Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa được FAO giới thiệu

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:22, 22/06/2021

Mô hình chuyển đổi số (CĐS) tại xã Yên Hòa, Việt Nam mới đây đã được Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến "làng kỹ thuật số" của mình.

Sáng kiến "làng kỹ thuật số" của FAO nhằm mục tiêu thúc đẩy CĐS tại các khu vực nông thôn để chống lại đói, nghèo và bất bình đẳng. Bước đầu tiên, theo yêu cầu của Tổng Giám đốc FAO, Văn phòng FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển một khuôn khổ thí điểm cho các nước thành viên để xác định và hỗ trợ các làng kỹ thuật số hiện có và tiềm năng trong thúc đẩy và cải thiện sinh kế, nông nghiệp, dinh dưỡng, sức khỏe và hạnh phúc của người dân.

Ở một số khu vực nông thôn, tỉ lệ người dân có kết nối Internet còn cao hơn các thành phố lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho kế hoạch thí điểm mô hình "làng kỹ thuật số". Tuy nhiên, với mật độ dân cư phân bố thưa thớt và rải rác, chứ không tập trung như ở thành phố, các giải pháp số hoá ở nông thôn đòi hỏi cách tiếp cận và mô hình hoàn toàn khác, chứ không thể bê nguyên xi những giải pháp phát triển đô thị bền vững được.

Mô hình CĐS tại xã Yên Hòa, Việt Nam mới đây đã được FAO giới thiệu trong Sáng kiến "làng kỹ thuật số" của mình, bên cạnh mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bài viết trình bày các nội dung được đăng tải trên trang web của FAO.

Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa được FAO giới thiệu - Ảnh 1.

Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa

Yên Hòa là một xã miền núi, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có 2.301 hộ gia đình, 7.557 nhân khẩu với tổng diện tích đất nông nghiệp là 802,03 ha và đất phi nông nghiệp là 225,82 ha. Thu nhập bình quân 48,12 triệu đồng/người/năm, tức khoảng khoảng 2.080 USD/người/năm, thấp hơn mức bình quân cả nước (ước đạt 2.750 USD vào năm 2020). Xã có 10/10 thôn xóm được kết nối Internet, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao trên 70%; số hộ dân tiếp cận sử dụng Internet, chiếm 90%; 100% cơ quan nhà nước có máy tính và kết nối Internet.

Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT được giao chủ trì thí điểm CĐS cho một số xã khó khăn. Đây là một phần trong khuôn khổ Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020. Mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của CĐS.

Theo đó, Cục Tin học hóa đã xây dựng và triển khai mô hình thí điểm xây dựng xã thông minh tại 12 xã trên toàn quốc.

Để triển khai xã Yên Hòa thông minh, Cục Tin học hóa, Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Yên Mô, UBND xã Yên Hòa đã phối hợp thực hiện và xác định thời gian, định lượng công việc rõ ràng nhằm phân công, phân việc cho từng người vào tháng 4/2020.

Cụ thể, UBND xã Yên Hòa đã ban hành kế hoạch CĐS và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh và huyện. 4 nội dung triển khai CĐS tại xã Yên Hòa bao gồm:

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở hạ tầng số: Nâng cao năng lực của các cán bộ, nhân viên nhà nước và cơ sở hạ tầng số cho chính quyền.

Thứ hai, giáo dục và chăm sóc sức khỏe (CSSK) thông minh. Cụ thể, xã triển khai các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân (telemedicine) và kết nối các trạm y tế xã với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương (Telehealth) để khám chữa bệnh trực tuyến; sử dụng sổ khám bệnh, chữa bệnh điện tử.

Thứ ba, triển khai truyền thanh thông minh, theo đó, dự kiến chuyển đổi 8 đài truyền thanh cũ bằng cách ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát bản tin truyền thanh và chia sẻ thông tin

Thứ tư, giao dịch và thanh toán trực tuyến: Phát triển các sàn giao dịch nông sản và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến.

Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa được FAO giới thiệu - Ảnh 2.

Cho đến nay, nhiều hoạt động cụ thể đã được thực hiện để hỗ trợ quá trình CĐS tại xã Yên Hoà. Về tái cấu trúc cơ sở hạ tầng số của xã, Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hỗ trợ cung cấp Internet, tăng cường an ninh mạng, nâng cấp trang web của xã, triển khai camera giao thông và nâng cao năng lực của lãnh đạo xã.

Về giáo dục và CSSK thông minh, công ty Medici đã triển khai hệ thống tư vấn và CSSK từ xa, hướng dẫn nông dân sử dụng, đồng thời hỗ trợ tư vấn y tế trực tuyến từ tháng 8 đến tháng 9/2020. Telehealth cũng được Viettel Ninh Bình hỗ trợ vào tháng 9/2020 nhằm kết nối y tế tuyến xã đến các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Tiếp theo là triển khai truyền thanh thông minh từ tháng 8 đến tháng 9/2020 với sự hỗ trợ của công ty giải pháp Vbee. Xã đã triển khai kết nối hệ thống AI của Vbee để phát các bản tin hàng ngày, tiến hành đào tạo phát thanh viên sử dụng hệ thống mới.

Về giao dịch và thanh toán trực tuyến, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình đã thành lập sàn giao dịch điện tử cùng với chiến dịch quảng bá và truyền thông sản phẩm, trong khi Vietcombank và Sở TT&TT phát triển cũng như hỗ trợ các phương tiện thanh toán trực tuyến vào tháng 9/2020.

Trong khoảng thời gian đầu, đã có 1.069 người tải ứng dụng Tele Medici, 714 buổi tư vấn trực tuyến đã diễn ra và nhóm Facebook "Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời" đã thu hút được 1.313 thành viên đăng ký, thảo luận 98 câu hỏi. Về mặt lợi ích, việc tư vấn, khám bệnh trực tuyến trong 5 tuần ước tính giúp tiết kiệm 55,1 triệu đồng so với việc người dân phải đi lại khám bệnh, tương đương khoảng 480 triệu đồng mỗi năm.

Nhìn chung, kết quả thí điểm đã cho thấy những lợi ích của CĐS, bao gồm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp tiếp cận thông tin tốt hơn thông qua truyền thanh thông minh (về sản xuất, giá cả thị trường, dự báo thời tiết) và tăng cường kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch số, góp phần giảm chi phí giao dịch cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, CĐS còn giúp bổ sung những cải tiến trong các khía cạnh sau thu hoạch, đóng gói và truy xuất nguồn gốc dựa vào máy móc và mã QR./.

Mô hình xã thông minh tại Yên Hòa được FAO giới thiệu - Ảnh 3.

Ngọc Diệp