Bộ TT&TT phát động Giải thưởng "Make in Vietnam" năm 2021 quy mô toàn quốc
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 11:37, 18/06/2021
Ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức họp báo trực tuyến phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2021. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam.
Giải thưởng nhằm tuyên dương các DN công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược "Make in Viet Nam" đồng thời hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số.
Con đường để DN công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm
Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: "Phát triển Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam chính là con đường để DN công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới để đất nước sớm tự lập, tự cường, là chìa khoá để vươn lên thứ bậc cao trong chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển cũng đang bắt đầu chuyển đổi số (CĐS).
Việt Nam có nhiều bài toán trong quá trình phát triển, quá trình CĐS. Các DN công nghệ số cần phát huy lợi thế am hiểu thị trường nội địa, am hiểu nhu cầu khách hàng, văn hoá bản địa, sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu, chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp theo các nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Các DN công nghệ số Việt Nam có khả năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán của Việt Nam và qua đó chiếm lĩnh được thị trường CĐS trong nước.
Thứ trưởng đề nghị các DN công nghệ số Việt Nam cần khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ số mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giải quyết các bài toán của Việt Nam; đặc biệt là các công nghệ mới nổi như AI, phân tích dữ liệu lớn, IoT và tự động quy trình robotic…; Đi từ ứng dụng công nghệ đến làm chủ một số công nghệ lõi, tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới.
Để Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, Thứ trưởng cũng cho rằng DN công nghệ số cần chú trọng sử dụng công nghệ mở, nguồn mở, dữ liệu mở. Với công nghệ mở, Việt Nam không chỉ trở thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại mà còn đóng góp công nghệ của nhân loại.
Hiệu ứng lan toả thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT
Cũng theo Thứ trưởng, qua chưa đến một năm triển khai, Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã có những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy cho sự phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã trực tiếp giúp các cơ quan chính phủ, DN, người dân thực hiện CĐS. Đặc biệt, nhiều DN công nghệ số đã chung tay cùng đất nước phòng chống dịch, đưa ra nhiều sản phẩm, giải pháp, nền tảng số tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nhằm phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới, thực hiện thành công 2 mục tiêu kép của Chính phủ.
Phần lớn các sản phẩm đạt giải năm 2020 đã được thêm nhiều khách hàng biết đến và đánh giá cao, cơ hội hợp tác đầu tư thêm rộng mở, đội ngũ nhân viên phát triển sản phẩm có thêm niềm hứng khởi để sáng tạo nhiều hơn.
Hiệu quả của một số sản phẩm tiêu biểu của Giải thưởng năm 2020 có thể đến như:
Sản phẩm Akabot - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của DN của FPT, giải nhất Sản phẩm số xuất sắc có tốc độ tăng trưởng 300% về doanh thu, số lượng khách hàng tăng gấp đôi;
Sản phẩm VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh của VNPT, Giải nhất thu hẹp khoảng cách số đã trở thành từ khóa top 1 về học tập trực tuyến, top 2 về trending trên Google tại Việt Nam, với số lượt tải ứng dụng là hơn 3,5 triệu;
Sản phẩm AI trợ lý bác sĩ DrAid của Vinbrain, Giải nhì Giải pháp số xuất sắc đã được nhiều khách hàng đánh giá cao, hiện đang được triển khai tại nhiều bệnh viện của các thành lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, đặc biệt đang hỗ trợ hiệu quả tỉnh Bắc Giang trong phòng chống dịch covid-19 trong thời gian qua.
Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettel Post, Giải nhì Thu hẹp khoảng cách số: Tính từ 01/1/2021 – 30/5/2021, đã tích cực hỗ trợ 3.727 hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn (tăng 586% so với cùng kỳ năm 2020). Tại Bắc Giang, đã tiêu thụ được 2.300 tấn vải thiều chỉ riêng trong tháng 6/2021, góp phần hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dịch bệnh covid tại địa phương.
Những thay đổi của Giải thưởng năm 2021
Theo Ban Tổ chức, đối tượng tham gia là các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam. Đối với Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng, chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, DN vừa và nhỏ hoặc DN khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2021 có các giải: Giải Vàng, Giải Bạc, Giải Đồng và Top 10 cho 04 hạng mục Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số. Top 10 cũng được trao cho hạng mục Sản phẩm số tiềm năng.
Các sản phẩm được tôn vinh sẽ phải thỏa mãn 02 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí "Giá trị thực tế", cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.
Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2021 bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải Giải Vàng, Bạc, Đồng được nhận Cúp, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng. Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ trao Bằng khen cho đơn vị tham gia đạt Giải Vàng. Đơn vị tham gia đạt Top 10 được nhận Giấy chứng nhận Giải thưởng.
Đơn vị tham gia đạt giải được: Khai thác thương mại biểu tượng (Logo) Make in Viet Nam đi cùng sản phẩm công nghệ số được công nhận danh hiệu trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị; Đề cử đại diện cho ngành CNTT-TT tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế khác;
Bộ TT&TT và VCCI hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm; Quảng bá sản phẩm công nghệ số trên phương tiện thông tin đại chúng của Bộ TT&TT và VCCI; được giới thiệu sản phẩm công nghệ số đoạt giải đến các cơ quan nhà nước tham khảo lựa chọn nhằm phục vụ chuyển đổi số; Ưu tiên xem xét đưa vào Danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan nhà nước; Danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ của DN.
Lãnh đạo Bộ TT&TT tổ chức gặp mặt để trao đổi, tham vấn, phản biện về các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển của ngành và định hướng phát triển sản phẩm công nghệ số của DN.
Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia Giải thưởng từ ngày 20/6/2021 đến hết ngày 20/9/2021, dài hơn 01 tháng so với Giải thưởng năm 2020. Trong thời gian từ 20/6/2021 đến 20/7/2021, DN có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của Cơ quan thường trực Giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo Quy chế.
Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Giải thưởng: makeinvietnam.mic.gov.vn, makeinvietnam.vcci.com.vn và giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn/
Lễ trao giải được tổ chức vào tháng 12/2021 và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao giải cho những DN đạt giải cao. Lễ trao giải sẽ được phát sóng, đưa tin trên các đài, báo trung ương và địa phương và các nền tảng truyền thông khác./.