Cái bắt tay “triệu đô” với Phenikaa và tham vọng CĐS trong lĩnh vực giao thông thông minh
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:03, 23/06/2021
Từ ứng dụng giao thông hàng đầu Việt Nam với hơn 2 triệu người dùng
Nhà sáng lập ứng dụng BusMap, nay là CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh cho biết, ứng dụng BusMap được ra đời từ khi Thanh còn là sinh viên năm thứ 2. Ban đầu, BusMap được ra mắt nhằm mục đích giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn trong việc di chuyển bằng xe buýt tại TP.HCM tìm được lộ trình phù hợp nhất.
Sau khi ra trường, Thanh quyết định "đầu quân" cho các công ty khởi nghiệp để được học hỏi kinh nghiệm quản trị, vận hành cũng như thoả mong muốn được tạo ra những ứng dụng, sản phẩm mới để giúp ích cho người dùng nhiều hơn. Đến năm 2019, Lê Yên Thanh mới quyết định mở một công ty startup của riêng mình với sản phẩm chính là ứng dụng giao thông BusMap - một nền tảng đã được Thanh tạo ra từ hồi còn là sinh viên năm thứ 2.
"Sở dĩ tôi vẫn quyết định kiên trì với ứng dụng BusMap vì thấy rằng đây là một ứng dụng thiết thực với người dân, cũng như đã có lượng người dùng ổn định, khi mà cứ 10 người đi xe buýt ở TP. HCM thì có 3 người cài ứng dụng. Nếu không thành lập công ty, mà chỉ để ứng dụng phát triển tự nhiên, thì sẽ đến lúc không còn kinh phí để hoạt động, ảnh hưởng tới việc đi lại hằng ngày của người dùng xe buýt", Thanh chia sẻ.
Với 2 triệu người dùng hiện nay, từ ứng dụng BusMap, Thanh và đồng đội đã chủ động nắm công nghệ lõi về bản đồ, từ đó phát triển sản phẩm và giải pháp hướng tới khách hàng B2B (Doanh nghiệp - DN), B2G (Chính quyền/tổ chức). Tới thời điểm này, đối với giải pháp dành cho DN, Công ty đã phát triển và đóng gói thương mại nền tảng quản lý xe Bus cho VinBus, nền tảng Trường học thông minh với Hệ thống quản lý xe Bus cho các trường học (School Bus) cho 4 trường quốc tế ở Việt Nam, nền tảng quản lý xe Bus đối với CBCNV cho các công ty (Company Bus)…
Thời kì còn là sinh viên, với những thành tích xuất sắc trong học tập, Lê Yên Thanh được mọi người gọi là "thần đồng lập trình", "chàng trai vàng trong làng tin học"… Cùng với BusMap, Thanh cũng đã ghi dấu ấn với không ít những startup khác khi là nhà sáng lập, đồng sáng lập của Talo - mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong thi cử, tuyển dụng; JobHop - ứng dụng tìm kiếm việc làm; Umbala - ứng dụng tạo video clip…
Còn đối với cơ quan nhà nước, Công ty cũng đã xây dựng các giải pháp như Hệ thống xe Bus công cộng cho các tỉnh, Hệ thống quản lý xe công với xe cứu hoả, xe cứu thương, xe chở rác (đang được triển khai tại Đà Nẵng)…
Ngoài ra, Công ty còn đang triển khai bản đồ dịch tễ CovidMap cho các địa phương bùng phát dịch là Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Thái Nguyên và Lạng Sơn… "Tuy nhiên, đây chỉ là hướng đi giúp hỗ trợ cộng đồng trong thời gian dịch bệnh. Công ty sẽ tập trung chính vào các giải pháp liên quan đến giao thông", Thanh cho hay.
Thanh cho biết, trên thị trường hiện nay, có 1 vài ứng dụng tìm kiếm xe bus của các đơn vị nhà nước, nhưng BusMap là ứng dụng được đánh giá cao và có nhiều lượt tải nhất trên Android và iOS, cũng như là nền tảng duy nhất sử dụng bản đồ do DN tự phát triển, thay vì dùng dịch vụ của bên thứ 3 như Google Map. "Việc sử dụng công nghệ lõi bản đồ riêng giúp Phenikaa MaaS tiết kiệm chi phí, kiểm soát công nghệ, đồng thời có thể triển khai nhanh chóng và tùy biến các giải pháp theo yêu cầu của các doanh nghiệp/ tổ chức, thay vì phụ thuộc bên thứ 3", Thanh chia sẻ.
Với những đặc điểm ưu việt đó, cuối năm 2020, ứng dụng BusMap xuất sắc vượt qua nhiều DN công nghệ lớn để trở thành quán quân hạng mục "TPTM thuộc ITU Digital World Awards" do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức. Đây là giải thưởng uy tín vinh danh những giải pháp và cống hiến xuất sắc, với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua các phát kiến và công nghệ hiện đại.
