CEO Chozoi: "Miếng bánh TMĐT phải được chia lại cho người Việt"
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:30, 17/06/2021
Nhiều trang TMĐT "chết yểu" vì chọn sai hướng đi
Mô hình TMĐT hiện đang có sức hấp dẫn hơn hẳn thị trường thương mại truyền thống, nhà đầu tư đang ra sức kêu gọi vốn để thu hút người dùng và chiếm lĩnh thị phần.
Hiện nay, những cái tên nổi bật của thị trường TMĐT ở Việt Nam phải kể đến như Shopee, Lazada, Tiki,... Trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt này, tham vọng gia nhập thị trường TMĐT là khao khát của nhiều startup trẻ, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã "chết yểu" vì chọn sai hướng đi.
CEO của sàn TMĐT Chozoi, anh Lưu Vĩnh Lộc phân tích: "Hướng tới cạnh tranh là cách làm không khôn ngoan vì các ông lớn trong lĩnh vực TMĐT đều như cá mập, sở hữu tiềm năng tài chính khủng".
Nỗi lo cạnh tranh khiến nhiều DN đang tự vạch ra giới hạn ngầm cho chính mình, không nhiều người dám nghĩ đến chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT. Nhìn nhận thực tế, anh Lưu Vĩnh Lộc cũng rút ra được bài học xương máu, đó là việc điên cuồng đốt tiền vào các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng không khác gì tự cắt da thịt mình, càng chạy đua thì các DN nhỏ sẽ càng khát vốn.
Dù có những quy tắc ngầm mà ai cũng hiểu, tuy nhiên, thị trường ngách còn đang bị bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng. Đối chiếu với nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu trao đổi giữa cá nhân với cá nhân là rất lớn. CEO Lưu Vĩnh Lộc cùng đội ngũ của mình liều lĩnh ra mắt sàn TMĐT Chozoi theo mô hình đấu giá. Sàn TMĐT được kỳ vọng mở ra một hướng đi riêng, phá vỡ như quy tắc ngầm bấy lâu trong lĩnh vực số hóa thương mại.
Thông qua Chozoi, CEO Lưu Vĩnh Lộc khởi xướng mô hình ba bên cùng có lợi, anh nói: "Dễ dàng nhận thấy lợi ích lớn nhất mà khách hàng có thể nhận được là sự hứng khởi khi chinh phục mức giá và sở hữu sản phẩm một cách hợp lý".
Ngay cả khi giá trị sản phẩm được bán thông qua đấu giá thấp hơn giá niêm yết, cá nhân bên phân phối cũng không bị thiệt thòi. Mỗi phiên đấu giá tại Chozoi có hàng trăm ngàn lượt đấu được thông qua, chênh lệch về giá được coi như chi phí quảng cáo sản phẩm.
Không phải đơn vị đầu tiên, nhưng sẽ là tốt nhất
Khác với số đông sàn TMĐT từng xuất hiện ở Việt Nam, Chozoi áp dụng hình thức mua bán thông qua đấu giá. Mô hình này đã xuất hiện phổ biến ở nước ngoài, tuy không mới nhưng vẫn còn lạ lẫm với đa số người Việt. Chozoi sử dụng hình thức trao đổi mua bán này, với quan điểm "thuận mua vừa bán" của người Việt.
Giấc mơ số hóa các gian hàng, số hóa chợ, đưa Việt Nam bắt kịp với xu hướng thế giới, đã giúp anh Lưu Vĩnh Lộc dám thử thách và tìm đến những điều khác biệt. Anh khẳng định Chozoi là một biến số khó đoán giống như các phiên đấu giá vì luôn mang yếu tố bất ngờ.
Bên cạnh đó CEO Lưu Vĩnh Lộc cũng khẳng định; "Dù không phải đơn vị đầu tiên nhưng chúng tôi sẽ là đơn vị làm tốt nhất, phát triển nhất, để mỗi khi nhắc đến đấu giá là nhớ ngay đến Chozoi và ngược lại".
Ở giai đoạn sơ khai này, Chozoi đang cố gắng hoàn thiện công nghệ, chuẩn bị cho mình nội tại thật tốt. Đầu vào sản phẩm được đảm bảo và cam kết rõ ràng về chất lượng. Chính sách đổi trả được công khai giúp khách hàng hoàn toàn tin tưởng và an tâm hơn.
Thay vì sớm gọi vốn như các sàn TMĐT khác, Chozoi cố gắng tự đứng trên đôi chân của chính mình để tạo ra sự tăng trưởng bền vững, đem đến niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, CEO Lưu Vĩnh Lộc mong muốn có một sàn TMĐT của Việt Nam, giữ vai trò là người trung gian, tạo sự uy tín hơn cho người mua hàng.
CEO Lưu Vĩnh Lộc tham vọng miếng bánh thị phần TMĐT phải được chia lại cho người Việt một cách xứng đáng. Do vậy, Chozoi sẽ không chỉ là sàn đấu giá đơn thuần, sàn TMĐT này sẽ xây dựng một hệ sinh thái phù hợp với mọi phân khúc khách hàng.
Theo báo cáo: "Ứng dụng di động 2021" do Appota phát hành, năm 2020, thị trường TMĐT tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua của ngành do tác động từ đại dịch COVID-19, khiến cho mức chi tiêu của người dùng cũng bị sụt giảm.
Tuy nhiên, TMĐT trên nền tảng di động đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ khi chiếm gần một nửa toàn bộ doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam. Xét theo tỉ lệ giao dịch, nền tảng di động cũng cho thấy sự vượt trội mạnh mẽ so với desktop khi chiếm đến 62% số lượng giao dịch, trong khi desktop chỉ chiếm 38%.
Dự kiến năm 2021 doanh thu TMĐT trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD.
Một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới là JP Morgan đã đưa ra số liệu về doanh thu TMĐT qua di động Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2020 với mức tăng trưởng bình quân 18,6% mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là thị trường TMĐT Việt lại đang rơi vào tay những "ông lớn' đến từ nước ngoài. Theo đó, Shopee tiếp tục dẫn đầu là nền tảng TMĐT có lượt truy cập cao nhất trên nền tảng website, là sàn TMĐT duy nhất giữ được sự tăng trưởng lượt truy cập xuyên suốt trong năm 2020. Ngoài Shopee, Lazada cũng có được sự tăng trưởng nhẹ so với đầu năm 2020 với khoảng 20,8 triệu lượt truy cập trong quý IV.
Hai sàn TMĐT nội địa là Tiki và Sendo đều chứng kiến sự suy giảm trong lượt truy cập./.