92% startup thất bại, có những founder phải cầm nhà cầm xe, nhưng sự kiên định giúp họ thành công
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:07, 14/06/2021
Năm 2017, trong buổi phỏng vấn bên lề một sự kiện về khởi nghiệp, tôi gặp Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành quỹ Do Ventures, khi đó đang làm Giám đốc quỹ ESP Capital. Vy say sưa kể về các startup trong danh mục đầu tư của mình, với kỳ vọng thị trường đủ lớn để có thể "nuôi mộng" trở thành unicorn (kỳ lân). Bốn năm sau gặp lại, Vy trở thành nhà đồng sáng lập quỹ Do Ventures và tiếp tục đầu tư vào các startup công nghệ. Nhưng lần này góc nhìn của "công chúa khởi nghiệp" đã khác.
Danh mục đầu tư của Do Ventures đa phần là các công ty mới, đầu tư từ vòng Seed, Pre A và Series A, vậy Vy còn kỳ vọng các công ty này sẽ có ngày trở thành unicorn không?
Tôi làm startup từ năm 2010, cùng thời với Tiki và Foody. Khi đó tôi quan sát thấy thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam có một khoảng cách rất lớn so với các nước trong khu vực. Đến năm 2017 VNG còn chưa được công nhận là unicorn, mặc dù với số liệu và và tiềm năng rất mạnh nhưng chưa chốt được vòng gọi vốn, trong khi đó Indonesia đã có khá nhiều unicorn. Rất nhiều công ty cùng thời điểm với Tiki và VNG bên Indonesia nhưng đã gọi được vốn tỷ USD, ví dụ như Tokopedia. Đến nay họ đã gọi được tổng số vốn gần 3 tỷ USD, sắp tới đây hợp nhất với Gojek trở thành công ty khổng lồ trong khi Tiki, cũng là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt nam, hiện nay gọi vốn chưa được 200 triệu USD.
Nếu làm một so sánh thế này, dân số của Việt Nam gần 100 triệu người, Indonesia khoảng 270 triệu, tức là gấp 2,7 lần; trong khi đó lượng người dùng Internet của Việt Nam là khoảng 70 triệu, thì Indonesia là khoảng 200 triệu, cao hơn gần 3 lần. Trong khi đó, một công ty e-commerce hàng đầu ở Việt Nam (như Tiki) so với công ty dẫn đầu ngành ở Indonesia (như Tokopedia) thì khoảng cách về số tiền gọi vốn thành công lại lên đến 15 lần.
Thời điểm 2017, mong muốn của tôi là phải lấp được khoảng cách về mặt gọi vốn. Việt Nam thị trường không nhỏ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm đó đầu tư vào thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam rất khiêm tốn. Dòng vốn vào các startup chỉ tăng mạnh kể từ năm 2018 (gần 450 triệu USD) và bùng nổ vào năm 2019 (gần 900 triệu USD). Trước đó dòng vốn vào Việt Nam rất ít nên các công ty không có sức bật nhanh. Rất nhiều quỹ vào Việt Nam lần đầu họ không dám đầu tư vì họ muốn tìm các công ty đủ lớn để giảm rủi ro. Đầu tư giá trị nhỏ mà không có người ở thị trường Việt Nam thì không quản lý được nên họ tìm kiếm các khoản đầu tư ít nhất là 2 triệu USD, hoặc từ vòng Series A là 3 – 5 triệu USD. Nhưng khoản đầu tư ở giai đoạn này rất ít vì các công ty không gọi được vốn từ các vòng đầu.
Việt Nam có nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investors), đầu tư rất nhiều, nhưng giá trị khoản đầu tư rất nhỏ, chỉ từ 50.000 – 100.000 USD/thương vụ. Chúng tôi nhận ra rằng, số tiền đó tiêu nhanh lắm, nhiều khi chưa đủ để cho một công ty đạt số liệu ấn tượng đủ để huy động vòng Series A. Vì vậy, thị trường Việt Nam có một khoảng trống rất lớn trong tầm 500.000 USD – 1 triệu USD, một số tiền đầu tư đủ lớn để công ty phát triển đủ cứng cáp.
Do Ventures có thể đầu tư cho các công ty lên tới 3 vòng. Sau khi đã đầu tư vào vòng Seed giá trị khoảng 500,000 USD – 1 triệu USD, với những công ty tốt muốn gọi tiếp 3 – 5 triệu USD cho Series A , chúng tôi có thể đầu tư thêm 1 – 2 triệu USD để giúp công ty đạt được mục tiêu nhanh hơn. Tới Series B khi công ty muốn gọi khoảng 15 – 30 triệu USD, Do Ventures có thể tiếp tục tham gia 10% của vòng gọi vốn với khoản đầu tư lên đến 3 triệu USD. Chúng tôi đầu tư vào các công ty từ sớm, tháo gỡ khó khăn về gọi vốn, và đồng hành xuyên suốt để giúp công ty có đủ nguồn lực.
Ở Việt Nam có nhiều startup chưa cần đến vòng Series B đã có lãi rồi. Khi huy động vòng Series B đủ lớn, startup có nguồn lực đầu tư vào nhân sự và nền tảng mà không phải tốn nhiều chi phí vào marketing, thì vai trò của nhà đầu tư giai đoạn đầu không nhiều nữa. Tuy nhiên, số tiền đầu tư thêm dù không đáng bao nhiêu nhưng là nền tảng tốt để các nhà đầu tư khác tự tin giải ngân, và đó mới thực sự là vai trò của Do Ventures.
Quay lại với câu chuyện của 2017, nhìn lại thì kỳ vọng về unicorn có thể là ảo vọng, nhưng khi đó tôi làm với mục tiêu là phải có một đích để hướng tới, như một động lực tích cực để đầu tư tốt hơn. Việt Nam mình giờ đã có 2 kỳ lân là VNG và VNLife, đã có một chút dấu ấn trên bản đồ khởi nghiệp của khu vực. Số lượng unicorn của Indonesia là nhiều nhất, sau đó đến Singapore, còn Việt Nam gần như mới ở vạch xuất phát. Trở thành unicorn giống như một sự công nhận, bởi những câu chuyện thành công sẽ khuyến khích các startup khác kiên định với mục tiêu của mình hơn. Tôi biết rằng ngoài kia có nhiều nhiều nhà sáng lập đã có lúc gần như phá sản, phải cầm nhà cầm xe nhưng họ kiên trì làm tới cùng. Con đường thành công của họ phải trải qua nhiều biến cố nhưng mang lại rất nhiều bài học quý giá.
Tỷ lệ thành công của các startup được rót vốn trong năm vừa rồi ra sao? Tôi biết rằng có khá nhiều startup nhận vốn triệu USD nhưng chỉ chưa đầy 1 năm đã thất bại?
Trên thế giới, có đến 92% startup thất bại, trong đó 75% từng nhận vốn đầu tư. Ở Việt Nam chưa có thống kê nhưng với các startup từng nhận vốn Pre A, xác suất thất bại rất cao, tuy nhiên vẫn ít hơn startup không nhận vốn bao giờ. Trung Quốc năm vừa qua có công ty gọi vốn hơn 1 tỷ USD nhưng vẫn thất bại. Công ty Kodak tồn tại hơn 100 năm nhưng vẫn phá sản. Vì thế, unicorn không phải đích đến, nó chỉ là sự công nhận trong hành trình. Hành trình đó được công nhận khi công ty tạo ra giá trị cho khách hàng và đạt các chỉ số kinh doanh tốt thì mới bền vững được.
Các quỹ như Do Ventures làm gì để giảm thiểu tối đa khả năng mất tiền khi đầu tư sớm vào các startup?
Đầu tư không phải là canh bạc nên nhà đầu tư phải làm sao để giảm thiểu rủi ro. Nếu thành hay bại phụ thuộc may mắn và mình đứng ngoài cuộc chơi thì đó là canh bạc rồi. Chúng tôi biết mình có thể mang lại giá trị gì cho các công ty được đầu tư.
Trước hết, Do Ventures có một mạng lưới rất rộng, nhờ đó chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều mô hình kinh doanh trên thế giới. Nghe được các câu chuyện của người trong cuộc, hiểu được định hướng của các công ty đi trước, chúng tôi có thể chia sẻ câu chuyện đó cho các startup ở Việt Nam để họ đi đúng đường.
Thứ hai là chúng tôi giúp các startup làm sản phẩm. Nhiều công ty nói họ có áp dụng AI hay machine learning, nhưng thực tế họ chỉ làm ra sản phẩm hết sức căn bản do chưa phát huy được hết năng lực công nghệ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, startup nguồn lực rất hạn chế nên không thể tuyển các kỹ sư giỏi chuyên về deep tech với mức lương rất cao. Do Ventures có chuyên gia công nghệ ngay bên trong hội đồng đầu tư, nhờ đó giúp mở rộng mạng lưới kỹ sư công nghệ toàn cầu cùng tham gia vào các startup, cung cấp các giải pháp công nghệ đủ sâu và giúp họ tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba, đội ngũ sáng lập của Do Ventures có kinh nghiệm dàn dặn về vận hành. Tôi tin rằng ý tưởng cùng lắm cho bạn 10% lợi thế nhưng để thành công thì 90% phụ thuộc vào cách vận hành. Công ty nào nghĩ ra giải pháp để giải quyết những nỗi đau của thị trường Việt Nam mới có lợi thế thành công. Chữ "Do" trong Do Ventures nghĩa là "làm đi", phải chịu khó làm thật nhiều thì mới sớm tìm ra công thức thành công. Từ mạng lưới những thành viên có kinh nghiệm vận hành tại các công ty lớn, chúng tôi từng giúp F99 xây kho hàng nhờ những kinh nghiệm quý báu mà chỉ có những người từng thực làm mới nắm giữ được.
Thứ 4, như đã trình bày ở trên,Do Ventures có thể đầu tư xuyên suốt từ vòng Seed đến Series B để đồng hành lâu dài cùng startup. Mục tiêu của chúng tôi là chứng minh được năng lực của các startup với các nhà đầu tư khác, để họ nhìn thấy công ty này thực sự tiềm năng và vào cùng đầu tư với mình.
Bốn bước đó, tùy thời điểm và tùy năng lực của từng startup, chúng tôi sẽ có những hỗ trợ tương ứng. Nhưng người ra quyết định cuối cùng vẫn là nhà sáng lập, nhà đầu tư chỉ là người hỗ trợ và luôn tôn trọng ý kiến của họ. 10 năm đầu tư tôi đã học được rằng, không ai đúng hoàn toàn, nhiều nhà sáng lập bướng bỉnh nhưng họ là người thành công nhất, họ là người đi đánh trận hằng ngày, có thể phải cầm nhà cầm xe vì công ty nên họ phải là người ra quyết định và chọn hướng đi đó. Chúng tôi chỉ cố gắng ủng hộ và giúp họ thực hiện được tốt nhất bằng các nguồn lực của mình.
Xin cảm ơn Uyên Vy.