởng lợi lớn bởi số hóa và Internet.

Shawn Fanning đã tạo ra và tung ra một dịch vụ chia sẻ tệp tin (file) có tên là Napster cho phép người dùng tải xuống và chia sẻ nhạc mà không phải trả tiền. Napster ngay sau đó đã bị các doanh nghiệp âm nhạc khởi kiện và phải đóng cửa. Tuy nhiên, một loạt các dịch vụ tương tự và tinh vi hơn ngay lập tức xuất hiện. Mặc dù ngành công nghiệp âm nhạc truyền thống đã sử dụng các phương pháp rất tích cực, cả pháp lý và kỹ thuật, để ngăn chặn sự bùng nổ của các dịch vụ vi phạm bản quyền trực tuyến như Napster, Kazaa, Limewire, Grokster, DC ++ và The Pirate Bay, nhưng vẫn vô ích. 

Do đó, vào cuối năm 2013, doanh số bán nhạc thu âm được phân phối thực tế (ví dụ: băng cassette, CD, vinyl) tính theo đơn vị bán hàng, đã bị sụt giảm rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của những năm 1999. Đây thực sự là một thời kỳ dài chuyển đổi đầy khủng hoảng của ngành, khiến các công ty liên tục phải thiết kế lại các trụ cột chính trong tổ chức hoạt động, dẫn đến sự sụt giảm lớn cả về doanh thu và lợi nhuận.

Các công nghệ mới ngày càng hoàn thiện mang đến khả năng tái tạo dễ dàng cho các phương tiện âm thanh kỹ thuật số. Các tiêu chuẩn nén dữ liệu được phổ biến và đồng bộ trên thế giới như MP3. Mạng Internet phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của các nền tảng chia sẻ thông tin. Tất cả như một làn sóng chồm lên, xô đẩy cách bán hàng cũ của các nhà phân phối âm nhạc truyền thống: các đĩa nhạc than, các phương tiện âm thanh vật lý bỗng nhiên ế ẩm khi mà các tập tin âm nhạc đã được chia sẻ miễn phí trên mạng Internet. Ngay lập tức, các hãng công nghệ đã tận dụng cơ hội này, xây dựng các nhà bán lẻ nhạc kỹ thuật số mới và thu tiền của người nghe khi họ tải các file nhạc trên kênh của mình xuống. 

Tóm tắt lại quá trình chuyển đổi trên có thể chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên (1983 đến 1999): đặc trưng của giai đoạn chuyển đổi này là việc số hóa phương tiện âm thanh. Đĩa CD mang lại động lực tăng trưởng mới cho ngành công nghiệp âm nhạc đồng thời hội nhập vào các thị trường đã có, các mô hình sản xuất, kinh doanh và phân phối, cũng như tuân theo các khuôn khổ hợp đồng và bản quyền. Trong giai đoạn này, các tập đoàn âm nhạc Universal/Polygram, Sony Music Entertainment, EMI, Warner Music và Bertelsmann Music, chiếm hơn 80% doanh thu toàn cầu.

Những

Giai đoạn thứ hai (1999 đến 2003): đặc trưng bởi sự bùng nổ của các diễn đàn chia sẻ tệp nhạc miễn phí trên mạng, nổi bật là Napster. Thay vì phải mua nhạc để nghe và sao chép nó, người dùng giờ đây có thể truy cập nó một cách tự do trên Internet, có thể tải xuống dễ dàng cũng như xóa nó. Điều này dẫn đến sự mất kiểm soát đáng kể của ngành công nghiệp âm nhạc đối với sản phẩm của mình.

Giai đoạn thứ ba (2003 đến 2013): chứng kiến bước đột phá trong việc bán và phân phối thương mại các bản tải xuống. Khởi xướng hoạt động này không phải các hãng nhạc, các hãng thu âm mà là các công ty công nghệ ngoài ngành. Apple mở iTunes Store tại Hoa Kỳ vào năm 2003 tuyên bố có gần như toàn bộ kho dữ liệu kỹ thuật số âm nhạc của nhiều nhãn hàng độc lập. Cùng với máy nghe nhạc iPod, Apple đã bán ra phần cứng tích hợp dịch vụ tải nhạc được người tiêu dùng đón nhận.

