Mã định danh điện tử: Lực đẩy nâng chỉ số các DVCTT
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:21, 25/05/2021
Đến cuối năm, mã ĐDĐT cấp chủ quản phải hoànthành
Khi các đơn vị sớm thực hiện và triển khai tốt nhiệm vụ này, việc quản lý, gửi nhận văn bản trên môi trường điện tử sẽ dễ dàng, mang lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn và đây chính là sức mạnh, công cụ, lực đẩy giúp nâng chỉ số các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Vì những mục tiêu, giá trị to lớn đạt được trên, thời gian vừa qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực, khẩn trương ban hành, công bố quyết định chuẩn hóa nội dung này.
Theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hướng dẫn số 1018/2021/BTTTT của Bộ TT&TT, mốc thời gian để các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng, ban hành mã ĐDĐT đối với các cơ quan, tổ chức cấp 1 (cấp chủ quản) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Với mốc thời gian thực hiện nhiệm vụ này không còn nhiều, yêu cầu đặt ra cho các đơn vị là phải tích cực, nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng tiến độ, để sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung mã ĐDĐT và gửi về Bộ TT&TT tổng hợp, báo cáo Chính phủ (Văn bản thay đổi mã ĐDĐT chỉ thể hiện thông tin về sự thay đổi mã ĐDĐT, không lặp lại thông tin về các mã ĐDĐT không thay đổi).
"Đồng thời, đến trước ngày 15/9/2022, mã ĐDĐT của các đơn vị phải đảm bảo vận hành, sử dụng thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong hệ thống quản lý văn bản và điều hành", Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg nêu rõ.
Cần nói thêm rằng, nếu Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg thể hiện tính tổng thể về chủ trương chuyển đổi số (CĐS), hướng đến sự thống nhất, đồng bộ trong việc cải cách, quản lý hành chính theo hướng số hóa, đảm bảo vận hành hiệu quả nền hành chính công và đưa ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo sớm kết nối, chia sẻ dữ liệu, trao đổi văn bản điện tử thống nhất, liên thông trên phạm vi, quy mô toàn quốc (trước ngày 15/9/2022), thì công văn số 1018/BTTTT-THH được coi là văn bản bổ sung, hỗ trợ, đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn các đơn vị, bộ, ngành, địa phương dễ dàng thực hiện đúng trọng tâm, yêu cầu ,thực hiện nhiệm vụ này.
Trong công văn này, Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị (các cơ quan, tổ chức cấp 1) khi xây dựng, ban hành và cập nhật mã ĐDĐT cần phải đảm bảo đầy đủ các trường thông tin như: Tên cơ quan, đơn vị; đại chỉ cơ quan, đơn vị; địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ trang/cổng thông tin điện tử…
Đặc biệt, khi mã ĐDĐT đã cấp cho một cơ quan, đơn vị nhưng không còn được sử dụng thì phải đóng mã và không sử dụng mã này để cấp lại cho cơ quan, đơn vị khác; trong trường hợp khi đã được cấp mới, các mã ĐDĐT (trong vòng 07 ngày) phải đầy đủ dữ liệu để cập nhật vào Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước (CQNN) phục vụ phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam.
Mã ĐDĐT giúp nâng cao chỉ số sử dụng Cổng DVC quốc gia
Gắn với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu, mục tiêu đề ra, vừa qua các đơn vị như các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam... đã ban hành Quyết định về việc nội dung này.
Theo đó, Bộ TN&MT ban hành Quyết định 75/2021/QĐ-BTNMT, thay thế Quyết định số 2180/2018/QĐ-BTNMT, quy định các cơ quan, tổ chức cấp 1 (04 đơn vị); cấp 2 (41 đơn vị); cấp 3 (385 đơn vị); cấp (4235 đơn vị).
Việc đơn vị này ban hành mã ĐDĐT cho toàn ngành sẽ góp phần phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho người dân, DN được dễ dàng, thuận lợi. Đồng thời, việc chuẩn hóa quy trình mã số này tạo ra quy trình quản lý, nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc đổi mới, cải cách TTHC, tạo giá trị, hiệu suất công việc cao trong hoạt động ngành trên môi trường mạng.
Cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ KH&ĐT ban hành Quyết định 522/QĐ-KHĐT, quy định mã ĐDĐT đơn vị: Cấp 1- Bộ KH&ĐT (mã G05); 36 đơn vị cấp 2 (mã G05.01 đến G05.36); 103 đơn vị cấp 3 (mã G05.20 đến G05.25.87); 659 đơn vị cấp 04 (mã G05.25 đến G05. 25.87.08).
Với Quyết định này, đây được xem là văn bản thể hiện quyết tâm của Bộ KH&ĐT khi thực hiện nhiệm vụ trước đó Chính phủ giao cho đơn vị này (tại khoản 2 Điều 10 Quyết định 20/2020/QĐ-TTg), Bộ KH&ĐT sớm phải xây dựng, hoàn thiện việc lưu trữ, quản lý mã ĐDĐT của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và bảo đảm không trùng lặp giữa các đối tượng, đồng thời thường xuyên cập nhật, chia sẻ dữ liệu với Bộ TT&TT.
Mã ĐDĐT của các bộ, ngành, địa phương là chuỗi ký tự có độ dài tối đa là 35 ký tự và được chia thành các nhóm ký tự. Các ký tự gồm: dấu chấm (.), các chữ số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh). Mỗi nhóm ký tự được sử dụng để xác định các cơ quan, tổ chức tại cấp tương ứng; các nhóm ký tự được phát triển từ trái qua phải và được phân tách với nhau bằng dấu chấm.
Đánh giá về việc Bộ KH&ĐT xây dựng, hoàn thiện mã ĐDĐT cho các đơn vị thuộc ngành mình quản lý, theo quan điểm nhận xét của một số chuyên gia, đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa giúp tăng cường quy trình hóa số, thúc đẩy, cung cấp các DVCTT ngày chất lượng; tăng tính năng động DVCTT; giảm sự trùng lặp hành chính giữa các CQNN; đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, sẵn sàng của các DVCTT…
Cũng nhằm tạo ra sự đồng bộ, số hóa ngành mình, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 414/2021/QĐ-BHXH thay thế Quyết định số 1097/QĐ-BHXH để quản lý thống nhất mã ĐDĐT, đảm bảo lưu trữ, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu điện tử dùng chung với của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Đơn vị này quy định mã ĐDĐT đơn vị cấp 1 – BHXHVN (mã G24); 125 đơn vị cấp 2 (mã G24.101 đến G24.093); 620 đơn vị cấp 3 (mã G24.001.01 đến G24.096.09).
Với tổng thể 746 đơn vị thuộc 03 cấp ngành BHXH Việt Nam được cấp mã ĐDĐT, chúng ta hoàn toàn có cơ sở, niềm tin đây chắc chắn sẽ là nền tảng để toàn ngành đổi mới hiện đại trong quản lý, điều hành; cải thiện công tác quản lý bệnh nhân; quản trị bảo hiểm; thu thập dữ liệu; tạo ra sự minh bạch, thống nhất… đặc biệt, từ sự chuẩn hóa này sẽ giúp ngành phát huy những ưu điểm, tích cực, hướng đến phục vụ người dân, DN ngày càng tham gia, tin tưởng các chính sách BHXHVN trong hiện tại và tương lai.
Nói về các lợi ích của việc cần thiết phải ban hành mã ĐDĐT của các ngành, đơn vị, chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, tại một cuộc hội thảo "Định danh và xác thực điện tử trong phát triển CPĐT hướng tới CPS và nền kinh tế số", ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt cho rằng đây chính là một hoạt động đồng bộ số cần thiết và có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai để xác thực và định danh số, đây là những yếu tố cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên môi trường mạng.
"Khi các đơn vị, tổ chức chuyển sang môi trường giao dịch điện tử thì cần phải có quy định pháp lý để định danh chính xác một tổ chức thực hiện giao dịch trên môi trường mạng. Nói cách khác, khi mã ĐDĐT được công bố, ban hành, đây chính là một sự chứng nhận, giấy khai sinh số cho chính các tổ chức đó trên môi trường mạng", ông Achim Fock nhấn mạnh.
Nói về lợi ích của việc ban hành mã ĐDĐT, ông Lã Hoàng Trung, nguyên Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho rằng, đây là nhân tố quan trọng, giúp đảm bảo, phục vụ hiệu quả quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số; lực đẩy nâng cao chỉ số DVCTT.
Ngoài ra, khi mã ĐDĐT, các CQNN được thông nhất, điều này sẽ giúp người dân, tổ chức, DN khi tham gia giao dịch không cần trực tiếp đến cơ quan cung cấp DVC, dễ dàng sử dụng DVC một cách thuận tiện, nhất là các DVCTT; đồng thời, giúp ĐDĐT có thể được sử dụng cả cho các giao dịch trong khu vực tư nhân.
Như vậy với các lợi ích mang lại, thì giờ đây, các đơn vị cần sớm phải ban hành bổ sung, sửa đổi mã ĐDĐT để thống nhất, nhất quán, quy chuẩn số hóa đồng bộ - điều cần thiết, lực đẩy đảm bảo nâng cao hiệu quả, chỉ số sử dụng Cổng DVC quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ này, chắc chắn chúng ta thu được nhiều giá trị, lợi ích to lớn, giúp vận hành hiệu quả nền tảng cho khu vực công - nền tảng định danh số; rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu xây dựng, vận hành hiệu quả Chính phủ số, CPĐT kiến tạo, văn minh hiện đại, vững mạnh trong tiến trình CĐS quốc gia.