Sàn TMĐT Vỏ Sò và sứ mệnh giúp người nông dân giàu có nhờ chuyển đổi số
Make in Vietnam - Ngày đăng : 08:50, 28/05/2021
Tiên phong "giải cứu" sản phẩm nông sản thời 4.0
Tháng 3/2021, tại tỉnh Hải Dương, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân ở nhiều xã và huyện vẫn đang điêu đứng vì nông sản đến mùa thu hoạch nhưng chưa thể bán tới tay người tiêu dùng. Mặc dù đã có nhiều hoạt động giải cứu trong những thời gian qua nhưng chừng đó chưa đủ cho hàng chục ngàn tấn nông sản đang sắp đến mùa thu hoạch.
Để giúp nông dân giải quyết bài toán trên, Viettel Post đã hướng dẫn họ tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò. Tuy nhiên, khác với cách "giải cứu" thông thường, thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò.vn cũng như hệ thống logistics của mình, Viettel Post sẽ đảm bảo được 2 yếu tố, bao gồm giá tốt cho người nông dân và chất lượng đảm bảo cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Vỏ Sò cũng đã đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và đồng hành với bà con nông dân cách bán hàng trên sàn TMĐT, cùng thực hiện livestream ngay tại vườn, hỗ trợ giải pháp quảng cáo số để thúc đẩy hoạt động bán hàng của người dân.
Voso.vn (Vỏ Sò) là sàn TMĐT mua bán hàng hóa trực tuyến, hướng đến mục tiêu hỗ trợ người nông dân bán được nhiều sản phẩm hơn với thao tác dễ dàng hơn. Vỏ Sò đã đạt giải Nhì hạng mục Thu hẹp khoảng cách số trong Giải thưởng Make in Vietnam năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức.
Tiếp theo Vỏ Sò, Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), các sàn TMĐT khác như Sendo, Tiki, Lazada… cũng đã bắt đầu có những chương trình bán và quảng bá sản phẩm nông sản thông qua các chương trình phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Theo đại diện Viettel Post, việc tiên phong trong quá trình "giải cứu" sản phẩm nông sản thời 4.0 là một trong những "kim chỉ nam" của sàn TMĐT Vỏ Sò khi được Viettel Post giới thiệu vào tháng 7/2019. "Vỏ Sò không phải sàn TMĐT đầu tiên tại Việt Nam nhưng tự hào là "sàn TMĐT của người Việt". Quan trọng hơn đấy là, Vỏ Sò được ra đời để phục vụ cho nhu cầu của người Việt, thực hiện sứ mệnh giúp người nông dân Việt Nam trở nên giàu có, thịnh vượng, và nâng tầm sản vật Việt, từ đó tạo hướng đi khác biệt so với những sàn TMĐT khác", đại diện Viettel Post bày tỏ.
Lý giải về lý do chọn hướng đi này, đại diện Viettel Post khẳng định, khi phân tích thị trường và dựa vào báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2019, đơn vị này nhận thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Cụ thể, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
Khi tìm hiểu, Viettel Post thấy rằng, với việc chủ động trong khâu logistics và tập dữ liệu khách hàng của Viettel thì Vỏ Sò có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Cụ thể, thông qua mạng lưới phủ với mạng lưới phủ khắp cả nước ở 63 tỉnh thành đến cụm dân cư/tổ dân phố và hệ thống kho logistics đến cấp xã, Viettel Post sẽ có lợi thế giảm chi phí hậu cần TMĐT, đặc biệt khu vực nông thôn với khoảng 70% dân số sinh sống và TMĐT chưa phát triển.
Ngoài ra, Viettel Post nhận thấy rằng nông sản Việt đang bị phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, liên tục xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Đã đến lúc phải có doanh nghiệp (DN) tiên phong đứng ra nhận làm việc khó bởi rõ ràng kinh doanh nông sản qua TMĐT tuy có thị trường lớn nhưng còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc ra đời Vỏ Sò, ViettelPost đã chọn "việc khó" là tập trung vào ngành đặc sản, tiêu dùng thị trường nông thôn.
