Startup Việt Nam có cơ hội để lại dấu ấn trong khu vực và trên toàn cầu
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:30, 25/06/2021
Tổng số vốn đầu tư giảm nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, đồng đều hơn
Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đồng phát hành Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020. Đây là dự án điển hình cho sự kết hợp thành công giữa một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc khối tư nhân và một cơ quan nhà nước với mục tiêu chung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Theo báo cáo, năm 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu, trong đó thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước.
Tuy nhiên, số lượng các khoản đầu tư giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.
Đáng chú ý là số lượng thương vụ đầu tư giai đoạn sớm (có giá trị dưới 500.000 USD) năm 2020 lại tăng 11% so với năm 2019, đạt khoảng 59 thương vụ và những khoản đầu tư có giá trị lớn (trên 50 triệu USD) giữ nguyên so với năm trước, đạt 3 thương vụ. Tuy nhiên, dù gia tăng hoặc giữ nguyên số lượng startup được đầu tư, nhưng tổng giá trị các thương vụ đều giảm, đặc biệt là giá trị trên 3 triệu USD.
Chia sẻ về những lý do khiến tổng vốn đầu tư vào các startup tại Việt Nam sụt giảm, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Covid-19 khiến cho việc đi lại giữa các quốc gia bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình thẩm định và ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đối với các khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, sự sụt giảm trong tổng số vốn đầu tư vào startup Việt Nam trong năm 2020 còn đến từ việc các thương vụ có giá trị đáng kể (sau series B trở đi) đã được các công ty lớn khép lại trong năm 2019.
Vào nửa cuối năm 2020, hoạt động đầu tư có sự khôi phục mạnh mẽ tương đương cùng kỳ năm ngoái, phần lớn tập trung vào các khoản đầu tư nhỏ dưới 500.000 USD. Bởi vì, với các khoản đầu tư nhỏ, các quỹ có thể cho phép việc thẩm định từ xa và ra quyết định nhanh chóng hơn so với các khoản đầu tư giai đoạn sau. "Vì thế số lượng đầu tư với giá trị dưới 500.000 USD không chịu nhiều ảnh hưởng của biến động bởi Covid-19 và duy trì ở mức tương đương năm ngoái", bà Vy nói.
Bên cạnh đó, việc có nhiều khoản đầu tư giai đoạn đầu cũng là một tín hiệu tốt cho các startup Việt Nam. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, vòng đầu tư lý tưởng của họ thường là từ Series A trở đi khi kết quả kinh doanh của startup đã tương đối rõ rệt. Điều đó để lại khoảng trống trong đầu tư giai đoạn sớm, trong khi đây là giai đoạn nền tảng quan trọng để startup có thể tiếp tục phát triển và huy động vốn.
Còn đối với các khoản đầu tư có giá trị trên 2 triệu USD, nhà đầu tư bắt đầu yêu cầu quá trình thẩm định kỹ lưỡng. Vì thế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sự sụt giảm về số lượng đầu tư trong giai đoạn 500.000 USD - 3 triệu USD chủ yếu xảy ra ở các khoản đầu tư tiệm cận mức 3M.
Mặc dù vậy, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, sự sụt giảm ở các khoản đầu tư có giá trị lớn không gây ảnh hưởng đáng kể lên hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, bởi bù vào đó, số lượng khoản đầu tư nhỏ tăng lên và trải đều ở các ngành mới tiềm năng. "Đây là một tín hiệu tích cực cho toàn hệ sinh thái khi bắt đầu có sự phát triển đồng đều trong nhiều ngành so với trước kia. Nhà đầu tư giờ đây có nhiều sự lựa chọn hơn khi nhìn vào bức tranh startup công nghệ tại Việt Nam", bà Vy chia sẻ.
Cơ hội cho các quỹ đầu tư nội hỗ trợ startup trong giai đoạn "sớm"
Cũng theo Giám đốc điều hành Do Ventures, do các quỹ đầu tư nước ngoài thường quan tâm từ Series A trở đi nên để lại khoảng trống cho các startup ở giai đoạn sớm. Vì thế, sự ra đời ngày một nhiều lên của các quỹ nội địa như Do Ventures sẽ góp phần hỗ trợ các startup Việt Nam ngay từ sớm để họ có cơ hội tăng trưởng và gọi vốn vòng sau từ các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào.