Một yếu tố góp phần vào sự đột phá của giai đoạn này là sự phát triển vượt bậc của YouTube. Vào nửa cuối những năm 2000, YouTube (được Google mua lại vào năm 2006) cho phép tổng hợp, trao đổi, tìm kiếm và nghe nhạc miễn phí gần như không giới hạn trên Internet.

Giai đoạn thứ tư (kể từ năm 2013): đặc trưng bởi sự gia tăng nhanh chóng của dòng nhạc thương mại và đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng từ mua nhạc sang truy cập trả phí khi nghe nhạc.

Nguyên nhân của sự thay đổi này chính là việc triển khai ngày càng rộng rãi truy cập Internet băng thông rộng với tốc độ truyền dữ liệu cao và tốc độ truyền tải cao; dung lượng lưu trữ đang phát triển theo cấp số nhân cho các sản phẩm truyền thông sử dụng nhiều dữ liệu, được cung cấp bởi các nền tảng bycloud như Amazon Web Services hoặc Google Cloud; và những tiến bộ nhanh chóng trong việc xử lý, cấu trúc và điều khiển theo thuật toán đối với khối lượng lớn dữ liệu.

Dịch vụ phát trực tuyến Spotify, được thành lập vào năm 2006, đã trở thành hạt nhân của việc tái định hướng thị trường âm nhạc và tiêu dùng trong suốt những năm 2010 và phát triển năng động trong nửa sau của thập kỷ. Quyền truy cập âm nhạc không giới hạn, chủ yếu dựa trên đăng ký đã thay thế cả mô hình tiêu dùng thống trị với doanh thu ấn tượng của ngành lúc bấy giờ chỉ trong một vài năm. 

Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp âm nhạc: Các đặc điểm chính

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số trong ngành công nghiệp âm nhạc gắn liền với quá trình thay đổi kinh tế xã hội chủ yếu dựa trên công nghệ. Đó là nhóm các công nghệ đột phá đang được cải tiến và hoàn thiện liên tục, bao gồm: số hóa, Internet, nén và xử lý dữ liệu, công nghệ P2P (Peer -to-Peer: công nghệ tiến tiến sử dụng thuật toán đám mây để kết nối ngang hàng 2 máy tính một cách dễ dàng qua Internet), điện toán đám mây, học máy, trí tuệ nhân tạo, các chương trình điều khiển và lựa chọn theo thuật toán.

Các tiến bộ này đã làm thay đổi cách sống của con người, cách thức con người giao tiếp với nhau. Thời gian, không gian được rút ngắn lại trong xử lý mọi hoạt động. Y tế, giáo dục, các hoạt động kinh doanh, thương mại, cách chính phủ điều hành đều nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cả các hoạt động văn hóa, xã hội như trong du lịch, thể thao, âm nhạc. Kinh doanh âm nhạc có hình hài mới. Việc ghi âm và sản xuất âm nhạc đã tách biệt khỏi các phòng thu âm thuộc sở hữu của công ty trong ngành công nghiệp âm nhạc và có thể dễ dàng được tổ chức một cách đàng hoàng và độc lập bởi chính các nghệ sĩ. Âm nhạc không còn được phân phối qua các hệ thống phân phối do các chuyên gia kiểm soát và các cửa hàng truyền thống liên kết chặt chẽ của họ, mà chủ yếu thông qua các nhà bán lẻ trên Internet và các cổng phát trực tuyến dựa trên đám mây.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, con người có thể ngồi một chỗ để mua bán vé máy bay, giao dịch nhà đất, ký kết hợp đồng thương mại, hội đàm thượng đỉnh giữa các quốc gia, thực hiện các quyết định quan trọng của từng cá nhân hay tổ chức. Chính vì thế sáng tác, phân phối hay nghe nhạc cũng chỉ là một phần nhỏ trong luồng phát triển đó của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, và cũng đã được tích hợp trong việc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Đặc điểm thứ hai: chuyển đổi số trong ngành công nghiệp âm nhạc là một giai đoạn chuyển đổi kéo dài bắt đầu từ cuối những năm 1990, song hành với sự phổ biến của Internet và sự xuất hiện của các mạng chia sẻ tệp âm nhạc, và giai đoạn kết thúc của nó vẫn không thể nói trước được ngay cả đến hôm nay. Điều này chủ yếu là do công nghệ được đổi mới liên tục cùng với sự thay đổi kinh tế xã hội thường xuyên đã ảnh hưởng đến tất cả các trụ cột thiết yếu của ngành: bản thân sản phẩm; thị trường và mô hình kinh doanh; cơ cấu của tổ chức; cách thức tham gia của cá nhân, tổ chức sản xuất; khuôn khổ thể chế và hành vi của người tiêu dùng.

