Chuyển đổi số - Nhân tố "cần" và "đủ" để ngân hàng phát triển bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:33, 27/05/2021
Cũng nhờ có CĐS mà ngân hàng sớm hình thành, xây dựng thành công hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, toàn diện; tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Để phát huy hơn nữa các giá trị, lợi ích từ việc CĐS trong việc phát triển ngành, sau nhiều năm chờ đợi, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng, hoàn thiện ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về kế hoạch CĐS tổng thể của đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhân sự kiện ban hành ra văn bản quan trọng này, chúng ta cùng đến với các nội dung quan trọng của bản kế hoạch, để thấy rõ hơn những nỗ lực mà đơn vị này quyết tâm thực hiện để tạo ra các giá trị "thành công" từ công cuộc CĐS mang lại. Đồng thời, cũng qua đây chúng ta cùng nhìn lại những kết quả, thành tựu đạt được của ngành này để thêm sự khẳng định "điều bất biến" muốn nhanh, thành công, con đường duy nhất là phải là chủ động, hội nhập tích cực với công cuộc CĐS quốc gia - một nhiệm vụ đang được ưu tiên và là nhân tố đảm bảo cho sự phồn thịnh, hùng cường, bền vững của đất nước - điều mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân luôn đồng lòng, tin tưởng, quyết tâm thực hiện để thành công.
CĐS tạo hệ sinh thái kinh tế số cho ngân hàng
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch hướng đến đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của ngành theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về CĐS của Chính phủ.
Phấn đấu đến năm 2025, NHNN sẽ có 100% các dịch vụ công (DVC) đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4 và được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường điện tử (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện như: Đảm bảo tối thiểu: 50% các nghiệp vụ ngân hàng (tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng Internet); 60% tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%...
Đến năm 2030 ít nhất đạt: 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN; 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số…
Để thực hiện các mục tiêu này, văn bản số trên yêu cầu toàn ngành cần: Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông; người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức.
Cùng với đó, cần hiện đại hóa hạ tầng thanh toán; nâng cao khả năng kết nối, liên thông với hệ thống khác trong nền kinh tế và sẵn sàng kết nối hệ thống thanh toán tổng tức thời (RTGS) của các quốc gia trong khu vực theo lộ trình phù hợp; mở rộng và phát triển Hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ; mở rộng hệ sinh thái kinh tế số tuần hoàn và triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7; hỗ trợ xử lý các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới; kết nối, liên thông cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Một vấn đề quan trọng nữa cũng được NHNN đề cập như: Ngành sẽ chú trọng, tập trung thực hiện việc: Sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; tạo lập các nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số; có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về CNTT và kỹ năng về CĐS cho nhân lực ngành ngân hàng…
Thiết nghĩ, khi bản chiến lược mới được ban hành, toàn ngành, toàn hệ thống ngân hàng sẽ có thêm cơ hội hơn để phát triển, bởi những nội dung, yêu cầu, các khung chuẩn nêu trên được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tế - một nhân tố "cần" và "đủ" có chức năng đảm bảo cho sự phát triển, vững mạnh, bền vững. Đồng thời, đây là văn bản số quan trọng tạo đường đi "đúng đắn", quy chuẩn, chuẩn hóa hơn để đơn vị này triển khai các Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Quyết định số 810/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 11/5/2021.
9/19 nghiệp vụ ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn
Tính đến hết tháng 10/2020, các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2019; giao dịch thanh toán qua Internet đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng tính đến hết năm 2020, có đến 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã, đang xây dựng chiến lược CĐS, 39% tổ chức đã phê duyệt CĐS hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh CNTT [1].
Cũng theo báo cáo của tổ chức toàn cầu EY, khi khảo sát về CĐS trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, hiện nay ngành này đã có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược CĐS; 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai chiến lược CĐS tích hợp với Chiến lược kinh doanh; 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược CĐS; 47 - 77% ngân hàng đã triển khai thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử, chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến.
"70% các TCTD có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ: công nghệ thiết bị di động, kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng; phân tích dữ liệu, chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022, công nghệ hỗ trợ khách hàng (chatbot, trợ lý ảo…), trong đó phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất trong nghiệp vụ TCTD (trên 53% các TCTD)", Báo cáo EY nhấn mạnh.
Nói về kết quả đạt được của ngành khi triển khai CĐS, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, đến nay, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.
"Số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số luôn tăng trưởng mạnh như: Thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch; thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) xử lý 5-7 triệu giao dịch thanh toán liên ngân hàng mỗi ngày…", ông Anh cho biết [2].
Cần phải nói thêm, đơn vị này còn đạt những kết quả như: Ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu; chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử; đẩy manh thanh toán trực tuyến DVC…
Đã có 90% các giao dịch nộp thuế của DN tại các đơn vị, tỉnh, thành, địa phương thực hiện qua ngân hàng; số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo hình thức điện tử đạt 98% trên tổng số thu NSNN của ngành Hải quan; các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVC quốc gia...", báo cáo số 75/BC-NHNN về việc tăng cường thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiên mặt cũng như thanh toán DVC (Đề án 241) nêu rõ.
Đặc biệt thời gian qua, với sự tích cực, nỗ lực, Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với NHNN và các đơn vị có liên quan xây dựng đề án, các giải pháp công nghệ để trình Chính phủ cho phép triển khai dịch vụ Mobile Money. Chính phủ đã đồng ý và NHNN đã cấp giấy phép cho các DN viễn thông như: Viettel, VNPT… được phép tham gia thí điểm cung ứng dịch này.
Đây chính là hoạt động tài chính thanh toán số thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam… góp phần giúp gia tăng, phát triển các lợi ích cho nền kinh tế số quốc gia, đất nước.
Các ý kiến, đề xuất để phát triển ngân hàng số
Mặc dù, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam bước đầu khá khả quan, thuận lợi và được nhiều ngân hàng thương mại đón nhận, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi hoàn toàn các ngân hàng thương mại truyền thống sang ngân hàng số, cần có nhiều giải pháp được triển khai mạnh mẽ.
Quan điểm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, cho rằng, ngành ngân hàng cần tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong việc tăng cường: Đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số; hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để tạo ra hệ sinh thái, tận dụng lợi thế của nhau; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu bao gồm cả dữ liệu cá nhân, dữ liệu DN, công ty;hành thuận lợi, chính xác và nhanh chóng; nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT ở những vùng xa xôi, hẻo lánh; nâng cao sự hiểu biết của người dân, DN; chương trình giáo dục tài chính… [3].
Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN, để CĐS trong hoạt động ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong hiện tại và tương lai, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, nhất là khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, định danh và xác thực điện tử, cơ chế quản lý, giám sát đối với các công ty fintech... cũng như việc đảm bảo an toàn, bảo mật trước xu hướng gia tăng của các loại tội phạm trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
Bên cạnh những ý kiến trên thì việc tăng năng lực cạnh tranh cho ngân hàng số bằng nhân lực chất lượng cũng là điều bà Ngô Thúy Hân, chuyên gia tài chính, kinh tế cần lưu ý. Theo bà Hân, nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Do đó các ngân hàng cần có kế hoạch phát triển nhân lực dài hạn và đưa ra những chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân người tài thay vì chỉ tập trung vào khâu tuyển dụng đầu vào như hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững của ngành ngân hàng. "Tín hiệu đáng mừng là lãnh đạo các DN đã đánh giá đúng tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công ty cũng như có kế hoạch phát triển nhân lực dài hạn và đưa ra những chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân người tài thay vì chỉ tập trung vào khâu tuyển dụng đầu vào như hiện nay", bà Ngô Thúy Hân [4].
Như vậy, với bản kế hoạch chiến lược CĐS nêu trên, cùng các quan điểm, ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý khi ngành ngân hàng triển khai, thực hiện tốt các nội dung trên, chúng ta tin tưởng, chắc chắn mọi thành quả sẽ sớm tạo ra, đặc biệt sẽ tạo ra hệ sinh thái số - kinh tế số tuần hòan, đáp ứng đúng yêu cầu, mục tiêu của tiến trình CĐS quốc gia, phát triển đất nước ngày một giàu mạnh, hùng cường.
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/987842/ngan-hang-thanh-cong-voi-chuyen-doi-so
[2]. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lanh-dao-nhnn-chuyen-doi-so-ngan-hang-la-yeu-cau-bat-buoc-20210526114239796.htm
[3]. https://www.vietnamplus.vn/lam-sao-de-thuc-day-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang/706353.vnp
[4]. https://doanhnhansaigon.vn/quan-tri/tang-nang-luc-canh-tranh-cho-ngan-hang-so-bang-nhan-luc-chat-luong-1103720.html