Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để chuyển đổi số?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:55, 07/06/2021
CĐS để tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,dự báo tới năm 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng trưởng 28,5 - 62,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, tương đương mức tăng GDP 7 - 16%. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 USD - 640 USD/người so với mức cơ sở vào năm 2030. Giá trị tăng thêm ngành chế tạo là 7 - 14 tỷ USD, ngành nông nghiệp truyền thống là 4,9 tỷ USD, tài chính khoảng 3,5 tỷ USD, thông tin và truyền thông khoảng 2,5 tỷ USD, ngành điện khoảng 4,2 tỷ USD, khu vực hành chính công sẽ tiết kiệm được 0,6 tỷ USD.
Nhiều ngành kinh tế mới sẽ hình thành và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Nếu CĐS thành công, GDP đến năm 2045 của nước ta dự báo có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm là khoảng 1,1 tỷ USD.
Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain&Company công bố ngày 10/11/2020, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với mức 16%, đạt giá trị 14 tỷ USD (năm 2019 đạt 12 tỷ USD).
Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế số có tốc độ tăng trưởng ở mức rất cao: thị trường gọi xe, giao hàng và gọi đồ ăn năm 2020 đạt giá trị 1,6 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2019; quy mô của thị trường TMĐT cũng tăng mức 46%, từ quy mô 5 tỷ USD lên 7 tỷ USD năm nay, truyền thông trực tuyến tăng trưởng 18%, đạt giá trị 3,3 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 52 tỷ USD.
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, CĐS DN để góp phần xây dựng xã hội số. CĐS cũng góp phần xây dựng Chính phủ số, tăng năng suất và hiệu quả cho DN. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của CĐS tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Hiệu quả của CĐS có thể thấy rõ qua hai câu chuyện, đó là taxi công nghệ mang lại năng suất cao hơn 50% so với taxi truyền thống và Yahoo trước đây đủ sức mua Facebook, Google thì đến năm 2016 do chậm chân CĐS mà giá trị Yahoo bị giảm kỷ lục và được mua lại chỉ còn 4,8 tỷ USD. "Theo đó, DN toàn cầu đứng trước áp lực phải CĐS", TS. Nguyễn Đức Hiển cho hay.
Một số chuẩn bị cho CĐS DN từ câu chuyện của Rạng Đông
Theo McKinsey và Forbes, có đến 70 - 84% dự án CĐS không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Có tới 84% DN chưa sẵn sàng chấp nhận mô hình mới ngay, nên triển khai mô hình mới cần có cách tiếp cận phù hợp.
TS. Hiển cho rằng các DN Việt Nam phần lớn CĐS là chuyển từ mô hình chế tạo sản xuất truyền thống. Theo đó, không thể CĐS toàn diện các công đoạn của DN ngay được mà cần phải có lộ trình, xác định từng câu chuyện của mỗi DN trong mỗi yêu cầu khác nhau.
Để chuẩn bị CĐS theo lộ trình này, Rạng Đông là một câu chuyện để tham khảo. Đầu tiên là quá trình chuẩn bị. Rạng Đông phải chuẩn bị nhiều năm để thực hiện các công việc để CĐS. CĐS của DN cần phải có quá trình chuẩn bị gồm: chuẩn bị về tri thức khoa học, tri thức quản trị và tri thức số; Chuẩn bị về công nghệ và sản phẩm; Chuẩn bị về tổ chức và con người.
Chuẩn bị về tri thức khoa học, tri thức quản trị và tri thức số, Rạng Đông thành lập Trung tâm R&D Chiếu sáng tháng 4/2011; Thực hiện các chương trình hợp tác với các Viện, trường, các Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế; Thành lập tổ chuyên gia tư vấn về xây dựng và quản trị chiến lược hiện đại vào tháng 9/2015; Thành lập Ban xây dựng Chiến lược CĐS công ty giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Thành lập Tổ chuyên gia Tư vấn CĐS năm 2019. Tháng 9/2020, để chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm kết nối IoT, kèm theo sản phẩm là dịch vụ trên các nền tảng số, Trung tâm R&D công nghệ kỹ thuật số (Digital R&D Center) ra đời….
Tiếp theo, Rạng Đông chuẩn bị về công nghệ, sản phẩm, hệ thống đèn LED, các cảm biến ánh sáng…
Chuẩn bị về tổ chức, con người, Rạng Đông tái cấu trúc tổ chức, hình thành các bộ phận hỗ trợ thị trường, đổi mới sáng tạo, các bộ phận liên kết các phòng ban một cách hiệu quả hợp lý; Triển khai chiến lược hiện đại hóa công ty bằng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế ISO, 5S - Kaizen - Lean Thinking - TPS, TPM… Thành lập mới các đơn vị Trung tâm thông tin và thương mại điện tử; Trung tâm kinh doanh hệ sinh thái LED 4.0 (C4LED) (2020); Trung tâm R&D công nghệ kỹ thuật số (2020); Trung tâm sáng tạo ý tưởng mới; Quỹ đầu tư mạo hiểm (2020); Chuyển đổi mô hình quản trị từ PSC sang KPI và bây giờ chuyển sang quản trị theo mô hình mục tiêu OKI, đào tạo nguồn nhân lực số.