Trong năm 2020, Do Ventures cũng ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa hoặc quỹ nước ngoài có đại diện tại Việt Nam. Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay khi họ có những lợi thế nhất định về mặt địa lý nên dễ dàng gặp gỡ startup, tìm hiểu thị trường, tiến hành thẩm định và ra quyết định đầu tư.
"Theo tôi, xu hướng đầu tư này vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi trạng thái hạn chế về di chuyển giữa các quốc gia dự kiến còn kéo dài do Covid-19", bà Vy nhấn mạnh.
Khi được hỏi về sự cạnh tranh trong việc thu hút các startup của các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, bà Vy cho rằng, khi hoạt động đầu tư được khôi phục sẽ giúp cho toàn bộ hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ trở lại và đó là điều đáng mừng. Do đó, mỗi nhà đầu tư dù là nội địa hay nước ngoài đều có những thế mạnh riêng để mang lại giá trị cho các công ty họ đầu tư vào. Trong khi quỹ nước ngoài có khả năng tài chính dồi dào, quỹ nội địa có ưu điểm lớn ở khía cạnh am hiểu sâu sắc thị trường địa phương và khả năng hỗ trợ startup liên tục nhờ sự gần gũi về địa lý. Dù số lượng quỹ nội địa ở Việt Nam còn hạn chế nhưng con số này sẽ sớm tăng lên do nhu cầu ngày một lớn từ cộng đồng startup.
Còn về sự khác nhau trong phân khúc đầu tư, bà Vy cho rằng, do việc đầu tư chung giữa các quỹ nội địa và nước ngoài cũng đang trở nên phổ biến nên không nhất thiết sẽ có sự khác nhau trong phân khúc hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, ở một số giai đoạn sau khi các công ty đã tăng trưởng đến giai đoạn Series C trở đi thì chắc chắn sẽ cần đến nguồn tài chính đáng kể từ quỹ nước ngoài.
Việt Nam đang ở giai đoạn thuận lợi để bứt phá
Theo bà Vy, một trong những lý do để một công ty có thể tăng trưởng ở tầm khu vực là ở nguồn vốn dồi dào. Đây cũng là trở ngại mà các startup trong nước đang gặp phải, nhất là ở giai đoạn đầu. Ví dụ như trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), startup Việt và Indonesia cùng xuất phát từ năm 2010 và đến nay đều đã trở thành công ty nội địa dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, trong khi startup Việt gọi được 200 triệu USD, startup từ Indonesia đã có 3 tỷ USD tiền vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này là bởi thị trường Việt Nam nhỏ hơn Indonesia nhưng bà Vy cho rằng đó không phải là yếu tố gây ra sự khác biệt lớn như vậy, khi mà thị trường Indonesia chỉ lớn gấp 3 so với Việt Nam nhưng lại được rót số vốn gấp 15 lần.
"Có một vết hằn khá sâu trong tư duy của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ luôn xem Indonesia là lựa chọn hàng đầu khi muốn đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do mà Việt Nam chưa có một "ông lớn" công nghệ có tầm ảnh hưởng trong khu vực", bà Vy chia sẻ.
Tuy nhiên, Việt Nam đang ở một giai đoạn thuận lợi để bứt phá, với việc đang là một trong những nước đứng đầu trong việc phòng chống dịch và kinh tế đang phục hồi rất nhanh nên vẫn sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Bên cạnh đó, dân số nước ta rất trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cũng gần như dẫn đầu khu vực. Hành vi của người dùng và doanh nghiệp cũng đang thay đổi mạnh mẽ trong trạng thái bình thường mới.
"Nếu biết tận dụng quyết liệt mọi nguồn lực, chuyển đổi số và đưa ra giải pháp cho người dùng và DN kịp thời, các startup Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lại dấu ấn trong khu vực và trên toàn cầu", bà Vy nói.
Sau khủng hoàng sẽ là thời điểm bùng nổ thị trường đổi mới sáng tạo
Nhận định về thị trường khởi nghiệp trong thời gian tới, bà Vy cho rằng, nếu như đầu năm 2020 mọi người còn đoán xem khi nào dịch sẽ kết thúc nhưng ở thời điểm này rõ ràng năm 2021 vẫn còn khó khăn và ngành du lịch chưa thể mở cửa. Do đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu quen với trạng thái bình thường mới và họ có thể tìm cơ hội đầu tư chung với các quỹ nội địa để tối ưu quá trình thẩm định.
