5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:31, 07/06/2021

Ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như thiên tai, ô nhiễm nguồn nước và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất, thiếu lao động, thiếu hiệu quả quản lý đất đai, chất thải thực phẩm và người tiêu dùng đòi hỏi sự minh bạch đối với nguồn gốc thực phẩm của họ.

Các startup công nghệ nông nghiệp (agritech) Việt Nam và trên giới đang ứng phó với những thách thức này bằng cách phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng và dễ tích hợp. Các startup cũng không ngừng nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận thực phẩm, nước an toàn và các nhu cầu về chế độ ăn uống.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 1.

Ảnh: Hachi

Các số liệu thống kê cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam chiếm 14,85% GDP của đất nước vào năm 2020 và cung cấp 39,45% tổng số việc làm trên cả nước. Với xu hướng nông nghiệp ngày càng phát triển, việc các startup công nghệ nông nghiệp tạo ra nhiều công cụ sáng tạo hơn để duy trì an ninh lương thực ở Việt Nam không còn là điều xa vời.

Dưới đây là 5 startup nông nghiệp công nghệ Việt Namđược techcollectivesea.com đánh giá đang tích cực hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững:

Demeter

Demeter được thành lập vào năm 2017 bởi Phạm Ngọc Anh Tùng sau khi thực hiện dự án nông nghiệp trị giá 4,4 triệu USD tại TP. Hồ Chí Minh.

Với đội ngũ kỹ sư trẻ kết hợp với sự cộng tác từ những chuyên gia nông nghiệp đầu ngành đến từ Israel, Nhật, Mỹ, Thái Lan, sứ mệnh của Demeter là giúp người làm nông nghiệp ở Việt Nam tiếp cận được các quy trình quản lý và thiết bị công nghệ hiện đại của thế giới với chi phí hợp lý, từ đó gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ban đầu công ty đã phát triển một hệ thống dựa trên IoT tại trang trại Cầu Đất, với sự hỗ trợ từ một số trang trại quốc tế. Hệ thống cho phép nông dân tự động hóa các hoạt động của họ, giúp họ giảm bớt sự tham gia của con người, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời quản lý hiệu quả các trang trại của họ.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 2.

Ảnh: Demeter

Hệ thống IoT của Demeter bao gồm 3 phần chính. Phần đầu tiên, được gọi là Connected Edge, chịu trách nhiệm điều khiển hệ thống tưới tiêu, máy bơm, máy bay không người lái, hệ thống vi khí hậu, hệ thống camera, hệ thống trạm thời tiết và hệ thống cảm biến. Phần thứ hai xử lý việc lưu trữ và phân tích dữ liệu thành thông tin trên đám mây, trong khi phần thứ ba xác định các tác vụ sử dụng thông tin.

Theo Demeter, trong năm 2017, Demeter đã trở thành đối tác của Tập đoàn Intel trong mảng IoT cho nông nghiệp. Demeter đang tìm cách mở rộng các dịch vụ của mình sang Singapore, Thái Lan và Indonesia.

MimosaTEK

Được thành lập năm 2014 với mục tiêu nâng tầm kinh nghiệm làm nông truyền thống trên nền tảng công nghệ 4.0, MimosaTEK mong muốn tạo ra những mô hình canh tác bền vững hơn, nơi người nông dân có thể: Sử dụng tài nguyên ít hơn nhưng tạo được nhiều sản lượng hơn trên cùng một diện tích sản xuất; Được giải phóng khỏi những công việc nặng nhọc hằng ngày để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và các hoạt động xã hội.

Theo đó, MimosaTEK đã tập trung vào việc sử dụng nông nghiệp chính xác để cải thiện các phương thức canh tác hiện có ở Việt Nam, hầu hết đều dựa trên kinh nghiệm và thủ công. MimosaTEK sở hữu một hệ thống dựa trên đám mây cho phép nông dân tự động hóa và quản lý trang trại của mình bằng cách sử dụng các cảm biến giám sát môi trường, gửi tín hiệu qua sóng tần số vô tuyến và thông báo cho người nông dân về các yếu tố môi trường nguy hiểm.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 3.

