Nỗ lực quét sạch “rác” mạng xã hội

An toàn thông tin - Ngày đăng : 11:03, 22/06/2021

Với sự phát triển của các trang mạng xã hội những năm qua, tình trạng phát tán thông tin xấu, độc diễn ra khá phổ biến khắp các diễn đàn, mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube... Quét sạch rác mạng xã hội đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ.

Gỡ bỏ và xử lý hàng trăm nghìn thông tin sai sự thật

Những năm trở lại đây, mạng xã hội đã trở thành một cụm từ quá đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Với ít nhất 17 nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Whatsapp, Messenger, Wechat, Instagram, Tiktok, Sina Weibo, Reddit, Twitter, Linkedln, Viber, Pinterest, Discord, Zalo… số người sử dụng Internet trên thế giới là 4,66 tỷ người; số lượng người dùng mạng xã hội là 4,2 tỷ người; chỉ riêng Facebook đã có 1,84 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và điển hình là công nghệ 4.0, không gian mạng trở thành một bộ phận không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, ở mặt trái, nó cũng gây nhiều hệ lụy đến đời sống của xã hội, đặc biệt ở nhiều vùng sâu vùng xa còn nhầm lẫn đó chính là “báo mạng”.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh đều tác động đến tâm lý, đời sống nhân dân. Lợi dụng cơ hội này, một số đối tượng đã tạo tin giả, đăng tin sai sự thật trên các mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, thậm chí còn có những hành động tiêu cực.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Thông tin và Thông truyền (TT&TT) Hà Nội đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng.

Bộ TT&TT cho biết, mỗi tháng, các bộ phận chức năng của Bộ đã gỡ bỏ hàng nghìn video xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc; được tỷ lệ tháo gỡ video của YouTube lên đến 90%.

Từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Sở TT&TT địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội YouTube, Facebook vi phạm. Trong đó có những vụ đáng chú ý như: Xử phạt kênh YouTube Hoàng Anh - Timmy tại TP Hồ Chí Minh, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương, Hưng Troll tại Bắc Giang…

Nỗ lực quét sạch “rác” mạng xã hội - Ảnh 1.

Khắp các diễn đàn, mạng xã hội tràn lan "fake news". Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2020, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu độc. Đối với các thông tin được đăng tải trên Facebook, YouTube, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 video clip; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện…

Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Tăng cường xử lý nghiêm thông tin sai sự thật

Để mạnh tay hơn với thông tin độc hại, mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Theo đó, sở TT&TT, công an các địa phương cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn. Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị địa phương phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

Nỗ lực quét sạch “rác” mạng xã hội - Ảnh 2.

Các cơ quan báo chí cần thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác. Ảnh minh họa

Bộ TT&TT đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108, đề nghị người dân, các tổ chức khi phát hiện video xấu, độc liên quan thì báo đến đường dây nóng của và các sở TT&TT để phối hợp xử lý; phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc để kịp thời ngăn chặn; phối hợp các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ra văn bản hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt, giữa “cơn bão” thông tin thật - giả trên môi trường mạng như hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí để mỗi người dân có ý thức chấp hành pháp luật, không thực hiện hành vi vi phạm đạo đức, lan truyền thói hư, tật xấu… vì lợi nhuận.

Đề cao vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí chính thống trong cuộc chiến chống tin giả. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác để người dân hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh điều mà họ quan tâm.

Trong tình hình hiện nay, các cơ quan báo chí cần tiếp tục thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý tránh đưa tin thụ động, một chiều, phải có phân tích, so sánh, đánh giá khách quan, trung thực, để nhân dân hiểu được, biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp, trách nhiệm phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Cao Thái: Phải đảm bảo thông tin trung thực, khách quan trên mạng xã hội

Các trang mạng xã hội, YouTube... không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác. Hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Vì vậy, việc quy định và áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như cơ quan báo chí, nhưng vẫn phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của Luật Quảng cáo. Quảng cáo sai sự thật, không chỉ sai các quy định về hoạt động quảng cáo chính và vi phạm, mà hành vi vi phạm cần được xử lý theo các quy định pháp luật.

Đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, trong thời gian tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Năm 2022, dự kiến Bộ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nghiên cứu sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

TS Tô Trọng Mạnh, giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội: Cơ chế pháp lý về xử phạt vi phạm trong sử dụng mạng xã hội đã rõ

Tôi có một thời gian khá dài hành nghề luật sư và từng chứng kiến không ít vụ phạm tội do thiếu hiểu biết, không biết đó là hành vi phạm tội. Vi phạm về sử dụng mạng xã hội nhiều khi cũng vậy. Nhiều người cho rằng đó là trang cá nhân của tôi, tôi làm gì cũng được mà không biết rằng pháp luật có qui định rất rõ về điều này.

Cụ thể, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng qui định các hành vi sử dụng mạng xã hội bị nghiêm cấm gồm: Sử dụng mạng xã hội, dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội nhằm mục đích: Chống phá Nhà nước; tuyên truyền các nội dung xuyên tạc, hư cấu nhằm chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; có những hành vi mâu thuẫn, hiểu nhầm, gây mất đoàn kết; chia sẻ các nội dung (bài viết, hình ảnh) dâm ô, bạo lực, mê tín dị đoan; phát tán các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận; …

Nhiều người cũng không biết các chế tài xử phạt khi không tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó nếu hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội làm nhục người khác, tội vu khống, hoặc các tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn xã hội…

Như vậy, những quy định chặt chẽ về các mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội được quy định rất rõ ràng. Đây là chế tài xử phạt răn đe, giáo dục để người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng. Đặc biệt, qua đây, giúp nâng cao ý thức của người dân khi đăng tải thông tin, chia sẻ thông tin, bình luận trên mạng xã hội.

Thái Hải