CĐS cùng nông dân để họ không nằm ngoài "cuộc chơi" 4.0
Theo đại diện Viettel Post, gần đây mọi người nói quá nhiều về câu chuyện CĐS nhưng chủ yếu nhắc đến các DN, tập đoàn lớn. ViettelPost lại quan tâm nhiều hơn đến những người nông dân, trăn trở làm sao để họ cũng không nằm ngoài "cuộc chơi" 4.0 đang diễn ra khắp mọi nơi trên toàn cầu.
Ngoài ra, Viettel Post đã từng chứng kiến tình trạng người nông dân bị "bùng hàng" như đơn hàng hải sản (cua Năm Căn, Cà Mau). Khi đó, Vỏ Sò bù tiền chấp nhận mua với giá cao để giao hàng cho người mua. Trong kinh doanh có nhiều yếu tố bất ngờ, ngoài dự tính nhưng phải chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không để họ phải trả giá vì sự thiếu chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, khi chứng kiến cảnh những cánh đồng cà rốt, cà chua của nông dân nằm đỏ ngoài ruộng, người dân thì điêu đứng bởi tiền lãi ngân hàng vẫn "treo" trên đầu, ViettelPost lại càng quyết tâm phát triển trang TMĐT Vỏ Sò ngày càng thông minh hơn nữa để giúp đỡ và phục vụ nhu cầu người Việt, thực hiện sứ mệnh giúp người nông dân Việt Nam không chỉ vấn đề đầu ra mà còn trở nên giàu có, trở thành nông dân 4.0 hội nhập đúng nghĩa.
"Vỏ Sò chính là cách để Viettel Post đồng hành chuyển đổi số cùng bà con, góp phần chuyển đổi số tại các địa phương, đưa TMĐT vươn đến các vùng nông thôn trên toàn đất nước. Hi vọng rằng, tâm huyết của DN chúng tôi tuy đóng góp phần nhỏ nhưng sẽ làm thay đổi lớn diện mạo của nông thôn Việt Nam trong những năm sắp tới", đại diện Viettel Post bày tỏ.
Chính vì vậy, từ giao diện cho đến cách sử dụng các tính năng trên Vỏ Sò đều được Viettel Post nghiên cứu và thiết kế sao cho dễ dàng thao tác nhất để bà con cũng có thể tự mình thực hiện mà không cảm thấy khó khăn gì.
Việc lựa chọn hướng đi này, mặc dù khiến Vỏ Sò ít đối thủ cạnh tranh hơn và không lao vào cuộc chiến "đốt tiền" như các sàn TMĐT khác nhưng lại khiến sản phẩm gặp không ít khó khăn, từ việc chuyển đổi phương thức bán hàng của bà con nông dân cho đến chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn bán hàng…
Để rồi, tính đến hết quý 1/2021, Vỏ Sò đã đạt được những kết quả như sau: Tổng giá trị hàng hóa giao dịch qua sàn (GMV) 671 tỷ (mặt hàng đặc sản Việt là 17,48 tỷ); 500.000 người sử dụng, với 20.000 người sử dụng mới mỗi tháng. Ngoài ra, hiện Vỏ Sò đã và đang triển khai "Bản đồ đặc sản", với mục tiêu lan tỏa tinh hoa đặc sản, du lịch Việt Nam đến với hàng triệu người dân Việt Nam.
Trong tương lai, Vỏ Sò sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tổ chức trong nước và nước ngoài để đồng hành cùng bà con nông dân CĐS; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ như cho phép thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, mua bán vé máy bay... trên sàn.
Chưa kể đến, để thuận tiện bán hàng trực tuyến, Vỏ Sò đã hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng chức năng mua chung để gom đơn hàng tối ưu chi phí vận chuyển, tư vấn thay đổi quy cách đóng gói, bảo quản để sản phẩm hấp dẫn hơn, dễ sử dụng, bảo quản hơn, thay vì bán miến theo kg, thì đóng túi 250 - 500 gr phù hợp với 1 gia đình thành phố ăn 1-2 lần/túi. Từ đó, mức giá được điều chỉnh hợp lý và bán được nhiều hơn.
