Ứng dụng công nghệ để minh bạch hoá và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thuỷ sản

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:39, 18/06/2021

Ứng dụng các công nghệ ICT trong truy xuất nguồn gốc cho toàn chuỗi cung ứng thực phẩm nói chung và chuỗi cung ứng thủy sản nói riêng ngày càng phổ biến. Việc này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm mà còn là quá trình đầu tư dài hạn của cơ sở sản xuất để tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giải cứu các đại dương trên thế giới

Ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6) do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm nay "Đại dương: Sự sống và sinh kế" với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên trái đất.

Trong một bài đăng gần đây trên blog của mình, Luc McCallum, nhà lãnh đạo của nhóm Đại Dương tại tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) của Anh, đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải quản lý tất cả các đại dương trên thế giới một cách bền vững và vì lợi ích công cộng. Ông cho biết phải bảo tồn và bảo vệ ít nhất 30% đại dương khỏi tất cả các mối đe dọa vào năm 2030.

Luq Niazi, Giám đốc điều hành toàn cầu, ngành công nghiệp tiêu dùng của IBM, cho biết: "Ngày Đại dương thế giới là một thời điểm quan trọng để chúng ta dừng lại và suy ngẫm về tất cả những gì đại dương cung cấp cho chúng ta và cách chúng ta có thể sử dụng công nghệ để đền đáp. Tôi thực sự tin rằng chúng ta đang ở thời điểm quan trọng mà các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang bắt đầu xây dựng tính bền vững thông qua chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản".

Báo cáo của Greenpeace chỉ ra rằng đánh bắt cá trên vùng biển khơi Ấn Độ Dương đang đe dọa sức khỏe đại dương, sinh kế ven biển và các loài sinh vật

Lanzetta cho biết có hàng tỷ người phụ thuộc vào các đại dương để kiếm sống và tồn tại. Cô nói: "Bỏ ăn hải sản không phải là giải pháp".

Thay vào đó, Lanzetta tin rằng các doanh nghiệp và cá nhân cần phải hành động có trách nhiệm hơn. "Đó là giấy phép xã hội cần thiết cho các nhà khai thác ở đây và nó cần phải được thực hiện một cách minh bạch và gắn kết với xã hội", Lanzetta bổ sung thêm.

Lanzetta kêu gọi một cam kết minh bạch để các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những quyết định chính xác dựa trên sự thật khoa học. "Những gì chúng tôi muốn làm là sản xuất hải sản, loại bỏ áp lực từ nguồn trữ lượng hoang dã của chúng ta một cách hiệu quả nhất".

Ứng dụng công nghệ để cung cấp sự minh bạch trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

Nhìn vào một số công nghệ đang được sử dụng để giám sát đại dương và trữ lượng cá, John Grant, Giáo sư hải dương học tại Đại học Dalhousie ở Halifax, Nova Scotia, đã mô tả cách thức công nghệ được sử dụng trong các đại dương nhiều hơn như thế nào trong 5 năm qua.

Cụ thể, các cảm biến không dây để đo nhiệt độ, oxy và thực vật phù du, cùng với các tham số khác trong đại dương, Grant mô tả đó là "mạng lưới cảm biến và thông tin dày đặc" hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân theo thời gian thực thông qua điện thoại thông minh của họ.

Những mạng lưới cảm biến này đã thực sự tạo ra sự khác biệt. Chúng cũng tạo ra sự khác biệt về phúc lợi cá (fish welfare), đây là một mối quan tâm quan trọng. Các cảm biến cung cấp những cảnh báo để giúp người nuôi cá đưa ra quyết định về việc cho ăn, điều trị các vấn đề về sức khỏe và trữ lượng thu hoạch", Grant nói.

Ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thủy sản - Ảnh 1.

"Gần đây, chúng tôi đã sử dụng các thiết bị theo dõi nhịp tim, được cấy ghép bằng phẫu thuật cho cá, nhờ vậy chúng tôi không chỉ có thể phát hiện các vấn đề về môi trường mà còn thực sự hiểu về cách các loài cá hoạt động trong các điều kiện khác nhau của đại dương. Các đối tác nuôi cá của chúng tôi đã hoàn toàn chấp nhận công nghệ này và hiện nó đang được mở rộng khắp thế giới".

Grant cho biết cũng đang hợp tác với IBM Analytics để sử dụng và phân tích tất cả dữ liệu cảm biến này nhằm dự báo các điều kiện trong đại dương và thực hiện các hành động quản lý trước hoặc phòng ngừa trong nuôi trồng thủy sản.

