Malaysia và Thái Lan ra mắt hệ thống thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:34, 27/06/2021
Động thái này là bước đi đầu tiên trong việc tích hợp hệ thống thanh toán bán lẻ theo thời gian thực RPP của Malaysia (RRP) và chuyển khoản ngân hàng tức thì DuitNow cùng với PromptPay của Thái Lan.
Theo đó, người dùng tại Thái Lan hiện có thể sử dụng các ứng dụng thanh toán di động quét mã QR DuitNow để thực hiện thanh toán cho người bán ở Malaysia.
Kế hoạch này cũng nằm trong lộ trình thanh toán điện tử năm 2020 của Thái Lan, trong đó kêu gọi tăng cường các giao dịch tài chính số trong toàn khối ASEAN và hội nhập sâu hơn nữa vào khu vực.
Theo các nguồn tin tức, năm ngoái Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thành lập một liên minh với Singapore, Myanmar và Campuchia để kích hoạt hệ thống thanh toán điện tử mới.
Đến giai đoạn hai, dự kiến vào quý IV/2021, đến lượt người dùng tại Malaysia có thể thanh toán cho người bán tại Thái Lan.
Giai đoạn cuối sẽ được mở rộng để bao gồm tính năng chuyển tiền xuyên biên giới. Người dùng ở cả hai quốc gia sẽ có thể thực hiện chuyển tiền theo thời gian thực một cách thuận tiện bằng cách tham chiếu số điện thoại di động của người nhận. Chức năng này dự kiến sẽ hoạt động vào quý IV/2022.
Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết, dịch vụ này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người dùng hơn ở cả hai quốc gia khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại, vì họ có thể thanh toán dễ dàng bằng ứng dụng thanh toán di động thay vì sử dụng tiền mặt.
Cho đến năm ngoái, hợp tác kinh doanh quốc tế trong khu vực ASEAN thường bị hạn chế do thiếu các hệ thống thanh toán điện tử toàn diện - đặc biệt là các hệ thống không phải tốn nhiều ngày chỉ để xử lý các giao dịch được thực hiện bằng các loại tiền tệ khác nhau.
Công nghệ mã QR là một giải pháp mới nổi trong lĩnh vực tài chính nhằm thúc đẩy khả năng thanh toán không tiếp xúc, nhanh chóng và an toàn thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động cho cả người bán và người tiêu dùng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Datuk Abdul Rasheed Ghaffour cho biết, liên kết thanh toán bán lẻ sẽ nâng cao hiệu quả và sự tiện lợi của thanh toán xuyên biên giới bằng cách cung cấp cho người dùng các thỏa thuận thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn và toàn diện hơn.
"Hệ thống này sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và người bán trong không gian thanh toán xuyên biên giới và đóng vai trò là động lực chính để tăng cường kết nối khu vực và hội nhập tài chính", ông Datuk Abdul Rasheed Ghaffour cho biết thêm.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Thái Lan Ronadol Numnonda, ngân hàng nhận ra tầm quan trọng của việc liên kết hệ thống thanh toán xuyên biên giới và đã liên tục theo đuổi các sáng kiến như vậy. Sự hợp tác giữa Payments Network Malaysia (PayNet) và National ITMX (NITMX) với tư cách là nhà điều hành hệ thống thanh toán đã giúp dự án trở nên khả thi. Trong khi đó, CIMB Thai Bank và Public Bank Bhd là hai ngân hàng đầu tiên tham gia vào nỗ lực này và đã bắt đầu cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới tức thì cho khách hàng của họ.
Trong một báo cáo năm 2020 của ACI Worldwide và Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường công nghệ tài chính Kapronasia, ASEAN đang theo bước Liên minh châu Âu bằng cách xây dựng mạng lưới thanh toán giống với Khu vực thanh toán chung bằng đồng Euro (SEPA), biến Đông Nam Á trở thành tâm điểm toàn cầu về tăng trưởng thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực.
Các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa thanh toán, với gần như mọi quốc gia lớn trong khu vực đều có cơ sở hạ tầng thanh toán theo thời gian thực trong nước phát triển mạnh mẽ.
Leslie Choo, Giám đốc điều hành của ACI Worldwide tại châu Á nhấn mạnh: "Bất chấp việc thiếu các quy định thống nhất và các ưu tiên kinh tế khác nhau trong khu vực, rõ ràng là các lực lượng thị trường - được đẩy mạnh bởi nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thúc đẩy Đông Nam Á hướng tới việc hiện thực hóa mạng lưới thời gian thực đa quốc gia"./.