Ảnh báo chí và sức mạnh khoảnh khắc
Truyền thông - Ngày đăng : 10:32, 19/06/2021
Đi vào điểm nóng Covid-19
Covid-19 chính là sự kiện nóng nhất trong năm 2020 và tiếp tục bùng phát rộng sáu tháng đầu năm 2021, khi biến thể quái ác của con vi-rút này tạo nên những đợt dịch bệnh mới ở hàng loạt nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các phóng viên ảnh đã xông vào điểm nóng, chấp nhận mọi rủi ro khi đến hiện trường tác nghiệp. Dù trang bị đồ bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, nhưng không phải ai cũng được trang bị kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, đó là chưa kể thời gian chụp ảnh cũng rất hạn hẹp, đòi hỏi các phóng viên ảnh phải phản xạ nhanh và tác nghiệp thần tốc. Không chỉ các nhà báo, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng tìm cách xin phép vào bệnh viện, khu cách ly để chụp ảnh bác sĩ chăm sóc bệnh nhân…
Sự dấn thân của các tay máy đã tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn sắc về phòng, chống dịch Covid-19 khá hiệu quả ở nước ta, với năm giai đoạn ứng với các hành động phù hợp nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam gồm: phát hiện sớm, truy vết, cách ly, phong tỏa, điều trị.
Năm 2020, triển lãm ảnh “Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 qua ống kính nhiếp ảnh” nhằm tôn vinh những hình ảnh tích cực của mọi tầng lớp xã hội đang chung tay góp sức tham gia chống đại dịch Covid-19, đã khẳng định kết quả to lớn bước đầu khi Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh trong năm 2020, gây tiếng vang trên thế giới.
Năm 2021, triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện cũng đã tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa rộng rãi và được triển lãm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ ảnh của Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) đoạt Huy chương vàng có chủ đề “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống dịch Covid-19” ghi lại hình ảnh các chiến sĩ Đồn Biên phòng Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam, vượt mọi khó khăn, giữ vững vùng biên, giúp dân chống dịch. Bộ ảnh khá sinh động với các ảnh toàn - trung - cận cảnh cho thấy tình quân dân thắm thiết, cùng vượt qua đại dịch.
Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) năm 2021 trao giải A cho phóng sự ảnh: “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch Covid-19” của nhóm tác giả Trí Dũng - Thống Nhất - Dương Giang - Minh Quyết -Doãn Tấn (Thông tấn xã Việt Nam).
Các cuộc thi ảnh marathon của chương trình “Vẻ đẹp Việt Nam” trên Truyền hình Nhân Dân chủ đề về Covid-19 cũng luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tác giả trong cả nước. Điều thú vị là không chỉ các phóng viên ảnh chuyên nghiệp, các nghệ sĩ mà ngay nhiều người chơi ảnh nghiệp dư cũng chớp được nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Bộ ảnh “Trong khu cách ly” của Đặng Văn Tú, một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là như vậy. Khi cách ly trong bệnh viện, Tú đã dùng điện thoại di động ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt ấn tượng, từ những gương mặt của những y, bác sĩ từ trong khung cửa nhìn ra cho đến những bệnh nhân khuyết tật ngồi xe lăn cô đơn nhưng vẫn đầy hy vọng… Đây cũng là bộ ảnh đã đoạt Giải nhất cuộc thi đồng hành “Nhịp sống mùa dịch Covid-19” của “Vẻ đẹp Việt Nam” số tháng 4-2020. Hay bức ảnh “Sự sống nảy mầm trong đại dịch Covid” của Phạm Thị Phương Thảo (Công đoàn Y tế Việt Nam) đoạt Giải nhì cuộc thi “Nét đẹp Công đoàn và người lao động” do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức, trao giải trong năm 2021. Đó là một tác phẩm ảnh báo chí có bố cục ấn tượng, ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của người mẹ khi sinh con trong khi các y, bác sĩ với đồ bảo vệ phòng, chống Covid-19 vây quanh.
Sức mạnh của ảnh bộ
Bên cạnh đại dịch Covid-19 thì năm qua, ảnh báo chí còn có nhiều tác phẩm chất lượng cao ghi lại những khoảnh khắc mô tả thiệt hại lớn về người và tài sản trong đợt bão lũ miền trung. “Bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” với cường độ cao chưa từng có xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền trung gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống lao động, sản xuất của hàng triệu người dân. Và các phóng viên ảnh lại tiếp tục có mặt kịp thời tại những điểm nóng nhất. Có những bức ảnh chụp trong mưa gió, bão giật, có những tác phẩm ghi lại sự sẻ chia kịp thời của những tấm lòng tương thân, tương ái hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, của các lực lượng bộ đội biên phòng cùng giúp dân lợp lại nhà, khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị hư hỏng, ngập lụt… Các phóng sự ảnh về vụ 11 công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) được đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau, với nhiều hình ảnh làm người xem xúc động.
Dĩ nhiên còn rất nhiều sự kiện, vấn đề nóng bỏng khác trong cuộc sống mà ảnh báo chí Việt Nam đã thể hiện đậm nét và ấn tượng; nhưng chỉ qua hai sự kiện trên có thể thấy sức mạnh của hình ảnh mà nhiều khi rất khó để diễn tả hết bằng ngôn từ.
Thực tế cho thấy xu hướng ảnh bộ - phóng sự ảnh đang là hướng đi chủ đạo của ảnh báo chí Việt Nam hiện nay và nó cũng phù hợp với xu thế ảnh báo chí thế giới. Chất lượng của các bộ ảnh báo chí ở nước ta ngày càng chuyên nghiệp hơn. Một phần vì các tòa soạn trang bị hoặc cá nhân nhiều phóng viên ảnh tự sắm những dàn máy hiện đại, tối tân. Một phần vì con mắt nhìn và khả năng xử lý hậu kỳ (trong điều kiện cho phép của ảnh báo chí) của một thế hệ các tay máy trẻ khác biệt hẳn so với thế hệ trước.
Ảnh báo chí năm 2020 và nửa đầu năm 2021 luôn đồng hành cùng những sự kiện thời sự nóng, nắm bắt những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống để vẽ nên một bức tranh phong phú và sôi động về đời sống chính trị - xã hội - kinh tế của đất nước.