Một công dụng khác của cảm biến là trên các lồng chứa cá nuôi. Theo Grant, chúng có khả năng phát hiện chuyển động, sự căng thẳng của cá và hành vi khi có bão, có thể được sử dụng để ngăn cá thoát ra ngoài.

Truy xuất nguồn gốc thủy sản

Ngày càng nhiều người tiêu dùng có ý thức về nguồn gốc của các sản phẩm họ mua, chú trọng đến sự an toàn. Một nghiên cứu về tính bền vững của thực phẩm châu Âu năm 2020 do IBM thực hiện cho thấy gần một nửa số người được khảo sát "sẽ mua nhiều cá hơn nếu họ được cung cấp thông tin đã được chứng minh và đáng tin cậy về nguồn gốc, sự an toàn và sản xuất của nó". Một cuộc khảo sát khác của IBM ở các quốc gia khác nhau cho thấy rằng đa số người được hỏi ưa thích các thương hiệu đảm bảo tính xác thực của sản phẩm họ mua.

Ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thủy sản - Ảnh 2.

Sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc thủy sản

Mới đây, công ty thủy sản có trụ sở tại Tây Ban Nha, Nueva Pescanova Group, đã công bố hợp tác với IBM để sử dụng nền tảng Food Trust – một nền tảng công nghệ sổ cái phân tán được thiết kế để truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng.

Theo thông báo ngày 08/06 từ IBM, Nueva Pescanova sẽ sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi hoạt động đánh bắt tôm ở Argentina và nuôi tôm ở Ecuador.

Trong thông báo, Ignacio González, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nueva Pescanova, cho biết nền tảng xác định nguồn gốc sẽ giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn Đối thoại toàn cầu của Liên Hợp Quốc về Truy xuất nguồn gốc thủy sản (DGST): "Chúng tôi muốn cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn thế giới thông tin chi tiết và chặt chẽ về khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản của chúng tôi, từ nguồn gốc xuất xứ cho đến khi đến bàn của họ. Giờ là lúc các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản bắt đầu giải quyết các tiêu chuẩn GDST."

Nền tảng truy xuất nguồn gốc Food Trust của IBM được thiết kế cho ngành công nghiệp thực phẩm, cho phép các thành viên của mạng xem dữ liệu chuỗi cung ứng toàn diện từ các sản phẩm trong "gần thời gian thực" – tiết kiệm hiệu quả đáng kể cho các nhà sản xuất, giảm thiểu gian lận trên thị trường toàn cầu và đảm bảo an toàn và các nghĩa vụ về tính bền vững được đáp ứng.

Nueva Pescanova đã trở thành công ty mới nhất sử dụng mạng blockchain IBM Food Trust để truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng. Trở lại năm 2020, nhà sản xuất thủy sản Na Uy Kvarøy Arctic, đã tham gia IBM Food Trust để tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng của mình.

Cũng trong năm 2020, Hiệp hội Thủy sản Na Uy đã hợp tác với IBM để tận dụng công nghệ blockchain nhằm loại bỏ gian lận và lãng phí thực phẩm trong ngành thủy sản.

Hiệp hội Thủy sản Na Uy cũng đã hợp tác với Atea để vận hành một mạng lưới cảm biến thu thập dữ liệu đánh bắt. Theo Steinar Sønsteby, Giám đốc điều hành của Atea, mạng lưới cảm biến này có vai trò rất trong việc truy xuất nguồn gốc. Mạng lưới này cung cấp một chuỗi giao dịch vĩnh viễn, bất biến và được số hóa dựa trên blockchain. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nuôi cá, nhà phân phối và nhà bán lẻ đều có quyền truy cập vào dữ liệu sản phẩm trong thời gian gần thực. Mỗi thành viên của chuỗi cũng có thể tải xuống và sử dụng một ứng dụng để quét từng lô cá tại mỗi điểm nhận hàng.

Nhà sản xuất cá hồi lớn nhất Bắc Na Uy, Nova Sea, gần đây cũng đã tham gia mạng lưới này. Bjørn Olvik, Giám đốc bán hàng tại Nova Sea, cho biết: "Bằng cách ghi lại và chia sẻ dữ liệu về cách các con cá được nuôi, chúng đã ăn gì, chất lượng nước mà chúng sống và cách cá được đưa vào bàn ăn, người tiêu dùng sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn và tin tưởng hơn vào chất lượng thực phẩm mà họ ăn"./.

Ngọc Diệp