Những

Trước đây, muốn nghe nhạc, người nghe cần mua đĩa nhạc với danh sách các bài hát cố định, do từng nhà sản xuất âm nhạc đưa ra. Trong danh sách đó có thể có cả những tác phẩm mà người nghe không thực sự yêu thích. Nhờ công nghệ số, ngành công nghiệp âm nhạc đã có sự thay đổi triệt để. iTunes là nhà bán lẻ trực tuyến đầu tiên có thể cung cấp danh mục nhạc từ tất cả các công ty âm nhạc lớn, nó sử dụng một mô hình định giá hoàn toàn mới và cho phép người tiêu dùng bỏ gói album nhạc và chỉ mua những bản nhạc mà họ thực sự thích.

Không dừng lại ở đó, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn đang ráo riết tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể thu hút người nghe nhạc và làm hài lòng chủ sở hữu bản quyền các tác phẩm âm nhạc. Spotify là ví dụ điển hình tiếp theo của ngành công nghiệp âm nhạc trong thời đại phân phối kỹ thuật số. Người nghe vào nền tảng Spotify, đăng ký tài khoản và sau đó chọn nghe bất cứ bài hát nào mình yêu thích mà không cần tải xuống. Tuy nhiên, Spotify chắc chắn chưa phải là một mô hình kinh doanh bền vững trong dài hạn, nhưng nó đã làm thay đổi tư duy của cả người dùng và chủ sở hữu các bản quyền âm nhạc.

Những

Đặc điểm thứ ba: chuyển đổi số trong công nghiệp âm nhạc có sự tham gia của các nhân tố mới ngoài ngành, những người trước đây không đóng vai trò gì trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đó là những người điều hành các trang mạng chia sẻ (chẳng hạn như Napster, Gnutella hoặc sau này là Pirate Bay) hay những người trẻ có niềm đam mê với Internet, với công nghệ mới. Chính những người đam mê công nghệ, đam mê khởi nghiệp mong muốn hợp nhất thương mại và thể chế hóa các khả năng công nghệ (chẳng hạn như Apple với iTunes Store và Google với nền tảng truyền thông và quảng cáo YouTube, hoặc công ty khởi nghiệp Spotify) đã thúc đẩy sự chuyển đổi số này.

Đặc điểm thứ tư của cuộc biến động này là: Sự chuyển đổi mạnh mẽ và mang tính mô hình về cách tiếp cận âm nhạc và cách kinh doanh âm nhạc, từ việc mua hàng sang truy cập không giới hạn vào âm nhạc. Thị trường nhạc số có bước phát triển ngoạn mục.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong âm nhạc

Từ lâu vấn đềAI và âm nhạc đã trở thành chủ đề thảo luận tại nhiều hội thảo, hội nghị trên thế giới. Từ ngày 18 đến 22 tháng 7 năm 2021 sẽ có Hội thảo Sáng tạo Âm nhạc với Trí tuệ nhân tạo lần thứ 2 (Conference on AI Music Creativity) do Viện Âm nhạc và Âm học Điện tử (IEM) thuộc Đại học Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật  Graz, Áo chủ trì tổ chức trực tuyến (online). Hội thảo này được ghép từ Hội thảo Sáng tạo Âm nhạc Mô phỏng Máy tính ra đời năm 2016 (The Computer Simulation of Music Creativity Conference) và Hội thảo Quốc tế về Siêu âm nhạc ra đời năm 2012 (The International Workshop on Musical Metacreation).[5]

Những

Trong kỷ nguyên của AI, con người và máy móc đã có mối quan hệ đối tác sáng tạo quan trọng. 

Trí thông minh máy móc có thể làm phong phú các phương pháp nghệ thuật hiện có và dẫn đến sự phát triển của các phương pháp nghệ thuật mới. Một số phần mềm âm nhạc đã được phát triển sử dụng AI để sản xuất âm nhạc. Giống như các ứng dụng của nó trong các lĩnh vực khác, AI trong trường hợp này cũng mô phỏng các nhiệm vụ trí óc. Thuật toán AI có khả năng nghe và theo dõi một người biểu diễn và trực tiếp soạn nhạc theo phần trình diễn của một nhạc sĩ.

