Chủ tịch FPT chia sẻ những "bí kíp" để chuyển đổi số thành công
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:24, 23/05/2021
"Nguy" hơn nữa nếu không CĐS
Chia sẻ ý kiến mới đây với các DN trung ương về xây dựng chiến lược CĐS, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết: Vào thời điểm này, 10 DN trên thế giới thì 9 DN bắt đầu làm CĐS, và trong 9 DN làm CĐS thì có 7 DN thất bại nên có nhiều DN lo ngại CĐS là có lý do.
Nhưng cũng theo Chủ tịch FPT: "Làm CĐS cũng nguy, không làm CĐS còn nguy hơn nữa".
Theo đó, Chủ tịch FPT chia sẻ một số "bí kíp" khi DN thực hiện CĐS. Đó là, khi CĐS DN cần thực hiện theo quy tắc 3 chữ "H" gồm Heart (Trái tim), Head (Bộ não), Hand (Đôi tay), tức là bắt đầu từ khát vọng và ý chí, sau đó đến tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và cuối cùng là triển khai vào thực tế.
Tiếp theo là 3 chữ "S" gồm: Strategic Thinking (Tư duy chiến lược), Start smart (Khởi đầu thông minh), Scale fast (Thành công thì nhân rộng nhanh). CĐS phải tính toán việc chọn điểm rơi tốt nhất, nghĩa là mang lại doanh thu cao hơn, dễ làm.
Ông cũng chia sẻ: "Làm CĐS phải có cộng đồng. Cộng đồng sẽ giúp có những cơ hội chia sẻ thường xuyên. Cộng đồng giúp tạo ra nội dung, dữ liệu. Dữ liệu là không giới hạn mà CĐS là cần dữ liệu, theo đó, quá trình CĐS là vô hạn. Dữ liệu làm cho trí tuệ nhân tạo (AI) gần gũi với con người. Đây là những "tip" triển khai CĐS".
Theo ông Bình, CĐS đã và đang trở thành chủ đề lớn trong đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tầm quan trọng và quyết tâm thực hiện CĐS của Chính phủ đã được thể hiện ở "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" cũng như thực tế hoạt động của các DN, tổ chức trên cả nước.
Khảo sát của McKinsey cho thấy 76% lãnh đạo các DN được hỏi có kế hoạch hoặc đã tăng cường ứng dụng CNTT để thích ứng với bình thường mới. Trong đó, các DN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, y tế, bán lẻ và tiêu dùng có tỷ lệ ứng dụng cao nhất, tương ứng 85%, 82%, 81% và 79%.
FPT thực hiện CĐS như thế nào?
Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT có 700 khách hàng quốc tế, trong đó có 70 khách hàng trong top 500 DN lớn trên thế giới, có thể kể đế những "tên tuổi" như Airbus, Boeing, Toyota, Ford…
Với hoạt động phủ rộng toàn cầu của FPT, ông Bình cho biết FPT đã có một ứng dụng "My FPT" để biết được các hoạt động kinh doanh của từng đơn vị trên toàn cầu ở thời gian thực. Từ những dữ liệu thời gian thực, lãnh đạo FPT có thể so sánh hiệu quả hoạt động của một đơn vị năm nay so với cùng kỳ năm ngoái và so sánh giữa các đơn vị. Việc báo cáo hành động, "chỉ huy" một đơn vị phải được thực hiện theo thời gian thực, tình huống cụ thể để đưa ra quyết định đúng thời điểm và phải có người chịu trách nhiệm.
Tiếp theo, DN phải trở thành DN thời gian thực, phải dự báo được hiệu quả ngày mai. Khi có số liệu có thể ứng dụng AI, dự báo doanh thu và việc này hoàn toàn không giấy tờ.
