Quảng cáo trực tuyến “kiếm bẫm” trong mùa dịch
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:57, 12/06/2021
Doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến vào “mùa gặt”
Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, làm việc online và giải trí ở nhà nhiều hơn. Các nhãn hàng, doanh nghiệp cũng nhanh chóng chuyển từ quảng cáo truyền thống sang các kênh quảng cáo trực tuyến, tạo cơ hội cho cho các doanh nghiệp trong ngành này ăn nên làm ra.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 cho biết, Công ty vừa ký 5 hợp đồng quảng cáo lớn với các doanh nghiệp trong mảng nước giải khát, sữa, gia vị, chăm sóc sức khỏe, hàng gia dụng. Mỗi hợp đồng có giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Tiếp đà này, Yeah1 đang có kế hoạch IPO mảng media digital vào quý IV/2021.
Không riêng Yeah1, một loạt doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến cũng bước vào “mùa gặt”. Báo cáo tài chính mới nhất của VNG thể hiện, mảng quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp tăng trưởng hơn 26%, đạt 983 tỷ đồng trong năm 2020. Trong khi đó, FPT Online - đơn vị có nguồn thu chính từ khai thác quảng cáo trên Báo điện tử VnExpress - đạt doanh thu 599 tỷ đồng. Đặc biệt, FPT Online lần đầu ghi nhận hợp đồng giá trị hơn 1 triệu USD từ khách hàng Thái Lan.
Với Clever Group, doanh thu thuần năm 2020 đạt gần 452 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm 2019. Hiện tại, mảng doanh thu lớn nhất của Clever Group đến từ hoạt động cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến thông qua mạng xã hội (Facebook, Google…); dịch vụ quảng cáo qua các kênh tìm kiếm (Google, Cốc Cốc); quảng cáo qua kênh hiển thị và các dịch vụ quảng cáo số khác. Clever Group đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất vào năm 2023 (chiếm khoảng 10% tổng thị phần ngành quảng cáo digital); tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2021 - 2023 đạt 43%...
Theo Báo cáo VietNam Digital Marketing Trends 2021 được thực hiện bởi Novaon và các chuyên gia ngành marketing dựa trên kết quả khảo sát 167 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu lên tới 500 tỷ đồng/năm, ước tính, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng kép hằng năm (CARG) là 21,5%. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, tốc độ tăng trưởng có chững lại, nhưng tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến vẫn đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 đạt 955,7 triệu USD.
Ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Clever Group đánh giá, tốc độ tăng trưởng ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang ở mức 10 - 20%/năm là rất khả quan, dù không thể so được với giai đoạn 2008 - 2015 (tăng trưởng lên đến trên 100%/năm), bởi từ năm 2018 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn nhất ngành quảng cáo trực tuyến như Google, Facebook cũng chỉ còn hai chữ số.
Áp lực cạnh tranh và giành lại thị phần
Năm 2020, kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% và dự báo đạt tới 52 tỷ USD vào năm 2025. Ngành thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ với mức tăng trưởng lên đến 46%. Mức đầu tư trung bình của các doanh nghiệp cho các kênh digital marketing trong năm 2020 khoảng 17% tổng doanh thu. Người dân đã coi công nghệ, Internet là công cụ rất hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Thời gian online bình quân của người Việt trong đại dịch đỉnh điểm lên tới 4,2 giờ/ngày và hiện vẫn ở mức 3,5 giờ/ngày… Đó là những chỉ số, là môi trường vô cùng thuận lợi để quảng cáo trực tuyến vượt ngưỡng 1 tỷ USD ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, ngành hái ra tiền này cũng phải đối mặt với không ít vấn đề, đặc biệt là cạnh tranh bất bình đẳng với các nền tảng xuyên biên giới. Hai “ông lớn” Facebook và Google đang chiếm hơn 80% tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Facebook, Google Ads, YouTube và kênh của những người có ảnh hưởng (KOLs) đang là những lựa chọn quảng cáo trực tuyến hàng đầu của các doanh nghiệp. Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp không dùng, hoặc chưa dùng Facebook làm kênh truyền thông số. Rất nhiều doanh nghiệp chi tới hơn 50% ngân sách quảng cáo trực tuyến vào Facebook, mà chưa tận dụng những kênh khác có thể đem lại hiệu quả cao hơn.
Ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Jander Creative cho biết, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ nhiều yêu cầu, quy định của luật pháp Việt Nam và không thể cạnh tranh nổi với các “ông lớn” quảng cáo xuyên biên giới với nền tảng công nghệ mạnh, tài chính hùng hậu. Về lâu dài, doanh nghiệp trong nước khó trụ được trên thị trường và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dần chiếm trọn “miếng bánh” hấp dẫn này.
Nhìn từ góc độ cạnh tranh dịch vụ, ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó tổng giám đốc VCCorp phân tích, các doanh nghiệp xuyên biên giới không phải thực hiện nghĩa vụ về thuế/phí, nên có thể đưa ra mức giá dịch vụ rẻ, khiến khách hàng có xu hướng lựa chọn kênh quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp ngoại.
Từ ngày 1/6/2021, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo chính thức có hiệu lực với những quy định cụ thể, chi tiết hơn, hy vọng sẽ giúp thị trường quảng cáo trực tuyến bịt được các lỗ hổng để vận hành lành mạnh, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến phát huy nội lực, sở trường và ưu thế “sân nhà” để giành lại thị phần từ tay các “ông lớn” nước ngoài.