Đề xuất "smartphone hoá" để dễ dàng CĐS cho nông dân
Theo đại diện Viettel Post, về hoạt động giải cứu nông sản, bản chất không phải là việc làm chỉn chu, để sự việc xảy ra mới đi khắc phục. Hiện Vỏ Sò đã đánh giá và hoàn thiện mô hình kết hợp với chính quyền tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để bà con thay đổi phương thức kinh doanh, xây dựng các điển hình lan tỏa ra cộng đồng (tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất có chất lượng sản phẩm tốt…). Thời gian tới, Vỏ Sò sẽ tập trung tại Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn….
Hiện tại, Vỏ Sò đã triển khai hỗ trợ được 59 tỉnh/63 tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó tổng số lượng đơn hàng đặc sản Quý 1/2021 là 56.431 đơn với giá trị hàng hóa khoảng 12 tỷ, giá trị bình quân trên 1 đơn hàng là 198.000/đơn.
Trong quá trình thực hiện, Vỏ Sò cũng gặp những khó khăn nhất định, đầu tiên là từ phía các nhà cung cấp, do đa phần là người nông dân, nên vẫn còn những hạn chế trong việc mua sắm và bán hàng trên online, vì trước đây khâu phân phối sản phẩm vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên trung gian (thương lái).
Khó khăn tiếp theo đến từ việc nhiều hộ nông dân còn chưa chuyển đổi điện thoại 2G sang 4G, Vỏ Sò đã đề xuất Bộ TT&TT chủ trì các DN viễn thông và DN sản xuất thiết bị đầu cuối có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân chuyển từ mạng 2G sang mạng 4G (hỗ trợ giá cước gói data, thiết bị đầu cuối). Bởi vì, khi được "smartphone hóa" thì bà con nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin, chủ động học hỏi và chính điều này đẩy nhanh tốc độ CĐS, phát triển kinh tế số của địa phương
"Chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế tổ chức các buổi đào tạo tập trung hướng dẫn bà con hiểu được tầm quan trọng của việc bán hàng TMĐT cũng như cách bán hàng hiệu quả", đại diện Viettel Post chia sẻ.
Khó khăn cuối cùng đến từ việc chất lượng sản phẩm đầu ra chưa được đồng đều và quy trình đóng gói bảo quản vẫn còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, Vỏ Sò sẽ hợp tác với các hợp tác xã để chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nâng giá trị hàng hóa trước khi cung ứng ra thị trường. Lấy hợp tác xã làm hạt nhân để lan tỏa mô hình, cách làm cho bà con nông dân tham khảo và tổ chức thực hiện.
Còn đối với vấn đề giao hàng, Vỏ Sò và Viettel Post đặt mục tiêu giao hàng tận tay tới người tiêu dùng chỉ khoảng 4 giờ với những đơn hàng trong phạm vi dưới 100km. Các đơn hàng trong phạm vi xa hơn, Bưu chính Viettel sẽ vận chuyển đến điểm tập kết, sử dụng công nghệ last mile – giao hàng chặng cuối để chuyển đến tay người tiêu dùng với thời gian khoảng 6 giờ từ khi thu hoạch.
Việc này sẽ giúp cho khách hàng không phải chờ đợi lâu khi mua hàng online và chất lượng sản phẩm thì được đảm bảo. ViettelPost cam kết nếu hàng hóa trên sàn đã được Vỏ Sò xác minh mà vẫn bị sai về chất lượng, quy cách vận chuyển thì sẽ đền bù gấp 10 lần.
Ngoài ra, đối với khách hàng, mặc dù mua hàng trực tiếp tại các chợ, siêu thị sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhưng đa phần các mặt hàng đặc sản khó kiếm vì không có sẵn và cũng chưa được kiểm chứng về chất lượng. Vì vậy, Vỏ Sò giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm thông qua việc kết hợp với đối tác Icheck (công ty truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm) để mang tới cho người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, với các chứng nhận quốc gia như Ocop, VietGap, Global Gap,… người mua hàng có thể mua bất cứ đặc sản nào trên tổ quốc chỉ cần ngồi ngay tại nhà.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực CĐS cho các tổ chức, DN sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".