Ứng dụng công nghệ số: Nông dân tiêu thụ vải Thanh Hà theo cách mới

Kinh tế số - Ngày đăng : 21:45, 18/05/2021

Theo Bưu điện Hải Dương, ngày đầu lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart, vải thiều Thanh Hà tiêu thụ hơn 200kg.

4 sàn TMĐT "bắt tay" thu mua nông sản Hải Dương

Ngày 18/5, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương.

Hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện kết nối, tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) năm 2021 của tỉnh Hải Dương. Đây là dịp để các doanh nghiệp (DN), cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp các đơn vị liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho DN trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng thị trường, đồng thời mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, ngay sau khi khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam, đại diện 4 sàn TMĐT gồm: Postmart.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương.

Ứng dụng công nghệ số nông dân tiêu thụ vải Thanh Hà theo cách mới - Ảnh 1.

4 sàn TMĐT lớn bắt tay tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương

Theo báo cáo nhanh của Bưu điện tỉnh Hải Dương, trong ngày đầu tiên giới thiệu vải thiều Thanh Hà lên sàn TMĐT Postmart đã tiêu thụ được 200kg vải. Toàn bộ vải trên sàn TMĐT Postmart đều được có nguồn gốc truy xuất rõ ràng, được Bưu điện tỉnh, huyện Thanh Hà thu gom từ nhà cung cấp để chuyển đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tươi ngon như mới thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hải Dương đã chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, vừa thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Năm nay việc kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Ứng dụng công nghệ số nông dân tiêu thụ vải Thanh Hà theo cách mới - Ảnh 2.

Việc đưa nông sản nói chung và vải thiều nói riêng lên sàn TMĐT sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương, đồng thời góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cân kho bãi, đảm bảo yêu cầu kinh doanh TMĐT, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.

Theo Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương, để người dân thành thạo đưa vải lên sàn TMĐT Postmart, Bưu điện tỉnh Hải Dương đang triển khai các các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả.

Cùng với vải Thanh Hà, hiện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã đưa hàng chục nông sản khác của tỉnh Hải Dương lên sàn TMĐT Postmart.

"Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn. Sàn Postmart sẽ là công cụ hữu hiệu để kết nối các nhà sản xuất với người tiêu dùng. Với nền tảng này, người dân có thêm một cách bán hàng mới, có tính ổn định cao hơn, đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm của mình", Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương chia sẻ thêm.

Trước đó, trong đợt dịch Covid-19 hồi tháng 3/2021, sàn TMĐT Postmart đã góp phần kết nối và tiêu thụ hàng chục tấn rau củ cho nông dân toàn tỉnh với người tiêu dùng trên cả nước.

Chung tay hỗ trợ bà con "lên sàn"

Với nhiều người nông dân khái niệm TMĐT giờ đây đã không còn xa lạ, tuy nhiên, việc mua sắm, nhất là đưa các sản phẩm của hộ gia đình bán trên sàn TMĐT vẫn chưa trở thành thói quen của nhiều người. Để giúp người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa có thêm một phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mới, BĐVN đã cử nhân viên xuống từng địa bàn để hỗ trợ trực tiếp người dân bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.

Ứng dụng công nghệ số nông dân tiêu thụ vải Thanh Hà theo cách mới - Ảnh 3.

Hướng dẫn bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn Postmart

Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu Tổng công ty BĐVN, bên cạnh việc phát triển và đẩy mạnh các nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn TMĐT Postmart, đội ngũ vận hành sàn đặc biệt quan tâm đến việc phổ biến, cung cấp và hướng dẫn cho người dân đưa các sản phẩm hàng hóa lên sàn.

"Việc định hướng, tạo thói quen bán hàng qua sàn TMĐT cho bà con nông dân được xem là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của người dân tại thị trường nội địa", ông Lê cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Lê, một trong những khó khăn hiện nay là phần lớn bà con nông dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ cũng như chưa từng tiếp xúc với bán hàng online nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn. Thậm chí, nhiều hộ gia đình có sản phẩm đã định vị được thương hiệu cá nhân tại địa phương nhưng vẫn không muốn thay đổi cách tiêu thụ hàng hóa.

