CĐS ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu để thích ứng với tình hình mới
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:23, 26/06/2021
Đối với các doanh nghiệp du lịch, thích ứng kỹ thuật số không phải là tùy chọn mà là điều kiện tất yếu để tiếp tục cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện và tình hình mới - đại dịch Covid-19.
Mới đây, tại hội nghị Triển khai Chương trình hành động thúc đẩy Chuyển đổi số (CĐS) giữa Bộ TT&TT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, BR-VT có khoảng 16 triệu khách du lịch đến, nhưng họ chỉ lưu trú có 1 ngày, vì thế cần ưu tiên CĐS lĩnh vực này và trọng tâm trong năm nay là tăng thời gian lưu trú.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, ông Lê Ngọc Khánh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương thực hiện các kế hoạch CĐS của Sở Du lịch tỉnh BR - VT, nhằm thu hút khách du lịch sau đại dịch Covid-19, từ đó tạo đà cho ngành kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn tại địa phương.
CĐS trong quảng bá du lịch
Theo Sở Du lịch tỉnh BR - VT, để tránh bị "lãng quên" sau một thời gian dài đại dịch Covid-19 kéo dài, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện sáng kiến ứng dụng CĐS trong các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch trên không gian số cũng như hội chợ du lịch trực tuyến năm 2021.
Theo Global Book, đơn vị phối hợp cùng Sở Du lịch tỉnh BR - VT trong một dự án ứng dụng CĐS vào các hoạt động quảng bá du lịch vừa diễn ra vào thời điểm tháng 4/2021, hoạt động quảng bá này đã được tiến hành trên nhiều đài truyền hình trong và ngoài nước, và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Global Book cho biết một ví dụ hết sức thú vị của việc CĐS trong lĩnh vực quảng bá du lịch, đó là chỉ với 1 video có dung lượng dài 30 giây, đơn vị tổ chức đã đem du lịch BR - VT tiếp cận được với hàng trăm triệu người trên thế giới, từ đây, video này lại được quảng bá ngược về trong nước. Như thế hiệu quả sẽ cao hơn nhiều so với các chiến dịch quảng bá du lịch bằng hội chợ xúc tiến du lịch truyền thống, vốn tốn kém tiền bạc, nhân lực và thời gian nhưng khả năng tiếp cận với du khách tiềm năng lại kém hơn.
Gần đây, tỉnh BR - VT cũng đã lên kế hoạch cho việc quảng bá xúc tiến du lịch trên không gian số và hội chợ du lịch trực tuyến tỉnh BR - VT 2021 vào tháng 8 năm nay. Theo dự kiến, chương trình này sẽ hoàn toàn diễn ra trên các nền tảng nội dung số, thay thế cách thức quảng bá du lịch truyền thống như đã nói ở trên. Cụ thể, BR - VT sẽ marketing về du lịch của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, các nền tảng của Google, Youtube v.v...
Rõ ràng, CĐS trong quảng bá du lịch là hướng đi cần nhân rộng đến hầu hết các địa phương trong cả nước bởi nó đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới là chống dịch bệnh, và tận dụng tối đa nền tảng kỹ thuật số để tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực nhưng lại thu được kết quả cao hơn so với các hình thức quảng bá truyền thống vốn đã tồn tại từ lâu và nay trở nên lỗi thời.
Số hóa thông tin điểm đến du lịch.
Trước khi thực hiện các chiến dịch CĐS việc quảng bá du lịch, ngành du lịch BR - VT đã tiến hành việc số hóa thông tin điểm đến giống như TP. HCM. Tuy nhiên, BR - VT có lẽ là địa phương làm việc này với qui mô rộng rãi nhất và thu được nhiều kết quả tích cực nhất.
Theo Sở Du lịch BR - VT, với mục đích xây dựng giải pháp mã QR vào việc số hóa thông tin điểm du lịch, từ đầu năm 2021, đơn vị này đã tiến hành triển khai mã QR tại các điểm đến du lịch hấp dẫn, các di tích lịch sử nổi tiếng, bảo tàng, đền chùa v.v.. trên địa bàn tỉnh.
Vẫn theo Sở Du lịch BR - VT, dự án số hóa các địa điểm nổi tiếng này nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các điểm đến, ý nghĩa biểu tượng tại những nơi này, hướng dẫn lộ trình khám phá từng địa điểm, và bất cứ thông tin gì mà cơ quan quản lý du lịch cập nhật hoặc muốn gửi đến nhân dân và du khách, qua đó giúp định hướng nhận thức về từng địa điểm du lịch, cũng như quảng bá điểm đến một đơn giản, và hiệu quả. Dự án này cũng kỳ vọng sẽ thay thế được các hướng dẫn viên truyền thống, biến QR code thành... hướng dẫn viên du lịch.
Với giải pháp quét mã QR bằng smartphone, chỉ cần bật ứng dụng quét mã QR trên điện thoại có kết nối Internet (ứng dụng QR Code có sẵn trong máy, hoặc trong ứng dụng Zalo chẳng hạn), du khách đến những nơi có gắn QR Code sẽ không cần phải có hướng dẫn viên đi kèm như cách thức tham quan truyền thống, song vẫn có thể biết được đầy đủ, chi tiết các thông tin về điểm đến. Qua đó giúp hạn chế tiếp xúc, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Bảng QR Code có kích thước 20x30cm được gắn trước cổng hoặc cửa của các điểm đến nổi tiếng để du khách có thể dễ dàng quét mã, đọc thông tin.
Điều đặc biệt, giải pháp này cho phép ngành du lịch hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thể liên tục cập nhật thông tin dành cho du khách một cách nhanh chóng, khác hẳn với các cách thức truyền thống trước đây như là việc ra các thông báo hoặc cần phải có người hướng dẫn tại chỗ.
Sở Du lịch BR - VT cho biết, dự án ứng dụng giải pháp mã QR vào số hóa thông tin điểm du lịch đã tiến hành xong giai đoạn 1 với 48 điểm đến nổi bật nhất của địa phương đã được số hoá, ứng dụng QR Code sẵn sàng phục vụ nhân dân và du khách. Sở Du lịch cũng đang thúc đẩy các đơn vị liên quan tiếp tục cung cấp tên, địa chỉ và thuyết minh nội dung những điểm đến, khu di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống... để tiếp tục mở rộng dự án hữu ích này.
Đây thực sự cũng là mô hình du lịch hiệu quả, giúp cho du khách dễ dàng có nắm được các thông tin chi tiết, cụ thể về các điểm đến mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch./.
48 điểm đến được gắn QR Code tại BR - VT gồm:
Di tích lịch sử Bạch Dinh, bãi biển Long Hải, Bảo tàng tỉnh, Linh Sơn Cổ Tự, chùa Long Bàn, Công viên tượng đài Võ Thị Sáu, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, Dinh Cô, Mộ Cô, Tượng đài chiến thắng Bình Giã, Bến Lộc An, Trường THCS Văn Lương, Bàu Thành, địa đạo Kim Long, địa đạo Long Phước, đình thần Long Hương, đình thần Long Điền, đình thần Thắng Tam, khu căn cứ Minh Đạm, khu căn cứ Núi Dinh, miếu Bà Ngũ Hành, Nhà Tròn, Nhà Truyền thống cách mạng Vũng Tàu, Thích Ca Phật Đài, Tổ đình Thiên Thai, trận địa pháo cổ Núi Lớn, tượng Chúa Ki tô, Đức Mẹ Bãi Dâu, Nghĩa địa Cá Ông, Nhà chúa đảo, nghĩa trang Hàng Dương, Chuồng Bò, Sở Cò, Chuồng Cọp, Chùa Hòn Bà, Cầu Tàu 914, Bảo tàng Côn Đảo, An Sơn Miếu, Chùa Núi Một, Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu, làng chài Phước Hải, Đài Viba, Niết Bàn Tịnh Xá, địa đạo Hắc Dịch, biển Hồ Tràm.
(Theo sở Du lịch BR - VT).