Các start-up vượt bão Covid để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:15, 13/06/2021
Với những thế mạnh, tiềm lực công nghệ của mình, bài toán này đã được các nhà sáng lập, CEO, CTO của các start-up, doanh nghiệp công nghệ Việt đã giải đáp đưa ra lời giải. Bởi thực tế, dù gặp nhiều rào cản và hạn chế do Covid-19, không ít doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn duy trì hợp tác và cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nhiều nước và tăng trưởng mạnh qua môi trường online.
Khi giao thương trong thế giới thực bị hạn chế phần nào thì cơ hội lại mở ra với nhiều, start-up công nghệ hoạt động trên môi trường online trong đó có JobHopin, Abivin hay Eureka Robotics…
XÓA RÀO CẢN COVID
Từng nhận vốn 2,45 triệu USD trong năm 2020, CEO kiêm nhà sáng lập JobHopin Kevin Tùng Nguyễn (start-up tuyển dụng bằng AI) chia sẻ khi dịch bùng phát, đã tác động mạnh mẽ đến khách hàng ở nhiều ngành nghề lĩnh vực. Nhưng cũng có những lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ… lại ít bị ảnh hưởng. JobHopin đã tập trung vào những khách hàng của nhóm và đẩy mạnh phát triển trên môi trường online. Do đó, start-up này vẫn phát triển vượt trội trong năm Covid vừa qua.
Một start-up khác cũng đạt được kết quả tăng trưởng tốt trong năm qua là Abivin, chuyên cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. CEO kiêm nhà sáng lập Abivin Phạm Nam Long cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của Covid- 19 nhưng Abivin vẫn đạt tăng trưởng dương. Trong 5 tháng đầu năm đã tăng trưởng gấp đôi và mục tiêu trong năm 2021 sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với năm trước.
Nếu các start-up biết nắm bắt thì cơ hội, tiềm năng mở rộng phát triển ở những thị trường mới thông qua các kênh online là rất lớn. Các doanh nghiệp nên tính toán cân nhắc lựa chọn các thị trường để vươn ra phát triển, phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.
Mặc dù Covid-19 đã gây khó khăn rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp cung cấp giải pháp như Eureka Robotics bởi làm về robot cần phải hỗ trợ, lắp đặt hệ thống, giải quyết các sự cố trong vận hành… Nhưng “trong nguy có cơ”, để giải quyết thách thức này, đồng sáng lập kiêm CTO của Eureka Robotics Phạm Tiến Hùng cho biết đã phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ lắp đặt robot từ xa, tận dụng nguồn nhân công bản địa. Chính điều này đã giúp cho Eureka Robotics có cơ hội tiếp cận, phát triển rộng hơn nữa ra nước ngoài, ở cả những thị trường khó hơn như Trung Quốc, Nhật Bản…
Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn tác động bởi Covid-19, hiện nay đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ giảm giá các giải pháp công nghệ cũng như marketing bán hàng… Do đó, nếu các start-up biết nắm bắt thì cơ hội, tiềm năng mở rộng phát triển ở những thị trường mới thông qua các kênh online là rất lớn. Các doanh nghiệp nên tính toán cân nhắc lựa chọn các thị trường để vươn ra phát triển, phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.
CEO Kevin Tùng Nguyễn cho rằng, khi mọi thứ đã được đẩy lên online, làm việc từ xa nên đã tối ưu hóa hiệu quả mọi hoạt động. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đã và đang phát triển tốt thì vẫn có thể đẩy mạnh phát triển ở các thị trường khác. Thông qua nền tảng làm việc từ xa, các nhân sự Việt Nam vẫn có thể làm việc và có cơ hội tiếp cận với các công việc ở những công ty ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…
Cũng vì thế mà trong quá trình gọi vốn, JobHopin không chỉ gọi các quỹ tài chính mà cả các tập đoàn lớn về tuyển dụng nhân sự, giáo dục trực tuyến…Khi đó, start-up không chỉ có vốn mà còn có cả những khách hàng ở thị trường mới…
"BẢO BỐI" GÌ ĐỂ CẠNH TRANH?
Có thể thấy, những rào cản do Covid đã được xóa tan bằng các giải pháp công nghệ kết nối online. Các start-up có thể rộng đường vươn ra cung cấp giải pháp ở các thị trường. Vấn đề còn lại là tiềm lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp với các đối thủ mạnh ở thị trường.
