Hậu Giang khẩn trương CĐS để lọt top 30 tỉnh dẫn đầu cả nước về ICT Index
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:37, 26/05/2021
Để hoàn thành mục tiêu trên, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Khẩn trương CĐS để lọt top 30 tỉnh dẫn đầu về ICT Index
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về thực hiện Kế hoạch này trong năm 2021 và các năm tiếp theo, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang, đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch, cho biết thực hiện chủ trương chung của Đảng, Chính phủ và Bộ TT&TT về CĐS, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của CĐS, ngày 02/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng CQĐT và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
"Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Tiếp đó, ngày 04/12/2020, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng CQĐT và ĐTTM tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025 với các nội dung trọng tâm là CĐS", ông Trung cho hay.
Thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cho biết thêm ngày 27/4/2021, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, là cơ sở để triển khai các nội dung cụ thể về CĐS trong thời gian tới. Hiện nay, Sở TT&TT đang tham mưu UBND tỉnh để triển khai Kế hoạch, khẩn trương cụ thể hóa, đưa chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu như hoàn thiện CQĐT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh lên môi trường số, trong đó 100% dịch vụ công (DVC) được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% cấp xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; các khu công nghiệp được phủ sóng 5G trong năm 2021. Mỗi hộ, gia đình có một mã bưu chính, có thể tra cứu địa chỉ bằng bản đồ số…
Hậu Giang sẽ hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở bằng công nghệ số; đổi mới nội dung báo chí, truyền thông nhằm tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, khát vọng phát triển, tạo ra sức mạnh tinh thần để tỉnh bứt phá vươn lên.
Hậu Giang cũng sẽ xây dựng một số ứng dụng thông minh trọng điểm trong các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường, y tế; triển khai đồng bộ các dịch vụ ĐTTM tại thành phố Vị Thanh.
"Hậu Giang CĐS các ngành, lĩnh vực, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10%; Hình thành hệ thống DN công nghệ số, tỷ trọng kinh tế số phấn đấu đạt 10% GRDP của tỉnh. Hậu Giang sẽ ưu tiên CĐS một số ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch, quản lý đô thị và phát triển kinh tế số", Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cho hay.
Nỗ lực thúc đẩy ứng dụng CNTT, CĐS
Để thực hiện kế hoạch hành động cụ thể cho cả giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, Hậu Giang đã đánh giá lại việc thực hiện ứng dụng CNTT trên địa bàn trong giai đoạn trước. Theo đó, việc xây dựng các ứng dụng, dịch vụ đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ mà cao nhất của kết quả này là phục vụ người dân, DN.
Một cách tổng quan, Giám đốc Sở TT&TT Lã Hoàng Trung cho biết, các CQNN tỉnh Hậu Giang đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng CNTT, CĐS để phục vụ người dân, DN. Một số ứng dụng điển hình được triển khai trên toàn tỉnh bao gồm:
Cổng thông tin điện tử tỉnh được xây dựng mới và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 7/2020, gồm 31 cổng thành phần của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và 5 cổng, trang độc lập của các đơn vị. Cổng được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của trung ương và địa phương, các hoạt động, sự kiện của của tỉnh, của ngành cũng được đăng tải kịp thời và chính xác, thể hiện được vai trò cung cấp thông tin chính thống của các CQNN trên môi trường mạng; đồng thời, từng bước đẩy mạnh quá trình minh bạch thông tin, phục vụ cho công tác quản lý của CQNN, và nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân.
Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến và Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh hiện đã được triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; hệ thống triển khai tập trung, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu theo hướng dẫn tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và các quy định của Bộ TT&TT về việc cung cấp DVC trực tuyến của CQNN.
"Chỉ tính trong 6 tháng cuối năm 2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC trực tuyến là 87.669 hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,1%. Thực hiện Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DVC trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia năm 2021 và chỉ đạo của Bộ TT&TT, năm 2021, Sở TTTT Hậu Giang đang phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang triển khai nâng cấp Cổng DVC trực tuyến với mục tiêu cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 3, 4", ông Trung cho hay.
Với hệ thống ứng dụng di động tỉnh Hậu Giang (Hậu Giang App), đến nay, có khoảng 5000 tài khoản đã cài ứng dụng Hậu Giang App, cho phép cho phép tra cứu thông tin về lịch công tác của Lãnh đạo Tỉnh, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh. Ngoài các ứng dụng dùng chung nêu trên, mỗi cơ quan, đơn vị đều đang triển khai các ứng dụng hỗ trợ việc tương tác với người dân, DN, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN nói chung.
Triển khai ĐTTM diện rộng
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở TTTT Hậu Giang, tháng 10/2020, Sở TTTT đã triển khai dự án Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Hậu Giang trên cơ sở nâng cấp Trung tâm CNTT-TT trực thuộc Sở TTTT.
Hiện nay, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM đang thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định để phục vụ người dân, DN, trong đó bao gồm: dịch vụ phản ánh hiện trường thông qua ứng dụng di động Hậu Giang; dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng; giám sát việc thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVC trực tuyến tỉnh...
"Những dịch vụ nêu trên bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, được DN và người dân ủng hộ (trong 11 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý hơn 500 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN)", Giám đốc Sở TT&TT cho biết thêm.
Trong năm 2021, Giám đốc Lã Hoàng Trung cho biết Sở TT&TT tiếp tục nâng cấp Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM để tích hợp giám sát thêm các dịch vụ mới như giám sát thông tin trên Internet viết về Hậu Giang; giám sát tình trạng giao thông qua hệ thống camera giao thông... nhằm phục vụ người dân, DN tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hoạt động DN.
Với những kết quả đạt được đáng khích lệ về ứng dụng xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS trong thời gian qua, xếp thứ 32 về Chỉ số Vietnam ICT Index năm 2020 và một kế hoạch xây dựng CQĐT, ĐTTM, CĐS cụ thể cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, chúng ta kỳ vọng tỉnh Hậu Giang sẽ CĐS mạnh mẽ, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người dân được hưởng lợi từ những thành quả của CĐS và bứt phá trên bảng xếp hạng Vietnam ICT Index./.