TS. Nguyễn Đức Hiển cũng chia sẻ quan điểm và định hướng CĐS của Rạng Đông, đó là Rạng Đông xác định CĐS trước hết là chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức vận hành để thích ứng với thời đại số.
Rạng Đông xác định CĐS phù hợp là tập trung vào khách hàng, lấy việc phụng sự khách hàng làm khâu dẫn, từ đó kéo theo khâu sản xuất, khâu hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ thống và năng lực của nhân viên.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Rạng Đông xác định chuyển đổi tăng trưởng từ tăng trưởng tịnh tiến, truyền thống dựa trên thâm dụng lao động và các nguồn lực hữu hình sang mô hình tăng trưởng cấp số nhân dựa trên giá trị và tri thức. Quá trình CĐS của Rạng Đông được thực hiện đồng bộ trên cả 3 phương diện: Công nghệ, quá trình và tổ chức chức - con người.
CĐS thường có 3 cấp độ, gồm: Cấp độ 1 - số hóa (digitalization); Cấp độ 2 – Tăng cường ứng dụng công nghệ số, sau khi thực hiện số hoá, tổ chức khai thác tận dụng quá trình số hóa để cải thiện, hoàn thiện các hoạt động, các quy trình kinh doanh; Cấp độ 3 – CĐS (digital transformation): Ứng dụng công nghệ số, khai thác quá trình số hóa để đổi mới phương thức vận hành, sản phẩm, dịch vụ, mối quan hệ giữa DN với đối tác, khách hàng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái kinh doanh.
"Với đặc thù của DN truyền thống, tiền Internet, trình độ chuẩn hoá, số hoá, tự động hóa không đồng đều nên Rạng Đông lựa chọn thực hiện CĐS nhiều cấp độ song song tùy thuộc vào năng lực của đội ngũ và yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD)", TS. Hiển cho hay.
Với lựa chọn này, Rạng Đông bắt đầu từ khâu chuẩn hóa quy trình, tổ chức dữ liệu, tin học hoá, từng bước số hoá, tới mở rộng ứng dụng các phần mềm trong quản trị điều hành, trong SXKD, tiến tới hình thành các trung tâm CĐS ban đầu còn tách biệt, sau đó tiến tới hình thành Trung tâm điều hành chung, từng bước thực hiện CĐS hình thành hệ sinh thái điều hành SXKD thông minh.
TS. Hiển cũng lưu ý "CĐS phải có tiến trình trọng tâm, trọng điểm phù hợp của DN, không tiến hành tràn lan… nếu không chỉ là "tiêu dùng" công nghệ số, lệ thuộc vào các DN bán giải pháp, công nghệ, nền tảng. CĐS không phải là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, phải chọn được sản phẩm chiến lược gắn với CĐS. Điều này rất quan trọng. Mỗi DN phải xác định sản phẩm cốt lõi của mình".
5 mục đích cuối cùng mà các DN CĐS phải hướng đến
Theo TS. Hiển, năm đầu tiên thực hiện quá trình CĐS, Rạng Đông tăng trưởng 15,6%. Trước đây, có giai đoạn rất khó khăn, sản phẩm bị cạnh tranh rất lớn. Nhưng quý I năm 2021, tăng trưởng của Rạng Đông là 34,8%, mục tiêu là năm 2021 tăng nhanh gấp 5 lần năm 2019 và phấn đấu đến 2022 đạt doanh số là tỷ đô.
"Đây là một sự mạnh dạn trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn, trong đó có các DN lớn từ Trung Quốc cũng lĩnh vực. Vậy qua câu chuyện này có thể rút ra mấy nguyên nhân thành công của CĐS Rạng Đông", TS Hiển chia sẻ.
Đầu tiên, theo TS. Hiển là tầm nhìn, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng bởi có tới 80 - 84% DN không đạt kết quả CĐS như mục tiêu ban đầu đề ra. Tiếp theo, DN phải tìm chiến lược "đúng và trúng". Chiến lược đúng là cách DN tiếp cận, lựa chọn được khâu đột phá và đúng mô hình chuyển đổi. Theo đó, không thể có chiến lược chung áp dụng CĐS cho tất cả các DN mà phải tìm ra chiến lược CĐS phù hợp cho từng DN. Sau đó là tổ chức đồng bộ, có nguyên tắc, quyết liệt, con người là quyết định, xây dựng môi trường, văn hóa số.
TS. Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh 5 mục đích cuối cùng mà các DN CĐS phải hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng./.