Cuộc gặp gỡ "định mệnh" với Phenikaa và quyết định đứng trên vai người khổng lồ
Kể về quá trình gặp gỡ ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa, Thanh chia sẻ, trong quá trình mang ứng dụng BusMap tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp và gặp gỡ các nhà đầu tư tại Nhật Bản, Thanh có quen anh Lê Anh Sơn, Viện Phó Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa thuộc Tập đoàn Phenikaa. Tháng 2/2020, anh Sơn có gọi điện và hỏi Thanh có muốn đưa ứng dụng BusMap lớn mạnh hơn nữa hay không. Và sau cuộc điện thoại đó, đã có cuộc gặp gỡ "định mệnh" với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa Hồ Xuân Năng.
Sau vài lần gặp gỡ, trao đổi, Thanh thấy rằng định hướng trở thành Tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu cũng như các giải pháp cho TPTM Phenikaa đang triển khai là những điều Thanh và startup của mình đang khát khao theo đuổi và mong muốn phát triển. "Sau cuộc gặp gỡ lần thứ 3, tôi đã quyết định từ chối lời đề nghị của những quỹ đầu tư khác, chủ động ngỏ lời mong muốn được Tập đoàn Phenikaa đầu tư và được Chủ tịch Hồ Xuân Năng đồng ý. Dù trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và mọi thứ đều được tiến hành từ xa, nhưng tổng thời gian hoàn thành thương vụ chỉ mất khoảng 1 tháng", Thanh chia sẻ.
Lý do Thanh chọn Phenikaa là bởi vì ngoài việc được đầu tư về mặt tài chính, Thanh và startup của mình được Tập đoàn hỗ trợ về mặt nhân sự, công nghệ và hệ thống. "Quan trọng hơn, chúng tôi còn nhìn thấy chiến lược sản phẩm của chúng tôi sẽ được phát triển và đưa vào ứng dụng một cách nhanh và mạnh hơn trong mối liên kết chặt chẽ và sự tương trợ từ các công ty công nghệ trong hệ sinh thái của Tập đoàn và các công nghệ lõi do Tập đoàn nghiên cứu và phát triển, như công nghệ tự hành, hệ sinh thái IoT, các thiết bị thông minh…, từ đó đẩy nhanh việc phát triển công ty", Thanh nói.
Còn về việc đổi tên thành Phenikaa MaaS, Thanh cho rằng, tên gọi cũ của startup dễ bị nhầm lẫn là công ty chỉ phát triển các giải pháp công nghệ xung quanh xe bus; trong khi mục tiêu của công ty là muốn trở thành một nền tảng cho giao thông thông minh. Ngoài ra, tên gọi Phenikaa MaaS cũng khiến cho mô hình kinh doanh của công ty được nhìn nhận một cách rõ ràng hơn so với thương hiệu cũ, từ mục tiêu phát triển cho đến nhóm sản phẩm, khi thương thảo với đối tác.
"Chưa kể đến, thương hiệu Phenikaa được biết đến trên 50 quốc gia cũng giúp cho Phenikaa MaaS dễ dàng hơn trong việc nhận diện thương hiệu và tiếp cận khách hàng", Thanh nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi "về chung nhà" với Phenikaa, mọi kế hoạch đều diễn ra đúng theo lộ trình mà Thanh đã vạch ra trước đó, kể cả việc mở rộng sản phẩm như thế nào. Đồng thời, Phenikaa MaaS sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, phát triển các sản phẩm và dịch vụ của mình đến với các DN, tổ chức có nhu cầu để mở rộng tập khách hàng mục tiêu, không chỉ gói gọn trong ngành dịch vụ vận tải xe khách nội đô, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác của ngành giao thông công cộng như tàu hỏa, tàu điện, giao thông đường thủy…
Thay đổi lớn nhất sau khi nhận đầu tư từ Tập đoàn Phenikaa, đó là tốc độ, khả năng phát triển, từ nhân sự cho đến sản phẩm của Phenikaa MaaS với sự bảo trợ của Tập đoàn. "Như lượng người dùng ứng dụng BusMap, trước khi nhận đầu tư chỉ có khoảng 500.000 lượt tải, nhưng đến nay con số này đã lên mức hơn 2 triệu", Thanh bày tỏ.
