Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bảo mật cao, không lộ thông tin cá nhân

Chính phủ số - Ngày đăng : 10:37, 22/06/2021

Từ 1/7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, lĩnh vực. Lực lượng chức năng khẳng định, hệ thống đạt tiêu chuẩn bảo mật cao và được nhiều cơ quan kiểm duyệt, kiểm định nên không có sơ xuất trong trong quá trình vận hành.

Thực hiện giao dịch, chứng thực qua mạng

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (gọi tắt là Trung tâm) và lễ ký kết hợp tác chiến lược. Trung tâm nghiên cứu các sản phẩm, thiết bị và dịch vụ công nghệ ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), phục vụ cho người dân và xã hội.

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp thẻ CCCD tiến tới thực hiện quản lý công dân điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy 1/1/2023. Chính vì vậy, chúng ta đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hết sức quý giá và là nền tảng xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số.

Theo trung tá Vĩnh, Trung tâm hướng tới các doanh nghiệp, tổ chức để họ sớm tiếp cận với các sản phẩm, thiết bị ứng dụng trên mobile, mạng internet và đặc biệt là xây dựng hệ thống định danh số, xác thực điện tử và chứng thư số, thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng mang lại hiệu quả.

Cùng với việc cấp CCCD gắp chíp cho người dân trên toàn quốc sẽ góp phần giảm giấy tờ thủ tục, chi phí khi tham gia các thủ tục hành chính và thúc đẩy thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử, mang lại lợi ích khi giao dịch cho công dân, cơ quan, tổ chức và hiệu quả trong quản lý của Nhà nước.

Trung tá Vĩnh lấy ví dụ, trước đây, khi thực hiện giao dịch, người dân phải xuất trình hồ sơ giấy tờ kèm theo chứng minh thư nhân thân cho các đơn vị giao dịch và họ phải kiểm chứng lại tính chính xác của các giấy tờ đó.

Tuy nhiên, với các dịch vụ định danh số, xác thực điện tử thì giờ đây người dân và cơ quan, tổ chức không phải trực tiếp gặp nhau, không cần cơ quan chứng thực giấy tờ mà vẫn đảm bảo tin cậy trong giao dịch và đáp ứng được tất cả các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, giao thông…

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bảo mật cao, không lộ thông tin cá nhân - Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD.

Không lộ thông tin cá nhân

Trước câu hỏi về tính bảo mật của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia khi người dân thực hiện các giao dịch, truy xuất thông tin qua không gian mạng, trung tá Nguyễn Thành Vĩnh – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD cho biết, toàn bộ hệ thống của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo mật đạt tiêu chuẩn cấp độ 4.

Hệ thống thông tin cấp độ 4 là hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, yêu cầu vận hành 24/7 và không chấp nhận ngừng vận hành mà không có kế hoạch trước; hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc…

Theo trung tá Vĩnh, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được các cơ quan của Bộ Công an, cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm định, kiểm duyệt rất kỹ và thực hiện các biện pháp bảo mật theo quy định của Nhà nước, khẳng định không có sơ xuất trong quá trình vận hành hệ thống.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Bảo mật cao, không lộ thông tin cá nhân - Ảnh 2.

Các loại máy đọc, tra cứu dữ liệu được giới thiệu.

Máy đọc thẻ CCCD đo nồng độ cồn

Tại buổi lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD, nhiều đơn vị hợp tác với Trung tâm đã giới thiệu các sản phẩm, thiết bị và dịch vụ công nghệ ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD gắn chíp mới nhất hiện nay.

Đại tá Nguyễn Quang Hoa - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Thanh Bình – Bộ Công an cho biết, Cty nghiên cứu sản phẩm máy đọc dữ liệu công dân dùng cho lực lượng CSGT được tích hợp thêm tính năng đo nồng độ cồn, nhằm giúp CSGT giảm bớt được thiết bị mang theo bên người trong khi làm nhiệm vụ.

Đây là thiết bị nghiệp vụ trích xuất thông tin có tích hợp nhiều chức năng như đo nồng độ cồn; đọc CCCD lái xe truy vấn qua cơ sở dữ liệu dân cư thông qua mạng 3G, 4G; cơ sở phương tiện giao thông nhận dạng tự động biển số xe; tìm thông tin đăng ký phương tiện giao thông; đọc thẻ CCCD gắn chíp có tiếp xúc/ không tiếp xúc; đọc thông tin qua mã Qrcore; quét vân tay, so sánh vân tay.

“Đặc biệt, tốc độ phân tích nồng độ cồn của máy dưới 3 giây và có khả năng chống bụi, màn hình cảm ứng 5,1 inch, tích hợp sim mã hóa dữ liệu phần cứng…” – đại tá Hoa cho biết.

Còn ông Nguyễn Minh Phi – Phó Ban dự án Cty Gtel ICT, giới thiệu thiết bị đọc dữ liệu CCCD trên thiết bị di động thông qua mã Qrcore có thể hiển thị 7 trường thông tin cơ bản trên mặt thẻ, đặc biệt, là số chứng minh thư nhân dân 9 số cho phép công dân xuất trình với cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

“Thiết bị có thể đọc 16 thông tin khác được lưu trữ trong thẻ CCCD thông qua mã MGZ, giúp công dân có thể kiểm tra tính chính xác của thẻ cũng như các thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” – ông Phi nói.

Ngoài ra, ứng dụng công dân số Việt Nam đăng ký thông qua số CCCD được xác thực bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép công dân thực hiện chữ ký số khi thực hiện giao dịch trên môi trường mạng như thanh toán trực tuyến hay các thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia một cách nhanh chóng…

Theo trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, sau 1/7, khi Bộ Công an dừng cấp sổ hộ khẩu giấy thì người dân đi làm CCCD gắn chíp hoàn toàn không gặp bất cứ khó khăn gì vì tất cả dữ liệu của công dân đã có trên hệ thống.

"Khi công dân đi làm CCCD gắn chíp chỉ cần đến nơi làm thủ tục theo quy định và xuất trình mã số định danh cá nhân để truy xuất trên hệ thống, hoàn thiện việc thu nhận sinh trắc và chụp ảnh chân dung là hoàn thành hồ sơ cấp CCCD, nên có thể yên tâm" – trung tá Vĩnh nói.


Thanh Hà