AI không chỉ tham gia sáng tác, sản xuất và biểu diễn âm nhạc mà nó còn thực hiện các nhiệm vụ của tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Các chương trình máy nghe nhạc đã được phát triển để sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các nền tảng phát nhạc trực tuyến ngày nay dựa trên sự quan sát, đánh giá và dự đoán ngày càng chính xác về hành vi của người dùng cá nhân để tự động tạo lập các danh sách phát nhạc phù hợp với nhu cầu của người nghe. 

Dữ liệu người dùng gồm các thông tin về vị trí, thời gian, nội dung các bài hát ưa thích được AI phân tích. Dựa trên các phân tích về thị hiếu, gu thẩm mỹ âm nhạc, thậm chí cả thái độ, cảm xúc, tâm trạng của người nghe nhạc, AI sẽ giúp tự động đề xuất các bài hát, bản nhạc phù hợp. Các dịch vụ phát nhạc trực tuyến này giống như đài phát thanh hoặc các mạng xã hội như Facebook, Instagram và WhatsApp, đồng hành cùng người dùng suốt cả ngày và đã trở thành một phần thói quen hàng ngày của họ.

Thị trường nhạc số phát triển, cơ cấu doanh thu từ âm nhạc thay đổi

Giá trị thương mại của âm nhạc đã chuyển từ các sản phẩm vật lý hoặc kỹ thuật số sang quyền truy cập tạm thời có tính phí. Các thông số pháp lý của ngành kinh doanh âm nhạc, chẳng hạn như bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, quyền hợp đồng và quyền khai thác, mà trước đây (trước những năm 2000) là dành cho kinh doanh các bản ghi âm thực, thì nay về cơ bản phải được thương lượng lại và điều chỉnh lại cho phù hợp kinh doanh kỹ thuật số. Ngoài ra, không chỉ quyền truy cập trả phí nghe nhạc đã thay đổi mà chính cách thức nghe, khám phá, giới thiệu và trao đổi âm nhạc đã mở rộng, khác biệt rất nhiều trong hai thập kỷ qua. Ngày nay người nghe tiếp cận âm nhạc chủ yếu thông qua các nền tảng truyền thông như YouTube hoặc các mạng xã hội như Facebook.

Những

Ảnh: losganglios.com

Nhạc số giúp nghe nhạc không phụ thuộc vị trí địa lý, còn biên giới quốc gia. Vì thế, đối với bất cứ công ty kinh doanh âm nhạc nào, doanh thu từ âm nhạc cũng không giới hạn lãnh thổ sinh sống người nghe nhạc nữa.

Theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (International Federation of the Phonographic Industry - IFPI), thị trường âm nhạc thu âm toàn cầu đã tăng trưởng 7,4% vào năm 2020, là năm tăng trưởng thứ sáu liên tiếp. 

Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tính năng phát trực tuyến, đặc biệt là doanh thu phát trực tuyến đăng ký trả phí, tăng 18,5%. Đã có 443 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí vào cuối năm 2020. Tổng số lượt phát trực tuyến (bao gồm cả đăng ký trả phí và có hỗ trợ quảng cáo) đã tăng 19,9% và đạt 13,4 tỷ USD, tương đương 62,1% tổng doanh thu âm nhạc trên toàn cầu. Doanh thu trực tuyến tăng trưởng nhiều, khi mà doanh thu từ quyền biểu diễn giảm 10,1% - phần lớn là do đại dịch COVID-19. Kết quả này cho thấy kỹ thuật số đã giúp ngành công nghiệp âm nhạc thích nghi và phục hồi kỳ diệu trước những hoàn cảnh bất thường của năm 2020.6

Công nghệ sáng tác tương tác là xu hướng mới

Âm nhạc dựa trên truy cập chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp trong sự phát triển của nền kinh tế âm nhạc mới. Ngành công nghiệp này đang ngày càng phụ thuộc vào các tính năng và dịch vụ dựa trên ngữ cảnh (context-based). Sự chuyển dịch từ nội dung sang ngữ cảnh cũng có thể được quan sát thấy trong các phân đoạn khác thuộc chuỗi giá trị của ngành công nghiệp âm nhạc.

Thay vì chỉ tạo ra các bản thu âm trau chuốt để khán giả trải nghiệm và thưởng thức, các nghệ sỹ và các nhà soạn nhạc đã tạo ra các dịch vụ và phương pháp thực hành để khán giả tham gia vào quá trình sáng tạo và cho phép người hâm mộ làm nhiều điều khác nữa với âm nhạc. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh Imogen Heap là một ví dụ cho xu hướng này. Imogen Heap tích cực khuyến khích người hâm mộ tải lên âm thanh, hình ảnh và video trong quá trình sản xuất album mới nhất của cô ấy. Cô ấy đã sử dụng chúng trong công việc của mình vừa làm nguồn cảm hứng vừa là những chất liệu thực tế cho các bài hát. Do đó, người hâm mộ của Heap cảm thấy được cộng tác với thần tượng của mình và là một phần của trải nghiệm cộng đồng, sáng tạo. 

Những

Ca sĩ kiêm nhạc sỹngười Anh Imogen Heap

Như vậy các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc đã thay đổi cách làm truyền thống để tạo ra các ứng dụng di động cho phép chơi nhạc theo những cách khác nhau. Các phần mềm viết nhạc giúp cho những người không phải nhạc sỹ cũng có thể tạo ra những bản nhạc của riêng mình. Những khuynh hướng này đặt ra những câu hỏi cơ bản về định nghĩa của ngành công nghiệp âm nhạc và các tổ chức âm nhạc. Liệu các công cụ và phần mềm để chơi nhạc có được công nhận là một phần quan trọng của ngành công nghiệp âm nhạc và là lĩnh vực cốt lõi thứ tư của ngành này, bên cạnh nhạc sống, giấy phép âm nhạc và ghi âm nhạc? Nếu các dịch vụ và phần mềm dựa trên ngữ cảnh tiếp tục được cải tiến và sử dụng rộng rãi, thì đã đến lúc các công ty âm nhạc cần phải xem xét bổ sung lĩnh vực kinh doanh mới phù hợp.

Kết luận

Ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là nhạc ghi âm đã thay đổi hoàn toàn trong suốt 20 năm qua. Thế giới đang bùng nổ với cách nghe nhạc trực tuyến không giới hạn và nghe nhạc sống thời gian thực thông qua các kết nối mạng.

Chuyển đối số mang đến tiện ích không ngờ cho người nghe nhạc khi chỉ cần truy cập Internet là có thể tìm thấy các bài hát, các bản nhạc yêu thích và nghe không giới hạn, hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, chuyển đổi số mang đến các thuật ngữ “thời gian thực” (realtime) và “phát sóng trực tiếp” (livestreaming) đang là xu thế trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực biểu diễn, ca múa nhạc. Thay vì hàng nghìn, có thể lên đến hàng trăm nghìn người trên một sân khấu lớn, thì giờ đây có thể hàng triệu, thậm chí nhiều triệu và con số này là không giới hạn khán giả có thể xem trực tiếp các màn biểu diễn ca nhạc của các nhạc sỹ lớn thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Việc kinh doanh, thương mại đối với âm nhạc cũng đã thay đổi. Các nhạc sỹ, ca sỹ có thể không kiếm tiền từ việc bán bài hát nhưng lại có nguồn thu lớn từ các nhà mạng dựa trên dịch vụ quảng cáo.

Xu hướng âm nhạc mỗi thời kỳ thể hiện đời sống tinh thần của con người thời kỳ đó. Nền công nghiệp âm nhạc gắn liền với đời sống kinh tế xã hội đang là tấm gương phản chiếu rõ nét cho trình độ phát triển khoa học công nghệ của loài người. Hãy hy vọng, chờ đợi và cùng thưởng thức những điều kỳ diệu trong âm nhạc mà cuộc Cách mạngcông nghiệp 4.0 đang mang tới cho chúng ta. 

Tài liệu tham khảo

[1].http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail. aspx?ItemID=31407

[2]. https://www.ifpi.org/ifpi-issues-annual-global-music-report-2021/

[3]. https://www.bbvaopenmind.com/en/articles/the-music-industry-in-an-age-of-digital- distribution/

[4]. https://www.bbvaopenmind.com/en/articles/the-music-industry-in-an-age-of-digital- distribution/

[5]. https://aimc2021.iem.at/

[6]. https://www.ifpi.org/ifpi-issues-annual-global-music-report-2021/

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6 năm 2021)

ThS. Bùi Thanh Hà