MimosaTEK thực hiện dự án tiết kiệm nước cho cây cà phê (Ảnh: MimosaTEK)

Hệ thống này cũng cho phép nông dân theo dõi tiến độ cây trồng, tạo cơ sở dữ liệu cây trồng và tưới từ xa cho trang trại của mình thông qua thiết bị di động. Với hệ thống này, nông dân có thể lập kế hoạch và quản lý trang trại của họ bằng cách sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu môi trường và cây trồng. Với những ý tưởng sáng tạo của mình, MimosaTEK là một trong 10 công ty trên toàn thế giới nhận được giải thưởng Nước sạch cho thực phẩm (Securing Water for Food award) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trao tặng vào năm 2017.

Hachi

Được thành lập vào năm 2016, Hachi phát triển các hệ thống canh tác thủy canh điều khiển bằng IoT cho nông nghiệp hộ gia đình và đô thị. Hachi được sinh ra từ dự án khởi nghiệp của thanh niên Trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Bách Khoa Hà Nội với số vốn 100 triệu đồng.

Hệ thống của công ty bao gồm tưới nước tự động, quạt tự động và cài đặt phun sương được hỗ trợ bởi cảm biến môi trường và cấu trúc lưới tự động bảo vệ cây trồng khỏi ánh nắng mặt trời.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 4.

Mô hình trồng rau kết hợp smartphone (Ảnh: Hachi)

So với cách trồng rau truyền thống, hệ thống của Hachi cần ít đất và ánh sáng hơn. Nó cũng ít đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc hơn vì người nông dân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trồng rau sạch tại nhà.

Hachi đang tìm cách áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vì nó giúp nông dân tiết kiệm chi phí bằng cách giảm lượng nước và phân bón cần thiết để phát triển cây trồng.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) 2018, Hachi lọt top 7 startup nổi bật.

Sero.ai

Sero.ai là một startup nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp nông dân giải quyết những thách thức của sản xuất cây trồng bằng cách tạo ra một nền tảng kết nối nông dân và các chuyên gia. Nông dân được khuyến khích chụp ảnh cây bị bệnh và tải các bức ảnh lên nền tảng. Công nghệ thị giác máy tính (computer vision) giúp người dùng xác định bệnh và đề xuất các giải pháp.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 5.

Ảnhh: FB Sero.ai

Sero.ai, ra mắt vào năm 2016, hướng tới mục tiêu là một công ty thông tin cây trồng thu thập dữ liệu thời gian thực trong các giai đoạn phát triển của cây trồng bằng hình ảnh và cảm biến để đưa ra các khuyến nghị phòng ngừa cho nông dân.

Startup này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng về công nghệ nông nghiệp.

Naturally Vietnam

Naturally Vietnam là một startup công nghệ nông nghiệp có trụ sở tại Hà Nội do vợ chồng Mai và Patrice Gautier thành lập nhằm mang lại sự minh bạch hơn cho thị trường thực phẩm. Naturally Vietnam cung cấp một cửa hàng tạp hóa trực tuyến, nơi mọi người có thể mua các sản phẩm thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc từ 6 trang trại ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

5 startup nông nghiệp công nghệ Việt tích cực đổi mới  sáng tạo - Ảnh 6.

Công ty đã nhận được khoản đầu tư hạt giống hơn 2.000 USD nhằm giúp các cá nhân xây dựng trang trại từ đầu để đạt được điều này. Các trang trại chăn nuôi có sự giám sát của bác sĩ thú y, sử dụng quy trình hữu cơ và sản xuất thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Naturally Vietnam cũng có kế hoạch bắt đầu chương trình với Chợ đêm cuối tuần Hà Nội, nơi người tiêu dùng có thể nếm thử thực phẩm từ các nhà sản xuất địa phương, từ đó xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai bên.

Theo techcollectivesea nhận định, ngành nông nghiệp ở Việt Nam đang bùng nổ và có thể đón đầu những xu hướng nông nghiệp mới trong tương lai. Các startup công nghệ nông nghiệp Việt đã và đang khai thác những hướng đi đổi mới sáng tạo để chuyển đổi phương thức canh tác. Họ cũng đang tìm cách mở rộng thị trường sang những quốc gia khác tại Đông Nam Á. Theo đó, con đường phía trước của các startup công nghệ nông nghiệp Việt Nam là một chặng đường đầy hứa hẹn./.

HL