Ông Bình cũng đề xuất khi CĐS thấy công việc nào của DN mà máy móc có thể làm được theo kiểu lịch trình (routine), lặp đi lặp lại thì cương quyết để máy móc thực hiện. TPBank là một ví dụ điển hình. Mấy năm qua, lợi nhuận TPBank tăng 3 lần và không tuyển thêm một người nào. Một robot có thể thay thế công việc của 50 người làm theo lịch trình. TPBank đã mua vài trăm robot hay bot và sắp tới sẽ mua thêm hơn 200 robot nữa. Với sự hỗ trợ của robot, DN, tổ chức hoạt động phải cố gắng tiến tới chi phí gần bằng 0.
Người đứng đầu FPT cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm của FPT là mỗi năm phải làm lại quy hoạch tương lai về kinh doanh (business), công nghệ, con người. "Phải đánh giá công nghệ sẽ ảnh hưởng thế nào đến tổ chức của mình. Từng năm mỗi DN phải tiến hành đánh giá việc này".
Công việc tiếp theo DN cần thực hiện là phải thực hiện quy hoạch các nhiệm vụ trọng yếu (Critical Operation Task - COT). "Nhiệm vụ trọng yếu thì phải làm. Tất cả các đơn vị thành viên thuộc FPT phải có ít nhất 9 nhiệm vụ trọng yếu để thực hiện quy hoạch tương lai", ông Bình chia sẻ.
Sau khi làm nhiệm vụ trọng yếu rồi, ông Bình cho biết cần phải tiến hành khoán, khoán trước một đơn vị, rồi năm sau khoán toàn bộ DN. Chiến lược của FPT còn tập trung vào DDCC - Data driven Communication và Customer Center, có nghĩa là phải tập trung vào thông tin, dữ liệu của khách hàng để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Hỗ trợ các DN, địa phương CĐS
Không chỉ CĐS cho mình, trong thời gian qua, FPT đã đồng hành cùng Chính phủ, nhiều địa phương và các DN trên cả nước thúc đẩy quá trình CĐS, hướng đến mục tiêu phát triển quốc gia số, kinh tế số, xã hội số. Với phương pháp luận FPT Digital Kaizen, FPT có thể tư vấn, hoạch định chiến lược, phương thức và triển khai CĐS một cách hiệu quả nhất cho các tổ chức, DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hiện FPT là đối tác chiến lược và quan trọng tư vấn và triển khai CĐS cho nhiều DN lớn như Minh Phú, MobiFone, EVN, Thiên Long, Sovico, TPBank….
Mới đây nhất, ngày 7/5, FPT đã ký kết thỏa thuận với UBND tỉnh Bình Định lập quy hoạch tỉnh Bình Định, đưa nơi đây trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung và trung tâm AI hàng đầu khu vực.
Cùng với việc hỗ trợ tỉnh Bình Định lập quy hoạch, FPT cũng đề xuất đồng hành với tỉnh trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT nói chung và AI nói riêng.
FPT đã mở phân hiệu Trường Đại học FPT tại Bình Định đào tạo các cấp đại học, sau đại học, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học tập, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của khoảng 5.200 sinh viên.
Trước đó, FPT cũng đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới - Mila trong vòng 3 năm (2020 - 2023). Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác này là dựa trên sự tư vấn và bề dày kinh nghiệm của Mila, hai bên sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới tại Quy Nhơn.
Dự án AI của FPT tại Quy Nhơn có quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. Dự án bao gồm các công trình như trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu AI, cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm và các công trình phụ trợ khác.
Ngoài ra, FPT cũng đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thừa Thiên Huế… và nhiều địa phương trong việc đưa ra đề xuất, tư vấn triển khai chiến lược CĐS cho tỉnh và các DN trên địa bàn. Theo đó, FPT đã đưa ra cách tiếp cận tổng thể để xây dựng 4 trụ cột CĐS. Đó là CĐS DN và ngành nghề, chuyển đổi số chính quyền, CĐS đô thị và sự chuyển đổi của chính mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội.