Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của các toà soạn báo trong năm 2021

Truyền thông - Ngày đăng : 08:55, 28/06/2021

Theo Báo cáo Triển vọng Thế giới Báo chí 2020-2021 của WAN-IFRA, 44% các tòa soạn báo trên thế giới “ưu tiên hàng đầu” cho việc tăng tốc chuyển đổi số. Ngoài ra, có 65% nhà xuất bản tin rằng công việc kinh doanh của họ sẽ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

“Nếu các nhà xuất bản vẫn đang lúng túng trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số dài hạn, những làn sóng xung kích vừa qua của đại dịch đã khiến những kế hoạch đó trở nên cực kỳ quan trọng và cần thực hiện ngay”, đây là một nhận định của Báo cáo Triển vọng báo chí thế giới 2020-2021.

Dean Roper, Giám đốc Insights WAN-IFRA, viết: “Bất chấp những thiệt hại, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nhà xuất bản lên kế hoạch chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ - ngay bây giờ chứ không phải ngày mai - và chấp nhận những thách thức của chuyển đổi số cũng như tâm lý còn ngần ngại”, Dean Roper, Giám đốc Insights WAN- IFRA viết.

Báo cáo Triển vọng Thế giới Báo chí 2020-2021 của WAN-IFRA dựa trên cuộc khảo sát toàn cầu về các nhà tòa soạn báo, các nhà xuất bản và các chuyên gia để đánh giá hiệu suất tài chính, dự báo và bức tranh báo chí tương lai. Hơn 90 giám đốc điều hành các hãng tin tức từ 51 quốc gia đã tham gia khảo sát. Báo cáo cũng tham chiếu dữ liệu của WAN-IFRA và dữ liệu từ các nhà phân tích PriceWaterhouseCoopers (PwC), Zenith, Chartbeat và Mather.

Các trụ cột của chiến lược chuyển đổi số

Cuộc khảo sát cho thấy doanh thu đến từ độc giả kỹ thuật số và số lượng người đọc kỹ thuật số tiếp tục tăng đáng kể, với mức tăng lần lượt gần 27% và 36% trong năm ngoái. Đây là kết quả của việc bạn đọc tìm kiếm thông tin đáng tin cậy giữa đại dịch và các nhà xuất bản tập trung vào chiến lược đăng ký thuê bao đọc báo kỹ thuật số và chiến lược lấy độc giả làm đầu.

Các tác giả báo cáo lưu ý: “Chuyển đổi kỹ thuật số là một chiến lược bao quát đối với hầu hết các công ty, nhưng chi tiết cụ thể của chiến lược chuyển đổi số trong báo chí là ngày càng ưu tiên độc giả, doanh thu đến từ độc giả, dữ liệu và phát triển sản phẩm”.

Hầu hết các nhà xuất bản đều chọn nội dung trả phí kỹ thuật số là lựa chọn hàng đầu khi được hỏi về kế hoạch ưu tiên đầu tư của họ vào năm 2021. Tiếp theo là các công nghệ và dữ liệu cần thiết để hỗ trợ chiến lược kiếm doanh thu từ độc giả, phát triển các bộ kỹ năng trong tòa soạn, phát triển sản phẩm và các hình thức báo chí mới. 

Doanh thu phát hành kỹ thuật số tăng 23%/năm. Mặc dù trên toàn cầu, nguồn thu này chỉ tạo ra 6% doanh thu cho các nhà xuất bản, nhưng nó chứa đựng “tất cả các thành phần chính của chiến lược tăng doanh thu từ độc giả”. Đó là các chiến lược tăng tương tác của độc giả, văn hóa phân tích và dữ liệu phong phú, phát triển sản phẩm và hợp tác giữa các bộ phận - “những trụ cột của chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số đang phát triển”.

Chỉ riêng các kế hoạch thuê bao đăng ký kỹ thuật số không phải là liều thuốc chữa bách bệnh giải quyết mọi thách thức mô hình kinh doanh của nhà xuất bản hoặc của ngành báo chí nói chung. Nhưng chiến lược này sẽ là một chặng đường dài nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn và điều chỉnh toàn bộ hoạt động tin tức, bao gồm biên tập, công nghệ / dữ liệu, thương mại, tiếp thị - tất cả đều tập trung vào độc giả, phục vụ độc giả, học hỏi từ độc giả và cuối cùng là gặt hái từ đó.

Ngoài ra, các nhà xuất bản có thể tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác được xây dựng trên nền tảng độc giả trung thành đó, như thương mại điện tử bùng nổ trong đại dịch, hoặc các dịch vụ nội dung cao cấp, tổ chức sự kiện hoặc xuất bản bản tin, podcast hoặc quan hệ đối tác, và tất nhiên, cả quảng cáo!

Nói về quảng cáo - hiện đang chiếm khoảng 46% thu nhập truyền thống của các nhà xuất bản trên toàn cầu. Thu nhập truyền thống của nhà xuất bản bao gồm quảng cáo và phát hành. Bất chấp sự sụt giảm liên tục của báo in và những thách thức của kỹ thuật số, 26,3% các tòa soạn báo được hỏi cho rằng đây là nguồn thu nhập quan trọng nhất của họ. Tiếp theo là lượt độc giả đăng ký thuê bao (21,2%), tổ chức sự kiện chiếm 10,4%.

Trên thực tế, doanh thu quảng cáo đóng góp tới 70-80% doanh thu của báo chí ở một số thị trường / khu vực và tùy thuộc vào mô hình kinh doanh. Hơn nữa, phần lớn nguồn thu này vẫn đến từ báo in.

Do đó, 30,6% các nhà xuất bản coi sự sụt giảm liên tục của quảng cáo là rủi ro lớn nhất, tiếp theo có 21% tòa soạn lo lắng không có khả năng đa dạng hóa các dòng doanh thu.

Ngay cả khi nguồn doanh thu đến từ các chiến lược thu phí, đăng ký thuê bao đọc báo tăng cao, các tòa soạn vẫn không tắt quảng cáo như một số nhà phân tích dường như đề xuất và cũng không “giảm giá” bản in.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng quảng cáo kỹ thuật số đã tăng 8,8% vào năm ngoái trong khi tổng doanh thu trung bình của quảng cáo giảm 11%. Zenith dự báo quảng cáo kỹ thuật số sẽ tăng trưởng 10% vào năm 2021, tiếp theo trong năm 2022-2023, quảng cáo kỹ thuật số sẽ đạt mức tăng trưởng tốc độ trung bình 9% một năm. 

Những xu hướng công nghệ báo chí không thể bỏ qua

Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược của nhà xuất bản trên một số mặt trận: từ tạo nội dung; tạo bản tin (newsletter); lựa chọn những nội dung đang thu hút độc giả ra vị trí nổi bật trên báo điện tử. Công nghệ AI cũng tham gia vào việc đưa ra các phân tích, dự đoán, kiếm tiền từ nội dung và hơn thế nữa.

Trong một báo cáo của WAN-IFRA về AI và doanh thu của người đọc, 76% số người được hỏi tham gia cuộc khảo sát về các nhà xuất bản nói rằng AI đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp họ trong ba năm tới.

Khoảng 55% cho biết họ đã và đang triển khai AI ở một mức độ nào đó.

Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của các toà soạn báo trong năm 2021 - Ảnh 1.

Các ứng dụng của AI trong báo chí

Báo cáo Dự đoán năm 2021 của Viện Reuters cũng cho thấy có 69% người được hỏi nói rằng AI sẽ có tác động lớn nhất đến báo chí trong 5 năm tới, cả trước 5G (18%), các thiết bị và giao diện mới (9%).

AI có thể giúp xóa bỏ một số thành kiến đã cản trở các tòa soạn, đồng thời cải thiện sự đa dạng trong các câu chuyện và khán giả.

Báo cáo khuyên các nhà xuất bản nên nhận thức rõ về trí tuệ nhân tạo và hiểu rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo phù hợp với tổ chức của họ. Nó không nhất thiết phải là một “giải pháp sâu rộng”. Trước tiên, các nhà xuất bản sẽ cần xác định các ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp của họ. Bước tiếp theo sẽ là xác định cách thực hiện giải pháp - cho dù thông qua mua bán, hợp tác, mua lại hay bằng cách tự xây dựng.

Các nhà phân tích cho rằng tòa soạn báo nên triển khai lại các khoản đầu tư, tập trung vào AI để cải thiện chất lượng báo chí. AI sẽ không thay đổi cuộc chơi ngay lập tức, nhưng nó có tiềm năng giúp cải thiện báo chí theo hướng gia tăng và sẽ có những tác động tích cực về cấu trúc lâu dài.

5G

5G đang dần được triển khai ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật cả những hạn chế hiện tại và tiềm năng tương lai của kết nối, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với 5G.

Số lượng các quốc gia triển khai 5G đã tăng 62,3% trong khoảng thời gian từ quý 3 năm 2019 đến quý 3 năm 2020. Ookla, một công ty kiểm tra hiệu suất điện thoại di động, dự đoán rằng 99 quốc gia sẽ triển khai 5G vào cuối quý thứ ba năm nay.

Trong khi đó, GSMA Intelligence ước tính 45% thế giới sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2025 kết nối các thiết bị 1.7B. 

Công nghệ này sẽ cho phép người dùng truy cập vào số lượng nội dung và dịch vụ lớn hơn bao giờ hết. Điều này sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà xuất bản trong cách họ phân phát nội dung và quảng cáo cũng như thu thập tin tức.

Khi 5G trở nên phổ biến, kỳ vọng của người dùng về nội dung di động đa phương tiện cũng sẽ tăng lên. Các nhà xuất bản sử dụng video sẽ ít cần phải chuẩn bị nội dung dành riêng cho thiết bị di động. Họ cũng có thể mong đợi các định dạng quảng cáo mới và sáng tạo, khi thời gian tải giảm xuống và độ phân giải cao hơn.

Các tòa soạn báo cần đảm bảo trang web của họ được tối ưu hóa nhiều nhất có thể cho tương lai 5G.

Việc áp dụng và triển khai mạng 5G trên toàn cầu đang bắt đầu thành công, đây thực sự là tin tốt cho các nhà xuất bản đã tối ưu hóa trang web, đặc biệt là nội dung di động, nơi phần lớn nội dung được sử dụng ngày nay, trải nghiệm quảng cáo và lượng nội dung video / âm thanh tốt.

Nếu tòa soạn của bạn không có những công nghệ trên, tờ báo của bạn có nguy cơ xa lánh người dùng và khách hàng quảng cáo.

Loa thông minh ngày càng phổ biến

Công nghệ 5G cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thiết bị âm thanh và giọng nói thông minh. Đây là một lĩnh vực khác có tiềm năng lớn với sự tăng trưởng đáng kể của báo chí. Việc sử dụng loa thông minh điều khiển bằng AI đã tăng từ 14% lên 19% ở Anh, từ 7% lên 12% ở Đức và từ 9% lên 13% ở Hàn Quốc trong giai đoạn 2019-2020.

Tương tự như AI, các nhà xuất bản được khuyến nghị cần tìm hiểu và đầu tư, áp dụng các thiết bị âm thanh vào sản phẩm nội dung. Nói chung, có ba danh mục nội dung phù hợp với việc ứng dụng loa thông minh - đó là môi trường xung quanh (âm nhạc, podcast), hỗ trợ (tóm tắt nhanh, báo cáo thời tiết) hoặc mảng nội dung hấp dẫn (câu đố, câu chuyện dành cho trẻ em).

Nhiều nhà xuất bản tin tức đã thử nghiệm các bản tóm tắt nhanh. Podcast tin tức hàng ngày đã trở thành tâm điểm trong thành công của trang The Daily của New York Times và Today in Focus của The Guardian.

Định dạng này hữu ích cho các nhà xuất bản vì nó giúp xây dựng thói quen và cũng thu hút khán giả trẻ. Nó cũng dễ dàng hơn và rẻ hơn so với video. Và các nhà xuất bản đã có các dịch vụ âm thanh - như podcast - có thể sử dụng lại nội dung cho loa thông minh.

Cho dù đó là AI để nghiên cứu hành vi người dùng, cá nhân hóa nội dung và giao tiếp hay 5G để phân phát nội dung chất lượng cao hơn, các nhà xuất bản cần khám phá công nghệ để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai của báo chí. 

3 nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số của Bộ TT&TT

Một chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào độc giả có thể giúp tăng cả doanh thu thuê bao lẫn quảng cáo. Theo các tác giả báo cáo, các nhà xuất bản đang “tinh chỉnh chiến lược quảng cáo của họ dựa trên phương pháp tiếp cận đối tượng và dữ liệu độc giả”. Đặc biệt, các tòa soạn đang chuẩn bị cho một thế giới “không có cookie” vào năm sau, đồng thời đưa ra các gói sản phẩm cả kỹ thuật số lẫn in.

Đại dịch đã tạo cơ hội cho các tòa soạn báo tăng cường kết nối với độc giả. Và tương lai của báo chí nằm ở năng lực xây dựng sự tương tác mạnh mẽ hơn với độc giả.

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu trong năm 2021, tỉ lệ chuyển đổi số cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ bao gồm: Nền tảng quản lý toà soạn điện tử, Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội, Nền tảng phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Nền tảng quản lý toà soạn điện tử

Nền tảng này cho phép xây dựng toà soạn hội tụ công nghệ, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ toà soạn, hoạt động tương tác 2 chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả, ứng dụng công nghệ trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong tương lai gần.

Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của các toà soạn báo trong năm 2021 - Ảnh 2.

Bộ TT&TT đã đánh giá và lựa chọn đưa ra nền tảng quản lý toà soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí sử dụng năm đầu tiên cho tất cả module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng bao gồm máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội

Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội giúp cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời xu hướng thông tin, dư luận xã hội, từ đó nhận biết nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Đây là cách giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng độc giả. Để sử dụng khai thác nền tảng, các cơ quan báo chí sẽ được Bộ TT&TT cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.

Nền tảng phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí

Nền tảng này nhằm tạo lá chắn bảo vệ các cơ quan trong hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Bộ TT&TT hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm nguy cơ mất ATTT cho các hệ thống. Khi cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới, hỗ trợ các cơ quan báo chí giải quyết và khắc phục sự cố kịp thời.

Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đánh giá, lựa chọn nền tảng chuyển đổi số để đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số.  

Tài liệu tham khảo:
1. World Press Trends 2020-2021 Outlook 2. https://whatsnewinpublishing.com/
3. https://themediaonline.co.za/
4. https://www.mic.gov.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2021)

Bảo Bình