Chuyển đổi số thành công: Không chỉ là công nghệ

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:11, 30/05/2021

Trong kỷ nguyên 4.0, chuyển đổi số (CĐS) là nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển chung của toàn cầu với việc sử dụng hiệu quả công nghệ và con người là hai lực đẩy quan trọng nhất.

Theo Sách trắng năm 2020 của Công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG), các nhà lãnh đạo kỹ thuật số đang đạt được mức tăng trưởng thu nhập cao hơn 1,8 lần so với các đối tác "chậm CĐS" của họ.

Darren Yuen, một nhà phân tích kiến thức cấp cao tại BCG cho biết, quan điểm của anh về việc dịch chuyển số không phải là áp dụng công nghệ vì lợi ích của nó. "Dịch chuyển số" (going digital) là một chiến lược tương lai cho doanh nghiệp (DN) với mục tiêu DN trở nên phát triển linh hoạt hơn ở vị trí quan trọng để có thể tập trung vào đổi mới và phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, Darren Yuen cũng nhấn mạnh rằng, một công ty CĐS không có nghĩa là tất cả các bộ phận của quá trình chuyển đổi đều cần phải số hóa, chỉ cần có một số thành phần kỹ thuật số là đủ, miễn là chúng có ý nghĩa và có tác động.

Tuy nhiên, trên thực tế, CĐS thành công không phải là chiến lược dễ dàng thực hiện. Ngay cả những công ty tên tuổi lớn như Ford và Nike cũng cho thấy những nỗ lực và khoản đầu tư lớn của họ cũng có thể trở nên khó khăn khi phải đối mặt với tình hình kinh tế và chiến lược tồi tệ.

Một nghiên cứu gần đây của BCG cho thấy mặc dù hầu hết các công ty muốn thực hiện CĐS nhưng có đến 70% nỗ lực không đạt được mục tiêu như họ mong muốn.

Thậm chí có đến ¼ tổng các dự án không ghi nhận được bất kỳ sự thay đổi bền vững nào. "Hai đến ba tháng sau đó, chúng tôi quay trở lại ngay nơi chúng tôi bắt đầu", Yuen chia sẻ.

Chuyển đổi số thành công: Đừng chỉ nghĩ đến công nghệ - Ảnh 1.

Công nghệ và con người - hai lực đẩy quan trọng nhất

Có một số lý do được đưa ra để giải thích tại sao chỉ có 30% tỷ lệ CĐS thành công, trong đó yếu tố được đề cập đến nhiều nhất đó chính là thiếu sự lãnh đạo.

Và thật ngạc nhiên khi biết rằng có nhiều dự án thất bại vì thiếu cam kết của lãnh đạo, đặc biệt là khi các cuộc khảo sát những lãnh đạo cấp cao liên tục cho thấy CĐS vẫn nằm trong danh sách ưu tiên của họ.

Tuy nhiên, Yuen cho biết, lãnh đạo nhiều công ty đã lầm tưởng CĐS chỉ là vấn đề áp dụng công nghệ mới, trong khi những nỗ lực thành công nhất của quá trình này lại tập trung nhiều vào "yếu tố con người".

"Các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thường quá tập trung vào việc chuyển đổi chính bản thân của tổ chức mà quên mất rằng yếu tố "con người" cũng là một phần quan trọng của công ty", Yuen nhấn mạnh thêm.

Điều này có nghĩa là cần phải tìm ra những cách để ban lãnh đạo công ty truyền cảm hứng và điều chỉnh khát vọng chuyển đổi số của họ với mục tiêu và văn hóa hiện có của DN, cũng như tài năng tạo nên trung tâm và nền tảng cho công ty.

Theo nghiên cứu của BCG, lập kế hoạch sớm và phù hợp là chìa khóa cho bất kỳ dự án CĐS nào và có thể đánh dấu sự khác biệt giữa thất bại và thành công.

Tư duy như một công ty khởi nghiệp

Trên thực tế, các công ty khởi nghiệp và các DN nhỏ hơn có xu hướng thực hiện tốt hơn khi xây dựng văn hóa CĐS bởi vì chuyển đổi được gắn trong DNA của họ, thúc đẩy họ liên tục đưa ra "nền tảng dữ liệu và công nghệ mô-đun do DN dẫn đầu".

Đặc biệt, các công ty khởi nghiệp thường có lợi thế hơn bởi vì họ không coi chuyển đổi chỉ là giai đoạn để vượt qua. Ở một khía cạnh nào đó, đối với họ, làn sóng chuyển đổi đó không bao giờ thực sự kết thúc, Yuen chia sẻ.

Tất nhiên, khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu phát triển về quy mô, họ cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như các tập đoàn lớn. Một nhóm nhân tài lớn hơn sẽ tạo ra khoảng cách giữa những người làm việc tại chỗ và người quản lý - có thể dẫn đến nhiều khả năng chống lại sự chuyển đổi hơn.

Chuyển đổi số thành công: Đừng chỉ nghĩ đến công nghệ - Ảnh 2.

Các công ty khởi nghiệp - đặc biệt là các công ty gốc kỹ thuật số - sẽ thường tập trung vào một chiến lược thay thế nhằm làm nổi bật sức mạnh tài năng con người để tăng cường tiềm năng của công nghệ và ngược lại. Những công ty này được gọi là "công ty sinh học" (bionic companies - theo BCG).