Ngoài lượng người dùng, sau hơn 1 năm "gọi vốn" thành công, Phenikaa MaaS cũng đã hoàn thành các sản phẩm về IoT, mở rộng phát triển trí tuệ nhân tạo, hoàn thiện công nghệ cho bản đồ lõi của mình, đồng thời mở rộng cung cấp dịch vụ cho những khách hàng nước ngoài
Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển giao thông thông minh
Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh của Phenikaa MaaS trong lĩnh vực giao thông thông minh, Thanh cho rằng, điểm mạnh đầu tiên của công ty là đội ngũ nhân sự trẻ, khả năng nghiên cứu nhanh những công nghệ mới, tinh thần khởi nghiệp giúp thích ứng nhanh với thị trường. Điểm mạnh tiếp theo là khả năng tùy biến yêu cầu của khách hàng trong khoảng thời gian ngắn dựa trên công nghệ lõi đang sở hữu. Ví dụ như mỗi trường học, Phenikaa MaaS cung cấp một ứng dụng được tinh chỉnh riêng, phù hợp với đặc điểm của nhà trường.
"Việc áp dụng phần mềm dựa trên công nghệ lõi của Phenikaa MaaS để tuỳ biến theo yêu cầu của các đơn vị sẽ triển khai chậm hơn so với các đối thủ khác khi họ có sẵn module đã được đóng gói. Nhưng đổi lại khả năng đáp ứng các yêu cầu mang tính đặc thù của từng khách hàng cộng với tính an toàn, bảo mật của hệ thống lại được nâng lên. Nhờ đó dễ dàng phát triển nâng cao các chức năng theo đúng mong muốn của khách hàng. Chuyển đổi số cần một quá trình nghiên cứu kỹ và có khả năng thích ứng cao trong tương lai nên việc đóng gói riêng từng module cho từng đơn vị dựa trên yêu cầu sẽ mang tính chất quyết định việc chuyển đổi số có thành công hay không", Thanh chia sẻ.
Đồng thời, để cạnh tranh với những Tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực giao thông thông minh, Phenikaa MaaS xác định sẽ đi theo thị trường ngách, định hướng đặc thù riêng dựa trên thế mạnh sở hữu công nghệ lõi về bản đồ để phát triển những sản phẩm mà DN khác sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng.
Nói về việc phát triển lĩnh vực TPTM/giao thông thông minh, Thanh cho rằng, đây là một lĩnh vực khó, không thể xây dựng xong trong "một sớm một chiều" và mỗi tỉnh, thành lại có những bài toán khác nhau và mang tính đặc thù riêng cần giải quyết. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố lấy con người làm trung tâm. Phải xây dựng sản phẩm đơn giản nhất để bất kì người dân nào cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng, nhất là những người lớn tuổi, ít am hiểu công nghệ, để có thể tận dụng những lợi ích mà TPTM đem lại. Con người ở đây còn bao gồm những người vận hành, khi họ đã quen với việc làm thủ công, phải đào tạo làm sao để họ thích ứng với yếu tố công nghệ.
"Như với hệ thống quản lý xe công ở Đà Nẵng mà Phenikaa MaaS đang triển khai, khi người dân gọi xe cứu hoả, cứu thương…, trên điện thoại của họ sẽ nhận được tin nhắn truy cập lộ trình di chuyển của xe trên bản đồ mà không phải cài đặt bất kì ứng dụng nào. Khi xe sắp tới, họ cũng sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại để bất kì người dùng nào không biết gì về công nghệ cũng có thể sử dụng được", Thanh khẳng định.
Còn đối với cơ quan quản lý, thông qua Hệ thống, họ có thể biết được việc phân phối, sử dụng xe có hiệu quả hay không, để từ đó tối ưu việc quy hoạch xe công, giúp xe cứu thương, cứu hoả có thể đến nhanh hơn khi người dân gọi điện. Người dân không biết những hệ thống đằng sau của cơ quan quản lý nhưng sẽ cảm nhận được những lợi ích mà giải pháp đem lại sau khi sử dụng, như việc xe sẽ đến nhanh hơn khi xảy ra sự cố. Đó cũng chính là những lợi ích của thành phố thông minh trong việc cung cấp cho người dân.
"Dù chỉ là những dịch vụ nhỏ của thành phố thông minh/thành phố thông minh, nhưng để làm được phải cần đến sự quyết tâm rất lớn của những người đứng đầu, sự quyết liệt khi chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để có thể triển khai vào thực tế", Thanh nói.
Sau hơn 1 năm triển khai giải pháp xe công ở TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới, Phenikaa MaaS sẽ nhân rộng nền tảng này cho những tỉnh thành khác. Còn giải pháp quản lý xe Bus, công ty đã cung cấp dịch vụ ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và 2 thành phố khác ở Thái Lan.
Mục tiêu của Phenikaa MaaS là trở thành công ty hàng đầu về giải pháp giao thông thông minh. Để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ phát triển theo "chiều dọc" là các giải pháp quản lý xe cung cấp cho các DN và các tổ chức của Nhà nước. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ phát triển đồng thời theo "chiều ngang", như việc từ giải pháp quản lý xe Bus, Phenikaa MaaS đã mở rộng ra thành Hệ thống quản lý trường học thông minh với nhiều sản phẩm khác nhau./.