Để tháo gỡ khó khăn này, các nhân viên bưu điện một mặt kiên trì giải thích chi tiết về những lợi ích, hiệu quả của việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, một mặt hướng dẫn tỉ mỉ cách thức, quy trình đưa hàng lên sàn Postmart. Không chỉ một vài lần, có những hộ gia đình, nhân viên bưu điện phải hướng dẫn nhiều lần người dân mới từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tạo thói quen hàng ngày vào kiểm tra gian hàng và cập nhật các thông tin, hình ảnh mới cho gian hàng của mình.

"Việc hướng dẫn cho bà con nông dân sẽ không chỉ giới hạn trong thời gian ngắn, mà sẽ tiếp tục được mở rộng thành các buổi đào tạo cho cả đối tượng là lực lượng bán hàng của bưu điện tỉnh, một số cơ quan, tổ chức phối hợp và các hộ kinh doanh đặc thù", ông Lê cho biết.

Ứng dụng công nghệ số nông dân tiêu thụ vải Thanh Hà theo cách mới - Ảnh 4.

Dưa hấu Quảng Bình là 1 trong 3 loại nông sản có tính mùa vụ đầu tiên được BĐVN chọn hỗ trợ tiêu thụ qua sàn Postmart trong chiến dịch mới nhất

Chị Ngọc Anh - nhân viên Bưu điện tỉnh Quảng Bình chia sẻ, hồi đầu mới trao đổi, đa số bà con sẽ có nhiều băn khoăn, lo ngại về việc bán hàng trên sàn sẽ vấp phải các khó khăn. Nhiều người thắc mắc làm thế nào để chụp được bức ảnh đẹp của sản phẩm, giới thiệu về sản phẩm như thế nào cho đầy đủ thông tin, cách thức trao đổi với khách hàng, việc vận chuyển hàng để đảm bảo tươi ngon từ ruộng vườn nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng…

"Khi mình giải thích kĩ cho bà con về những lợi ích và hiệu quả của việc bán hàng trên sàn TMĐT cũng như cách thức để đăng ký và bán hàng trên sàn Postmart, bà con đều chú tâm ghi chép để nhớ cách làm. Khi đã làm thực tế, nhiều bà con phản ánh rằng thực ra việc đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT không khó mà lợi ích thu được lại rất nhiều", chị Ngọc Anh cho biết thêm.

Không chỉ hướng dẫn trực tiếp các hộ gia đình, từ đầu năm 2021 đến nay, BĐVN cũng tập trung đầu tư nâng cấp các công cụ hỗ trợ trên sàn, bao gồm cả công cụ hỗ trợ bán hàng, nhằm giúp chủ hộ kinh doanh, nhà cung cấp và bà con nông dân có phương thức kinh doanh dễ dàng nhất để phát triển và gia tăng sản lượng hàng hóa, tiêu thụ, nâng cao doanh thu và lợi nhuận.

Riêng đối với mặt hàng có tính mùa vụ như hoa quả, rau củ thời gian thu hoạch và sử dụng không dài, BĐVN sẽ tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới trải rộng, nguồn nhân lực đông đảo và đặc biệt là hệ thống phương tiện thu gom, vận chuyển để phát nhanh chóng các sản phẩm. Qua đó vừa đảm bảo tối ưu hóa chi phí vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi, sạch đến tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Quy trình triển khai đưa nông sản vận chuyển đến tay người tiêu dùng đã được tối ưu thông qua việc triển khai việc chuyển phát trực tiếp từ Bưu cục các tỉnh. Quy trình thu gom sản phẩm sẽ được tối ưu về mặt thời gian, khi phát sinh đơn hàng, Bưu cục có thể tiến hành lấy hàng và giao hàng ngay cho người mua, không tốn quá nhiều thời gian thu gom như trước đây, đảm bảo được độ tươi ngon cho mặt hàng theo thời vụ, hoa quả khó bảo quản lâu.

Ngoài ra, các nhân viên Bưu điện còn hướng dẫn về quy cách gói bọc, vận chuyển hàng hóa theo quy định chuẩn của dịch vụ bưu chính để đào tạo, hướng dẫn cho người dân là các nhà cung cấp cá nhân biết cách giữ được độ tươi ngon của đặc sản, nông sản theo mùa, hoa quả nói riêng và thực phẩm nói chung./.

HL