Bắc Giang chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid19
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:46, 21/05/2021
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với những kịch bản được dự báo trước.
Theo đó, kịch bản 1, dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn). Với tình huống này, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; DN chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…
Kịch bản 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TPHCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.
Kịch bản 3, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Theo đó, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước, tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu (gồm: Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty Thực phẩm Á Châu…) 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.
Để thực hiện tốt các phương án tiêu thụ vải thiều này, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh chủ động tổ chức tốt hoạt động quảng bá, chương trình kết nối cung cầu vải thiều tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên và các sở, ngành liên quan để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc sang khảo sát, thu mua vải thiều tại Bắc Giang; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu quả vải thiều như: Tem, nhãn, bao bì theo quy định của nước nhập khẩu...
Riêng Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang giao tiếp tục hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc vải đúng quy trình, bảo đảm vải thiều được sản xuất tại các vùng như: Lục Ngạn, Tân Yên có chất lượng vượt trội, không có dịch bệnh, an toàn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đồng thời, để giúp việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được thuận lợi, gỡ khó về đầu ra cho DN, HTX và nông dân; UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có công văn số 191 báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tinh, thành phổ trực thuộc trung quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển các sản phầm nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng. Về đề nghị này, UBND tỉnh Bắc Giang cam kết những sản phẩm của tỉnh chuyển đi tiêu thụ đảm bảo an toàn dịch bệnh (Có giấy chứng nhận: Xe vận chuyển được khử khuẩn, lái xe và người giao hàng được xét nghiệm an toàn, khỏe mạnh).
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, khuyến khích các DN, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố tích cực tham gia tiêu thụ nông sản của Bắc Giang; các cơ quan thông tin truyền thông Trung ương thông tin, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về các nông sản của Bắc Giang đặc biệt là các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP. các sản phẩm an toàn dịch bệnh... để các doanh nghiệp, tư thương, người dân trong và ngoài dược biết, tin tưởng sử dụng.