Ấn Độ thúc đẩy các sản phẩm “Make in India” trong cung cấp các tiện ích công cộng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:32, 09/06/2021
Xây dựng cơ sở hạ tầng đo lường thông minh
Ấn Độ đang phát triển hơn 100 thành phố lớn thành TPTM trong tương lai. Một trong những vấn đề quan trọng đối với TPTM là triển khai các công nghệ và các hệ thống hỗ trợ quản lý những tiện ích công cộng như điện, nước, khí đốt, chiếu sáng đường phố, quản lý rác thải và bãi đậu xe. Ngày nay, dựa trên công nghệ IoT, các TPTM có thể tích hợp liền mạch các tiện ích công cộng với cơ sở hạ tầng truyền thông để quản lý các nguồn tài nguyên của thành phố tốt hơn, cắt giảm chi phí, giảm thiểu gián đoạn và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.
Cơ sở hạ tầng đo lường thông minh (AMI - Advance Metering Infrastructure) không chỉ giảm gánh nặng kiểm tra và đọc đồng hồ thủ công mà còn cung cấp nhiều dữ liệu khác. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng có thể quản lý và dự đoán cung và cầu chính xác hơn, đưa ra những chiến lược can thiệp kịp thời trong trường hợp hệ thống bị lỗi, nhờ vậy có thể quản lý thị trường tốt hơn. Điều này sẽ giúp chính quyền thành phố hoạch định các chiến lược tăng trưởng, đồng thời phát triển bền vững và quản lý các nguồn lực của thành phố hiệu quả hơn.
Chương trình quốc gia về đồng hồ thông minh của Ấn Độ đặt mục tiêu thay thế 250 triệu đồng hồ thông thường bằng đồng hồ thông minh trả trước. Cùng với đó, động lực về việc phát triển các thành phố thông minh, lưới điện thông minh và cơ sở hạ tầng thông minh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường này trong tương lai.
Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ, hơn 2,4 triệu đồng hồ thông minh đã được lắp đặt trên cả nước, gần 7,5 triệu đang trong quá trình triển khai và hơn 766 triệu đồng hồ khác đang được lên kế hoạch triển khai. Các bang Uttar Pradesh, Haryana, Bihar Delhi hiện đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi này. Các lợi ích chính mà đồng hồ thông minh trả trước mang lại bao gồm giảm đáng kể chi phí mua điện năng tối đa, khả năng tiến hành phân tích chất lượng điện năng theo thời gian thực, giảm lượng khí thải carbon do giảm số lần đọc đồng hồ, ngắt kết nối/kết nối lại và phát hiện mất điện.
Đại dịch Covid-19 phần nào là một rào cản trong việc triển khai các đồng hồ thông minh tại Ấn Độ, nhưng các chuyên gia tin rằng tất cả các bang và vùng lãnh thổ liên bang đều mong muốn chuyển đổi sang đồng hồ thông minh càng sớm càng tốt.
Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất trong nước các thiết bị phần cứng quan trọng của TPTM
Trong những năm tới, ngành công nghiệp thiết bị điện của Ấn Độ sẽ có những bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu trong nước đang tăng nhanh và thiết lập sự hiện diện trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích, thúc đẩy sản xuất trong nước. Tầm nhìn đúng đắn và tập trung vào sản xuất trong nước, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển hậu cần và cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng trong việc phát triển về các sản phẩm do Ấn Độ sản xuất trong nước và quốc tế.
Các sáng kiến như "Make in India" và "Ấn Độ tự lực" (Atmanirbhar Bharat) đã thúc đẩy sản xuất trong nước, chắp cánh cho hoạt động xuất khẩu của nước này, đồng thời làm giảm hàng hóa nhập khẩu. Ấn Độ cũng ban hành Chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI). Chương trình này được Chính phủ Ấn Độ công bố đầu tháng 4/2020 nhằm khuyến khích thu hút đầu tư và sản xuất trong nước mặt hàng điện thoại di động và điện tử khác.
PLI sẽ khuyến khích các công ty tăng doanh số bán hàng từ các sản phẩm được sản xuất tại các đơn vị trong nước. Chương trình cũng điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư sản xuất tại Ấn Độ.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đồng hồ thông minh trong nước
Thách thức lớn nhất đối với các đồng hồ thông minh nhập khẩu là chúng có thể có cửa hậu để thực hiện các cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào hệ thống lưới điện trong nước. Khi Ấn Độ chuyển đổi sang lưới điện thông minh, sử dụng các sản phẩm nhập khẩu sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Một loạt sự cố mất điện trên diện rộng trong thời gian gần đây được cho là do các cuộc tấn công mạng.
Một thách thức khác là mối quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu của người tiêu dùng và các công ty phân phối điện (discoms). Vì vậy, việc ưu tiên công nghệ và sản phẩm đồng hồ thông minh trong nước sẽ giúp ngành điện bảo vệ an toàn hạ tầng lưới điện và dữ liệu của người tiêu dùng.
Chính phủ Ấn Độ đã thiết lập Ban công tác lưới điện thông minh quốc gia (National Smart Grid Mission), nhằm nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện trong nước với sự hỗ trợ của các công nghệ thông minh. Trọng tâm đó là đồng hồ thông minh.
Lưới điện thông minh sẽ giúp tự động hóa và quản lý sự phức tạp ngày càng tăng về phía cung cũng như phía cầu. Lưới điện thông minh không chỉ giúp tích hợp năng lượng tái tạo một cách thông minh mà còn cực kỳ hữu ích trong việc giảm tổn thất do truyền tải và phân phối. Nhờ đó, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực phân phối điện có thể được giảm bớt và discoms có thể hoạt động hiệu quả.
AMI còn cho phép giao tiếp hai chiều với khách hàng, đọc đồng hồ từ xa, xác định các sự cố mạng, lập hồ sơ tải, kiểm tra năng lượng và cắt giảm một phần phụ tải tại những nơi cần giảm tải.
Đồng hồ thông minh là một phần hạ tầng AMI, chúng sẽ được tích hợp với hệ thống thanh toán hiện có của các công ty phân phối điện. Nhờ đó, người tiêu dùng sẽ có thể kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng của mình trên các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, v.v.). Việc thanh toán có thể được thực hiện dễ dàng thông qua các phương thức trực tuyến như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng ngân hàng trực tuyến, ứng dụng UPI hay ứng dụng di động. Hệ thống AMI cũng giảm bớt sự can thiệp của con người, giúp việc lập hóa đơn chính xác và hiệu quả cùng với việc thu tiền kịp thời từ người tiêu dùng bằng các chức năng trả trước.
Đồng thời, nó cho phép quá trình thanh toán trực tuyến liên thông, theo dõi thời gian thực việc sử dụng điện và giảm các lỗi thanh toán. Với việc chia sẻ dữ liệu sử dụng năng lượng còn giúp quản lý năng lượng cân bằng và tốt hơn./.