Nghề Biên tập viên - Một kho tàng kỹ năng và kiến thức
Multimedia - Ngày đăng : 10:13, 19/06/2021
Hễ có người viết thì có người biên tập. Người biên tập đọc lại, suy nghĩ, làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Họ có mặt ở mọi nơi: Trong các tờ báo ngày, báo tuần, các nhà xuất bản, tại đài truyền thanh, đài truyền hình, công ty truyền thông…. Tại các nước phát triển, họ còn hiện diện trong các cơ quan chính phủ, trường học và các trang mạng…
Hiện nay, các cơ quan báo chí Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của những Biên tập viên. Xem đây là khâu cực kỳ quan trọng cho một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc. Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí còn chiêu mộ những Biên tập viên giỏi, sẵn sàng trả lương cao hơn so với phóng viên; có thể gần gấp đôi. Các tờ báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình uy tín có một điểm chung: Tất cả đều sử dụng những biên tập viên giỏi. Tay nghề cao của tập thể biên tập viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh cho một cơ quan truyền thông.
Phẩm chất cần có đầu tiên của người biên tập thực sự là tính cẩn thận và tỉ mỉ. Để "gia công" một bài viết, người biên tập phải sửa từ những lời văn thô ráp, câu văn lủng củng, trùng lặp đến những chi tiết "sạn" rất nhỏ: chính tả, từ ngữ. Công việc biên tập tưởng đơn giản nhưng lại là công việc khá phức tạp. Người biên tập cần đọc lướt qua một lần bản thảo để xác định nội dung, tư tưởng, chủ đề chứ không thể chỉ đọc một lần và sửa được ngay. Sau khi đọc nhanh một lượt, lúc này người biên tập phải đọc kĩ từng câu, từng đoạn của bản thảo. Nếu người biên tập sốt ruột, cẩu thả chỉ sửa cho có, phát hiện những lỗi ai cũng nhìn thấy thì đó không phải là người biên tập giỏi. Đầu óc, trí tuệ, tầm nhìn của người biên tập được thể hiện qua cách sửa chữa các lỗi rất nhỏ. Nếu không là một người cẩn thận, chịu khó, thì sẽ không thể làm được công tác biên tập.
Người biên tập phải là người tâm lý và khéo léo, biết cư xử. Vì người biên tập là người trung gian giữa tác giả và độc giả nên người biên tập phải hiểu được tâm lý của cả đối tượng này. Hầu hết, những người viết văn, viết báo rất kị và không thích bài viết của mình bị sửa chữa quá nhiều. Đó là tính tự ái riêng của mỗi người. Người biên tập cần đặt mình vào vị trí của tác giả để hình dung cảm nhận của tác giả, từ đó người biên tập sẽ dễ dàng diễn đạt được ý tưởng của tác giả. Người biên tập cần cân bằng việc sửa chữa tác phẩm nhưng vẫn giữ được thông điệp, ý nghĩa tác giả muốn truyền tải.
Người biên tập không thể chỉnh lý, sửa chữa theo ý muốn chủ quan của bản thân. Bởi người biên tập không phải là người sáng tạo tác phẩm. Sự sáng tạo của người biên tập là có giới hạn. Giới hạn đó chính là việc trau chuốt lại tác phẩm. Giữ mối quan hệ tốt với tác giả cũng là một việc làm thể hiện được tính nghệ thuật và khéo léo trong công tác biên tập của người biên tập. Thêm nữa, một mối quan hệ tốt giữa biên tập và tác giả còn đảm bảo cho người biên tập có được nhiều bài viết tốt hơn sau này.
Không chỉ hiểu tâm lý của tác giả. Người biên tập cần hiểu được tâm lý của công chúng. Xét cho cùng, sản phẩm báo chí có hoàn thiện cũng để phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng. Người biên tập vừa là người giúp tác giả diễn đạt thông điệp gửi đến công chúng vừa là người định hướng công chúng hiểu được trọn vẹn thông điệp của tác giả muốn hướng tới. Vì thế, người biên tập khi biên tập tin bài cần cân nhắc mức độ ảnh hưởng, độ khách quan của thông tin.
Những người biên tập luôn trăn trở những thông tin độc giả muốn tiếp nhận, những thông tin ảnh hưởng như thế nào đến độc giả và những thông tin độc giả không muốn tiếp nhận. Từ đó, người biên tập mới cân nhắc, thêm bớt, chỉnh lý, bổ sung thông tin phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của mọi độc giả. Người biên tập không những chế biến, "nấu giỏi" các món của tòa soạn đòi hỏi, mà còn phải nhạy cảm với "khẩu vị" trong mỗi "thực đơn" mà bạn đọc công chúng đặt hàng, để có thể kịp thời dáp ứng nhu cầu của họ.
Người biên tập phải là một người lý trí - Làm việc với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cần giữ cho thần kinh luôn vững vàng, tỉnh táo, lý trí sáng suốt. Nhẫn nại và biết sàng lọc mọi sai sót, từ sai sót nhỏ nhất trong các bản thảo cần sửa chữa. Cần có sự khách quan và công bằng trong công tác biên tập.