Để đạt được kết quả vượt trội, những công ty này coi cả hai thành phần con người và công nghệ là những yếu tố không thể thiếu. Công nghệ số sẽ là chìa khóa cho một tương lai bền vững, nhưng con người mang đến sự sáng tạo, kỹ năng và đổi mới cần thiết mà máy tính không thể thực hiện được. Về bản chất, việc kết hợp sức mạnh của con người và công nghệ đã tạo ra được những sản phẩm và nền tảng mà chúng ta yêu thích ngày nay.

Một DN đã tích hợp thành công phương pháp tiếp cận này là công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance - công ty đã trở thành điển hình hiếm hoi về "công ty sinh học khép kín" (open-closed bionic company).

Ở những công ty như vậy, giá trị không nằm trong một sản phẩm cụ thể mà nằm trong văn hóa công ty. Điều này giúp công ty liên tục tìm ra các vấn đề cần giải quyết để tạo ra mục đích và mục tiêu có thể được chuyển đổi thành sản phẩm hoặc dòng doanh thu.

Ví dụ, TikTok được tạo ra với sứ mệnh truyền cảm hứng cho những người sáng tạo và thúc đẩy sự tương tác giữa mọi người. Tương tự, ByteDance nhận thấy sự hứng thú của mọi người đối với nguồn tin tức được cá nhân hóa, và sau đó là sự ra đời nền tảng tin tức nổi tiếng Toutiao của công ty. Cả hai nền tảng đều tận dụng các công nghệ biến đổi như trí tuệ nhân tạo, nhưng vẫn được phát triển bởi tài năng của con người.

Yuen cho biết, những thành công này là kết quả của văn hóa công ty coi yếu tố con người là trung tâm trong quá trình CĐS và đáp ứng lại điều đó bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ nhân viên của mình.

"Họ đã trải qua quá trình săn đầu người nghiêm túc và không ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào. Công ty đầu tư nhiều vào nhân viên với mục đích để những nhân viên này có thể đáp ứng những kỳ vọng của họ. Mọi người đều được khuyến khích đóng góp cho mục đích chung của công ty và họ rất cởi mở trong việc phản hồi và ghi nhận", Yuen chia sẻ.

Sự khác biệt trong văn hóa chuyển đổi

Theo Yuen, các công ty truyền thống có xu hướng nghĩ về "CĐS" là có các hệ thống cập nhật nhất - và điều đó không nên xảy ra. "Bạn cần phải có tài năng và đó là lý do tại sao rất nhiều kỳ lân tích hợp tài năng và tuyển dụng [với hệ thống của họ] để đảm bảo rằng họ không ngừng cải thiện và chuyển đổi những gì doanh nghiệp của họ mong muốn".

Các công ty ở Đông Nam Á có truyền thống hoạt động kém hơn so với các đối tác Mỹ và châu Âu do họ có xu hướng chờ đợi trước khi áp dụng các công nghệ mới như kết nối 5G.

"Tất cả chúng ta đều biết rằng 4G đến 5G sẽ là một trong những động lực lớn hơn cho sự thâm nhập kỹ thuật số. Chúng tôi có các công ty viễn thông lớn hơn ở Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí ở Mỹ, đã bắt đầu hoạt động vì họ biết rằng sự thay đổi là cần thiết. Thay đổi sẽ mang lại nhiều giá trị trong tương lai", Yuen cho biết thêm.

Đặc biệt, các công ty ở Đông Nam Á thường có xu hướng nghiêng theo hướng khác bằng cách dựa quá nhiều vào nguồn nhân tài để bù đắp cho những gì họ thiếu về mặt công nghệ. 

Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa yếu tố con người và công nghệ. Nếu các công ty trong khu vực bắt đầu suy nghĩ giống như các công ty sinh học (bionic companies) trong việc kết hợp cân bằng giữa yếu tố con người và công nghệ, họ có thể gặt hái được những thành quả lớn trong tương lai gần, giống như công ty viễn thông Singtel đã làm khi bắt đầu chuyển sang bán các sản phẩm kỹ thuật số.

Trong những vừa năm qua, công ty viễn thông có trụ sở tại Singapore đã mở rộng sang các dòng doanh thu mới ngoài ngành công nghiệp ban đầu của họ. Ví dụ như, thiết lập mối quan hệ với nhà cung cấp bảo hiểm AIA - công ty đã tung ra một ứng dụng chăm sóc sức khỏe và các gói bảo hiểm vi mô khác nhau.

Dịch vụ tài chính cũng là một lĩnh vực trọng tâm đáng chú ý khác của Singtel, công ty sở hữu ví điện tử phổ biến Dash và liên doanh với công ty gọi xe Grab gần đây đã giành được một trong những giấy phép ngân hàng số đầu tiên của Singapore.

Các chiến lược của Singtel và ByteDance đều đã cho thấy nhận thức tương ứng của họ về cách chuyển đổi số cần được thực hiện song song với trải nghiệm lấy con người làm trung tâm.

Đối với các công ty muốn bắt đầu hành trình CĐS thành một "bionic company", họ không chỉ cần có "mục đích và chiến lược rõ ràng" để hướng tới mà còn phải hiểu rằng công nghệ và con người là hai yếu tố phải đi song song và kết hợp với nhau để tạo thành lực đẩy quan trọng mới có thể giúp CĐS thành công.

Ánh Dương