5 lý do công nghệ số giúp thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật
Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 07:47, 14/06/2021
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới có khoảng từ 180 - 220 triệu thanh thiếu niên khuyết tật. Đây là đối tượng phải đối mặt với nhiều thiệt thòi vì họ có nhiều khả năng phải sống trong cảnh nghèo đói, kể cả ở những nước phát triển. Gần 80% trong số này là sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
NKT phải chịu nhiều kết quả kinh tế - xã hội bất lợi hơn người bình thường như trình độ học vấn, cơ hội việc làm thấp hơn, tỷ lệ nghèo đói cao hơn, thiếu việc làm hoặc không có khả năng hoạt động kinh tế.
Nhìn chung, NKT phải trải qua một gánh nặng kép khi tham gia vào lực lượng lao động. Họ phải đối mặt với những trở ngại nhất định của chính khiếm khuyết của bản thân cũng như phải đối mặt với các rào cản bổ sung về cơ sở hạ tầng, thể chế và trình độ liên quan đến tình trạng khuyết tật của họ. Trong những trường hợp được tuyển dụng, họ cũng nhiều khả năng phải làm những công việc được trả lương thấp với triển vọng nghề nghiệp và điều kiện làm việc hạn chế.
Sự phát triển gần đây về các cơ hội làm việc trong nền kinh tế số đã tạo ra những cơ hội mới cho thanh niên khuyết tật. Mới đây, báo cáo về Việc làm trong môi trường kỹ thuật số cho thanh niên khuyết tật của WB đã nêu bật các chiến lược mà các chương trình đã sử dụng để tăng cường sự hòa nhập của thanh niên khuyết tật vào các công việc trong môi trường số.
Dưới đây là năm lý do tại sao những phát triển gần đây về cơ hội làm việc trong môi trường kỹ thuật số có thể tăng cường và tạo cơ hội cho những thanh niên khuyết tật.
Các hình thức làm việc mới linh hoạt, từ xa, có thể tạo cơ hội cho NKT
Những tiến bộ công nghệ đã thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, tạo ra các hình thức làm việc mới như quy trình kinh doanh thuê ngoài và các công việc tự do trong nền kinh tế số. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mô hình làm việc trực tuyến đã được các doanh nghiệp (DN) ưu tiên triển khai và có xu hướng duy trì hình thức làm việc này trong tương lai. Đây có thể được coi là cơ hội lớn để những NKT tiếp cận được với các công việc không đòi hỏi phải di chuyển đến văn phòng làm việc và không đòi hỏi nhiều về những kỹ năng làm việc tại môi trường công sở.
Không giống như công việc trong những tổ chức truyền thống đặc trưng bởi cấu trúc phân cấp rõ ràng và các thiết chế xã hội, làm việc trực tuyến là môi trường làm việc qua mạng Internet. Với hình thức linh hoạt này, ở cứ đâu, NKT cũng đều có thể tham gia và hòa nhập vào môi trường làm việc.
Kinh nghiệm làm việc trực tuyến có thể giúp NKT thiết lập quá trình làm việc và phát triển mạng lưới chuyên nghiệp, mở rộng nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, công việc trực tuyến cũng có thể giúp thanh niên khuyết tật xây dựng ý thức về giá trị bản thân với sự trao quyền kết hợp với cảm giác sáng tạo và đóng góp cho xã hội.
Ví dụ: Digital Divide Data (DDD) ở Campuchia và Enablecode ở Việt Nam đều là các DN xã hội nhắm mục tiêu cụ thể đến đối tượng thanh niên khuyết tật để tăng khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm của họ trong môi trường số.
Những phát triển trong các giải pháp công nghệ hỗ trợ có thể giúp sân chơi bình đẳng hơn
Các công cụ công nghệ số có thể giúp NKT thực hiện các nhiệm vụ mà bình thường họ khó có thể làm được hiệu quả. Do đó, các công cụ này có thể hỗ trợ thanh niên khuyết tật trở thành những ứng cử viên thích hợp cho công việc, bất kể những khiếm khuyết của họ, và tạo ra nhiều môi trường làm việc hòa nhập hơn.
Đặc biệt, việc gia tăng các nền tảng tuyển dụng trực tuyến (ví dụ: JobAbility) có thể giúp thanh niên khuyết tật dễ dàng tiếp cận trực tiếp với việc làm và người sử dụng lao động, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận của họ với thị trường lao động truyền thống.
Sử dụng các giải pháp công nghệ để cung cấp trải nghiệm với các tình huống thực tế - điều cần thiết để phát triển các kỹ năng công việc
Các giải pháp dựa trên công nghệ như trò chơi hóa có thể hỗ trợ việc xây dựng các kỹ năng xã hội - cảm xúc. Mô phỏng sáng tạo cung cấp một môi trường an toàn, trong đó người học có thể được thực hành các tình huống thực tế, chẳng hạn như phỏng vấn việc làm và ngay lập tức thấy được tác động của quyết định của họ.
Theo chương trình Tiếp cận Sinh kế, Leonard Cheshire hợp tác với Học viện Kỹ năng thành công của Accenture đã cung cấp khóa đào tạo kỹ năng cho 13.000 thanh niên khuyết tật ở Nam Á và Nam Phi. Chương trình cung cấp 36 mô-đun tương tác, có kích thước nhỏ với các ký tự hấp dẫn và dễ liên tưởng. Nó tập trung vào việc xây dựng sự tự tin giúp người tìm việc chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm của họ. Chương trình học cũng được biến đổi giúp phát triển khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, hợp tác và lãnh đạo thông qua phương pháp mô-đun.
Hay như, mô phỏng kinh doanh có tiềm năng đào tạo thanh niên khuyết tật về kỹ năng khởi nghiệp. Chúng đã được sử dụng rộng rãi để đào tạo nhân viên trong các ngành tài chính, khách sạn và quản lý, cung cấp cho NKT cơ hội trải nghiệm học tập cá nhân hóa gần với quá trình phát triển kinh doanh trong đời thực.
Youth Business International và IDB Lab đã ra mắt Digital Accelerator vào năm 2018 tại Mỹ Latinh và Caribe để hỗ trợ các thành viên cải thiện dịch vụ của họ cho các doanh nhân sử dụng công nghệ số. Chương trình đã ra mắt "Trình mô phỏng trải nghiệm doanh nhân kỹ thuật số" (DEES), một công cụ kỹ thuật số, trong đó doanh nhân có thể trải nghiệm một hành trình ảo được cá nhân hóa liên quan chặt chẽ đến quá trình khởi nghiệp trong đời thực của họ. Họ có thể phát triển các kỹ năng, truy cập thông tin để xác định ý tưởng kinh doanh và thử nghiệm tương tác ý tưởng thông qua một loạt các trò chơi và thử thách. DEES có tiềm năng cho thanh niên khuyết tật và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác, những người không thể tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đào tạo trực tiếp.
Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số
Với sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến, các khả năng mới của tinh thần kinh doanh khởi nghiệp trong môi trường số đã xuất hiện. Với hệ sinh thái phù hợp có thể giúp thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển DN của họ, tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng trong nền kinh tế.
Ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, một hệ sinh thái CNTT-TT phát triển tốt đã giúp các công ty khởi nghiệp nhỏ hưởng lợi từ việc thuê ngoài của các công ty CNTT-TT lớn và khu vực công để cung cấp dịch vụ, ứng dụng và các sản phẩm khác.
Ví dụ, Alibaba đã thực hiện các biện pháp chủ động để Taobao - nền tảng thương mại điện tử của họ, trở nên toàn diện hơn cho NKT. Thống kê cho thấy trên Taobao, trang web mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, có 174.100 cửa hàng trực tuyến, bán khoảng 11,66 tỷ nhân dân tệ hàng hóa từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2019, do NKT điều hành.
NKT giờ đây có thể có nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm và tương tác với khách hàng cũng như bán hàng hóa và dịch vụ của họ mà không cần lo ngại về những rào cản về vật lý và cơ sở hạ tầng thông qua các nền tảng số đa dạng.
Các ứng dụng di động có thể truy cập cho các giao dịch tài chính giúp các doanh nhân khuyết tật lồng ghép hoạt động của họ và nâng cao hiệu quả. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào các chương trình đa dạng nhà cung cấp cũng có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho thanh niên khuyết tật. Ví dụ, Google điều hành một chương trình đa dạng nhà cung cấp cho các DN nhỏ bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ do NKT làm chủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì rào cản đối với tinh thần kinh doanh khởi nghiệp trong nền kinh tế số có xu hướng cao hơn đối với thanh niên khuyết tật. Họ phải đối mặt với những thách thức trong việc xác định các cơ hội tài trợ và thuyết phục các nhà đầu tư và người cho vay rằng kế hoạch và dự án của họ sẽ thành công. Do đó, các chương trình và chính sách hỗ trợ cần sử dụng cách tiếp cận tích hợp đối với việc làm trong môi trường kỹ thuật số để giúp người trẻ có thể tận dụng đầy đủ các lợi ích tiềm năng của thương mại điện tử.
Các công việc trong môi trường số hỗ trợ phụ nữ khuyết tật cơ hội kiếm thu nhập
Công việc trong môi trường công nghệ số hoặc những việc làm trực tuyến có thể có lợi cho phụ nữ trẻ khuyết tật, những người thường bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, hạn chế cơ hội thăng tiến và đối mặt với áp lực xã hội hoặc gia đình khi không được khuyến khích làm việc.
Các kỹ năng số có thể giúp những phụ nữ trẻ khuyết tật thường phải ở nhà tiếp cận dễ dàng hơn với các cơ hội kiếm thu nhập thông qua các công việc thuê ngoài trực tuyến và giao dịch qua mạng điện tử.
Rõ ràng, môi trường số đang mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho NKT nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn và rào cản mà bản thân NKT cũng như những nhà hoạch định chính sách cần phải vượt qua như thiếu khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cho các công cụ kỹ thuật số, thành kiến cố hữu nhưng không thành lời của các nền tảng trực tuyến, thiếu các biện pháp bảo vệ xã hội đầy đủ và nguy cơ bị cô lập.
Do đó, để thu hẹp khoảng cách và tạo cơ hội việc làm trong nền kinh tế số cho NKT, các nhà hoạch định chính sách cần cam kết mở rộng các chương trình hỗ trợ, đồng thời cũng cần làm việc cùng với NKT trong việc phát triển các giải pháp hỗ trợ mở rộng./.