Vì sao CPĐT tại Trung Quốc thu hút nhiều người dân tham gia?
Chính phủ số - Ngày đăng : 08:29, 29/05/2021
Nền tảng CPĐT quốc gia của Trung Quốc, www.gjzwfw.gov.cn, đã có 809 triệu người dùng đăng ký vào cuối năm 2020, theo một báo cáo do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vừa công bố hôm 26/5.
Số lượng người dân đăng ký sử dụng cổng dịch vụ công (DVC) chính phủ Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong một năm qua. Trước đó một năm, nền tảng dịch vụ chính phủ quốc gia trực tuyến tích hợp của Trung Quốc mới chỉ đạt khoảng 339 người đăng ký. Như vậy, số lượng người dân đăng ký sử dụng nền tảng CPĐT quốc gia đã tăng hơn gấp đôi. Tân Hoa Xã cho biết trong số 904 triệu công dân Internet của đất nước, cứ 3 người thì có 1 người sử dụng nền tảng.
Nền tảng CPĐT quốc gia của Trung Quốc, bắt đầu được đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 11/2019. Nền tảng này đã trở thành một kênh quan trọng mà qua đó công chúng và doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ của chính phủ.
Nhờ nền tảng này, chính quyền các cấp đã cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến, với sự hài lòng của người dùng đã tăng lên.
Trong báo cáo mới nhất của trung tâm nghiên cứu CPĐT Trung Quốc, trong tổng số 30 khu vực cấp tỉnh, nền tảng này đã kết hợp các dịch vụ của chính phủ xuống đến cấp làng, xã. Hoạt động của CPĐT tích hợp của các vùng cấp tỉnh và các thành phố lớn được đánh giá tốt.
Với sự phát triển của nền tảng này, các dịch vụ trực tuyến của chính phủ đã được nâng cấp từ việc cung cấp thông tin cho công chúng thành cung cấp các DVC tích hợp của các khu vực hành chính và các cơ quan chính phủ khác nhau.
Có tám khu vực có hiệu suất CPĐT tích hợp được xếp hạng "rất cao", tăng từ mức chỉ ba khu vực trong báo cáo năm 2016.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng chính quyền các cấp vẫn cần cải thiện tích hợp dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến và tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, ban ngành khác nhau của chính phủ.
Trung Quốc có nhiều tiến bộ trong cung cấp dịch vụ CPĐT
Trước khi ra đời hệ thống DVC một cửa trực tuyến-ngoại tuyến tích hợp, người dân phải nộp đơn lên 4 cơ quan chính quyền để được chấp thuận cho phép mở một nhà hàng ở Thượng Hải. Quá trình này mất 58 ngày làm việc và cần nộp 31 tài liệu. Với hệ thống mới, người dân chỉ cần nộp 12 tài liệu tại một điểm và quá trình xử lý chỉ mất 10 ngày làm việc. Toàn bộ quá trình đơn giản như mua sắm trực tuyến.
Liên Hợp Quốc đã công bố Khảo sát về CPĐT năm 2020 và trích dẫn hệ thống DVC một cửa ở Thượng Hải là một ví dụ về CPĐT thành công. Lúc đó, cổng thông tin điện tử của thành phố có hơn 29,21 triệu người dùng cá nhân đăng ký bằng tên thật và hơn 2,08 triệu người dùng là pháp nhân.
Nền tảng này không chỉ cho phép người dùng xử lý nhiều công việc thường xuyên như đăng ký kinh doanh và thanh toán hóa đơn tiện ích công cộng, mà còn cung cấp thông tin ứng phó khẩn cấp.
Trong mùa mưa bão, việc chống ngập úng trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ cấp thiết. Trên nền tảng này, có một bản đồ thời gian thực thu thập và chia sẻ dữ liệu từ 157 trạm quan trắc mực nước, 550 điểm quan trắc lượng mưa và 26 trạm thu thập dữ liệu khí tượng, cùng với dữ liệu từ video giám sát của nhiều bộ phận sử dụng gần 1.000 camera.