Trong quá trình cung cấp các giải pháp công nghệ logistics ở thị trường toàn cầu, CEO Abivin Phạm Nam Long thừa nhận gặp phải những áp lực, sức ép cạnh tranh từ các ông lớn với xuất phát điểm và tiềm lực tài chính lớn hơn Việt Nam rất nhiều, đơn cử như tại Ấn Độ, nơi có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào và khả năng nói tiếng Anh tốt với chi phí nhân công cạnh tranh. Do đó, với thị trường Global, các start-up phải có tư duy đưa ra các giải pháp Global, chứ không thể dựa vào lợi thế cạnh tranh từ thị trường trong nước. Các sản phẩm, dịch vụ khi đi ra thị trường nước ngoài phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng Global, giải pháp mới phải tốt hơn giải pháp cũ nhiều lần.
Các giải pháp chuyển đổi số cho logistics của Abivin ở thị trường Việt Nam khi mang sang các thị trường khu vực không phải thay đổi nhiều. Với các công ty đa quốc gia, mặc dù đã chuyển đổi số từ lâu và cung cấp giải pháp toàn cầu nhưng vẫn có nhu cầu tìm kiếm các thuật toán thông minh, tối ưu và tự học, giúp duy trì vị trí dẫn đầu về hiệu suất lao động.
"Cách đây 6 năm, tôi đã suy nghĩ “chúng ta đang ở Việt Nam nhưng tầm nhìn phải giải quyết bài toán của thế giới”. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có khả năng, mơ ước và có điều kiện tốt hơn xưa. Mong muốn, sứ mệnh của chúng tôi và những người làm công nghệ là đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới dựa vào trí tuệ, nhân sự người Việt".
CEO Abivin Phạm Nam Long
CEO Abivin cho biết, ngoài việc đánh giá nhu cầu số hóa, tối ưu giá trị mang lại cho khách hàng khi tiếp cận công nghệ, một trong những giải pháp để cạnh tranh Global chính là tạo sự khác biệt trong dịch vụ chăm sóc khách hàng. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phải rất kịp thời để giải quyết các vấn đề nhạy cảm về thời gian. Bởi theo Abivin, hệ thống quản lý logistics rất giống hệ thống quản lý dòng tiền, nếu không sử dụng được trong vài phút thì hàng hóa không thể lưu thông và thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.
Cùng quan điểm, CEO Kevin Tùng Nguyễn cho rằng, khi cung cấp giải pháp, các doanh nghiệp phải tư vấn, chỉ rõ được “nỗi đau” cho khách hàng và đưa ra “thuốc” để điều trị, cung cấp các giải pháp đơn giản, mang lại giá trị khác biệt. Đó là cách để các start-up cạnh tranh với các “ông lớn” nhiều tiềm lực trên thị trường quốc tế.
Là start-up thành lập ở Singapore, ngay từ ngày đầu đã hoạt động ở thị trường nước ngoài, CEO Eureka Robotics Phạm Tiến Hùng chia sẻ, trong lĩnh vực robot hiện có rất nhiều nhà cung cấp lớn, tồn tại 20-30 năm, có hàng trăm robot với hệ thống hỗ trợ rất tốt… Do đó, “cách để cạnh tranh với các doanh nghiệp này đó là không cạnh tranh”.
CEO Eureka Robotics lý giải, các start-up phải tận dụng điểm mạnh công nghệ AI để tiếp cận với các doanh nghiệp này, “giúp họ làm các giải pháp mạnh hơn, những điều mà trước đó họ không làm được”. Ở Eureka có hợp tác đối tác lớn, hỗ trợ để robot hoạt động linh hoạt hơn mà các doanh nghiệp này đang không có.
Ngoài các “ông lớn”, start-up này cũng phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nhỏ hơn đang sử dụng công nghệ AI, robotics và xây dựng hệ thống thông minh. Để cạnh tranh, Eureka đã tập trung vào điểm mạnh về công nghệ. Đó là cách khôn ngoan duy nhất để cạnh tranh trong điều kiện nguồn lực nhỏ hơn, để làm các dự án mà đối thủ không làm được như sản xuất thấu kính cho robot...
Tận dụng thế mạnh công nghệ đã giúp start-up thắng ở các thị trường lớn và khó. Điều này sẽ tạo bàn đạp để doanh nghiệp triển khai những giải pháp dễ hơn với chất lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn.