Nhà báo cần thấu hiểu công nghệ để giữ lửa nghề
Truyền thông - Ngày đăng : 09:48, 26/06/2021
Xã hội "ngập" thông tin và thách thức của nhà báo
Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức trên môi trường số, đặc biệt là vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch...
Không chỉ là những công dân "nhấn nút chia sẻ" một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo/chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ thông tin hoặc viết/đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập.
Nhận định về vấn đề này, ông Cung Đức Hân, Ban Thư ký Uỷ ban quốc gia về UNESCO Việt Nam cho biết: Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ, đặc biệt công nghệ số, đã và đang làm thay đổi tư duy, phương cách giao tiếp, hành xử và hoạt động của con người trên mọi lĩnh vực. Hàng loạt các khái niệm, lý thuyết mới trong lĩnh vực truyền thông đã và đang chi phối nhận thức, thái độ và hành vi của con người và xã hội.
Sự phát triển của CNTT góp phần tạo nên một môi trường thông tin hiện đại, không còn biên giới quốc gia. Các trang mạng xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ (Facebook, Youtube, Istagram, Twitter, Weibo,Wechat...), tạo cơ hội để bất kỳ một người dân bình thường nào cũng có thể tham gia hoạt động báo chí.
Điều này, theo ông Hân, dẫn đến hiện tượng một lượng lớn thông tin đang được truyền tải qua mạng Internet, khiến con người không đủ khả năng kiểm soát thông tin. Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật theo ý đồ xấu của một bộ phận, một nhóm người đã và đang xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội.
Một thực trạng xấu đang tồn tại hiện nay là dường như những gì không được pháp luật hay đạo đức xã hội thừa nhận lại đang được ngầm phát tán trên các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt trên các phương tiện Internet, điện thoại di động, các thiết bị lưu trữ xử lý dữ liệu gọn nhẹ. Thậm chí xuất hiện tình trạng nhiều thông tin từ các mạng xã hội chưa được kiểm chứng đã được một số phóng viên khai thác và biến thành tin tức trên kênh báo chí v.v...
Chuyên gia dự án phát triển truyền thông UNESCO khu vực tại Bangkok Sasi-on thậm chí còn gọi đây là "infopademic" (đại dịch thông tin). Thế giới online phức tạp khi nhiều bên tham gia, các cá nhân đều cần, sử dụng công cụ số… Theo đó, các cơ quan báo chí, nhà báo làm gặp thách thức thực sự khi môi trường số, AI, các công nghệ số mới phát triển bùng nổ.
Hiểu thách thức để giữ lửa nghề
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, mạng xã hội là nơi hội tụ nhiều "bộ óc" với kiến thức phong phú, đa dạng… Nhà báo không phải là người duy nhất có thông tin.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng cần hiểu là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube còn được thiết kế, vận hành để kéo người dùng đông đảo nhất đến với các nền tảng này và ở lại càng lâu càng tốt. Mạng xã hội cũng tác động tức thời đến cảm xúc của người dùng và và trao cho mỗi người công cụ để biểu đạt. Theo đó, nhà báo cần hiểu rõ mạng xã hội, biết tiết chế, không để cảm xúc cá nhân xen vào.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập VietnamPlus cho biết: "Công nghệ làm thay đổi cuộc sống, song chúng ta chưa hiểu hết tác động của nó, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bản thân báo chí cũng đang chịu thách thức để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số: các mô hình mới (Google, Facebook...) bỏ qua trách nhiệm của nhà xuất bản tin tức; Hành lang pháp lý hiện tại chưa đủ để giải quyết những vấn đề mới phát sinh...
Trước những thách thức trong thời đại số đối với báo chí, ông Nhật đề xuất báo chí cần tăng năng lực tự kiểm duyệt: Không khoan dung với tin giả, xúc phạm; Thấu hiểu công nghệ mới; Thúc đẩy truyền thông có trách nhiệm; Xây dựng sự tôn trọng của công chúng với các giá trị đạo đức; Xây dựng, bồi đắp mối quan hệ tin cậy giữa công chúng và báo chí. Phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) tránh xu hướng giật gân, tránh xuất bản vội vã; cần kiểm chứng tin tức này; Đặt câu hỏi liệu tin tức này có kích động hay không? Tin tức này có sử dụng ngôn từ phù hợp hay không?
Nhìn lại định nghĩa về nhà báo, bà Sasi-on, chuyên gia dự án phát triển truyền thông UNESCO khu vực tại Bangkok cho biết: "Thuật ngữ "nhà báo" bao gồm các nhà báo và những người làm công tác truyền thông khác. Báo chí được định nghĩa trong tài liệu CCPR/C/GC/34, đoạn 44, như là "một chức năng được chia sẻ bởi một loạt các tác nhân, bao gồm các phóng viên và nhà phân tích chuyên nghiệp toàn thời gian, cũng như các blogger và những người khác tham gia vào các hình thức tự xuất bản trên báo in, trên Internet hoặc các nơi khác".
Bà nhận định: "Bản chất công việc của nhà báo không thay đổi nhưng các quy trình khác của nhà báo đã thay đổi, phải kiểm tra kỹ thông tin khi chúng ta tham gia môi trường số".
Theo ý kiến của Hội nhà báo Liên minh châu Âu, ông Mogens Blicher Bjrregard, Chủ tịch cho rằng làm báo chí ngoại tuyến hay trực tuyến thì đạo đức báo chí vẫn không bao giờ thay đổi, đó là phải kiểm chứng nguồn thông tin đảm bảo thông tin chính xác, ý thức rõ đang viết về ai, đặc biệt khi viết viết về trẻ nhỏ hay các nạn nhân.
"Truyền thông trực tuyến tạo ra các thách thức mới vì môi trường mạng phức tạo hơn môi trường ngoại tuyến. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đạo đức nhà báo áp dụng cho bất kỳ nền tảng nào", Chủ tịch Hội nhà báo Liên minh châu Âu nhấn mạnh.
Cùng với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Không phải bây giờ, trong thời đại cách mạng 4.0, vấn đề đạo đức nghề nghiệp mới được coi trọng, mà đối với người làm báo, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng".
"Việt Nam đã triển khai nhiều bước đi như xử lý kỷ luật những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên không gian số; Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, công chúng; Phối hợp với những mạng xã hội lớn để giải quyết vấn đề tin xấu độc; Tự trau dồi, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp", bà Giang cho hay.
Được biết, năm 2021 là năm thứ 5 thực hiện Luật báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và là năm thứ 3 thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Kể từ khi có hiệu lực đến nay, theo Trưởng Ban Kiểm tra, Hội nhà báo Việt Nam Phan Hữu Minh đã có 11 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội đã phải chịu các hình thức kỷ luật của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp (HĐXLVPĐĐNN) các cấp Hội nhà báo Việt Nam. Thường trực Hội đồng cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội….
Ông Minh cho biết hoạt động báo chí trong môi trường số là hướng tất yếu, muốn hoàn thành sứ mệnh của mình, người làm báo cách mạng bên cạnh vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn phải gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa mới xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của nhân dân; Thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Ông Minh cũng cho rằng người làm báo phải thuộc Luật Báo chí, quy định; có kỹ năng hành nghề, coi cơ quan báo chí của mình là nơi phụng sự cơ bản. Không "ăn ở hai lòng" trong thông tin; Tổ chức Hội phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm; Giám sát hoạt động của PV, BTV, nhắc nhở kịp thời để giảm thiểu vi phạm; Cơ quan báo chí, nhà nước có chính sách bảo đảm đời sống cho người làm báo để chú tâm làm nghề…
Đại diện cho cơ quan chủ trì Hội thảo, bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết Bộ TT&TT đã đề xuất với Uỷ ban UNESCO tổ chức các hoạt động TT&TT để đóng góp vào việc xây dựng xã hội số, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển công dân số và đặc biệt đào tạo, nâng cao năng lực của những người làm công tác TT&TT chuyên nghiệp trong môi trường số./.