Với sự trợ giúp của dữ liệu do nền tảng cung cấp, các xe bơm có thể "trú" tại các khu vực dễ bị ngập lụt và có thể được chuyển hướng đến các khu vực cần thiết hơn theo trung tâm chỉ huy dữ liệu thời gian thực do nền tảng cung cấp.
Nền tảng này cũng có vai trò trong việc kiểm soát dịch bệnh. Trong nền tảng có một phần đặc biệt dành riêng cho việc kiểm soát dịch bệnh, ở đó nhiều thông tin liên quan được hiển thị.
Xếp hạng cao hơn
Hệ thống chính phủ kỹ thuật số của Thượng Hải là một mô hình thu nhỏ của tiến trình CPĐT của Trung Quốc.
Theo khảo sát của Liên Hợp Quốc, Chỉ số Phát triển CPĐT (EGDI) của Trung Quốc tăng từ 0,6811 năm 2018 lên 0,7948 năm 2020, được coi là "mức rất cao" và xếp hạng EGDI của nước này tăng 20 bậc lên thứ 45 trên thế giới. Chỉ số dịch vụ trực tuyến, là thước đo cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến của chính phủ và là chỉ số quan trọng để phát triển CPĐT, đạt 0,9059, cao thứ chín trên thế giới.
Cuộc khảo sát do Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội công bố hàng năm, là báo cáo toàn cầu duy nhất đánh giá tình trạng phát triển CPĐT của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Wang Yimin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Điện tử, Học viện Quản trị Trung Quốc, cho biết: “Việc Trung Quốc tăng cấp bậc cao hơn có ý nghĩa to lớn đối với việc cải thiện khả năng quản trị quốc gia, nâng cao ý thức của người dân và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt”.
Trang Beijing Review cho biết những tiến bộ đạt được trong triển khai CPĐT ở Trung Quốc là nhờ sự chú trọng của Đảng và Chính phủ vào CNTT và chính phủ số. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 18, Ủy ban Trung ương CPC đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia bằng cách phát triển CNTT và xây dựng các nền tảng dịch vụ trực tuyến một cửa.
Các khả năng dịch vụ trực tuyến đã được cải thiện. Các thủ tục phê duyệt hành chính đã được tinh giản. Nhiều phê duyệt có thể được đưa ra trực tuyến. Với việc điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, chính phủ cũng đang cung cấp các dịch vụ thông qua các ứng dụng điện thoại di động.
Vào tháng 5/2019, nền tảng dịch vụ chính phủ quốc gia đã được ra mắt, được kết nối với 46 cơ quan của Hội đồng Nhà nước và 32 chính quyền địa phương. Nền tảng này đã cải thiện khả năng dịch vụ chính phủ trực tuyến tổng thể của Trung Quốc. Tính đến tháng 12/2019, nền tảng này đã có 339 triệu người dùng đăng ký, có nghĩa là một trong số ba người dùng Internet ở Trung Quốc đã đăng ký trên nền tảng này.
Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ CPĐT
Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc cũng cung cấp nhiều dịch vụ thông qua Internet, điều đáng nói là nhiều địa phương áp dụng các công nghệ mới. Khu mới Dapeng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc đang sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn và AI để cải thiện các dịch vụ trực tuyến của mình.
Chính quyền của khu vực đã sử dụng công nghệ dữ liệu lớn nhằm phân tích nhu cầu của khách truy cập vào trang web của họ. Trên cơ sở phân tích, họ đã tối ưu hóa các chức năng của website để đáp ứng nhu cầu của cư dân.
Các dịch vụ nhập liệu bằng giọng nói hỗ trợ AI của trang web cho phép cư dân đưa ra yêu cầu bằng lời nói, thay vì nhập tay.
Chính phủ cũng đã đưa ra nền tảng dịch vụ trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Các dịch vụ sáng tạo được cung cấp trên nền tảng. Ví dụ, có phần "vòng đời" liệt kê các dịch vụ liên quan đến các giai đoạn khác nhau của cuộc đời một người như sinh nở, việc làm, kết hôn và nghỉ hưu. Du khách có thể chọn giai đoạn họ đang ở để tìm và truy cập các dịch vụ công có liên quan.
Nền tảng này cũng cung cấp cho cư dân thông tin và dịch vụ liên quan đến tuyển dụng việc làm và du lịch.