"Tôi tin rằng sau khủng hoảng sẽ là thời điểm bùng nổ thị trường đổi mới sáng tạo. Đơn cử, năm 2002 khi SARS bùng nổ, do người bán hàng bắt buộc phải bán online nên Alibaba tăng trưởng vượt bậc, năm 2003 họ cho ra mắt Taobao, thay đổi hoàn toàn thị trường bán lẻ ở Trung Quốc và thành công ty tỷ USD. Hay như giai đoạn khủng hoảng tài chính đã tạo ra mô hình kinh tế chia sẻ với sự ra đời của Uber, Grab, hay các sản phẩm mới như Bitcoin và P2P Lending (cho vay ngang hàng)…", Giám đốc điều hành Do Ventures nhận định.
Do đó, trong năm năm 2021, với các vòng huy động vốn nhỏ (seed, pre A), các thương vụ sẽ tăng trở lại. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong CĐS và nhiều ngành thuộc lĩnh vực giải trí với lượng người dùng tăng vọt. Trong khi đó các công ty gọi vốn ở vòng sau, series B,C vẫn phải phụ thuộc vào việc di chuyển quốc tế được khôi phục.
Từ đó, bà Vy đã đưa ra lời khuyên cho các startup, Covid-19 đã tác động lên mọi đối tượng của nền kinh tế, trong đó startup là đối tượng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất do nguồn tài chính hạn chế. Việc gọi vốn và tiếp xúc nhà đầu tư càng trở nên khó khăn do hạn chế đi lại trong giai đoạn này và các kết quả hoạt động chưa được khả quan.
"Các công ty startups cần phải thắt lưng buộc bụng tối đa và tìm đến những quỹ đầu tư có tiềm lực tốt và tầm nhìn xa để có được sự hỗ trợ tốt nhất", bà Vy nói.
Cần sớm đưa ra khung thử nghiệm cho những ngành mới như Fintech, MedTech
Theo bà Vy, Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 có đề cập đến rào cản pháp lý trong một số ngành mới nổi tại Việt Nam, trong đó có P2P lending (cho vay ngang hàng - PV). Việc chưa có một khung pháp lý chính thức cho lĩnh vực này đã dẫn đến hạn chế trong việc phát triển sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người dùng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang có những nỗ lực khắc phục vấn đề này. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang soạn thảo một nghị định mới về khung pháp lý thử nghiệm cho ngành Fintech, trong đó bao gồm P2P, dự kiến sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ để triển khai trong tương lai gần. Bước đi này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành P2P lending và những DN fintech nói chung, theo báo cáo Do Ventures nhận định.
Ngoài một số ngành cần có cơ chế quản lý đặc thù như P2P lending, công nghệ y tế (MedTech) hay TMĐT, các ngành đang được quan tâm đầu tư bao gồm HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản), EdTech (công nghệ giáo dục), SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đều đang phát triển khá thuận lợi, đặc biệt là EdTech và SaaS khi hoạt động giáo dục và vận hành DN đang dịch chuyển lên online ngày một nhiều do tác động của Covid-19. Đây đều là những ngành đang trở nên thiết yếu từ góc độ người dùng và cũng được chú trọng trong tiến trình CĐS quốc gia từ phía Nhà nước.
Đánh giá về những chính sách của cơ quan quản lý trong thời gian qua, bà Vy cho rằng, môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã có được nhiều cơ chế khuyến khích từ Chính phủ như trong báo cáo đã đề cập. Điều này thể hiện qua việc Chính phủ đã ban hành một số cơ chế khuyến khích việc thành lập và điều hành hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Về hỗ trợ dành cho startup đổi mới sáng tạo, rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, và hỗ trợ cơ sở vật chất đã được ban hành, đặc biệt là sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC.
"Từ góc độ quỹ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi hy vọng các khung pháp lý thử nghiệm cho những ngành mới như FinTech hoặc MedTech sẽ sớm được nhân rộng nhằm tạo điền kiện cho các startup Việt Nam cho ra đời các sản phẩm có tính đột phá và mang lại giá trị thiết yếu cho người dùng trong điều kiện bình thường mới hiện nay", Giám đốc điều hành của quỹ Do Ventures kết luận./.