Tỉnh Giang Tây ở phía đông Trung Quốc đã ra mắt một ứng dụng dịch vụ của chính phủ vào ngày 3/7/2020, có thể truy cập thông qua nền tảng thanh toán di động Alipay. Ứng dụng được hỗ trợ bởi các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây và công nghệ chuỗi khối (blockchain) để cung cấp cho doanh nghiệp và người dân các dịch vụ tiện ích.
Tính đến cuối tháng 6/2020, người dùng tên thật của nền tảng đã vượt qua con số 20 triệu, có nghĩa là cứ 2,3 người ở Giang Tây thì có một người đang sử dụng dịch vụ. Trong tương lai, nền tảng này sẽ sử dụng 5G để đưa ra nhiều phê duyệt trực tuyến hơn.
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa các thành phố. Trong quá trình này, các thành phố của Trung Quốc đã đưa ra các giải pháp điện tử sáng tạo để ứng phó với cuộc khủng hoảng.
Tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc, một dịch vụ Mã Y tế thành phố đã được triển khai thông qua nền tảng của chính phủ dựa trên dữ liệu sức khỏe do cư dân hoặc người lao động trở về khai báo và dữ liệu lớn được thu thập thông qua các nền tảng dịch vụ công cộng khác nhau. Các mã màu sắc được cấp cho các cá nhân theo dữ liệu và mã có thể được truy cập thông qua nhiều nền tảng di động. Những người có mã màu đỏ và vàng cần được cách ly ở nhà, và những người có mã màu xanh lá cây không bị hạn chế trong các hoạt động bình thường của họ.
Những yếu tố thúc đẩy CPĐT
Cuộc khảo sát của Liên hợp quốc năm 2020 cho thấy sự CPĐT tiếp tục phát triển trên toàn cầu, 65% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hiện nằm trong nhóm EGDI cao hoặc rất cao. Hơn 22% các quốc gia được khảo sát đã chuyển sang nhóm EGDI cao hơn kể từ năm 2018.
Cuộc khảo sát cho thấy rằng mặc dù có xu hướng về mối tương quan thuận giữa xếp hạng EGDI và mức thu nhập của một quốc gia, nhưng nguồn lực tài chính không phải là yếu tố quan trọng duy nhất trong phát triển chính phủ điện tử. Thông thường, ý chí chính trị mạnh mẽ, khả năng lãnh đạo chiến lược và cam kết mở rộng việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sẽ cho phép một quốc gia đạt được xếp hạng EGDI cao hơn mức có thể mong đợi.
Báo cáo khảo sát cho thấy lý do tại sao Trung Quốc có thể liên tục cải thiện trình độ phát triển của CPĐT là nhờ chính quyền trung ương và địa phương đã triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi số toàn diện, Ma Liang, giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết.
Tại Trung Quốc, phát triển CPĐT đã tối ưu hóa môi trường kinh doanh, mang lại sự thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân, kích thích sức sống của thị trường và sự sáng tạo của xã hội, đồng thời xây dựng một chính phủ hướng tới dịch vụ mà người dân hài lòng, báo cáo của Liên hợp quốc ghi nhận.
Báo cáo cũng ghi nhận những nỗ lực cụ thể của các quốc gia nhằm cung cấp cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương quyền truy cập vào các dịch vụ của CPĐT. Cuộc khảo sát cho thấy gần 80% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cung cấp các dịch vụ số cụ thể cho thanh niên, phụ nữ, người lớn tuổi, người khuyết tật, người di cư và những người nghèo, góp phần vào các nỗ lực nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo đã trích dẫn những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề này. Để giải quyết nhu cầu của người khuyết tật, Bắc Kinh đã nỗ lực không ngừng để cải thiện hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ công bằng cách thúc đẩy các ứng dụng trực tuyến sáng tạo. Một trong số đó là ứng dụng đặc biệt cho phép người khuyết tật đăng ký các thiết bị trợ giúp trực tiếp từ trang web của chính phủ. Quá trình này loại bỏ tất cả các chứng nhận và thủ tục trung gian và cho phép người khuyết tật thực hiện tất cả các giao dịch tại nhà.